“BỘ BA DUY TÂN QUẢNG NAM” VÀ SỰ NHẦM LẪN CỦA C-HARLES

Thứ sáu - 13/07/2012 03:39

“BỘ BA DUY TÂN QUẢNG NAM” VÀ SỰ NHẦM LẪN CỦA C-HARLES

Khâm sứ Trung kỳ C-harles đã nhầm lẫn hay cố ý khi cho rằng “bộ ba Quảng Nam (QN)”, ngoài Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng là Nguyễn Thành chứ không phải Trần Quý Cáp?
                                                     “Bộ ba Duy Tân Quảng Nam” (từ trái sang): Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp
 
C-harles đã nhầm lẫn như thế nào?
  Năm 1913, trong một báo cáo gửi Toàn quyền Đông Dương, Khâm sứ Trung kỳ C-harles (trước đó là Công sứ tỉnh QN) đã viết: “… Tiếp đó là một cuộc vận động khá rộng rãi phê phán có hệ thống về nền cai trị của chúng ta đối với bản xứ, được tiến hành do những kẻ nổi loạn dưới danh nghĩa Cường Để; hoặc những người xúi giục, truyền bá những bài văn phỉ báng của Phan Châu Trinh, và của nhóm Duy Tân ở QN (NV nhấn mạnh)” (Thư khố Toàn quyền Đông Dương, Hồ sơ ANOM_GGI_9588, tài liệu số 3 tr.17 - Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại, Aix-en-Provence, Pháp).
Trước đó, trong nhiều văn bản từ năm 1906 - 1908, Công sứ C-harles đã nhắc đi nhắc lại những hoạt động của phong trào Duy Tân từ khi phôi thai cho đến đỉnh cao là cuộc dân biến ở Trung Kỳ năm 1908. Chỉ mãi đến năm 1913, khi đã lên làm Khâm sứ Trung Kỳ, C-harles mới sử dụng đến cụm từ “nhóm Duy Tân QN” để nói về những người cầm đầu, khởi xướng phong trào Duy tân ở đây.
   Nhưng, nhóm Duy Tân QN là những ai? Trong nhiều tài liệu nghiên cứu của Pháp vào những năm đầu thế kỷ XX cũng chỉ nhắc đến người đứng đầu là Phan Châu Trinh, khi nói đến “những nhà chủ trương cải cách”. Còn những người còn lại của “nhóm Duy Tân QN” thì chưa có sự thống nhất.
Trong tác phẩm “Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới”, tập I (NXB Đà Nẵng, 2001), tác giả Lê Thị Kinh đã giới thiệu những báo cáo của C-harles, trong đó có điều thú vị mà chúng tôi cho là một sự nhầm lẫn của ông về những nhân vật trong nhóm “các nhà cải cách”, sau này ông gọi là “nhóm Duy Tân QN”. C-harles viết: “Thủ lãnh thực sự của hội kín QN là Phó bảng Phan Châu Trinh, Tiến sĩ Huỳnh Thúc Hanh (tức Kháng) và Ấm Hàm (Tiểu La Nguyễn Thành - ĐNCT) là một thủ lĩnh phiến loạn đã quy hàng”.
Thực tế, Tiểu La Nguyễn Thành là đồng sáng lập ra “phái Bạo động” cùng với Phan Bội Châu. Trong khi đó, “phái Duy Tân” (còn gọi là “phái Cải cách”) của Phan Châu Trinh, với chủ trương vận động cải cách toàn diện để tạo nội lực quốc dân, đấu tranh hợp pháp buộc thực dân phải thay đổi chính sách… Tuy hai phái “có sự đoàn kết nhất định”, nhưng không thể ghép Nguyễn Thành vào những người cầm đầu “nhóm Duy Tân QN” như ngài C-harles đã viết.
“Nhóm Duy Tân Quảng Nam
  “Bộ ba QN” hay “ba bậc đại khoa xứ Quảng” là cụm từ mà các tác giả cuốn Tìm hiểu con người xứ Quảng (Nguyên Ngọc chủ biên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy QN, 2004) đã sử dụng để định danh nhóm nhân vật đặc sắc khởi xướng phong trào Duy Tân, “một bước chuyển vĩ đại trong quá trình tìm đường cứu nước của dân tộc ở đầu thế kỷ XX” (sđd, tr.115, 119). Nhưng cụm từ “bộ ba QN” chính là cách gọi của Hồ Tá Khanh trong Thông sử Công ty Liên Thành. Còn các tác giả sđd đã sáng tạo thêm cụm từ sau để vinh danh “bộ ba QN” gồm các chí sĩ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng.
Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu nêu rõ sự ra đời và sự gắn kết của “bộ ba QN” như thế nào. Ở đây, chúng tôi xin lưu ý đặc biệt đến cuốn “Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới” - công trình nghiên cứu công phu của tác giả Lê Thị Kinh về “bộ ba QN” mà có lúc bà đã gọi đầy đủ là “bộ ba Duy Tân QN”. Ở trang 29, tập I sđd, bà nhận xét: “Bộ ba Duy tân QN” chắc chắn đã hình thành từ năm 1903 qua những cuộc gặp gỡ trao đổi tại Huế và tại quê hương. Tiếp đó, bà nêu tóm tắt về từng nhân vật trong “bộ ba Duy Tân QN” là: Phan Châu Trinh (1872 - 1926), Trần Quý Cáp (1870 - 1908) và Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947).
Riêng về Trần Quý Cáp, sau khi mô tả con người, nhân cách và tài năng của ông, tác giả Lê Thị Kinh viết: “Chính thực dân Pháp cũng đánh giá cao Trần Quý Cáp nên sau vụ    “làm đúng thủ tục, giao triều đình Huế xử các vị đại khoa” mà không giết được Phan Châu Trinh, khâm sứ Lévecque đã đích thân chỉ đạo giết Trần Quý Cáp ngay tại Khánh Hòa chứ không đưa về Huế”.
   Tác giả C-harles Fourniau, trong cuốn “Vietnam, domination coloniale et résistance nationale (1858 - 1914)” (Tạm dịch: Quyền uy thực dân và sự phản kháng dân tộc (1858 - 1914), ở trang 702 có dẫn lại nhận định của cụ Huỳnh Thúc Kháng về phong trào chống thuế ở Trung Kỳ, và gọi cụ Huỳnh là “một trong các bậc đại Nho của Quảng Nam cùng với Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp”. Qua trang 703, tác giả sau khi viết về sự đàn áp đẫm máu của chế độ thực dân lúc đó, đã nhắc lại vụ xử án Trần Quý Cáp như một điển hình về sự tàn bạo.
Thử lý giải sự “nhầm lẫn” của C-harles
   Như đã viết ở trên, dường như C-harles không biết về một thủ lĩnh thực sự của “nhóm Duy Tân QN” là Trần Quý Cáp. Có thể đó là sự thật. Nhưng, đúng như tác giả Lê Thị Kinh viết “tin tức về Trần Quý Cáp và vụ trảm quyết đối với ông bị bưng bít kỹ”, cho nên các tài liệu thời đó hầu như không có những chi tiết gì về ông. Ngược lại, những tin tức về Tiểu La Nguyễn Thành thì có thể tìm thấy ngay các tập tài liệu khá dày của Mật thám Pháp lúc đó.
Đọc kỹ các tài liệu này, chúng tôi băn khoăn: tại sao một nhân vật ít hoạt động sôi nổi, ít lộ diện như Nguyễn Thành, lại được chúng theo dõi rất kỹ, ghi chép về lai lịch, hoạt động, trong đó có mối quan hệ với Phan Bội Châu được ghi lại và báo cáo kỹ càng. Trong khi đó, một người hoạt động rất sôi nổi, rất đàng hoàng, công nhiên như Trần Quý Cáp, lại không thấy được cấp dưới báo cáo lên cho cấp trên để đưa vào những báo cáo tổng hợp đáng lưu ý? Chỉ đến khi Phan Châu Trinh ra khỏi nhà tù Côn Đảo, viết thiên bút ký đặc sắc “Trung kỳ dân biến tụng oan thỉ mạt ký”, dư luận mới nói nhiều đến Trần Quý Cáp với bản án oan khiên của ông?
Hệ thống mật thám và cả các quan chức Pháp từ Công sứ đến Khâm sứ Trung Kỳ không thể không biết rõ về Trần Quý Cáp. Những buổi diễn thuyết sôi sục cũng như những hoạt động khác của ông đã làm kinh động dân tình cả một vùng, khiến cho cả Nam triều lẫn Khâm sứ Trung Kỳ đều mất ăn mất ngủ. Có thể suy đoán rằng: Các hoạt động hết sức đặc sắc, độc đáo, nổi bật, nhưng cũng hết sức công khai, quang minh chính đại của ông đã làm cho kẻ thù không còn có thể chịu đựng được nữa, chúng buộc phải dùng thủ đoạn tàn bạo để loại trừ ông ngay.
  Chính vì thế, sự nhầm lẫn của C-harles trong việc gọi đích danh những người đứng đầu “nhóm Duy Tân QN” mà lại không nhắc đến Trần Quý Cáp, là một mưu đồ, im lặng chờ cơ hội để bất ngờ loại trừ ông.
Cơ hội đã đến khi ông vừa mới bị điều chuyển từ Thăng Bình (QN) vào làm giáo thụ ở Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Lúc ông đang say sưa tiến hành những hoạt động cải cách duy tân một cách hợp pháp, dưới danh nghĩa là thực thi những điều mà nhà cầm quyền Pháp khuyến khích, chỉ cần một bằng chứng rất mơ hồ, các nhà chức trách thực dân đã chộp lấy coi như một chứng cớ hiển nhiên về tội làm loạn để loại trừ ông.
Sự loại trừ ấy đã tiến hành đúng như hành động của những kẻ hèn hạ núp trong bóng tối rình mò để ra tay tàn độc khi người ta bất ngờ nhất!

Niên biểu Trần Quý Cáp
 
     - 1870: Chào đời tại làng Bất Nhị, thôn Thai La, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
     - 1895: Được bổ vào học sinh trường tỉnh, nổi danh học giỏi.
     - 1903: Đi thi Hương, nổi danh ở trường Nhất, trường Nhì, nhưng vào trường Ba lại hỏng.
     - 1904: Được đặc cách cho thi Hội rồi thi Đình, đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn, cùng khoa với Huỳnh Thúc Kháng và Đặng Văn Thụy.
     - 1905: Cùng với các đồng chí là Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng vào Nam hô hào công cuộc Duy Tân.
     - 1906: Làm Giáo thụ ở phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, mở một lớp chữ Pháp trong trường, rước thầy về dạy học sinh. Bọn quan lại cựu học không ưa, liền tìm cách đổi ông vào Khánh Hòa.
     - 1908: Nổ ra cuộc kháng thuế ở Quảng Nam. Trần Quý Cáp bị bắt giam và khép tội mưu phản, bị chém ngang lưng (“yêu trảm”) vào ngày 17 tháng 5 năm Mậu Thân, nhằm ngày 15-6-1908 bên cầu Phước Thạnh, sông Cạn, tỉnh Khánh Hòa.
     - 1925: Môn đệ của ông là Trần Huỳnh Sách cùng thân nhân đưa di hài ông về cải táng tại nghĩa trang Gò Bướm, làng Bất Nhị quê nhà, nay thuộc xã Điện Phước.
     - 1938: Nhân dân tỉnh Quảng Nam và huyện Điện Bàn đã quyên góp xây dựng lại lăng mộ khá khang trang.
     - 1970: Nhân sĩ, thân hào, trí thức và nhân dân Ninh Hòa (nơi ông bị xử chém) xây dựng đền thờ ông nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.
     - 1994: Lăng mộ ông được huyện Điện Bàn và gia đình, gia tộc Trần Văn làng Bất Nhị xây dựng lại theo kiến trúc cũ ở Khánh Hòa.
     - 2000: Lăng mộ ông được công nhận là Di tích Văn hóa - Lịch sử cấp quốc gia.

LÊ HUỲNH (tổng hợp)



Tác giả: NGUYỄN TRƯƠNG ĐÀN

Nguồn tin: baoquangnam.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây