NGUYỄN TẤN ƯNG - NGƯỜI CON CỦA LÀNG MỘC KIM BỒNG

Thứ sáu - 13/07/2012 03:25

NGUYỄN TẤN ƯNG - NGƯỜI CON CỦA LÀNG MỘC KIM BỒNG

Đó là đồng chí Nguyễn Văn Tấn, tên thật là Nguyễn Phe, bí danh là Nguyễn Tấn Ưng, sinh ngày 01 tháng 5 năm 1918 tại làng mộc Kim Bồng (nay là xã Cẩm Kim - TP. Hội An).
Hơn 90 tuổi đời, 70 tuổi Đảng, đi qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, từng trải bao khó khăn hiểm nguy trên khắp các chiến trường từ Đà Lạt, Sài Gòn - Gia Định, đến chiến trường khu 5, Quảng Nam - Đà Nẵng, với nhiều chức vụ công tác. Trong suốt cuộc đời hoạt động Cách mạng của mình, đồng chí luôn để lại nhiều dấu ấn quang trọng trong việc xây cơ sở cách mạng của Đảng ở Đà Lạt những năm 30; đến việc khôi phục, xây lại phong trào cách mạng và cuộc Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Hội An; chiến dịch giải phóng Đà Nẵng 29 tháng 3 năm 1975...
          Đó là đồng chí Nguyễn Văn Tấn, tên thật là Nguyễn Phe, bí danh là Nguyễn Tấn Ưng, sinh ngày 01 tháng 5 năm 1918 tại làng mộc Kim Bồng (nay là xã Cẩm Kim - TP. Hội An). Tham gia các hoạt động cách mạng từ năm 1930, đến năm 1935 được phân công vào thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) hoạt động. Tại đây, Nguyễn Tấn Ưng đã phát động phong trào đọc sách báo Đảng khắp các xí nghiệp, phường, xóm, tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục cho công nhân lao động, thanh niên hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lênin, về đường lối chủ trương chính sách của Đảng, đồng thời xác định đấu tranh sống chết với kẻ thù, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, không lùi bước trước gian nguy. Cùng với đó, đồng chí vận động xây dựng tổ chức nghiệp đoàn ái hữu rộng rãi khắp các xí nghiệp, ngành nghề, phường, xóm... Bản thân ông là Tổng Thư ký Hội ái hữu công nhân ngành mộc Đà Lạt. Cũng tại đây ngày 5 tháng 5 năm 1938, ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Dông Dương, làm Bí thư chi bộ, đến đầu năm 1939 làm Bí thư Thành ủy Đà Lạt, trực thuộc Xứ ủy Trung kỳ.
          Cuối năm 1939, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao Đà Lạt rồi đưa xuống nhà lao Khánh Hòa, bị kết án 3 tháng tù treo, sau đó được thả về lại Đà Lạt thành lập lại Ban cán sự thành phố và tiếp tục làm Bí thư. Tháng 7 năm 1940, một lần nữa ông bị địch bắt và giam tại nhà Lao Nha Trang, sau đó ông được thả và bị quản thúc tại Quảng Nam. Lúc này, Đảng bộ Hội An đã được thành lập và trực thuộc Xứ ủy Trung kỳ, tháng 6/1942 ông được bổ sung vào Thành ủy lâm thời, là bí thư chi bộ làng Mộc Kim Bồng và phụ trách công tác xây dựng, bảo vệ căn cứ cho cơ quan lãnh đạo bí mật của Tỉnh ủy và Thành ủy.
          Đầu năm 1943 sau vụ lộ vé số Cứu quốc ở Duy Xuyên, thực dân Pháp thực hiện những cuộc vây ráp, bắt bớ. Các cơ sở cách mạng ở Quảng Nam - Đà Nẵng bị khủng bố, đánh giá. Ở Hội An, hầu hết các đồng chí trong Thành ủy và các Đảng viên khác bị bắt, một số tổ chức Đảng và chi bộ cơ sở tan vỡ. Bằng kinh nghiệm nhiều năm hoạt động nên ông bị sa vào tay giặc, cơ sở ở Kim Bồng được giữ vững. Từ chi bộ Kim Bồng này đến giữa năm 1943, đồng chí Nguyễn Tấn Ưng thành lập lại Thành ủy lâm thời Hội An, trên cơ sở đó đến tháng 4 năm 1944, sau khi các đồng chí Trần Văn Quế và Nguyễn Tiến Chế nhảy tàu về thành lập Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam.
          Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, với cương vị là Trưởng Ban bạo động thành phố Hội An, Ủy viên Ủy ban bạo động giành chính quyền tỉnh, khi nhận thấy tình hình khởi nghĩa giành chính quyền đã chín mùi đồng chí đã chủ trì cuộc họp Ủy ban bạo động Hội An vào sáng 17 tháng 8 năm 1945, tại nhà ông Huỳnh Đủ, xóm Ngọc Thành, làng Kim Bồng. Tại cuộc họp có đồng chí Võ Chí Công và Phan Thị Nễ là Ủy viên Ủy ban bạo động tỉnh xuống dự. Xét thấy điều kiện vô cùng thuận lợi. Đồng chí Nguyễn Tấn Ưng đã đề xuất chủ trương cho Hội An khởi nghĩa giành chính quyền ngay trong đêm 17 rạng ngày 18/8/1945, được đồng chí Võ Chí Công đồng ý, đồng chí Nguyễn Tấn Ưng lên báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Tỉnh.
          Ngay trong đêm đồng chí Nguyễn Tấn Ưng về truyền đạt ý kiến đồng ý của Thường trực Ban bạo động tỉnh. Đúng 12 giờ đêm đoàn quân khởi nghĩa kéo đến chiếm đồn lính, phá kho lấy vũ khí trang bị cho lực lượng tự vệ, tập trung bao vây giành chính quyền ở Tỉnh lỵ.Sáu giờ sáng, ngày 18 tháng 8 năm 1945, nhân dân Hội An được chứng kiến lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước dinh tỉnh trưởng. Thắng lợi khởi nghĩa cách mạng ở Hội An, đưa Quảng nam trở thành một trong 4 tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.
          Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, đồng chí lần lượt được phân công phụ trách công tác Tổ chức, Dân vận Mặt trận và cùng đoàn thể ở tỉnh lăn lộn trên chiến trường, phục vụ chiến đấu. Năm 1952, đồng chí được cử đi dự lớp chỉnh Đảng của Trung ương tại Việt Bắc, rồi đi học lớp Mác - Lênin tại Trung Quốc, đầu năm 1945, về nước công tác tại Ban tổ chức Trung ương.
          Sau Hiệp định Giơnevơ, đồng chí được cử sang Ban đón tiếp bộ đội, cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, cuối năm 1945, khi biết mình được cử đi làm đại sứ ở nước ngoài, đồng chí tự nguyện xin về công tác ở miền Nam và được phân công làm Phó Ban cán sự Liên tỉnh I (gồm Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng). Đến những năm 1955, được bổ sung vào ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, rồi Bí thư thành ủy Đà Nẵng. Khoảng tháng 3 năm 1957, Ủy viên Thường trực Ban thành phố Liên khu 5 đứng chân tại Sài Gòn.
          Sau nghị quyết 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, ở chiến trường Liên khu 5 chuẩn bị triển khai chủ trương phá ấp chiến lược, phá thế kìm kẹp, làm chủ nông thôn, đồng bằng. Đồng chí Nguyễn Tấn Ưng, được Thường vụ Khu ủy 5 cử làm Bí thư Đảng ủy 32A, phụ trách mũi tấn công đồng bằng 4 huyện Tam Kỳ, Tiên Phước (Quảng Nam); Bình Sơn, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Cuối năm 1961, đồng chí được điều làm phụ trách nội thành Đà Nẵng, rồi phụ trách khối Chính trị thành phố của cơ quan Khu ủy.
          Để chuẩn bị cho chiến dịch Xuân năm 1975, đồng chí được phân công phát động quần chúng nổi dạy ở nông thôn và thành phố. Đặc biệt, là nổi dậy của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các thành phố, đẩy mạnh công tác chính trị và binh vận làm địch tan rã, giải phóng thành phố làm sao đỡ tốn xương máu, bảo vệ được tài sản của nhân dân và nhà nước ở mức cao nhất. Sau khi giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975), đồng chí được giao nhiệm vụ tổ chức đường dây trên quốc lộ 1 từ Đà Nẵng vào Nam huy động mọi lực lượng công nhân lao động và phương tiện vận chuyển bộ đội, khí tài tử miền Bắc vào góp phần phục vụ thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh, thống nhất nước nhà. Từ năm 1976, làđại biểu Quốc hội khóa VI, Ủy viên Ban y tế xã hội của Quốc Hội. Ủy viên đoàn chủ tịch kiêm ủy viên Ban Thư ký Tổng Công đoàn Việt Nam, phụ trách Công đoàn Khu V và Công đoàn miền Nam đến cuối năm 1985 về hưu và sinh sống tại Thành phố Đà Nẵng.
          Trân trọng và ghi nhớ những cống hiến, hy sinh đó đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huy hiệu 70, 60, 50, 40 năm tuổi Đảng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng nhất; Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Thành đồng hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.
(Theo hồi ký của “Nguyễn Văn Tấn - Những năm tháng không quên)

Tác giả: Lê Năng Đông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây