Hiện nay, trong bộ sưu tập của các nhà sưu tầm cổ vật, những tiệm bán đồ lưu niệm ở Hội An có nhiều loại tô, đĩa sứ lớn của các thời Minh, Thanh có vẽ trang trí những điển tích liên quan đến lịch sử văn hóa Trung Hoa, trong đó có 1 loại tô men lam vẽ cảnh bến phong kiều và Cô Tô thành khá đẹp. Bến Phong Kiều tấp nập thuyền ngư, thành Cô Tô cờ hoa phất phới. Bên cạnh có đề 2 câu thơ trong bài “
Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế - một đại thi gia thời Đường. Tương truyền có lần Trương Kế đến Tô Châu thưởng cảnh. Một đêm ông đậu thuyền ở bến Phong Kiều, thấy nơi đây cảnh trên bến dưới thuyền thật là thơ mộng ông bèn tức cảnh làm thơ tả cảnh sông đêm: “
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên, Giang phong ngư hỏa đối sầu miên”. Nhưng ông chỉ làm được 2 câu thì hết ý, cứ nằm trằn trọc không sao ngủ được.
Đêm hôm đó khoảng ngày đầu tháng, ánh trăng mờ ảo khiến người xúc cảm. Vị sư già trong chùa Hàn San bên Cô Tô thành cũng tức cảnh làm thơ tả cảnh đêm trăng hư ảo: “
Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung,
bán tự ngân câu bán tự cung”. Nghĩa là: “
mồng ba mồng bốn trăng mông lung, nửa giống ngân câu nửa giống cung”. Nhưng vị sư chỉ ngâm được 2 câu rồi hết ý, nên cứ đi tới đi luôi trầm ngâm suy nghĩ. Chú tiểu thấy sư phụ bần thần, sợ thầy mất ngủ bèn ân cần thăm hỏi. Vị sư già kể nổi tâm tư hết ý thơ, chú tiểu xin phép thầy làm tiếp bài thơ. Được sư phụ đồng ý, chú tiểu ngâm tiếp 2 câu: “
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn, bán trầm thủy để bán phù Không”. Nghĩa là: “
một miếng ngọc hồ phân đôi mảnh, nửa in đáy nước nửa trên không”. Sau khi nghe chú tiểu ngâm xong, vị sư già khen hay và đem hai câu ấy ghép với hai câu đầu thành một bát thơ thất ngôn tứ tuyệt. Để cảm tạ ơn đức của đức Phật gúp thầy trò nảy sinh thi tứ, hai thầy trò cùng vào chánh điện thắp nhang và đánh chuông cung tạ, lúc đó trời đã nửa đêm
(dạ bán).
Trong khi đó Trương Kế đang thao thức trên thuyền chợt nghe tiếng chuông vọng lại từ chùa Hàn San nên ông mới có ý tứ sáng tác tiếp hai câu chót của bài thơ là: “
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”.
Nguyên văn bài thơ “
Phong Kiều dạ bạc” đầy đủ như sau:
月落烏啼霜滿天
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
江楓漁火對愁眠
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.
姑蘇城外寒山寺
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
夜半鐘聲到客船
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Tản Đà dịch là:
Quạ kêu trăng lặn trời sương,
Lửa chài le lói sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
Hạc rập là một đề tài được trang trí khá nhiều trên các loại đĩa trà thời Minh. Các loại đĩa trang trí đề tài chim, cây, hoa lá với cách thể hiện có một số điểm khá lạ mắt. Hình chim hai đầu, hai cánh trông như một cặp chim đang bay. Hình cây có hai gốc mọc từ đất lên nhưng cành lá lại xoắn xít, liền nhau. Đề tài này giới chơi cổ vật thường gọi là “hạc rập”, nhưng người Hoa lại gọi là đề tài “vĩnh kết đồng tâm”, vì loại đĩa này người Hoa sử dụng nhiều trong hôn lễ. Thật ra cách trang trí như trên có một ý nghĩa thật sâu sắc, độc đáo được dựa theo điển tích “liên lý chi, tỵ dực điểu” tức “chim liền cánh, cây liền cành” có nguồn gốc Trung Quốc. Nhìn kỹ các hình chim đang bay trong các đĩa này chúng ta thấy rằng chúng luôn có hai đầu nhưng chỉ có hai cánh và hai chân. Tư thế như vậy của các hình trang trí trông giống như một cặp chim đang bay. Thật ra, đây là một đề tài trang trí được rút ra từ điển tích “chim liền cánh” của Trung Quốc để nói về lòng chung thủy, về tình yêu đôi lứa gắn bó không rời. Chuyện kể rằng: Có một loài chim màu xanh, sống ở phương Nam, Trung Quốc, chỉ có một mắt và một cánh. Chim trống, mái kết thành một cặp, muốn bay con mái chắp liền cánh với con trống mới bay được. Người ta gọi loại chim này là Tỵ dực điểu (chim liền cánh). Dùng đề tài “chim liền cánh” để trang trí các bát, đĩa dùng hàng ngày dường như người xưa muốn nhắc nhở về lòng chung thủy, về tình yêu vợ chồng son sắt, gắn bó, nương tựa lẫn nhau. Đây quả là cách giáo dục sâu sắc và cũng là một ý tưởng đậm tính nhân văn mà người xưa muốn gửi gắm cho hậu thế. Đề tài cây liền cành cũng có ý nghĩa tương tự như vậy. Nó được thể hiện bằng hình ảnh hai gốc cây mọc từ dưới đất lên và có các cành lá liền nhau. Đôi khi trong một chiếc đĩa, bát người ta thể hiện cùng một lúc cả hai đề tài chim liền cánh, cây liền cành. Điển tích kể rằng Tức thị vợ Hàn Phùng bị vua Tống (thời Chiến Quốc) bắt vào cung ép làm vợ. Hàn Phùng vì uất hận phải tự tử. Tức thị thương chồng, muốn giữ gìn lòng chung thủy và bảo vệ trinh tiết nên đã nhảy xuống lầu cao tự vẫn. Xác hai người chôn gần nhau và trên hai ngôi mộ bổng mọc lên hai cây lạ, cành lá của chúng chụm vào nhau, xoắn xít không rời. Người ta cho rằng đó là Hàn Phùng - Tức Thị hóa sinh để được gần nhau mãi mãi. Về sau điển tích này được thể hiện trên đồ sứ như muốn ca ngợi lòng chung thủy, đề cao tình yêu lứa đôi gắn bó và cũng để thể hiện sự đồng cảm đối với một câu chuyện tình bất tử. Sau này, khi muốn thể hiện nguyện vọng muốn chung sống gần nhau của tình yêu đôi lứa người ta thường nói: “Trên trời, nguyện làm chim liền cánh, dưới đất nguyện làm cây liền cành” (tại thiên nguyện tác tỵ dực điểu, tại địa nguyện tác liên lý chi).
Trên một số loại tô sứ men lam lớn thời Minh có vẽ hình một chú mục đồng đang cưỡi trâu với dáng nghêu ngao, tay chỉ về phía trước. Sau chú mục đồng là một văn nhân tay cầm dù vẻ như đang tìm đường hỏi lối. Trước lối đi in hai câu thơ đầu trong bài “Thanh Minh” của nhà thơ Đỗ Mục thời Đường “Thanh minh thời tiết vũ phân phân, lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn”. Theo các tác phẩm về Đường thi chép lại rằng Đỗ Mục tự là Mục Chi, hiệu Phàn Xuyên và Thái Hòa, người đất Vạn Niên, thời Đường đỗ Tiến sĩ làm quan đến chức Trung Thư Xá Nhân. Ông là người có tài thơ khá xuất sắc sánh ngang Lý Thương Ẩn và cũng không kém gì Đỗ Phủ cho nên người đương thời gọi ông là Tiểu Đỗ. Ông là người ưa thích ngao du, có lần vào tiết Thanh Minh ông đến vùng đất Sơn Tây. Tiết Thanh Minh năm ấy khí trời đổi lạnh khiến người lữ thứ lòng buồn vô hạn, ông muốn kiếm một quán rượu uống mấy chén để giải bớt sự giá rét. May thay thấy chú mục đồng đang cưỡi trâu đi qua ông bèn hỏi thăm, mục đồng chỉ thẳng hướng Hạnh Hoa thôn xa tít. Và ông đã sáng tác nên bài Thanh Minh nổi tiếng như sau:
清明時節雨紛紛
Thanh minh thời tiết vũ phân phân,
路上行人欲斷魂
Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn.
借問酒家何處有
Tá vấn tửu gia hà xứ hữu,
牧童遙指杏花村
Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn.
Tương Như dịch là:
Thanh Minh lất phất mưa phùn,
Khách đi đường thấm nỗi buồn xót xa.
Hỏi thăm quán rượu đâu là?
Mục đồng chỉ lối Hạnh Hoa thôn ngoài.
Trên nhiều loại đĩa, tô sứ xanh trắng thời Thanh ta thấy có vẽ hình một người đang dạo cổ cầm bên cảnh sơn thủy thơ mộng, bên bìa rừng có một tiều phu đang dừng đốn của lắng nghe tiếng đàn. Đôi khi, trên một số đĩa sứ thời Nguyễn ngoài vẽ tích này còn có bốn câu thơ chữ nôm là “Hai gã bạn tri âm, chung vui một khúc cầm. Non xanh cùng nước biếc, rằng quên để ai ngâm”. Hình vẽ đó chính là điển tích về đôi bạn tri âm Bá Nha và Chung Tử Kỳ, đây là một điển tích khá nổi tiếng ca ngợi tình tri âm tri kỷ. Chuyện xưa kể rằng: Bá Nha và Tử Kỳ là đôi bạn tri âm thời Xuân Thu Chiến Quốc. Bá Nha làm quan, Tử Kỳ là tiều phu. Một hôm, Bá Nha phụng chỉ vua Tấn đi sứ qua Sính Ðô nước Sở, Bá Nha nhân dịp nầy đi thăm mộ phần tổ tiên, thăm họ hàng, xong vào từ biệt vua Sở trở về nước Tấn. Khi thuyền trở về đến cửa sông Hán Dương, nhằm đêm Trung Thu, trăng sáng vằng vặc, phong cảnh hữu tình, Bá Nha cho lịnh cắm thuyền dưới chân núi Mã Yên để thưởng ngoạn. Cảm thấy hứng thú, muốn dạo chơi một vài khúc đàn, Bá Nha trịnh trọng nâng đàn, đặt hết tâm hồn đàn lên một khúc réo rắt âm thanh, quyện vào khói trầm, chưa dứt, bỗng đàn đứt dây. Bá Nha giựt mình tự nghĩ, dây đàn bỗng đứt thế nầy ắt có người nghe lén tiếng đàn, bèn sai quân hầu lên bờ tìm xem và mời người ấy xuống thuyền đàm đạo. Người tiều phu ung dung xuống thuyền, chấp tay vái Bá Nha. Sau đôi lời tâm sự, thấy Tử Kỳ là người am hiểu, Bá Nha tiếp tục gãy đàn. Lạ thay, khi đàn Bá Nha tập trung tinh thần đến chốn non cao, khảy lên một khúc. Tiều phu khen rằng: “Ðẹp thay vòi vọi kìa, chí tại non cao”. Bá Nha ngưng thần, ý tại lưu thủy, khảy lên một khúc nữa. Tiều phu lại khen rằng: “Ðẹp thay, mông mênh kìa, chí tại lưu thủy”. Bá Nha thấy tiều phu đã thấy rõ lòng mình qua tiếng đàn, lấy làm kính phục, và hai người thề kết nghĩa tri âm rồi từ biệt, hẹn ngày Trung thu sang năm sẽ hội ngộ. Thời gian lặng lẽ trôi qua, đúng dịp Trung thu Bá Nha trở lại chốn xưa, nhưng than ôi Tử Kỳ đã qua đời vì bạo bệnh. Bá Nha thương tiếc khôn cùng bèn so dây tấu lên một khúc nhạc thiên thu, tiễn người tri âm tài hoa yểu mạng. Tấu khúc nhạc xong, Bá Nha đập vỡ đàn thề không bao giờ gãy nữa vì không còn bạn tri âm. Đây thật đúng là tình bạn tri âm hiếm có cổ kim, do đó điển tích này từ lâu đã đi vào văn học và được thể hiện nhiều trong lĩnh vực hội họa, trong đó được vẽ nhiều trên các đồ gia dụng.
Có thể nói hoa điểu - chim và hoa là một trong những đề tài được vẽ trang trí khá nhiều trên các đồ gốm sứ. Trong đó đề tài “phi, minh, túc, thực” được sử dụng trang trí phổ biến trên các loại đĩa men lam với ý nghĩa biểu tượng cho sự thăng hoa sung túc. Đề tài này được thể hiện bởi hình ảnh bốn chú vịt nước (có người cho là chim nhạn, chim uyên ương...) bên bờ sông đầy lau cỏ. Đặt biệt, bốn chú vịt được vẽ theo bốn tư thế khác nhau, con thì đang ngụp lặn tìm thức ăn, con thì ngưỡng cổ lên kêu gọi bạn, con thì chui đầu vào cánh ngủ say, con thì bay liện trên không. Mới nhìn ta cứ nghĩ rằng đây là những hình vẽ trang trí cho vui mắt, thật ra nó có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, bày tỏ ước mơ cao đẹp của người xưa. Ý nghĩa này được sử dụng theo lối từ đồng âm dị nghĩa của tiếng Hoa thông qua hình ảnh của loài chim.
Hình ảnh này được lý giải như sau: Chim đang bay, âm Hán Việt đọc là “Phi (飛)” có nghĩa là bay lên, biểu tượng cho sự thăng tiến, sự phát đạt. Chim đang hót (kêu), âm Hán Việt đọc là “minh (鳴)” đồng âm với chữ “minh (明)” là sáng sủa, tươi sáng, biểu tượng cho tiền đồ quang minh sáng lạn. Chim đang ngủ, âm Hán Việt đọc là “túc (宿)” đồng âm với chữ “túc (足)” là sung túc, no đủ, biểu tượng cho cuộc sống luôn đầy đủ, giàu có. Chim đang ăn, âm Hán Việt đọc là “thực (食)”, biểu tượng cho sự giàu có, dư ăn dư để. Tổng thể của đề tài “phi, minh, túc, thực (飛, 鳴, 宿, 食)” là cầu chúc cho cuộc sống luôn được no đủ, giàu có, tương lai luôn sáng lạn, thăng hoa phát đạt.
Trên đây là một số điển tích tiêu biểu được vẽ trang trí trên các đồ sứ thường gặp ở Hội An. Ngoài ra, còn rất nhiều đề tài, điển tích khác như “đạp tuyết tầm mai”, “mã liễu”, “liên áp”… nhưng trong khuôn khổ bài viết này không thể giới thiệu hết được. Thông qua một số điển tích trên đây phần nào cho chúng ta thấy rằng việc trang trí trên các đồ gốm sứ không chỉ nhằm tôn vẻ đẹp hình thức của chúng mà qua đó người xưa còn muốn gửi gắm tâm huyết, ưu tư, hy vọng về một cuộc sống thăng hoa phát đạt, về tình tri kỷ, tình yêu lứa đôi tốt đẹp gắn với thơ văn, phong cảnh.