MỘT VÀI ĐẶC ĐIỂM VỀ ĐỊA DANH Ở CÙ LAO CHÀM

Thứ năm - 12/07/2012 23:09

MỘT VÀI ĐẶC ĐIỂM VỀ ĐỊA DANH Ở CÙ LAO CHÀM

Ngày nay, địa danh - tên gọi địa lý đã trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học trên các phương diện ngôn ngữ, lịch sử, văn hoá... bởi lẽ địa danh chứa đựng nhiều thông tin về lịch sử và sinh thái của vùng đất, phản ánh những đặc điểm về văn hoá và tâm lý của cộng đồng.

  Nằm cách khu phố cổ Hội An khoảng 19km về phía đông, Cù Lao Chàm là vùng đất có số lượng địa danh rất phong phú, khoảng 520 đơn vị trong tổng số 2079 đơn vị địa danh thu thập được trên địa bàn thành phố Hội An. Không ít địa danh ở Cù Lao Chàm đã được các nhà nghiên cứu quan tâm tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau. Trong bài viết này xin được chia sẻ một vài thông tin về địa danh ở Cù Lao Chàm từ kết quả khảo sát.          Trước hết, địa danh ở Cù Lao Chàm nhiều về số lượng, phong phú về loại hình, phản ánh rõ nét đặc điểm sinh thái của vùng đất là cụm đảo ven bờ. Với hơn 500 địa danh thu thập được như đã trình bày ở trên, Cù Lao Chàm là địa phương có số lượng địa danh nhiều nhất ở Hội An, chiếm ¼ tổng số lượng thu thập được. Địa danh chỉ đối tượng địa lý nhân văn có số lượng ít, 23% (116 đơn vị), trong khi đó địa danh chỉ đối tượng địa lý tự nhiên chiếm đến 77%. Tiếp cận địa danh chỉ địa lý tự nhiên, số lượng loại địa hình và tầng suất xuất hiện của mỗi loại địa hình rất cao. Trong khi ở nhiều địa phương trong khu vực đất liền chỉ có một vài loại địa hình thì ở Cù Lao Chàm có đến 27 loại địa hình, bao gồm nỗng, nhỏn, nương, hòn, gò, cồn, dốc, eo, hố, hang, hục, vũng, sũng, khe, suối, mũi, bãi, bến, truông,... Trong đó loại địa hình “mũi” xuất hiện đến 50 lần. Các loại địa hình khác như vũng: 19 lần, bãi: 20 lần, hang: 27 lần, đá: 30 lần, hòn: 37 lần. Có nhiều loại địa hình liên quan đến yếu tố nước như khe, suối, mũi, vũng, sũng, bãi, bến, rạn... Loại địa hình liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp khá ít nhưng số lượng địa danh lại rất nhiều như ruộng Gieo, ruộng Biển, ruộng Cạnh Buồm.... 
    Địa danh ở Cù Lao Chàm thể hiện sự kết hợp đa dạng các thành tố của ngôn từ. Kết quả khảo sát cho thấy địa danh mang từ tố chỉ người có 31 địa danh, trong đó có 28 địa danh mang từ tố chỉ nam giới như hang ông Ái, hang ông Đô, bến ông Bùa,... Có 92 địa danh mang từ tố chỉ cây cỏ (Bãi Bìm, Bãi Tra, Hố Mít Nài, Bằng Lầu Tán. Eo Trầu Trên...), 22 địa danh mang từ tố chỉ con vật (Đá Kỳ Lân, Đá Hàm Ếch, Bãi Xếp, Hang Trăn, Hang Kỳ Trâu...), 22 địa danh mang từ tố chỉ phương hướng (Eo Trầu Trên, Eo Trầu Dưới, Mũi Đông, Mũi Đông Tai, Bãi Bấc, Dòn Con Trên...), 74 địa danh mang tố chỉ hình dạng hoặc kích thước (Bãi Dòn Cụt, Bãi Dòn Dài, Đá Ba Tầng, Hòn Chồng, Đá Nôi, Đá Bao Gạo...), 20 địa danh mang từ tố chỉ màu sắc (Mũi Đá Bạc, Đá Đen, Đá Trắng, Đá Bạc, Đường Đá Trắng...), 8 địa danh mang từ tố chỉ số lượng (Đá Ba Tầng, Đá Ba Lố, Khe Hương Năm, Hòn Nhàn Lẻ...) và 73 địa danh mang từ tố chỉ công trình xây dựng (Xóm Đình, Ruộng Chùa, Ruộng Thần Nông...).
Về số lượng âm tiết, trong số địa danh ở Cù Lao Chàm mà chúng thu thập được, địa danh có cấu tạo 4 âm tiết chiếm số lượng tương đối ít, 40 địa danh (Bến Nước Đá Nôi, Đám Chuối Sũng Nhàn, Đám Đá Cửa Lở, Đám Đá Cây Trôi, Hòn Dại Ông Thê...), trong khi đó có 198 địa danh cấu tạo 2 âm tiết (Vũng Thùng, Vũng Rán, Đá Sếu, Hòn Nhàn, Mũi Đông...) và 282 địa danh cấu tạo 3 âm tiết (Bãi Cây Tra, Gò Cây Cui, Khe Cây Cừa, Hang Bắt Cầu, Hang Trán Quỷ...). Do có số lượng âm tiết như vậy nên trong cấu trúc địa danh ở Cù Lao Chàm thường:
- Danh từ chung một âm tiết kết hợp với danh từ riêng một âm tiết chỉ tính chất (Sũng Bền, Vũng Ráng,...), chỉ hình dạng (Vũng Thùng, Đá Nôi, Đá Sào, Đám Vuông, Hòn Dài, Hòn Tai...), chỉ màu sắc (Đá Đen, Đá Trắng...), chỉ đặc điểm địa chất (Đám Cát, Đám Sắt...), chỉ đặc điểm địa hình (Dốc Suông, Hố Cạn, Hang Khô...), chỉ đặc trưng sinh thái (Dốc Gắm, Hang Dơi, Hang Dứa, Hố Trò...),...; Hoặc danh từ chung một âm tiết kết hợp với một danh từ chung một âm tiết khác như Bãi Hang, Bến Lăng, Xóm Đình, Khe Cồn; Hay danh từ riêng hai âm tiết như Lò Rượu, Lố Sống, Manh Đồng, Thụt Lui, Óc Mồ...
- Danh từ chung một âm tiết kết hợp với danh từ riêng hai âm tiết chỉ đặc điểm sinh thái (Bằng Lầu Tán, Bằng Mít Nài, Đám Chành Gành ...), chỉ hình dạng (Đá Bao Gạo, Đá Hàm Ếch, Mũi Kỳ Lân, Hang Tò Vò...)...; Danh từ chung hai âm tiết kết hợp với danh từ riêng một âm tiết như Cửa Sổ Giả, Hòn Dại Nần,...
          - Danh từ chung hai âm tiết kết hợp với danh từ riêng hai âm tiết như Hòn Dại Sơn Nghệ, Hòn Dại Ông Táo, Hòn Dại Hang Bà...
          Trong cách đặt tên địa danh, tương tự các địa phương khác, hầu hết địa danh hành chính xưa ở Cù Lao Chàm là từ tố mỹ tự như ấp Phú Hương, ấp Hiệp Hoà, ấp Diên Triều, ấp Trung Lập, phường Tân Hiệp. Trong khi đó phần lớn địa danh dân gian thường được đặt tên dựa vào đặc điểm của vùng đất như địa hình, sinh thái, vật thể đặc trưng, công trình kiến trúc tiêu biểu, hiện tượng tự nhiên... hay hoạt động của con người. Những địa danh dân gian phản ánh khá sinh động về thực tế của vùng đất Cù Lao Chàm từ điều kiện tự nhiên đến truyền thống văn hoá cũng như cuộc sống của cộng đồng cư dân và nó xuất hiện vào nhiều thời điểm khác nhau gắn liền với dấu chân khám phá, khai hoang của con người. Mặc dù địa danh được xem là hoá thạch về lịch sử và văn hoá của vùng đất, song từ kết quả khảo sát cho thấy có nhiều địa danh ở Cù Lao Chàm xuất hiện hoặc được sử dụng dưới thời Thiệu Trị năm thứ 4 nhưng hiện nay không còn lưu truyền, đặc biệt là các địa danh ở khu vực có canh tác nông nghiệp như ruộng, rẫy... điều này có lẽ bắt nguồn từ sự chuyển đổi sinh kế hoặc sự thu hẹp không gian hoạt động sản xuất.   


 
 Cũng như nhiều địa phương khác, không ít địa danh ở Cù Lao Chàm đã  ghi sâu vào tâm trí của người dân mà mỗi khi nhắc đến thì những miền ký ức của một thời lại cuồn cuộn hiện về, làm dâng trào cảm xúc nhớ nhung, nuối tiếc,... và tự hào. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn và phát huy những giá trị về địa danh ở Cù Lao Chàm không chỉ hướng đến bảo bồn và phát huy kho tàng di sản văn hoá phi vật thể ở đây mà còn góp phần tăng cường tính cố kết cộng đồng, khơi dậy tiềm năng của địa phương phục vụ hiệu quả mục đích phát triển kinh tế xã hội.  

Tác giả: Võ Hồng Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây