SỰ CÓ MẶT CỦA NGƯỜI PHƯƠNG TÂY Ở HỘI AN TRONG CÁC THẾ KỶ XVI, XVII, XVIII

Thứ năm - 12/07/2012 23:14

SỰ CÓ MẶT CỦA NGƯỜI PHƯƠNG TÂY Ở HỘI AN TRONG CÁC THẾ KỶ XVI, XVII, XVIII

Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII là thời kỳ người Phương Tây đến với Hội An với mục đích chủ yếu là truyền giáo, thương mại và kèm theo những ý đồ xâm lược và hành động quân sự.
Bên cạnh dấu ấn của văn hóa Trung Quốc, Nhật Bản thì sự có mặt có người Phương Tây trong lịch sử phát triển của thương cảng Hội An vào thế kỷ XVII, XIII đã góp phần tác động tích cực cho hoạt động thương mại của cảng thị Hội An lúc bấy giờ và làm phong phú thêm di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Hội An. Do đó, trong bài này chúng tôi giới thiệu khái quát về sự có mặt của người Phương Tây ở Hội An trong các thế kỷ XVI, XVII, XVIII để góp thêm tư liệu tìm hiểu về văn hóa Phương Tây ở Hội An.
Các cuộc phát kiến địa lý mà nổi bậc là sự tìm lại Châu Á của Vasco de Gama vào năm 1497 đã mở đầu một giai đoạn mới giao lưu sâu sắc giữa văn hóa  Đông - Tây trong đó có sự giao lưu, trao đổi mạnh mẽ giữa người phương Tây với Hội An. Từ điều kiện địa lý và lịch sử của Hội An cũng như những chuyển biến của lịch sử phát triển văn hóa Châu Âu trong thời kỳ Trung - Cận đại dẫn đến hệ quả là người Phương Tây có mặt ở Hội An khá sớm.
Qua tư liệu cho thấy từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII là thời kỳ người Phương Tây đến với Hội An với mục đích chủ yếu là truyền giáo, thương mại và kèm theo những ý đồ xâm lược và hành động quân sự.
+Về truyền giáo: Trước thế kỷ XVII, tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của người Việt là Phật giáo, tín ngưỡng thờ Tổ tiên đã được những người đi mở đất mang đến Hội An. Trong quá trình sinh sống, cộng cư, người Việt cũng có sự tiếp thu tín ngưỡng thờ Yàng (Thiên Y A Na) của Champa. Đến khi người Phương Tây có mặt ở Hội An thì xuất hiện thêm một tôn giáo mới đó là Thiên Chúa giáo.
Đầu tiên là vào năm 1523, Duark Coelho đã đến đảo Cù Lao Chàm tạc lên một hình thánh giá lớn để làm lưu niệm. Sau đó, vào ngày 18/01/1615, các linh mục Francisco Buzomi, Diego Cavarlho và thầy Antonio Dias là những đầu tiên đến truyền giáo ở Đàng Trong mà đầu tiên là ở Hội An. Trong đó cha Buzomi đã làm lễ rửa tội cho 10 người. Vào năm 1624, các giáo sĩ đã lập được ba cơ sở truyền giáo ở Hội An, Thanh Chiêm và ở Nước Mặn thuộc tỉnh Bình Định. Đến năm 1639, Đàng Trong đã có 15.000 tín đồ và năm 1644 là 1000 tín đồ. Đồng thời ở Hội An đã có 2 giáo đường và đây là những giáo đường đầu tiên của Đàng Trong. Trong đó có một giáo đường có vị trí ở Khu lò mổ - đường Nguyễn Duy Hiệu, phường Sơn Phong. Ngoài truyền giáo các giáo sĩ cũng là người trợ giúp đắc lực cho hoạt động thương mại của các thương nhân đồng hương, chủ yếu họ làm các công việc giữ gìn sổ sách, lợi dụng uy tín tôn giáo của mình để thu hút người Hội An buôn bán, hỗ trợ buôn bán.
Công giáo được truyền bá ở Hội An, Đàng Trong đã đem lại sự hoài nghi về một tư tưởng mới, xa lạ với truyền thống văn hóa Đông Á nhưng vẫn được các Chúa Nguyễn cho phép tồn tại và phát triển là do muốn được sự hỗ trợ trang bị vũ khí hiện đại để phục vụ cho chiến tranh. Ngoài ra, còn có hai nguyên nhân khác là các giáo sĩ đã khéo chinh phục cảm tình của các chúa, quan đại thần bằng việc tặng những đồ vật lạ có giá trị và nhờ có tri thức về khoa học nên thường được các chúa tin. Cùng với sự có mặt của Thiên chúa giáo ở Hội An là nhiều lễ hội, lễ nghi Thiên chúa giáo được hình thành như lễ rửa tội, lễ phục sinh, lễ Noel được du nhập vào Việt Nam mà Hội An là một trong những nơi đón nhận đầu tiên và vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Vì vậy, có thể coi lễ Noel, Lễ Phục sinh là những lễ hội tôn giáo cổ truyền ở Hội An.


 
           +Về thương mại, người phương Tây đến Hội An buôn bán từ nửa cuối thế kỷ XVI. Theo Li Tana thì người phương Tây đầu tiên đến với Đàng Trong có thể là người Bồ Đồ Nha. Nhưng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân thì  thương nhân đầu tiên đến Hội An là năm 1540. Vào khoảng đầu thế kỷ XVII, người Bồ Đào Nha đã được chúa Nguyễn cho phép xây dựng phố ở Đà Nẵng để buôn bán. Hoạt động thương mại của Phương Tây nổi bậc nhất ở Hội An là công ty Đông ấn - Hà Lan, công ty này được các chúa Nguyễn 3 lần cho phép lập thương điếm tại Hội An vào các năm 1636, 1651, 1738 - 1765. Tuy nhiên mối quan hệ giữa Chúa Nguyễn và người Hà Lan có nhiều mâu thuẫn vì một số hành động quân sự của người Hà Lan với Đàng Trong nên thương gia Hà Lan đã bị các chúa Nguyễn trục xuất nhiều lần. Tiếp theo là người Anh đến Hội An nhiều lần để trực tiếp buôn bán hoặc đàm phán thương mại với các chúa Nguyễn nhưng đều thất bại bởi sự cạnh tranh của các thương nhân tại chỗ hay sự không chấp nhận của Chúa Nguyễn và do chiến tranh­. Riêng với người Pháp thì mãi đến năm 1742, Dumont  - một thương gia Pháp mới đến Hội An bàn việc thương mại cũng như toan tính xâm lược. Sau đó không lâu, giáo sĩ Piere Poivre được chính phủ phái đến truyền giáo và khảo sát phục vụ cho mục đích xâm lược Đàng Trong của Pháp.
Hiểu được những tâm ý thực dân của Pháp, chúa Nguyễn đã không cho phép người Pháp mở thương điếm Hội An.
Qua những tư liệu lịch sử cho thấy phương thức buôn bán của người Phương Tây ở Hội An chủ yếu bằng cách mua hàng ở các nước lân cận rồi đến bán ở Hội An, Đàng Trong, lượng hàng từ các nước Tây Âu được người Phương Tây đem qua rất ít chủ yếu là kim khâu, vòng tay, mâm đồng, gương, lược, thắt lưng, mũ bonnet, áo sơ mi... Họ thường lấy hàng từ Trung Quốc rồi nhập cảng Hội An. Nhìn chung hoạt động thương mại của người Phương Tây ở Hội An là không thành công mỹ mãn bởi sự mất giá của đồng tiền và bởi sự hoài nghi về sự can thiệp vào nội bộ của các thương nhân Châu Âu.
               +Về quân sự, người Bồ Đào Nha đến Hội An đầu tiên và họ cũng sớm có tư tưởng thực dân tại Đàng Trong. Năm 1535, thuyền trưởng Antonio De Faria đến vùng biển Hội An, Đà Nẵng, ông thấy sự phát triển của các thương cảng này nên có ý định chiếm đóng để biến Hội An - Đà Nẵng trở thành thành phố Goa, Malacca như người Bồ từng làm nhưng họ đã không thành. Vì lợi ích kinh tế, người Hà Lan thiết lập quan hệ thương mại với Đàng Trong và cả Đàng Ngoài. Đồng thời dựa vào mẫu thuẫn giữa Chúa Trịnh với Chúa Nguyễn tạo ảnh hưởng. Lấy cớ là ngày 26/11/1641 người của Chúa Nguyễn đã cướp mất hai tàu chở đầy hàng hóa bị bão đánh dạt vào bờ biển Đàng Trong, người Hà Lan đã tiến đánh Qui Nhơn vào năm 1642 và phối hợp với quân Đàng Ngoài đánh chiếm vùng biển Đàng Trong nhưng cả hai lần đều bị quân của Chúa Nguyễn đánh bại. Người Pháp cũng vậy, họ cũng tỏ ra tích cực trong việc chuẩn bị cho những ý đồ thực dân. Năm 1742, Dumont đến Hội An đã có ngay ý tưởng chiếm Cù Lao Chàm, mở thương điếm, quản lý hoạt động cảng Hội An. Sau đó, chính phủ Pháp phái giáo sĩ Piere Poivre đến Hội An, Đàng Trong khảo sát, điều tra tình hình. Kết quả là vị giáo sĩ này đã có những báo cáo hết sức sâu sắc, chi tiết về mọi mặt của Đàng Trong. Tuy nhiên do Chúa Nguyễn đã đề phòng và từ chối ý đồ lập thương điếm tại Hội An của người Pháp. Cho nên mãi đến giữa thế kỷ XIX, người Pháp mới trở lại xâm lược Việt Nam.
Nhìn chung, người Phương Tây đến với Hội An có nhiều mục đích khác nhau: Thương mại, truyền giáo, quân sự, cai trị chính trị... Nhưng với lý do nào đi nữa, sự có mặt của người Tây cũng là cơ sở trực tiếp phổ biến, giao lưu văn hóa Phương Tây ở Hội An qua đó tạo ra đặc trưng nổi bậc của văn hóa Hội An là mang đậm dấu ấn giao hòa văn hóa Đông Tây tại thương cảng, đô thị  Hội An. Mà chúng ta sẽ được thấy rõ ở phần sau.

Tác giả: Trương Hoàng Vinh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây