THÔNG TIN VỀ GIẾNG ĐÁ NAM DIÊU - THANH HÀ

Thứ hai - 03/09/2012 22:53
Bên cạnh loại hình di tích đình, chùa, miếu, nhà ở,... thì giếng là một trong những bộ phận góp phần làm đa dạng, phong phú loại hình di tích của Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới, tạo nên một bức tranh văn hoá Hội An đa màu sắc.
Loại hình di tích giếng nằm rải rác trên địa bàn thành phố Hội An và có kiểu dáng, vật liệu khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết giếng hiện còn trên địa bàn Thành phố được xây bằng chất liệu gạch, một số ít được xây bằng đá hoặc vừa đá vừa gạch. Từ trước tới nay, ngoài những giếng có giá trị được nhiều người biết đến như giếng Xóm Cấm - Tân Hiệp, giếng đá Trà Quế hay giếng Bá Lễ... thì giếng đá nằm trong khu miếu tổ nghề gốm Nam Diêu - Thanh Hà là một trong số ít giếng đá có giá trị, tuy nhiên chưa được nhiều người biết đến.
Nằm bên cạnh khu di tích miếu tổ nghề gốm Nam Diêu - Thanh Hà (gồm có 4 ngôi miếu: Miếu Tổ nghề gốm, miếu Thái Giám, miếu Âm Linh và miếu Sơn Tinh) là giếng nước bằng đá, góp phần làm tôn thêm giá trị cho khu di tích này, chính vì thế khu di tích này đã được xếp hạng cấp Tỉnh vào năm 2008.
Giếng nước nằm cách tim đường Phạm Phán 5m. Theo ý kiến một số bô lão sống gần khu Miếu tổ Nam Diêu thì con đường Phạm Phán nguyên là con đường cái quan dưới thời phong kiến. Hiện tại cách giếng nước khoảng 50m về phía Đông có một tấm bia đá ghi dấu sự kiện mở đường dưới thời vua Minh Mạng. Đây cũng là con đường mà vua Minh Mạng đi tuần du về Hội An. Cũng theo ý kiến một số nhân chứng sống tại đây thì giếng nước này đã có từ lâu, tuy nhiên chưa xác định chính xác thời điểm xây dựng. Trong kháng chiến chống Pháp di tích đã bỏ hoang không dùng, năm 1955, nhân dân tu sửa lại phần trên để sử dụng, hiện trên thành giếng vẫn còn ghi năm tu sửa - 1955.
          Giếng hình tròn, được xây hoàn toàn bằng những thanh đá cong hình vành khăn đặt chồng lên nhau theo chiều đứng. Bên dưới lòng giếng được xây bằng những thanh đá cong rất có giá trị, phần thân giữa của giếng được gắn bằng những thanh đá có xen lẫn sạn (gọi là đá sạn), lớp trên được lắp bằng một thanh đá tròn duy nhất và bằng loại đá muối màu trắng. Để liên kết các thanh đá với nhau, người xưa đã sử dụng một chất kết dính rất đặc biệt. Không như những giếng khác, bên duới đáy giếng không có thanh gỗ mà chỉ là đất cát.




 
          Đường kính miệng giếng rộng 95cm, vành miệng giếng dày 12cm, cao thành miệng 80cm, giếng có độ sâu 300cm. Trước đây nền giếng được xây bằng gạch, hình tròn xung quanh nhưng do thời gian nên nền giếng đã bị hư hỏng không còn dấu vết.
Theo người dân ở đây, giếng này nước rất trong và ngọt, là nơi mà trước đây cư dân cả làng đã sử dụng chung nguồn nước để uống, để sinh hoạt, qua đó thắt chặt hơn tình làng nghĩa xóm. Đồng thời, là nơi phục vụ cho việc cúng kính trong dịp lễ định kỳ tại khu miếu. Vì thế, giếng nước gắn liền và có ý nghĩa gần gũi với khu miếu Tổ của nghề gốm Nam Diêu và cả xóm Nam Diêu, Thanh Hà. Hơn nữa, với sự tồn tại song song của khu miếu cùng với giếng nước, làm cho khu miếu có giá trị hơn về mặt lịch sử, văn hoá.
Đây là giếng nước có kết cấu bằng đá khá độc đáo còn rất ít trên địa bàn thành phố Hội An, qua di tích này thể hiện nghệ thuật xây dựng giếng, chọn địa điểm đặt giếng của người xưa là rất độc đáo, tinh vi. Di tích là tài sản vô cùng quý giá góp phần tạo nên đặc trưng, đa sắc màu của Di sản Văn hóa Hội An. Vì thế, việc bảo tồn, gìn giữ vốn quý của Di sản cần được chú trọng quan tâm hơn nữa trong xu thế của sự hiện đại hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ.

Tác giả: Trần Thị Lệ Xuân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây