DẤU ẤN GIAO LƯU VĂN HÓA CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI NHẬT Ở HỘI AN

Thứ ba - 18/09/2012 23:34
Cho đến nay trải qua hơn 300 năm, mặc dù hoạt động mậu dịch và việc cư trú của người Nhật tại Hội An diễn ra trong một thời gian ngắn và chấm dứt hẳn vào cuối thế kỷ XVII, nhưng một số dấu tích, thể hiện sự đóng góp của cộng đồng cư dân này ở thương cảng Hội An vẫn được bảo lưu bền bỉ, lâu dài trên cả hai phương diện văn hóa vật thể và phi vật thể.
+ Chùa Cầu: Là cây cầu bằng gỗ, có mái che, lợp bằng ngói âm dương; liền kề bên cạnh có chùa, thực ra là miếu thờ thần Trấn Võ Bắc Đế. Kể từ khi xây dựng cho đến nay, trải qua gần 400 năm với hàng chục lần tu bổ lớn nhỏ (có lần được xây dựng lại năm Quý Mùi 1763) của bao thế hệ cư dân Việt, Hoa ở Hội An, nhưng vẫn còn đó tấm bia đá ghi nhận là: “Người ta truyền rằng cây cầu này do những thương gia Nhật Bản xây dựng” và gắn bó với một cái tên quen thuộc: “Cầu Nhật Bản” hay với tên một con đường đặt từ thời Pháp thuộc “Rue Du Pont De Japonai” (đường Cầu Nhật Bản) - Nay là đường Trần Phú.
          + Trong bia “Phổ đà Sơn linh Trung phật” lập năm 1640 được khắc trên vách hang động Hoa Nghiêm, Non Nước, Đà Nẵng đã ghi rõ việc tham gia đóng góp xây dựng chùa của người Nhật gồm: 3 thương gia mang quốc tịch Nhật Bản cúng 570kg đồng đó là Chaya Takeshima, Kawakami Kaheie và Asami Yasuke và 15 người Nhật Bản dinh và Tùng Bản dinh (phố Nhật ở Hội An) chiếm 18,2% số người cúng ở đây nhưng chiếm 57,2% số tiền và 71,4% số bạc của những người tham gia đóng góp xây chùa được ghi trên tấm bia bày.

  
          + Ba ngôi mộ cổ ở khu vực Hội An có bia và nội dung bia ghi rõ cho biết đây là các thương nhân Nhật Bản: mộ ông Banjiro, lập năm Ất Tỵ - 1665; mộ ông Gusokukun, lập năm Kỷ Tỵ - 1689 và mộ ông Tani Yajirobei, lập năm Đinh Hợi - 1647.
          Nhiều gốm sứ, tiền đồng (niên hiệuKhoan Vĩnh”) Nhật Bản còn được lưu giữ ở những ngôi nhà cổ hoặc trong các di chỉ khảo cổ. Một số ít hiện nay đã được sưu tầm, tập hợp, khai quật và trưng bày tại Nhà Bảo tàng gốm sứ mậu dịch - 80 Trần Phú Hội An.
          Nhiều dấu tích văn hóa còn lưu tồn ở Hội An qua Folklore (văn hóa phi vật thể) như câu ca dao:
Hàng trầu hàng cau là hàng con gái
Hàng bánh hàng trái là hàng bà già
Hàng bông hàng hoa là hàng Nhật Bổn...”
           Hay truyền thuyết về con cù - một con quái vật khổng lồ (đầu ở ấn Độ, lưng ở Hội An, đuôi ở Nhật Bản); nét tín ngưỡng chung về Quan Thế Âm Bồ Tát; hoặc “ Tương Nhật Bản”, “ Rau Nhật Bản”, “ Bèo Nhật Bản”; rồi trong kiến trúc thì có “Trính Nhật Bản”... cùng nhiều nguồn tư liệu lịch sử thư tịch, văn tự thể hiện khá đậm nét về mối quan hệ giao lưu văn hóa - thương mại Việt - Nhật ở Hội An thế kỷ XVII.
          Sự có mặt của người Nhật ở Hội An, đặc biệt với việc định cư lập phố buôn bán trong thời đại Shuinsen, không những kích thích sự phát triển nền kinh tế ở Hội An - Đàng Trong, với các nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, khai thác và sơ chế lâm thổ sản mà còn góp phần làm cho mạng lưới giao thương mở rộng, kinh tế hàng hóa ở khu vực Hội An - Đàng Trong phát triển, đô thị/phố thị Hội An - Faifo trở nên sầm uất với vai trò là một Đô thị thương cảng quốc tế. Hơn nữa, dù chỉ gần một thế kỷ tồn tại (thế kỷ XVII) nhưng cho đến nay, thương nhân Nhật Bản đã để lại nhiều dấu ấn giao lưu văn hóa giá trị với vai trò là một thành phần trong cộng đồng cư dân Hội An ở thế kỷ XVII.

Tác giả: Nguyễn Chí Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây