HỘI AN TRONG NHỮNG NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM

Thứ ba - 02/10/2012 22:25
Sang đầu năm 1945, vào đêm ngày 9 tháng 3, phát xít Nhật đảo chính, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp ở Đông Dương, từ đây đất nước ta bị đô hộ bởi quân Nhật. Tại Quảng Nam - Đà Nẵng, quân Nhật dời Tỉnh đường từ La Qua về đóng tại Tòa Công sứ Pháp cũ (ở Hội An), bộ máy quan lại thân Nhật được Việt hóa. Nhưng quân Nhật nắm quyền cai trị không lâu thì nước Nhật thua trận ở nhiều nơi, tình hình đó báo hiệu quân Nhật ở Việt Nam cũng sắp đến ngày cáo chung.
Trước tình hình đó, vào ngày 12/3/1945, Trung ương Đảng kịp thời đề ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, chỉ đạo các địa phương chuẩn bị lực lượng tiến tới Tổng khởi nghĩa, đánh đuổi quân Nhật, giành chính quyền. Đến tháng 5/1945, theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy đã họp tại Đại Lộc, quyết định tăng cường tuyên truyền, hiệu triệu quần chúng, củng cố hệ thống Việt Minh từ xã đến tỉnh để chuẩn Tổng khởi nghĩa. Cũng trong tháng 5/1945, đồng chí Nguyễn Phe - Bí thư Thành ủy Hội An triệu tập Hội nghị Thành ủy mở rộng tại nhà bà Thủ Khóa (ấp Trung Châu - Kim Bồng), triển khai nghị quyết của Tỉnh ủy. Sau đó, ở Ngọc Thành, Vĩnh Hưng, Ngọc Uẩn đã khẩn trương thành lập 2 Trung đội tự vệ, đến tháng 8 số đội viên tự vệ ở Hội An là 100 người. Các hội công nhân cứu quốc, thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc ở Hội An cũng phát triển mạnh, nhất là ở Kim Bồng, Thanh Hà, Cẩm Phô. Đây là lực lượng quần chúng nòng cốt trong cuộc khởi nghĩa tháng Tám.
Đến ngày 14/8/1945, chính phủ thân Nhật của Trần Trọng Kim ở Việt Nam rơi vào trạng thái tê liệt. Trong đêm 14/8/1945, Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị toàn quốc ở Tân Trào (Tuyên Quang), quyết định Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Trong thời gian này, Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa Hội An gồm các đồng chí Nguyễn Phe, Hoàng Kim Ảnh, Nguyễn Hàng, Võ Văn Thắng, Trần Duy Mãi do đồng chí Nguyễn Phe làm trưởng ban.



 
Đến ngày16/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa Tỉnh cử các đồng chí Võ Toàn, Nguyễn Thị Nễ về giúp đỡ công tác chuẩn bị khởi nghĩa tại Hội An. Đến chiều 17/8/1945, Hội nghị của Ủy ban Khởi nghĩa Hội An diễn ra tại nhà ông Huỳnh Đủ, phía Đông ấp Ngọc Thành (nay là nhà số 65, đường 18 Tháng Tám, khối II, phường Cẩm Phô) để quyết định đề xuất Tỉnh ủy cho phép Hội An được khởi nghĩa trong đêm 17/8, sớm hơn so với dự kiến là ngày 21/8 và đã được Tỉnh ủy thống nhất.
Trong ngày 17/8, tại ấp Ngọc Thành, những tài liệu phục vụ cuộc Tổng khởi nghĩa được cán bộ, nhân dân in ấn, phát hành kịp thời. Tại nhà đồng chí Trương Tòng, các đồng chí Lưu Quý Kỳ, Phan Trí được phân công và đã may xong lá cờ Việt Minh cỡ lớn cho đoàn quân khởi nghĩa. Cũng tại Ngọc Thành, đến đêm 17/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa Hội An phát lệnh xuất quân khởi nghĩa lật đổ chính quyền phong kiến, phát xít Nhật đóng trên địa bàn Hội An.
          Vào 03h sáng ngày 18/8/1945, có 5000 quần chúng được huy động ở toàn Hội An cùng với lực lượng tự vệ gồm có 5 đại đội, 4 trung đội đã xuất quân theo lệnh khởi nghĩa. Đoàn quân khởi nghĩa từ các ngã vùng ngoại ô giương cao cờ khởi nghĩa, giáo mác trong tay, rầm rập tiến vào nội ô Hội An. Vừa đi, đoàn người vừa hô vang các khẩu hiệu “Đánh đổ chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim”, “Thành lập chính quyền cách mạng nhân dân”, “Việt Nam độc lập” tạo nên khí thế quật khởi của sức mạnh cách mạng. Trước khí thế đó, lực lượng vũ trang của địch khiếp sợ, trụ sở các cơ quan của địch đều bị quân ta tiếp quản.
Đến 06h ngày 18/8/1945, Tỉnh truởng bù nhìn Tôn Thất Giáng buộc phải giao nộp ấn tín, tài liệu, sổ sách, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền phong kiến, tay sai tỉnh Quảng Nam đóng ở Hội An, cuộc khởi nghĩa giành được thành công triệt để. Hội An trở thành một trong 4 đô thị giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.
          Cũng trong buổi sáng 18/8/1945, từ Tòa tỉnh trưởng, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Toàn, Đại đội Tự vệ Kim Bồng do đồng chí Nguyễn Thanh Sơn làm Đại đội trưởng đã tiến về Vĩnh Điện đi hỗ trợ khởi nghĩa cho các huyện  Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ...
          Cách mạng Tháng Tám thành công ở Hội An, Quảng Nam đã góp phần thúc đẩy công cuộc Cách mạng Tháng Tám cả nước diễn ra nhanh chóng để đến ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, chính thức tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới là Việt Nam đã trở thành một nước độc lập.

Tác giả: Trương Hoàng Vinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây