Tháng 4 năm 1930, Chi bộ Đảng đầu tiên của Hội An được thành lập, gồm ba đồng chí trong đó có đồng chí Huỳnh Lắm, phụ trách các hoạt động của chi bộ Đảng Hội An. Đặc biệt, đồng chí có những đóng góp quan trọng vào việc tổ chức cơ quan bí mật của Tỉnh ủy ở Xóm Da, phường Cẩm Phô và tổ chức mittinh diễn thuyết giữa ban ngày tại nội ô thị xã để kêu gọi quần chúng đấu tranh cách mạng, ủng hộ phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh.
Tháng 8 năm 1930, Hội nghị tỉnh ủy Quảng Nam họp tại Hội An chủ trương đẩy mạnh phong trào cách mạng ở nông thôn, Huỳnh Lắm được bổ sung vào Ban chấp hành và đã tham gia gây dựng nhiều cơ sở nông thôn.
Khi phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh phát triển lên đỉnh cao trong tháng 8 và 9/1930. Tỉnh ủy Quảng Nam chủ trương tổ chức mittinh ở Hội An để phát huy ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng, đồng chí Huỳnh Lắm đã được Tỉnh ủy tin tưởng giao trách nhiệm thực hiện. Đồng chí Huỳnh Lắm đã tăng cường huy động các đồng chí, quần chúng cách mạng bảo vệ tốt các buổi diễn thuyết, trong đó có buổi diễn thuyết của đồng chí Trần Kim Bảng ở trước chùa Quảng Triệu.
Vào tháng 10/1930, giữa lúc phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ thì Nguyễn Huế - đảng viên thuộc Đảng bộ Duy Xuyên đã phản bội khai báo cho địch biết cơ quan của Tỉnh ủy ở Hội An. Thực dân Pháp nhanh chóng mở các cuộc càn quyét, truy bắt cán bộ trong toàn tỉnh mà Trung tâm là cơ quan của tỉnh ủy Quảng Nam. Huỳnh Lắm và một số cán bộ thuộc chi bộ ở Hội An bị địch bắt giam ở nhà lao Hội An, rồi đày đi Côn Đảo. Từ đây phong trào đấu tranh ở Hội An tạm lắng xuống. Năm 1934, Huỳnh Lắm được ra tù nhưng đã chuyển địa bàn hoạt động, giữ nhiều chức vụ quan trọng của Tỉnh ủy và Liên Khu V, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Đến năm 1975 ông về hưu và qua đời ở Đà Năng vào năm 2002.