Trong những thế kỷ XVI, XVII, cùng với các thương nhân người nước ngoài, những nhà truyền giáo phương Tây đã sang truyền bá Cơ đốc giáo ở Việt Nam và Hội An là một trong những nơi sớm nhất của Đàng trong có sự xuất hiện của các giáo sĩ. Ngày 18/1/1616 giáo sĩ người Ý Francisco Busomi thành lập giáo xứ Hội An và xây dựng nhà thờ ở Hội An. Từ đó, các giáo sĩ thường xuyên đến Hội An làm việc và mở rộng phạm vi truyền giáo. Trong số đó có 3 giáo sĩ đến làm việc và mất tại Hội An. Trước đây, mộ của các giáo sĩ được xây dựng tại khuôn viên nhà thờ cũ thuộc phường Sơn Phong. Năm 1980, do mộ không được bảo quản tốt nên linh mục Lê Như Hảo đã cho cải táng và chuyển khu mộ về khuôn viên nhà thờ Thiên chúa giáo hiện nay.
Tại khu mộ, ngoài 3 ngôi mộ được cải táng về đây, còn có 2 ngôi mộ được xây dựng trước đó. Khu mộ được phân thành hai dãy. Dãy mộ trong cùng gồm 3 ngôi mộ là nơi an nghỉ của các giáo sĩ Gulielmo Mahot, Franxico Perez và Valere Rist.
1. Giáo sĩ Gulielmo Mahot là người Pháp thuộc dòng thừa sai Paris, nhận chức tại nhà thờ Hội An năm 1682. Ông có công khai mạc hội nghị thiên chúa giáo Sinnode lần thứ hai ở Hội An, Ông mất vào ngày 1/6/1684 tại Hội An.
2. Giáo sĩ Franxico Perez là người Bồ Đào Nha lai Thái Lan cũng thuộc dòng Thừa sai, nhận chức tại nhà giám mục Hội An vào tháng 10/1691. Vào tháng 7/1728 trong một lần đi công vụ, ông phát bệnh và mất tại Kẻ Tha (
Mỹ Xuyên - Duy Xuyên) và được đưa về an táng tại Hội An.
3. Giáo sĩ Jn. Valere là người Đức thuộc Dòng Francisco, nhận chức tại nhà thờ Hội An vào năm 1735, qua đời và an táng tại Hội An năm 1737.
Dãy mộ gần cổng gồm có hai ngôi mộ, ngôi mộ nằm phía bên phải là nơi chôn cất của linh mục người Việt Phao Lô Nguyễn Tưởng. Ngôi mộ còn lại là mộ giáo sĩ Pierre Auguste Galloz (
1882 - 1953), người Pháp, được phong linh mục Hội An vào năm 1907.
Có thể nói sự có mặt của một số giáo sĩ phương Tây ở Hội An là minh chứng thiết thực về quá trình truyền bá Thiên chúa giáo từ thế kỷ XVI, XVII vào Hội An. Ba giáo sĩ mang các quốc tịch khác nhau điều đó cho thấy rõ hơn mối quan hệ giao lưu văn hóa Đông - Tây trong thời gian dài của lịch sử.