KIẾN TRÚC SƯ KAZIK VỚI DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI HỘI AN

Thứ tư - 19/12/2012 22:10
Sau ngày đất nước thống nhất, Hội An cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước còn gặp nhiều khó khăn, phải lo khắc phục hậu quả chiến tranh và vất vả lao động xây dựng cuộc sống mới. Do vậy mà chưa có nhiều người quan tâm bảo vệ Khu phố cổ Hội An già nua, xuống cấp.
Thế nhưng trong lúc đó, lại có một người nước ngoài khi đến Hội An lần đầu tiên đã đưa ra nhận xét khiến cho không người Hội An nào lúc đó tin được, rằng người Hội An đang ngồi trên đống vàng, và tài nguyên này là vô giá. Ông là Kazimierz Kwiatkowsky, tên thân mật do những người quen biết đặt cho là “thầy Lang Kazik”, một kiến trúc sư nổi tiếng đến từ đất nước Cộng hòa Ba Lan xa xôi.


 
Năm 1980, trên cương vị trưởng Tiểu ban Ba Lan - Việt Nam, ông dẫn đầu đoàn chuyên gia sang giúp Việt Nam bảo tồn các di tích đang xuống cấp và chọn Mỹ Sơn để thực hiện khát vọng cháy bỏng của mình.
Đầu thập niên 80 ông đến Hội An. Đứng trước Vẻ đẹp không trùng lặp của Khu phố cổ, ông đã bị lôi cuốn đến đam mê. Khu phố cổ lúc này vẫn đang đìu hiu, vắng lặng thế nhưng với ông giá trị của nó xứng đáng ở vị trí hàng đầu trong danh mục các di tích văn hóa của Việt Nam và cả kho tàng văn hóa của nhân loại. Không những vậy, với tầm nhìn của một chuyên gia nhiều năm làm công tác bảo tồn di tích, ông đã nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch trong tương lai của Khu phố cổ. Ông tiên đoán rồi đây, mỗi người dân Hội An hàng năm sẽ đón tiếp 3 đến 4 khách nước ngoài và sẽ giàu lên từ chính ngôi nhà của họ.
Nhận ra giá trị của Khu phố cổ, mặc dù bận rộn công việc bảo tồn ở Mỹ Sơn nhưng ông đã đề nghị chính quyền địa phương được tự nguyện làm việc ngoài giờ để tham gia khảo sát lập hồ sơ di tích cho Khu phố cổ. Cũng theo đề nghị của ông, đoàn chuyên gia của Trung tâm Thiết kế tu bổ di tích Trung ương đã vào Hội An để tiến hành các đợt khảo sát, đo vẽ hiện trạng với sự giúp đỡ về chuyên môn của ông. Thời gian này, hình bóng của ông đã quen dần với người dân khu phố cổ và họ thân thiện giúp đỡ ông trong những ngày khảo sát.
Kết quả của những công việc lặng thầm đó, đến năm 1985, Khu phố cổ Hội An được Bộ Văn hóa ra quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia cho Khu phố cổ. Cũng trong năm đó, Hội thảo quốc gia về Khu phố cổ Hội An được tổ chức quy tụ hàng chục chuyên gia nghiên cứu trên các lĩnh vực trong cả nước. Hội An đạt được thành quả bước đầu này có công lao khởi xướng không nhỏ của ông.
Không những vậy, chính ông là người đầu tiên đưa Hội An ra với thế giới bên ngoài, bằng các bài viết nghiên cứu sâu sắc, đầy số liệu thực tế về giá trị văn hóa của Khu phố cổ Hội An của mình trên các tạp chí nghiên cứu quốc tế. Từ đây, nhiều chuyên gia nghiên cứu về kiến trúc cổ, phố cổ trên thế giới đã bắt đầu quan tâm đến Khu phố cổ Hội An.
Trong khi Hội An đang thu hút sự quan tâm của cả nước và thế giới thì năm 1997, ông lâm trọng bệnh và trút hơi thở cuối cùng tại Huế sau 17 năm gắn bó với Việt Nam. Và thật đáng tiếc khi ông không được nhìn thấy Hội An cùng với Mỹ Sơn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh vào danh mục di sản văn hóa của nhân loại sau vào ngày 04/12/1999.
Vậy là đến nay, Hội An đã trải qua 13 năm mang trên mình danh hiệu Di sản. 13 năm ấy, đã có hàng triệu du khách thập phương đến Hội An. Di sản được bảo vệ, du lịch đã phát triển, thế giới đã ghi nhận và ngưỡng mộ nỗ lực gìn giữ di sản của Hội An. Còn người dân Hội An đã mãi ghi nhận công lao của ông bằng một bức tượng tưởng niệm ông ngay trong lòng phố cổ để đông đảo du khách được biết đến sự gắn bó của ông với Hội An.

Tác giả: Nguyễn Cường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây