VÀI NÉT VỀ THIỀN PHÁI LÂM TẾ CHÚC THÁNH Ở HỘI AN

Thứ tư - 19/12/2012 22:13
Kể từ khi vào trấn thủ hai xứ Thuận - Quảng, năm 1558, chúa Tiên - Nguyễn Hoàng cũng như các Chúa về sau đều là những người sùng mộ Phật pháp. Tuy rằng các Chúa không lấy Phật giáo làm quốc giáo như thời Lý - Trần, nhưng lại lấy Phật giáo làm chỗ dựa cho chính sách an dân trị quốc. Tại nơi đây, các dòng thiền được truyền bá và phát triển mạnh mẽ, trong đó có thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh.
Chùa Chúc Thánh
 
Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh là một trong những chi nhánh của dòng thiền Lâm Tế tại Trung Hoa. Dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh được thiền sư Minh Hải - Pháp Bảo khai sáng vào những năm cuối thế kỷ XVII tại chùa Chúc Thánh ở Hội An. Thiền sư Minh Hải pháp danh thượng Minh hạ Hải, tự Đắc Trí hiệu Pháp bảo, người tỉnh Phúc Kiến Trung Hoa, là một trong những vị thiền sư được thiền sư Nguyên Thiều mời qua Việt Nam dưới thời chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687 - 1691). Vì vậy, dòng thiền này còn có tên gọi khác là thiền phái Minh Hải - Pháp Bảo.
Đến nay, ở Hội An, có đến mười ngôi chùa thuộc thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh: Chúc Thánh, Vạn Đức, Phước Lâm, Long Tuyền, Pháp Bảo, Viên Giác, An Lạc, Minh Giác, Bảo Thắng, thiền tự Bảo Châu, Long Thọ. Thiền phái Chúc Thánh là lấy theo tên ngôi chùa Chúc Thánh do thiền sư Minh Hải khai sơn. Trong mười ngôi chùa này thì tổ đình Chúc Thánh, Vạn Đức, Phước Lâm là ba tổ đình chính của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An. Trong số các tổ đình ở Hội An thì tổ đình Chúc Thánh và tổ đình Phước Lâm đóng vai trò quan trọng như một trung tâm truyền thừa và phát triển dòng Lâm Tế - Chúc Thánh. “Nếu như Chúc Thánh là chiếc nôi khai sinh, thì Phước Lâm là trung tâm truyền giáo của dòng thiền Lâm Tế Chúc thánh trên phạm vi cả nước.
Về truyền thừa, thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh Hội An dùng bài kệ của thiền sư Minh Hải:
Minh Thiệt Pháp Toàn Chương
Ấn Chơn Như Thị Đồng
Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu
Kỳ Quốc Tộ Địa Trường
Đắc Chánh Luật Vi Tông
Tổ Đạo Giải Hành Thông
Giác Hoa Bồ Đề Thọ
Sung Mãn Nhân Thiên Trung
 
         Theo sách Lịch sử truyền thừa Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh của tác giả Thích Như Tịnh thì bài kệ này được dịch nghĩa như sau:
 
Khơi sáng pháp chân thật
Tánh chân như là đồng
Cầu Thánh quân muôn tuổi
Chúc đất nước vững bền
Giới luật nêu trước tiên
Giải và hành nối liền
Hoa nở cây giác ngộ
Hương thơm lừng nhân thiên
Bài kệ này bao gồm bốn mươi chữ và được chia ra làm hai phần. Phần đầu gồm 4 câu đầu được dùng để đặt Pháp danh và phần còn lại để đặt Pháp tự. Thiền sư Minh Hải có pháp danh chữ Minh và Pháp tự là chữ Đắc. Tiếp đến, hàng đệ tử của Ngài theo thứ tự có pháp danh chữ Thiệt và pháp tự chữ Chánh như : Thiệt Diệu - Chánh Hiền, Thiệt Dinh - Chánh Hiển, Thiệt Đăng - Chánh Trí v.v. Chính sự truyền thừa có thứ tự như vậy nên chúng ta dễ dàng nhận ra vị Thiền sư nào là đệ tử Minh Hải.
Về tôn chỉ hành đạo của thiền phái Chúc Thánh kể từ ngày Tổ sư Minh Hải khai sơn cho đến nay vẫn không thay đổi. Tùy vào quá trình hành đạo và giữ đạo luôn được áp dụng tùy từng hoàn cảnh đã thể hiện được bản hoài của người Phật tử theo tinh thần:“Phụng sự chúng sanh tức là cúng dường chư Phật.”
Về phương pháp hành trì, cũng như thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh các tỉnh, thành trong cả nước, thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh Hội An lấy thiền định làm chủ yếu. Muốn thiền định phải áp dụng hai cách điều Thân và điều Tâm, không nghĩ đến điều ác, cứu thế giúp đời, rèn luyện tâm được thanh tịnh.
Về tổ chức sư môn: môn phái Lâm Tế Chúc Thánh đặt trụ sở chính tại tổ đình Chúc Thánh Hội An. Cơ cấu tổ chức  bao gồm 2 Hội đồng: Hội đồng trưởng lão và Hội đồng điều hành. Hội đồng trưởng lão gồm các vị tiêu biểu cho giới luật, có nhiệm vụ chứng minh các đại lễ, đàn giới của môn phái. Hội đồng điều hành có trách nhiệm điều hành mọi công tác Phật sự của môn phái.
Như vậy, thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh Hội An nói riêng đã trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển. Trong suốt chuỗi thời gian song hành cùng dân tộc, thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã tác động rất lớn đến đời sống Phật giáo ở Hội An. Ngày nay, thiền phái Chúc Thánh có mặt khắp các tỉnh miền Trung và Nam Việt Nam, thậm chí còn phát triển mạnh ở nước ngoài.

Tác giả: Phạm Phước Tịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây