Hội An qua tác phẩm “Hải Nam Tạp trứ” của Thái Đình Lan
Thứ ba - 23/04/2013 03:15
Danh từ “Hội An” từ lâu đã được nhắc đến trong nhiều tài liệu của các nhà truyền giáo, những ghi chép của các nhà buôn… Dưới con mắt của một nho sĩ, Thái Đình Lan cũng có những cảm nhận riêng về mảnh đất và con người nơi đây. Trong khuôn khổ bài này chúng tôi sẽ giới thiệu về những mô tả của Thái Đình Lan về Hội An qua tác phẩm “Hải Nam tạp trứ”.
Thái Đình Lan sinh năm 1801 mất năm 1859 người Bành Hồ, Trung Quốc. Năm Quang Đạo thứ 15, tức năm 1835, Thái Đình Lan thi đậu hương tiến, thi xong ông đáp thuyền từ Phúc Kiến về Đài Loan, không ngờ gặp bão tố, mấy phen thập tử nhất sinh, may cuối cùng thuyền dạt vào Cù Lao Chàm, sau đó được người dân di biển đưa đến bờ biển Thới Cần thuộc phủ Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Tin này được báo lên triều đình, vua Minh Mệnh châu phê cho Thái Đình Lan như sau: “Viên này xuất thân văn học không may bị tai nạn gió bão, đồ dùng hành lý mất sạch thật đáng thương. Trước đã được quan địa phương cấp phát tiền gạo, ngoài số ấy, nay gia ân thưởng thêm cho tiền 50 quan, gạo 20 phương để có mà chi dùng qua ngày…”
Những chuyện mắt thấy tai nghe trong chuyến hành trình này được ông ghi chép rất cẩn thận trong tác phẩm “Hải Nam tạp trứ”. Khi thuyền ông dạt đến Cù Lao Chàm thuộc bờ biển của Quảng Nam, ông viết: “Chiều tối khi mặt trời sắp lặn, từ xa nhìn thấy dưới đụn mây nổi thấp thoáng có một vệt đen dường như dính vào mặt nước mà không chuyển động, lờ mờ như hình ngọn núi! Qua một đêm, đến khi trời sáng mây tan thì thấy đá chồng lên dựng nhấp nhô đã hiện lên rõ một trước mắt, cách thuyền chỉ chừng một đặm. Bấy giờ mới thấy rõ đó là ba hòn đảo nhỏ bên trên có cỏ cây xanh tốt, bên rìa đảo có nhiều tảng đá chồng hình thức rất hiểm ác. Thuyền theo thủy triều dập dờn mà trôi vào, nhận ra các con thuyền đang đi tới đều là thuyền giáp bản, thuyền giáp bản tức là tên thuyền nước ngoài. Nhìn kỹ thì thấy ở cửa khẩu đảo lớn có nhiều cột buồm tua tủa, biết đó là một cảng lớn, mọi người trên thuyền đều cuống cuồng vui mừng, đều quỳ cả xuống thuyền, ngước nhìn lên mà tạ ơn ông trời, xế trưa nổi lên mấy cơn gió nhẹ, rồi mây đen ùn ùn kéo đến, vừa gió mưa, vừa trên dưới mờ mịt sương mù, mấy hòn đảo như lùi ra xa tít, ngay phía trước mà không thể nhìn rõ nữa. Dòng thủy triều thì chảy xiết, sóng tung lưng trời, hết xô đầu thuyền lại dập đuôi thuyền, tiếng sóng vỡ nổ vang như sấm… Một lúc sau thì gió nhẹ mưa tan, các con sóng cũng dịu dần rồi lặng hẳn. Tôi nhoài ra ngoài khoang thuyền thấy mặt trăng đã mọc lên từ phương đông, giữa màn mây tối đen đã thấy mấy vệt sáng trời lấp loáng. Nheo mắt nhìn kỹ thấy mấy hòn đảo chụm thành một cụm, mà nhìn ngang thì như một dãi chạy dài từ nam đến bắc, thuyền chúng tôi có thể vào đấy đỗ nhờ. Thả dây chuông xuống đo thử, thấy nước chỉ sâu chừng hai ba trượng, mà bên dưới toàn cát mịn, chủ thuyền bèn cho thả neo đậu thuyền. Bấm đốt tay mà tính thì lúc này là đêm ngày 11 tháng 10. Mờ sáng hôm sau thấy một thuyền đánh cá đi qua hô gọi, không hiểu họ hỏi gì vì không biết tiếng, thấy dùng ngón tay viết hai chữ “A Nam”. Một lát sau lại có một thuyền nhỏ chèo đến, trên thuyền có một người biết nói tiếng Hoa, tự xưng là Đường nhân, người A Nam gọi người Trung Quốc là Đường nhân. Họ lên thuyền nghiêm giọng hỏi:
- Các ông từ Trung Quốc đến phải không? Không biết luồng cảng sao đến được đây?
- Chúng tôi trình bày thực tình bị nạn. Các ông quan Việt Nam nghe xong đều lắc đầu thè lưỡi nói: không có thần linh phù hộ làm sao được thế? Hòn đảo nhỏ nơi các ông dạt vào là đảo Chiêm Tất La tức là Cù Lao Chàm ở Quảng Nam. Hai phía đông tây đảo dòng chảy rất xiết, giữa có một luồng vào cảng rất hẹp, nhưng nếu thuyền không nhân theo hải triều thì không vào được, húc đá là chìm ngay! Theo hướng tây rồi chuyển về hướng nam thì vào được trong cảng. Cột buồm bị gãy mà chèo ngược dòng thì không tới được. Suốt một dãi từ đông sang tây, đến chổ này là nguy hiểm nhất, đáy biển đều là đá và đụn cát ngầm. Đụn cát ngầm dài mấy chục dặm, đường luồng vào cảng thì quanh co, ngay cả những dân chài nhiều tuổi cũng không biết chắc, thuyền húc vào là lập tức tan tành!”.
Thoát được nạn trên biển Thái Đình Lan theo đường bộ từ Quảng Ngãi về Trung Quốc, khi qua đất Quảng Nam có lưu trú lại vài ngày. Ông đã mô tả về khung cảnh và con người ở đây như sau “đến chợ Ván đi 160 dặm nữa đến tỉnh thành Quảng Nam tục gọi là Hội An; thành tỉnh ấy tục gọi là thành Qùy, dừng nghĩ ở nhà người trưởng phố là Hồng Định quê huyện Đồng An tỉnh Phúc Kiến. Cách thành tỉnh 20 dặm là phố Hội An người Trung Quốc ở đây rất đông. Ở đây có dinh thự cũ của Quan vận chuyển sứ, rất rộng lớn, trong dinh thờ quan Chuyển vận sứ của triều trước, người Trung Quốc dâng cúng đèn hương phần nhiều đều bất lợi, nay trả về cho người bản địa trông giữ, nhưng thường khóa cửa không cho ai vào. Đi đường trên đất Quảng Nam, thấy lúa má tươi tốt, những chân ruộng mạ mới gieo xanh mượt như nhung, cò trắng đậu giữa đồng im phăng phắc không cử động, những rặng cây mờ xa tít tắp.
Ngoài ra, trong thời gian Thái Đình Lan lưu trú lại ở hai tỉnh Nam – Ngãi, ông đã gặp gỡ với nhiều nho sĩ, cũng như quan lại của địa phương, trong đó có Phan Thanh Giản lúc bấy giờ đang giữ chức quan tuần phủ Nam Ngãi. Ông đã viết về Phan Thanh Giản như sau “Phan công là người tài học uyên bác, tính tình khiêm tốn nhã nhặn, một ngày hôm ấy mời tôi nói chuyện hai lần, tặng tôi năm quan tiền cùng mấy thứ trà, bánh. Tôi có làm thơ xướng họa cùng Phan công. Sáng hôm sau phan công sai thuộc hạ cầm danh chỉ đưa tôi đi đường”. Từ Hội An ông tiếp tục hành trình ra cố đô Huế được yết kiến vua và từ đó ông trở về Trung Quốc, trên đường đi ông đều ghi chép cẩn thận những sự việc mắt thấy tai nghe của mình.
Thiết nghĩ, tác phẩm “Hải Nam tạp trứ” là một tác phẩm có giá trị lịch sử, là ấn phẩm bổ sung tư liệu về cảng thị Hội An vào giữa thế kỷ XIX cần được phổ biến để phục vụ cho công tác nghiên cứu về văn hóa lịch sử Hội An.