Hội An trong phong trào chống thuế Trung Kỳ

Chủ nhật - 07/07/2013 23:09
Trong năm 1907, đầu 1908, chính quyền của Pháp cùng với triều Nguyễn ra lệnh tăng sưu, thuế. Điều này khiến cho người dân nhất là ở nông thôn đang khó khăn lại càng khó khăn hơn. Trong hoàn cảnh đó, vào đầu năm 1908, tại làng Phiếm Ái - huyện Đại Lộc, trong một bữa giỗ, các ông Lương Châu, Trương Hoành, Hứa Tạo, Trương Tốn, Trương Côn, Trương Đính… đã bàn tính, thảo đơn kháng thuế, cự sưu.
Kế hoạch của họ là làm đơn và bàn nhau lấy chữ ký của 108 lý trưởng của huyện Đại Lộc; tập hợp dân đến huyện đường yêu cầu quan huyện cùng dân đến tỉnh thành La Qua, Điện Bàn và từ tỉnh thành sẽ đến tòa sứ ở Hội An; Sau đó sẽ loan tin cho dân ở huyện, phủ nào sẽ vây huyện lỵ, phủ lỵ huyện ấy, lấy khẩu hiệu yêu cầu quan huyện, phủ cùng dân đi xin xâu; không gây phương hại đến tính mạng và tài sản các quan phủ, huyện, tỉnh. Mục đích của phong trào là làm tê liệt guồng máy Nam triều từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh. (1)
Một trong những lý do Hội An trở thành điểm cuối của cuộc biểu tình chống sưu thuế được cụ Huỳnh Thúc Kháng mô tả trong tác phẩm Cuộc cự sưu ở Trung kỳ năm 1908, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1947 là: “Hội An là thị trấn buôn bán hội tụ đông nhất tỉnh Quảng Nam. Tòa công sứ cũng đóng ở đấy. Không kể dân ở các phủ, huyện trong tỉnh mà dân buôn bán ở các tỉnh lân cận cũng thường qua lại rất đông.”
Theo dự định của những người tổ chức thì cuộc kháng thuế diễn ra chậm hơn nhưng do một lý trưởng trong làng đã báo cáo sự việc này lên quan huyện. Từ đó, để cuộc kháng thuế được tiến hành, các vị chủ xướng đã quyết định phải tổ chức nộp đơn sớm khi chỉ xin được chữ ký của 35 lý trưởng ở Đại Lộc. Ngày 11/3/1908, một đoàn 400 người đã kéo đến huyện đường Đại Lộc để nhờ quan huyện chuyển giúp đơn. Quan huyện đã bỏ chạy xuống tỉnh đường để báo cáo. Sau đó, đoàn người kéo xuống tỉnh đường, trên đường đi, họ vận động người dân ven đường cùng nhau kéo về tỉnh đường (ở huyện Điện Bàn) rồi đi thẳng xuống tòa công sứ ở Hội An. Đến Hội An đoàn người đã lên đến con số ngàn người. Tại tòa công sứ, các ông Hứa Tạo, Trương Hoành, Lương Châu đưa đơn kháng thuế, yêu cầu công sứ giảm sưu thuế. Công sứ C-harles đã yêu cầu đoàn người ra về, sẽ xin ý kiến của toàn quyền Đông Dương và triều Nguyễn rồi giải quyết sau. Nhưng ngay chiều hôm đó, công sứ Pháp đã ra lệnh bắt những người là đại diện của đoàn biểu tình gồm Lương Châu, Trương Hoành, Hứa Tạo, Trương Tốn, Trương Côn, Trương Đính, ra lệnh dùng gậy gộc đàn áp đoàn người.(2) Mặc dù vậy, người dân vẫn kiên quyết bao vây tòa công sứ, cử người đi loan tin ở khắp các phủ huyện, từ đó đoàn người kéo về Hội An càng đông hơn và cuộc biểu tình kháng thuế trở thành sự kiện kéo dài đến một tháng.
Về hoạt động và qui mô của đoàn người chống sưu thuế ở Hội An, trong tác phẩm Cuộc cự sưu ở Trung kỳ năm 1908, cụ Huỳnh Thúc Kháng viết “Nhân dân các phủ huyện trong tỉnh khoai mo, cơm gói, quần xách, áo mang kéo đi từng đoàn ra Phố (Hội An), thay nhau kẻ ở người về giúp nhau”. Với địa thế của một đô thị hành chính, thương mại của Hội An lúc bấy giờ đã có tác động làm cho phong trào mau chóng phát triển theo như ý kiến của cụ Huỳnh viết trong Cuộc cự sưu ở Trung kỳ năm 1908 như sauVì thế, kẻ truyền đi, người đồn lại tấn kịch “nhân dân xin sưu” không cánh mà bay lan tràn rất chóng”.
Và trong công điện ngày 13/3/1908 của khâm sứ Trung kỳ Levecque gửi toàn quyền Đông Dương cho biết “… Nhiều người Nam ở các phủ huyện tập họp ở nhiều nơi trong tỉnh và hàng nghìn người đã kéo đến Hội An, phản đối thuế thân và sưu dịch… Một đoàn năm, sáu trăm người đã vượt rào chắn, một hôm đã tìm cách tràn vào văn phòng công sứ, yêu cầu trả tự do cho những tên cầm đầu bị bắt. Họ đã bị đẩy lùi bằng đòn gậy và từ đó đám biểu tình luôn đông người, bị cản lại và dừng lại cách Hội An khoảng một cây số. Sáng hôm sau đến từ các làng lân cận mà họ nghỉ qua đêm và nhận tiếp tế của những người cầm đầu, họ tụ tập theo từng làng ở ven đường, nằm dài và yên lặng… ở Hội An, trên đường cách nội thành khoảng chừng môt cây số, tôi đã thấy có gần hai nghìn người… Họ là dân nghèo, phần lớn là những cu li ăn mặc rách rưới…”.(3)
Giữa lúc đoàn người chống sưu thuế đang vây tòa công sứ, thì ở các phủ huyện khác nhân dân tập trung lại bao vây các phủ đường, huyện đường Thăng Bình, Tam Kỳ, Hòa Vang… tạo nên một sức mạnh quần chúng lớn lao trong khắp cả tỉnh Quảng Nam. Ngày 22/3/1908, có 8000 người kéo đến phủ đường Điện Bàn và ép được tri phủ Nguyễn Văn Thống cùng đoàn người xuống tòa công sứ để xin xâu. Trên đường đi, tri phủ đã sai người ngầm báo cho lính tòa công sứ lên đàn áp. Đoàn người chống thuế đi đến đoạn sông Lai Nghi - Thanh Hà thì đã có 30 lính đến cứu viện cho tri phủ Điện Bàn và đàn áp đoàn người biểu tình. Bọn lính đã dùng roi, gậy gộc để đánh nhân dân và nổ súng. Quần chúng chạy tán loạn, có 3 người ngã xuống sông Thanh Hà chết đuối, nhân dân đã tổ chức lễ truy điệu và chôn cất rất chu đáo với nhiều câu đối trên vải điều, giấy đỏ, mo cau, thẻ tre được cắm ở bờ sông Thanh Hà và ở mộ người chết.(4)
Cuộc kháng thuế của người dân Quảng Nam ở Hội An không chỉ góp phần mở rộng phong trào trong Tỉnh mà còn lan rộng đến cả Quảng Ngãi. Trong tác phẩm “Cuộc cự sưu ở Trung kỳ năm 1908”, cụ Huỳnh mô tả thêm “Đến nhịp cự sưu xảy ra, bọn buôn bán ra Hội An thấy thế truyền tin đến Quảng Ngãi là hưởng ứng…” và thực tế đã lan rộng khắp các tỉnh Trung kỳ và kéo dài đến cuối năm 1908.
Sự kiện người dân Quảng Nam tổ chức đấu tranh kháng thuế ở Hội An đã gây nên tiếng vang lớn không chỉ ở miền Trung mà còn lan rộng khắp cả nước.  Báo tiếng Pháp Courrier de Ha Noi năm 1908 đăng bài viết của Rogé mô tả khá chi tiết (bản dịch của Nguyễn Q Thắng): "Thành phố Faifoo nhỏ bé lúc này đang là điểm nhắm của tất cả những người châu Âu sống ở Trung Kỳ thường chú tâm đến những phong trào biến động của những người An Nam. Từ hơn hai tuần lễ nay, nhiều nhóm bất mãn đã tụ tập biểu tình ở trước dinh công sứ Faifoo, nhằm mục đích lôi kéo sự chú ý của công sứ C-harles đến các yêu sách của họ. Sự ngoan cố dai dẳng của những kẻ phản đối, mà số lượng mỗi ngày mỗi gia tăng, đã khiến ông công sứ hết kiên nhẫn, nên mấy ngày mới đây, ông đã ra lệnh phải làm sao chấm dứt những cuộc biểu tình đó, vì tuy chúng là biểu tình bất bạo động nhưng mọi người cũng đã hết kiên nhẫn, vì những kẻ biểu tình hoàn toàn gan lì trước mọi trách cứ và nhất định không chịu giải tán". Như vậy, cuộc biểu tình này với chủ trương bất bạo động nhưng đã tạo một sức mạnh to lớn khiến cho các quan chức cao cấp nhất của Pháp ở Việt Nam lúc bấy giờ phải đau đầu xử lý và dẫn đến nhượng bộ chấp nhận giảm sưu thuế.
Theo những tư liệu trên thì người Hội An đã tham gia vào phong trào chống thuế với đoàn người biểu tình bằng cách cho người dân ngủ lại nhà qua đêm và tiếp tế lương thực trong thời gian đoàn người biểu tình tại đây, ngoài ra, tuy chưa có tài liệu nào nói đến trực tiếp nhưng chúng tôi cho rằng với vai trò của Châu Thượng Văn trong phong trào Đông Du, Cần Vương thì hẳn trong phong trào này cụ Châu Thượng Văn cũng đã góp phần sức, của để phục vụ đoàn người biểu tình. Ngoài ra, thương cuộc Quảng Nam đóng ở Hội An do các chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp lập ra đã có nhiều hoạt động để ủng hộ kinh phí cho hoạt động kháng thuế. Thực tế khi phong trào kháng thuế bị đàn áp vào cuối tháng 4/1908 thì thương cuộc bị đóng cửa và người đứng đầu thương cuộc đã bị bắt.(5)
Như vậy, có thể nói rằng vị trí Hội An đã góp phần cho phong trào chống thuế ở Quảng Nam có sức lan tỏa không chỉ trong Tỉnh mà còn mở rộng ra khắp miền Trung, tạo nên một phong trào quần chúng bất bạo động có sức mạnh mạnh mẽ, rộng lớn buộc thực dân Pháp phải nhượng bộ. Người dân Hội An cũng đã góp phần lớn cho việc hậu cần, giúp đỡ đoàn người chống thuế trong thời gian một tháng cũng như tham gia giúp giải quyết hậu sự những người bị thực dân Pháp đàn áp. Qua bài viết này, chúng tôi cũng nhận thấy rằng vẫn còn phải tiếp tục khảo sát, định vị những địa điểm di tích có liên quan đến phong trào chống thuế Trung kỳ như nhà cụ Châu Thượng Văn, Thương cuộc Quảng Nam, nhà ông Bang Toại, đoạn sông Lai Nghi nơi dân bị đàn áp… để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, phát huy♣
 
* Chú thích:
(1), (2) Trần Viết Ngạc (2008): Phong trào chống thuế Quảng Nam - Kỷ yếu Hội thảo 100 năm Phong trào chống thuế Quảng Nam - Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Quảng Nam, tr.57.
(3) Vân Thu (2008): Hội An - điểm hợp quân của cuộc biểu tình kháng thuế, cự sưu 100 năm trước, Báo Quảng Nam, Thứ sáu, ngày 04/4/2008 16:14)
(4) Ths. Lưu Anh Rô (2008): Phong trào chống thuế Quảng Nam qua hồi ức người đương thời - Tham luận in trong Kỷ yếu Hội thảo 100 năm Phong trào chống thuế Quảng Nam - Sở VHTTDL Quảng Nam xuất bản, tr 198.
(5) Đơn của bà Huỳnh Thị Lý, vợ của tú tài Mai Luyện và mẹ của cử nhân Mai Dị gửi Toàn quyền Đông Dương khiếu nại về việc bắt giữ Mai Luyện và Mai Dị cùng việc tịch thu tiền bạc của Thương hội Quảng Nam, đề tháng 11.1908 - Dẫn theo Phan Văn Hoàng: Cuộc dân biến Trung kỳ qua tài liệu lưu trữ của Pháp - Tham luận in trong Kỷ yếu Hội thảo 100 năm Phong trào chống thuế Quảng Nam - Sở VHTTDL Quảng Nam xuất bản, tr.122.

Tác giả: Trương Hoàng Vinh

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây