Mộ tổ tộc Trần Văn

Thứ tư - 17/07/2013 07:23
Mộ tổ tộc Trần Văn nằm ở thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh, cách trung tâm thành phố Hội An chừng 3km về hướng Đông.
Trong cuộc hành trình mở mang bờ cõi xuống phía Nam để tụ cư sinh sống khai làng lập ấp của các vương triều phong kiến, đặc biệt vào thời chúa Nguyễn phong trào di dân vào Nam phát triển mạnh mẽ hơn cả. 
Văn bia trên mộ và gia phả của tộc Trần Văn cho biết: “Vào đời Lê Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông có chiếu trưng binh, ông Cao Tổ cùng với vợ con tòng quân xuống đất Chiêm Thành, đã lập được nhiều công trạng sau đó lưu ngụ tại Quảng Nam, phát hiện ra con sông gần biển, tập trung dân sống ở đây lập thành làng có biệt hiệu là Võng Nhi. Bia lập năm Mậu Ngọ, đời Cảnh Thống, tức năm 1498”. 
Qua đó có thể thấy rằng tộc Trần Văn đã vào đây từ thế kỷ XV, ông tổ của tộc họ này là người có công lớn lập làng Võng Nhi. Ngôi mộ tổ tộc Trần Văn là một dấu tích về ông tổ tộc Trần Văn và cũng là dấu tích chứng minh sự cư ngụ của người dân Việt ở Cẩm Thanh từ khá sớm, vào cuối thế kỷ XV. 
Ngôi mộ nằm trên gò đất cao, sát đường bê tông, mặt hướng về phía Đông Bắc nhìn ra sông Đò xuôi về Cửa Đại và cách nhà thờ tộc Trần Văn  30m về phía nam. Khuôn viên ngôi mộ có diện tích: 450cm x 600cm. Xung quanh ngôi mộ được bao bọc bởi hàng rào gạch uốn lượng hình gợn sóng. Phía trước nhà bia giống hình tháp trên bốn trụ vuông là mái. Nhà bia từ nền lên đến đỉnh mái cao 3m, mái xây bằng vôi hợp chất kết hợp gạch và lót ngói phía trong. Trên đỉnh đắp mái giả lợp ngói âm dương, bốn góc của được cẩn sành xứ, trang trí các họa tiết hoa lá…Giữa nhà bia có dựng một tấm bia đá trắng có trang trí hoa dây, kẻ chỉ xung quanh diềm bia. Nội dung văn bia có ghi Hán tự được dịch nghĩa như sau: “Ngày tốt tháng 7 năm Ất Dậu. Thủy tổ nguyên từ Nam Châu Hải Dương, hiệu là Liên Chi Trần Quý Công phần mộ. Bổn tộc Trần Văn cùng đứng ra lập”. Mặt sau bia ghi cụ thể nội dung về một phần lai lịch của cụ Thủy tổ này. Tiềp sau nhà bia là nấm mộ hình tròn gồm năm lớp gạch xây xung quanh, đường kính nấm là 300cm. Nền mộ là bê tông kẻ roan, sau cùng là bình phong hình chữ thọ, trên hai trụ có trang trí đài sen. 
Di tích được con cháu tộc Trần Văn nhiều lần tu bổ, tiêu biểu là năm 1945. Đến năm 2007, với sự hỗ trợ của UBND thành phố Hội An, di tích được tu bổ lại nhà bia và xây tường rào bao quanh. 
Qua mô tả cho thấy ngôi mộ này không quá uy nghi nổi bật về mặt kiến trúc nhưng lại ẩn chứa bên trong nhiều giá trị về mặt về lịch sử, là nguồn tài liệu quan trọng trong việc nghiên cứu quá trình hình thành, phát triển của vùng đất Cẩm Thanh nói riêng, sự hình thành, phát triển cộng đồng dân cư Hội An nói chung. Năm 2008 UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp bằng di tích cấp Tỉnh cho ngôi mộ này.  Đây có lẽ là điểm đến hấp dẫn cho nhiều du khách trong chuyến hành trình khám phá Cẩm Thanh “làng quê, sinh thái, đặc thù”. 
Tài liệu tham khảo: 
Lý lịch di tích mộ tổ tộc Trần Văn - Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn Hóa Hội An 
 

Tác giả: Ngọc Hương

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây