Trú Vĩnh Biên và quan hệ giao lưu văn hóa giữa Triều Tiên - Việt Nam ở Hội An vào thế kỷ XVII

Chủ nhật - 07/07/2013 23:31
Gần đây, nhờ sự mở rộng hợp tác quốc tế trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học nên nhiều tư liệu nước ngoài liên quan đến quá trình giao lưu văn hoá, trao đổi kinh tế giữa Hội An, Đàng Trong nói riêng, Việt Nam nói chung với các nước trong khu vực và trên thế giới dần được tìm thấy và giới thiệu, công bố rộng rãi. Trong số đó có một loại tư liệu nói về tàu thuyền các nước bị tai nạn khi đi lại trên biển và phiêu dạt đến Việt Nam, trong đó có Hội An. Đây là những tư liệu chứa đựng nhiều thông tin thú vị liên quan đến đất đai, phong thổ, sinh hoạt văn hoá của vùng đất nơi những nhà du thám “bất đắc dĩ” buộc phải đặt chân đến. Có thể kể một số tác phẩm loại này đã được công bố như Hải Nam tạp trứ (1) của Thái Đình Lan, người đời Thanh, Trung Quốc; Dị quốc phiêu đãng ký văn (2); An Nam quốc giang phong tục tả sinh đồ (3) của Nhật Bản; Trú Vĩnh Biên của Triều Tiên… Trong đó, Trú Vĩnh Biên có thể coi là một tư liệu sớm nhất đề cập đến sự có mặt của người Triều Tiên ở Hội An, Đàng Trong nói riêng, Việt Nam nói chung.
Trú Vĩnh Biên là một cuốn sử của triều đình phong kiến Triều Tiên trong đó ghi lại câu chuyện vào tháng 10 năm Đinh Mão (1687), một số người dân đảo Tế Châu, Triều Tiên trên đường làm nhiệm vụ bằng thuyền đã bị gió bão đánh phiêu dạt đến một địa phương xa lạ mà sau nầy xác định mới biết đó là Hội An nước Đại Việt. Nơi thuyền những người Tế Châu tấp vào chính là Cù Lao Chàm. Họ được những cư dân xứ đảo này cứu giúp, cho nước uống, lương thực và đưa vào trình diện quan sở tại ở Hội An. Tư liệu cho biết: “… Lúc đó, gió lớn lại nổi lên, phải khó khăn lắm những người dân địa phương mới đưa họ lên được bờ. Tất cả được dẫn vào làng thuộc phủ Minh Đức, quận Hội An, được đưa đến trước viên quan mặc áo đen, đội mũ làm bằng đuôi lông ngựa. Người nầy ngồi trên ghế và viết hỏi đáp. Viên quan nói, đại ý: “Thái tử nước chúng tôi trước đây bị người Triều Tiên giết nên giờ đây phải giết các người để báo thù”. Những người Tế Châu khi đọc được những dòng chữ đó đều khóc rống lên. Bỗng nhiên một phụ nữ mặc đồ lụa, đeo đầy trang sức xuất hiện. Đó là người đàn bà đài các, từ bà toả ra hương thơm kỳ lạ. Cầm lấy bút bà viết: Các người đừng khóc, nước ta vốn không sát hại người, các ngươi có thể ở lại, nếu không thì cứ đi”. Sau cuộc tiếp xúc đó những người Tế Châu được đưa trở lại hòn đảo mà họ đã đến lúc đầu là Cù Lao Chàm ngày nay(4) .
 
Tư liệu này cũng cho biết, đoàn người bị nạn gồm 24 người, sau đó ba người bị chết do uống nước lạnh khi mới được cứu. Những người còn lại được người dân địa phương cũng như chính quyền giúp đỡ tiền, gạo, được đi lại tự do các nơi, do vậy có điều kiện chứng kiến tận mắt cảnh vật nơi đây và đã ghi chép lại trong Trú Vĩnh biên. Sau gần 10 tháng ở lại Hội An, vào tháng 7 năm 1688 nhờ sự giúp đỡ của một thương nhân Trung Quốc có tên là Châu Hán Nguyên và chủ thuyền Trần Hữu Ly cùng với sự bảo hộ của triều đình chúa Nguyễn mà cụ thể là ban cho họ 600 lạng bạc và cử Minh Đức hầu làm thư gửi chính quyền phong kiến Triều Tiên thông báo sự việc xảy ra, những người Triều Tiên bị nạn đã được lên thuyền để về nước và mất gần nữa năm lênh đênh trên biển họ mới đặt chân lên được mảnh đất quê nhà.(5)
Sự kiện những người Triều Tiên phiêu dạt đến Hội An và những diễn biến xung quanh sự kiện này, ngoài những giá trị về mặt lịch sử nó còn góp phần khắc họa rõ nét tính cách thuần hậu, nhân ái của cư dân Hội An trong việc sẵn sàng cứu giúp những người phương xa sa cơ lỡ bước. Đồng thời, sự kiện này có thể xem là một mốc son trong quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Triều. Không phải gần đây khi quan hệ ngoại giao Việt - Triều, Việt - Hàn được thiết lập thì mối quan hệ hữu nghị, sự giao hảo giữa hai dân tộc mới có dịp thắt chặt mà từ rất sớm mối quan hệ giao hảo nầy đã được vun đắp bằng những cuộc gặp gỡ, trao đổi thơ văn giữa các sứ đoàn Việt Nam - Triều Tiên tại triều đình Trung Quốc, bằng sự di cư của Lý Long Tường và sự phát triển của hậu duệ nhà Lý ở Triều Tiên, bằng sự có mặt của những người Triều Tiên ở Hội An và việc họ được giúp đỡ để về nước an toàn… Quan hệ giao lưu kinh tế, văn hoá Việt Nam - Triều Tiên cũng đã diễn ra khá sớm ở Hội An qua việc tìm thấy khá nhiều tiền đồng Triều Tiên bên cạnh các loại tiền đồng Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, ở sự chiếm lĩnh thị trường Hội An của sâm Cao Ly từ rất lâu đời: “May mô tí nữa thì lầm, khoai lang khô xắt lát mà tưởng sâm Cao Ly bên Tàu”. Quan hệ giao lưu văn hoá này cũng đã diễn ra khá sôi nổi với sự có mặt của các quân nhân Hàn Quốc, Triều Tiên ở Việt Nam nói chung, Hội An nói riêng trước đây, kèm theo đó là sự phổ biến của các món ăn kim chi, môn võ Taekwondo, các hình thức múa dù, múa quạt kiểu Hàn Quốc. Và cũng không loại trừ có thể có những cuộc hôn nhân Hàn/Triều - Việt và những đứa con đã ra đời từ các cuộc hôn nhân này…
Hội An là tụ điểm giao lưu văn hoá, là nơi gặp gỡ giữa các nền văn hoá trong một thương cảng cổ. Đây chính là một trong những giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hoá Hội An. Trong các mối quan hệ giao lưu đó có mối quan hệ  giao lưu Triều Tiên/Hàn Quốc - Việt Nam mà lâu nay chưa được chú ý nghiên cứu, tìm hiểu. Trú Vĩnh biên (6) là một tư liệu nhắc nhở chúng ta về vấn đề này♣
* Chú thích:
(1) Trần Ích Nguyên - Thái Đình Lan và tác phẩm Hải Nam Tạp Trứ, Nxb Lao Động 2006. Trong sách Hải Nam Tạp Trứ, Thái Đình Lan có đề cập đến Cù Lao Chàm mà ông gọi là Chiêm Tất La, thành phố Huệ An (Hội An); phong cảnh Quảng Nam, núi Tam Thai v.v…
(2) Là cuốn sách nằm trong tập Ngoại quốc tùng thư, tập hợp một số ghi chép trong quá trình phiêu dạt đến các vùng đất An Nam, Quảng Đông thời Mạc Phủ. Xem Trần Thị Xuân - Du ký của người Nhật liên quan đến Việt Nam, tạp chí Xưa Nay, tháng 2/2013, tr. 25 - 29.
(3) Tác phẩm gồm 50 bức hoạ màu mô tả sinh động cuộc sống, phong tục tập quán, con người ở An Nam, Quảng Đông của thuyền trưởng Thanh Tạng (Nhật Bản), vẽ vào thế kỷ XVIII khi ông cùng thuỷ thủ đoàn bị tai nạn trôi dạt đến An Nam, Quảng Đông. Xem thêm Trần Thị Xuân, bđd.
(4) Ngoài những thông tin liên quan đến vụ trôi dạt của người Triều Tiên, chi tiết về phủ Minh Đức ở Hội An và người đàn bà quý phái có mùi thơm kỳ lạ có thể liên quan đến một nhân vật là Minh Đức Vương thái phi, vợ của chúa Tiên Nguyễn Hoàng (vợ thứ) mẹ của Nguyễn Phúc Khuê. Vấn đề này sẽ được trình bày ở dịp sau.
(5) Theo Thanh Lê - Về những người dân Triều Tiên trôi dạt đến Hội An thế kỷ XVII, báo An ninh Thế giới, số 657/2007, tr28 - 29. Bức thư của Minh Đức hầu gửi Triều Tiên ghi lại khá rõ diễn biến sự việc, nên trích lại ở đây để tham khảo: “Minh Đức hầu, Ngô Vi nước Đại Việt phụng mệnh lòng tốt của vua để đưa những người gặp nạn trên biển trở về quê quán”. Lý do của việc này như sau: Tháng 10 năm Đinh Mão (1687) một chiếc thuyền nhỏ gặp bão bị trôi dạt vào Đại Việt. Bản quốc hỏi 24 người trên thuyền và họ trả lời rằng họ là người Triều Tiên, đi buôn bán bất ngờ bị bão lớn, thuyền bị vỡ và hàng hoá mất… Sau khi kiểm tra biết họ là người của quý quốc. Bản quốc lấy làm thương cảm vì họ là người của một nước thân cận. Đức vua của bản quốc có lòng nhân đức muốn cứu người nên đã dành sự tiếp đãi đặc biệt, cung cấp tiền, lương thực, cho ở lại bình an ở xứ Hội An.
Không may ba người do bị bệnh mà chết, 21 người còn lại, bản quốc có ý định chờ gió Nam đưa họ lên thuyền trở về quê hương. Nhưng toàn là thuyền thuộc Quảng Đông, Phúc Kiến hoặc là thuyền đi về phía biển Nhật Bản. Bản quốc định gửi những người này đi theo thuyền đi Nhật Bản nhưng biển xa và rộng, mà những thuyền đi Nhật này không vững chãi e rằng ước mong trở về quê của người bị nạn sẽ không trở thành hiện thực.
Vì chưa chắc chắn, bản quốc còn phải đắn đo, thì lúc đó thuyền buôn phủ Ninh Ba, nước Thanh đã cập bến Đại Việt hồi tháng 3. Thuyền ấy là một thuyền buôn chuyên chở hàng cho khách, nhưng thật may mắn, chủ thuyền Trần Hữu Ly và thương nhân Châu Hán Nguyên khi thấy 21 người bị nạn nầy mong muốn trở về quê hương thì đã thương cảm trước những nỗi cô đơn của những người bị lưu lạc nơi đất khách quê người nên đã quyết tâm làm việc nghĩa.
Bản quốc được biết 2 người này đã chuyển hàng của khách sang thuyền khác sử dụng thuyền của mình để chở những người phiêu dạt này trở về quê quán tại Triều Tiên, giúp họ thực hiện được ước vọng của mình.
Trên nguyên tắc, bản quốc tất phải gửi thông điệp, nên xin gửi thư y. Vâng lệnh của vua nước Đại Việt và căn cứ quy định của nơi quản lý thuyền buôn thuộc phủ Ninh Ba, bản quốc quyết định cho chủ thuyền và thuyền viên đó chở những người bị nạn trở về quê quán. Đồng thời để chủ thuyền Trần Hữu Ly xuất tiền tu sửa thuyền, thuê người thông thạo dẫn đường và lái thuyền. Ngoài việc tu sửa ra, bản quốc còn cung cấp lương thực, rau và kinh phí dùng hàng ngày cho họ.
Sau đó, ngày 22 cùng tháng, chủ thuyền cùng thuyền viên đã nhổ neo và khởi hành rồi. Chỉ vì lo luật lệ cửa khẩu nghiêm ngặt, bản quốc viết thư gửi đến quý quốc. Mong quý quốc điều tra làm sáng tỏ.
Bản quốc xin quý quốc trực tiếp trao thư trả lời cho chủ thuyền đã mang thư này trở về bản quốc để giải tỏa lòng mong đợi. Và mong quý quốc sẽ sửa chữa thuyền, thật là may mắn nếu thuyền này quay lại trong thời gian sớm nhất.
Ngày 22 tháng 7 năm Chính Hoà 9 (1688)
(6) Bản sao tài liệu này hiện lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An (do một đoàn nghiên cứu văn hoá Hàn Quốc cung cấp).

Tác giả: Trần Văn An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây