THÔNG TIN VỀ NGÔI MỘ CỔ Ở KHỐI XUÂN THUẬN - PHƯỜNG CẨM PHÔ

Thứ hai - 22/07/2013 04:41
Cùng với một số loại hình khác như đình, miếu, giếng, nhà thờ tộc, …, mộ cũng là một trong những loại hình góp phần làm phong phú, đa dạng di tích ở Hội An.
Cùng với sự tồn tại của những ngôi mộ, bia mộ là những chứng tích có giá trị và được cho là những tư liệu gốc giúp các nhà nghiên cứu, các chuyên gia hiểu rõ hơn về thời kỳ hình thành, phát triển của vùng đất nào đó.
Hiện nay trên địa bàn thành phố Hội An có rất nhiều ngôi mộ. Một số ngôi mộ đã nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố hoặc đã được xếp hạng cấp Tỉnh, cấp Quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều ngôi mộ nằm rải rác trong khuôn nhà dân… vẫn chưa được đưa vào danh mục của Thành phố để được bảo vệ tốt hơn. Một trong những trường hợp đó là ngôi mộ nằm trong khuôn viên của nhà ông Đặng Ngọc Minh Trực, số nhà 32/38 Thái Phiên, thuộc khối Xuân Thuận - phường Cẩm Phô.
Theo ý kiến của một số hộ dân sống lân cận, khu vực này gọi là xóm Công Chánh, thuộc ấp Xuân Lâm, làng Cẩm Phô cũ, nay là khối Xuân Thuận - phường Cẩm Phô. Trước đây, tại khu vực này có rất nhiều mộ và ngôi mộ nằm trong khuôn viên của nhà ông Đặng Ngọc Minh Trực đã có từ rất lâu đời, từ khi gia đình họ đến sinh sống thì ngôi mộ này đã tồn tại.
Ngôi mộ xoay theo hướng Đông Nam, nằm phía trước, bên phải từ ngoài nhìn vào của ngôi nhà. Ngôi mộ được xây bằng hợp chất, có quynh xung quanh. Chiều ngang của mộ kể cả quynh là 490cm, chiều dài mộ từ chân quynh đến bia mộ 440cm, chiều ngang nấm mộ 140cm. Mặt quynh phía trước mộ không còn. Bia mộ bằng sa thạch hình bán nguyệt, đường kính toàn bia 108cm, diềm bia rộng 10cm, khắc hoa cúc dây rất sắc xảo, chính giữa diềm bia là hình mặt trời có tua mây, chiều cao lòng bia 45cm. Bia mộ khắc chữ Hán, với nội dung:
- Dòng trên cùng: Đại Việt
- Chính giữa: Viên tịch Thiệt Nhật Trần Thị mộ
          - Dòng bên phải: Tân Mùi niên quý xuân cốc đán lập
          - Dòng bên trái: Điệt Văn Cự, Thị Khoa đồng tự
          Hiện tại phía trước ngôi mộ đã được xây bờ tường thấp và rào lưới B40 phía trên, xung quanh ngôi mộ để nhiều chậu cây cảnh, vật liệu... làm che lấp ngôi mộ. Tấm bia của mộ bị nứt, một phần của tấm bia được chôn dưới đất.
          Cách ngôi mộ này khoảng 15m về phía Đông cũng có một ngôi mộ, ngôi mộ nằm ở ngã ba đường. Theo những người dân sống gần đây thì hai ngôi mộ này đã có từ trước khi họ đến sinh sống, ngôi mộ này trước đây cũng có quynh rộng lớn, tuy nhiên qua thời gian, trong quá trình mở rộng đường, quynh xung quanh ngôi mộ đã bị thu hẹp.
Qua khảo sát, kết hợp với tham khảo tư liệu chúng tôi nhận thấy đây là ngôi mộ của có niên đại lập khoảng năm 1751 trở về trước. Theo bài kệ truyền thừa pháp danh và pháp tự nổi tiếng được gọi là dòng kệ Minh Hải, rất có thể ngôi mộ này là của một vị thiền sư thuộc đời thứ 2 của chi phái Lâm Tế Chúc Thánh. Vì thế, đây là ngôi mộ không những có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật, với kiểu bia hình bán nguyệt rất hiếm thấy hơn nữa hoa văn trang trí xung quanh diềm bia rất tinh xảo, độc đáo mà còn có ý nghĩa về mặt lịch sử, do đó cần phải bảo tồn nguyên trạng ngôi mộ này.
 
 

Tác giả: Trần Thị Lệ Xuân

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây