Năm 1691 ông được đình thần tôn lên kế vị chúa Nguyễn Phúc Thái và trở thành vị chúa Nguyễn thứ sáu trị vì xứ Đàng Trong. Năm 1693, Nguyễn Phúc Chu được quần thần tấn tôn làm Thái phó Quốc công và tôn hiệu Quốc Chúa. Lên ngôi Chúa lúc 17 tuổi, ở ngôi 34 năm, trong thời gian trị vì, Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu được biết đến là một vị Chúa tạo dựng được nhiều công lao ở Đàng Trong. Đánh giá công trạng của chúa Nguyễn Phúc Chu, sách Nguyễn Phúc tộc thế phả do Hội đồng trị sự họ Nguyễn Phúc biên soạn, tổng kết: “Trong 34 năm trị vì, ngài thực hiện được nhiều công việc quan trọng: Việc nội trị, giáo dục và thi cử được phát triển có qui mô; Binh lực hùng mạnh, được các lân bang nể sợ; Mở mang bờ cõi đến tận biên giới Chân Lạp, lập thêm các phủ Bình Thuận và Gia Định. Chiêu mộ những người nghèo khổ đưa đi khai khẩn những vùng đất mới, lập thành làng, xã làm miền Nam ngày càng phồn thịnh; Dân chúng được sống ấm no, hạnh phúc. Ngoài ra ngài là người thông suốt kinh sử, giỏi thi văn. Bút tích của ngài còn lưu lại nhiều nơi ở đất Thần kinh” (1) . Ngoài công đức trị vì đất nước, Chúa còn để lại cho dân tộc nhiều bút tích, hiện vật rất có giá trị cho đến ngày hôm nay như: Nǎm 1710 Chúa sai đúc chuông lớn nặng tới 3.285 cân, đặt ở chùa Thiên Mụ và xây dựng một loạt chùa miếu khác. Chí hướng của chúa được thể hiện trên một bài “minh” do chúa viết trên chiếc chuông đồng tại chùa Thiên Mụ (Huế) có ghi: “Duy nguyện phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, pháp giới chúng sinh đồng viên chủng trí”- (Nguyện cầu gió hòa mưa thuận, nước thịnh dân an, chúng sinh trong pháp giới đều được vẹn toàn trí tuệ). Nguyễn Phúc Chu còn là một tác gia lớn của văn học Đàng Trong. Chúa sáng tác nhiều thơ văn, hiện vẫn còn lưu truyền, ông thường đưa thơ vịnh của mình in trên các sản phẩm sứ lý kiểu dùng trong Phủ Chúa. Đặc biệt là những chiếc tô sứ hiệu đề Thanh ngoạn, đường kính 18cm - 22cm, trên đó có ghi những bài thơ của chúa viết về những danh lam thắng tích của vùng Thuận - Quảng như: Thuận Hóa vãn thị (vịnh cảnh chợ chiều ở xứ Thuận Hóa), Thiên Mụ hiểu chung (vịnh cảnh chùa Thiên Mụ vào buổi sáng), Hà Trung yên vũ (vịnh cảnh chùa Hà Trung bên đầm Cầu Hai), Ải lĩnh xuân vân (vịnh cảnh mưa xuân trên núi Hải Vân), Tam Thai thính triều (vịnh cảnh núi Non Nước và chùa Tam Thai)… (2)
Tại mảnh đất Hội An, vẫn còn bảo tồn một số di vật, di tích liên quan đến Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu. Đó là hai bức hoành bằng gỗ mà chúa Nguyễn Phúc Chu đã bang tặng khi đến Hội An. Bức hoành tại Đình Sơn Phong - Khối Phong Niên - phường Sơn Phong được Quốc Chúa ngự bút ban tặng vào năm 1715 trong một lần viếng thăm Hội An. Trên bức hoành có ghi: “Cứu thế độ nhơn”, lạc khoản của bức hoành đề: Vĩnh Thịnh thập nhất niên, tuế thứ Ất Mùi, bát nguyệt, nhị thập nhất nhật đề - Quốc chúa Thiên Túng đạo nhân, ngự bút. Câu đó có nghĩa là Quốc chúa Thiên túng đạo nhân đề bút vào ngày 21 tháng Tám năm Vĩnh Thịnh thứ 21 nhằm năm Ất Mùi.
Một bức hoành nữa gắn ở Chùa Cầu. Vào năm 1719 trong lần viếng thăm Hội An, đến Chùa Cầu, ông nhận thấy cầu do người Nhật làm tụ tập nhiều thuyền buôn các nước, ông bèn đề bút là “Lai Viễn Kiều” có nghĩa là cầu của người bạn từ nơi xa đến và ban biển chữ vàng có Châu ấn của Quốc Chúa.
Đây có thể được xem như hai báu vật còn lại mà Chúa Nguyễn Phúc Chu để lại cho Hội An. Những di vật này càng làm rõ hơn sự quan tâm của Quốc Chúa đối với thương cảng Hội An và điều này cũng thể hiện tầm nhìn mở rộng của một vị Chúa tài ba, đức độ của xứ Đàng Trong. Do đó mà trong thời kỳ trị vì của ông, Hội An vẫn còn giữ được sự phát triển thịnh vượng. Những di vật liên quan đến Quốc chúa là tài sản quý giá và vẫn được người dân Hội An gìn giữ và bảo tồn nguyên vẹn cho đến ngày hôm nay.
Tài liệu tham khảo:
1. www.lichsuvietnam.vn
2. (1), (2): Trích trong bài viết: “Hai bài thơ của Chúa Nguyễn Phúc Chu và ý tưởng tạo thêm điểm đến cho du khách ở Đà Nẵng” - Trần Đức Anh Sơn.
3. Lý lịch di tích Chùa Cầu, Đình Sơn Phong - Trung tâm QLBT DSVH Hội An.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền