Súng CACBIN phần thưởng cao quý của Bác Hồ tặng cho quân và dân Hội An

Thứ ba - 10/09/2013 04:49
Cách mạng tháng 8/1945 thành công đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc. Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Hội An thoát khỏi ách áp bức bóc lột của chế độ phong kiến và thực dân. Sau khi giành được độc lập, đất nước gặp nhiều khó khăn, nạn đói, nạn dốt hoành hành. Riêng ở Hội An, Đảng bộ, quân và dân bắt tay cùng nhau xây dựng chính quyền, phát triển các Đoàn thể cứu quốc, ổn định đời sống cho nhân dân. Từ đó, nhân dân Hội An đã từng bước vượt qua khó khăn, tiêu diệt được giặc đói, giặc dốt, xây dựng đời sống văn hóa mới.
        Thế nhưng, nước nhà độc lập chưa được bao lâu, cuộc sống của người dân vẫn chưa ổn định thì thực dân Pháp lại dã tâm xâm lược đất nước ta lần nữa. Đến tháng 4/1947, thực dân Pháp tái chiếm Hội An và chọn Hội An làm tỉnh lỵ đặt bộ máy cai trị của tỉnh Quảng Nam. Bọn chúng còn cho xây dựng nhà lao Thông Đăng để giam cầm những người tù yêu nước và các chiến sĩ cách mạng.
        Trước sự áp bức, bóc lột tàn bạo của bọn thực dân Pháp, quân và dân Hội An với quyết tâm không cam chịu kiếp làm nô lệ đã cùng với quân dân cả nước và tỉnh Quảng Nam hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến  ngày 19/12/1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Quân và dân Hội An lại một lần nữa đứng lên kiên cường đấu tranh chống lại ách áp bức bóc lột của thực dân Pháp, giải phóng quê hương. Tuy cuộc kháng chiến diễn ra trong hoàn cảnh khó khăn chồng chất, kẻ địch vây lùng khủng bố khắp nơi nhưng dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ cán bộ quân, dân Hội An vẫn sát cánh cùng chiến đấu, quyết tâm chiến thắng kẻ thù. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Hội An diễn ra với khí thế hừng hực căm thù, quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, quyết tâm đánh đuổi bọn thực dân ra khỏi quê hương. Đến cuối năm 1948, Đảng bộ quân và dân Hội An tổ chức nhiều trận đánh vào hang ổ kẻ thù và lập nhiều chiến công như: Trận tiêu diệt cứ điểm Phó Lữ làm một tiểu đội địch bị xóa sổ vào năm 1948, trận tập kích Đồn Cẩm Phô vào đêm ngày 17/7/1948 tiêu diệt cả trung đội Ngụy binh, hay trận tập kích thủy lôi đánh chìm canô Pháp giữa bến Bạch Đằng…
        Trong đó, một chiến tích lớn nổi bật của quân và dân Hội An là trận đánh bắt sống tỉnh trưởng Hồ Ngận cùng tên Đặng Thống Phát (Trưởng phòng lưu trữ hồ sơ và căn cước). Đây là chiến công thể hiện sự mưu lược tài tình, chỉ đạo kịp thời của Đảng và sự phối hợp chặt chẽ của quân và dân Hội An. Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An đã ghi lại trận đánh như sau: Đêm ngày 04/01/1949, lực lượng ta hành quân về điểm tập kết tại Xóm Chiêu chia làm năm tổ xung kích bí mật đột nhập vào Trường Lệ, Xuân Mỹ, Xóm Mới, khu nhà Lạc Thiện, sân bóng cũ, rồi chia thành 2 hướng bất ngờ tấn công vào các vị trí của địch. Một mũi do đồng chí Phạm Phán, thị đội trưởng trực tiếp chỉ huy tiến đánh đồn Nghè Thanh nhằm tiêu hao và kiềm chế hỏa lực địch. Một mũi do đồng chí Phan Tình chỉ huy tập kết tại nhà Trợ Tân số 26 Minh Hương (nay là số 38, Phan Châu Trinh) và tỏa ra đánh các nơi tiêu diệt các bốt gác của địch, chặn đường chi viện bằng xe jeep của bọn lê dương. Một tổ xung kích gồm 3 người do đồng chí Hồ Lý chỉ huy đột nhập ngã tư đường Hội An (nay là đường Lê Lợi). Một tổ xung kích khác do đồng chí Nguyễn Bằng chỉ huy đột nhập nhà 24 Minh Hương của Tống Khuyến  bắt tên Lê Trọng Súy (thư ký tổng vệ Ngụy). Tổ xung kích bắt tỉnh trưởng gồm 5 người do đồng chí Nguyễn Diện chỉ huy đột nhập thẳng vào tư thất tỉnh trưởng (nay là số 61 Phan Chu Trinh) bắt sống tên tỉnh trưởng bù nhìn Hồ Ngận cùng Đặng Thống Phát (trưởng phòng lưu trữ hồ sơ, căn cứ ngụy).
        Với thành tích này cùng nhiều thành tích khác trong kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Hội An đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng khẩu súng Cacbin có khắc tên của Người.
        Hiện nay, súng Cacbin đang được trưng bày tại phòng Truyền thống cách mạng Hội An. Súng dài 80cm, còn khá tốt, gồm các bộ phận: Báng súng được làm bằng gỗ, trên báng súng có khắc dòng chữ “Hồ chủ tịch tặng quân dân Hội An năm 1950”. Hộp tiếp đạn làm bằng nhôm, có dạng hình chữ nhật, chứa được 10 viên đạn. Các bộ phận khác như cò, nòng súng, thước ngắm được chế tạo từ sắt thép. Đây là phần thưởng cao quý mà Bác Hồ dành tặng cho quân và dân Hội An, là sự động viên khích lệ lớn lao để quân dân Hội An tiếp tục lập nên những chiến công vang dội, góp phần vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc vào mùa xuân năm 1975. Qua công tác trưng bày bảo tàng, hiện vật quý này sẽ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng của thế hệ trẻ Hội An, để thế hệ trẻ Hội An luôn tự hào và sống xứng đáng với truyền thống của quê hương, đất nước.

         *Tài liệu tham khảo và trích dẫn:
- Ban chấp hành Đảng bộ thị xã Hội An (1996), Lịch sử Đảng bộ Thị xã Hội An (1930 - 1975), tr.162.
- Hồ sơ hiện vật Súng Cacbin lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.

 

Tác giả: Lê Thị Huyền Vy

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây