Người từ Kim Bồng ra đi...

Thứ năm - 12/09/2013 05:18
Sinh ra tại làng mộc Kim Bồng, cuộc đời ông là một câu chuyện dài hấp dẫn, một cuộc đời hoạt động sôi nổi góp phần làm phong phú lịch sử chiến đấu của Quảng Nam trung dũng, kiên cường…
            ÔNG là Nguyễn Phe, còn có tên Nguyễn Văn Ưng, Nguyễn Tấn hay thường gọi là Tấn-Ưng. Là người con của  bốn bề sông nước Kim Bồng - Thu Bồn nhưng lại có nhiều duyên nợ với Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng. Từ năm 1935, ông được phân công vào Đà Lạt, nơi có nhiều công nhân là người làng Kim Bồng vào làm ăn để vận động và cũng để tìm bắt liên lạc với tổ chức đảng. Sau đó, ông ở trong ban lãnh đạo cuộc đình công của công nhân toàn thành phố, rồi đến ban chỉ huy cuộc đình công của công nhân hãng thầu Sidec, là Tổng Thư ký Hội Ái hữu công nhân ngành mộc Đà Lạt. Tại nơi hoạt động hợp pháp này, ngày 5.5.1938 ông được kết nạp vào Đảng, làm Bí thư chi bộ. Tháng 1.1939, làm Bí thư Thành ủy Đà Lạt trực thuộc Xứ ủy Trung kỳ. Tháng 10.1939 ông bị bắt giam ở nhà lao Đà Lạt rồi đưa xuống nhà lao Khánh Hòa. Do không khai báo gì, tổ chức không bị vỡ nên đến tháng 3.1940, tòa án Trung Trung Bộ tại Khánh Hòa xét xử vụ Xứ ủy Nam Trung Bộ ông chỉ bị kết án 3 tháng tù treo, thả tại chỗ.

             Về lại Đà Lạt, các đồng chí trong thành ủy đã phân tán đi nơi khác để tránh sự theo dõi và bị bắt, ông phải tổ chức lại ban cán sự thành phố gồm 3 đồng chí là Nguyễn Em, Huỳnh An và Nguyễn Ưng nhận chức Bí thư. Tháng 7.1940, ông lại bị bắt, lần này Tòa Khâm tăng 3 năm tù, giam ở nhà lao Nha Trang. Giữa năm 1941, địch đày bà Phan Thị Nể (sau này là vợ của đồng chí Năm Công) từ nhà lao Hội An vào lao Nha Trang. Theo lệnh sở cảnh sát, tên quản lao tống bà Nể vào xà lim, không cho tổ chức chị em tù đấu tranh. Nhờ anh em canh gác, ông đến cửa xà lim gặp được bà Nể và biết tình hình hoạt động của ta ở Quảng Nam - Hội An. Cuối năm 1941, ông bị đày lên lao tỉnh Khánh Hòa. Tháng 6.1942 mãn tù, tỉnh trưởng Khánh Hòa bố trí lính khố xanh áp giải ông đưa thẳng về giao cho tỉnh Quảng Nam. Tỉnh Quảng Nam tiếp nhận giam một đêm, hôm sau cho lính áp giải về phủ đường Duy Xuyên, lại giam một đêm rồi gọi lý trưởng làng Kim Bồng là Huỳnh Mẫn lên nhận về quản thúc. 

            Ông Tường-Đặng (Võ Văn Đặng) - một đồng chí cùng quê, vừa là anh vợ (bà Võ Thị Siêng) của Nguyễn Phe. Khi bà Siêng vào thăm anh ở nhà lao tỉnh, ông Đặng cho hay đang làm quen và tìm hiểu một người tù xứ Nghệ vượt ngục đang tá túc trong nhà người bà con ở Vĩnh Điện, anh ta thường hay ra cuốc đất làm vườn gần nhà lao tỉnh, mang bí danh Hai Đậu. Cho đến đầu năm 1945, sau khi họp Tỉnh ủy ở Vân Trai - Tam Kỳ, ông về Hội An họp bàn khôi phục tổ chức đảng, đang triển khai nghị quyết của Tỉnh ủy cho các đồng chí ở Hội An thì được thư của ông Võ Văn Đặng giới thiệu, ông Tấn Ưng liền lên Vĩnh Điện tiếp xúc với Hai Đậu (Lạc) đang bán kẹo đậu phụng cho bà Đức Long. Sau khi biết rõ tông tích liền mời Hai Đậu vào tổ chức của Quảng Nam. Từ đó, Hai Đậu tức ông Chu Huy Mân (Hai Mạnh) trở thành một cán bộ lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Nam và của Khu ủy V, của Bộ Quốc phòng.
              Tháng 5.1943, hội nghị thành lập Thị ủy lâm thời, ông được cử làm Bí thư Thị ủy Hội An. Năm 1944, ông Trần Quế thoát tù, theo hướng dẫn của ông Võ Toàn (Năm Công, lúc này đang bị giam tù) đã xuống tận trại mộc ở Kim Bồng tìm gặp Nguyễn Phe và mời ông vào Vân Trai - Tam Kỳ họp, lập ra Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam - Đà Nẵng gồm 3 người, trong đó có ông Nguyễn Phe. Ông ở trong ban vận động khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng,trưởng ban khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám ở Hội An. Năm 1956, khi tách TP. Đà Nẵng ra khỏi tỉnh Quảng Nam, ông về lại Cẩm Lệ - Sông Đà làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Đến năm 1960, do yêu cầu của cuộc chiến đấu, Đà Nẵng lại sáp nhập vào Quảng Nam, ông lại về công tác ở Khu ủy V. Năm 1961, ông vào công tác ở Khu ủy Sài Gòn - Gia Định.

Hơn 70 năm hoạt động Cách mạng, ông Nguyễn Phe được nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Tham gia từ chống Pháp, chống Mỹ đến giải phóng miền Nam, ông nhận Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh cùng nhiều kỷ niệm chương.

             Đến cuối năm 1967, ông đang làm Phó Bí thư phân khu Bắc Sài Gòn thì được gọi về căn cứ họp chuẩn bị cho một chiến dịch lớn. Đây là thời kỳ thành lập Mặt trận IV, sáp nhập Quảng Đà và TP.Đà Nẵng thành Đặc khu ủy Quảng Đà. Trung ương điều ông về Khu V tham gia chiến dịch Mậu Thân mà trọng điểm TP.Đà Nẵng. Rời Trung ương Cục ở vùng chiến khu Tây Ninh, ông vượt biên giới qua Campuchia, Quảng Châu - Trung Quốc rồi về Hà Nội. Sau mấy lần được gặp nghe ý kiến chỉ đạo của các ủy viên Bộ Chính trị như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ… ông lại vào miền Nam. Về đến căn cứ khu V lúc bấy giờ đóng ở A8-Giằng, gặp Bí thư Năm Công thì các cuộc tấn công Đà Nẵng đã nổ ra, địch đang phản kích dữ dội. Khu ủy V và Đặc khu ủy Quảng Đà chuẩn bị họp rút kinh nghiệm. Ông Tấn Ưng đề nghị đồng chí Năm Công cho ông về công tác ở Đà Nẵng, nơi địch đang phản kích với chức vụ Phó Bí thư đặc khu thay ông Trần Thận vừa nhận quyết định của Khu ủy vào làm Bí thư Quảng Nam, cùng với ông Hồ Nghinh làm tốt công tác tư tưởng, ổn định tổ chức nhân sự để sớm ổn định tình hình.

               Mùa thu năm 1969, địch ào ào đổ trên 10 ngàn quân Mỹ xuống 4 xã của Điện Bàn. Có trên 5 ngàn quân ngụy và Nam Hàn tham gia càn quét, huy động cả máy bay xe tăng và phi pháo yểm trợ, kéo dài 21 ngày đêm. Mỹ ngụy tưởng chừng như hốt gọn Ban chỉ huy của Mặt trận IV, nơi có cán bộ, chiến sĩ thành phố lui ra. Nhưng địch không thể hình dung trên một vùng đất hẹp nhưng là đất của quân dân anh hùng, đất đầy cạm bẫy giết chết quân thù...

               Đầu năm 1973 về lại Khu ủy V phụ trách khối công tác chính trị thành phố, ông Tấn Ưng lại có dịp tiếp xúc, làm việc với anh chị cán bộ Quảng Đà làm công tác nội thành Đà Nẵng. Năm 1973, ông về công tác với Đặc khu ủy Quảng Đà, tham gia đấu tranh chống địch lấn chiếm phá hoại Hiệp định Paris. Đến chiến dịch xuân 1975, Trung ương chọn khu V và thành phố Buôn Ma Thuột làm trọng điểm đột phá, ông được phân công trong Ban Thường trực chiến dịch khu V. Ngày 29.3.1975, Đà Nẵng giải phóng, đồng chí Năm Công gọi ông giao nhiệm vụ tổ chức đường dây trên quốc lộ 1 từ Đà Nẵng vào Nam Bộ phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn… Những ngày tháng ba, kỷ niệm 37 năm giải phóng quê hương, giải phóng hoàn toàn miền Nam, ông Tấn Ưng bắt đầu thoi thóp bằng đường chuyền ôxy và đã ra đi vào trưa ngày 21.5.2012.

Tác giả: Hồ Duy Lệ

Nguồn tin: www.facebook.com/truyen.dinhba

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây