Bản kê khai ở chùa Phước Lâm

Thứ tư - 11/09/2013 06:24
Trong quá trình sưu tầm tư liệu Hán Nôm ở Hội An chúng tôi đã bắt gặp một bản kê khai của chùa Phước Lâm đời vua Khải Định năm thứ 8 (1923). Trong bản kê khai liệt khá rõ về đất đai và không gian thờ tự chùa Phước Lâm vào thời vua Khải Định cũng như hành trạng của các vị sư đời trước. Nay, chúng tôi xin giới thiệu về mặt tư liệu của văn bản này.
        Phiên âm:
        Quảng Nam tỉnh, Điện Bàn phủ, Diên Phước Huyện, Phú Triêm hạ tổng, Thanh Hà xã, sắc tứ Phước Lâm tự Trụ trì Lê Văn Thể phụng kê:
        Nhất nội tự viên bạch sa thổ nhất mẫu: bạ tại Thanh Hà xã, Đồng Tràm xứ, nội viên hữu tam tỉnh, tam trì.
        Nhất chính điện nhất tọa: do trung gian phụng Thích Ca Phật, tả phụng Văn Thù, hữu phụng Phổ Hiền lưỡng hạ thượng tằng phụng La Hán, hạ tằng phụng Thập Điện, thứ trung gian phụng Tam Thế Phật tịnh Ngọc Hoàng tượng, hậu điện phụng lịch đại tổ sư.
        Nhất tiền đường nhất tọa: do trung gian phụng Quan Công thánh tượng, thứ phụng quốc gia Hoàng đế vị, diện tiền phụng Hộ Pháp, tịnh phụng bản xứ Thành Hoàng, tả hữu phụng Thiện Ác thái tử tượng.
        Nhất Đông đường nhất: do trung phụng Giám Trai, tịnh phụng tiền vãng tăng chúng, tả hữu phụng bản đạo tiên nhân.
        Nhất Tây đường nhất: tam gian phụng tiên linh vô tự.
        Nhất Thiên Y miếu: do phụng Thiên Y thánh tượng tịnh Ngũ Hành, Thổ Địa.
        Trù gia nhất: do phụng Táo Quân.
        Tích ư tiền tiền triều Đại Minh quốc hữu cao tăng tính Lương danh Giao tòng Minh Hải hòa thượng đông lai kiến tạo mao tự, trú thử tu hành, hậu mộ táng tại tự viên chi Tây hiện tồn dĩ thất kỳ truyền, chí Nam Việt Lê Triều Cảnh Hưng Ất Hợi kế tổ khai sơn Ân Triêm hòa thượng, Quảng Nam tỉnh Phi Phú Tây châu nhân, Nhâm Thìn sinh, tính Lê danh Hiển, đồng thời bất nạp ngư nhục, chỉ thực phạn diêm, tính tuệ mẫn, năng độc thư nghĩa, niên cửu tuế thời phụ mẫu thụ mộ tâm y Phật pháp đồng nghệ Chúc Thánh tự tham lễ tổ sư, lệnh kỳ thụ giáo tập học kinh nghĩa vô bất thông đạt. Hậu trưởng thành niên nhị thập ngũ tái tạo Phước Lâm ngõa tự, tu chỉnh Phật tượng chú đại đồng chung, hậu bị binh hỏa tàng kỳ Phật đồng chung thất lạc, chí hậu tự nhân khẩn quận thổ khanh đắc gia trì chung tịnh Phật kỷ án hậu tái trùng gia. Chí Kỷ Dậu niên bát thập hữu ngũ kiến tháp ư tự chi Tây truyền vu hậu thế, Phật pháp tàng tại tây hướng tự lai tầm chi vị đắc. Kế môn đồ, đệ tử lập tự khai sơn Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi.
        Minh Giác hòa thượng Tư Nghĩa phủ, Ngọc trì thôn nhân, Đinh Mão sinh, tính Võ, danh Đức Nghiêm, trùng cung tam bảo hậu bị Tây Sơn binh hỏa bại, tự tăng trục hồi nguyên quán, thử thời tăng thụ lệnh binh phận quan đáo chỉ huy chức, nhi hậu thiên hạ thái bình nãi từ quan chức trùng tầm cựu tích nhã ái Quảng Nam chi Thanh Hà Phước Lâm tự vãng tại Hội An phố, phát nguyện tảo thị nhị thập niên, bảo dưỡng bần nhân, mộc dục sang chứng, kỳ tâm mãn nguyện kiến tạo Di Đà tự tại Phong Niên thất tích vị tường. Hậu bản đạo đồng thỉnh sư phản hồi Phước Lâm tổ tự, khai đại giới đàn nhi huấn tăng đồ, trùng gia tu chỉnh. Nhâm Ngọ niên hội tề chư sơn, chú đại đồng chung tịnh trang Phật tượng. Chí Canh Dần niên bát thập hữu tứ kiến tháp ư tự viên chi Đông kế.
        Quán Thông hòa thượng: Bình Đinh tỉnh Thanh Liêm thôn nhân, Mậu Ngọ sinh, tính Nguyễn, danh Định, trùng hưng quảng kiến tương tất Thiện Ác thái tử đại mộc tượng, do nhị tượng tại thượng nguyên bị lạo thủy phiêu lưu Thanh Chiếm vạn, bản vạn phụng cúng vu hòa thượng thỉnh hồi tu bổ, tịnh chế tác thập bát La Hán kỵ thú tượng, Thập Điện tượng, tăng tạo Đông Tây đường sổ phiên tu bổ, chí Qúy Mùi niên bát thập hữu lục kiến tháp ư tự viên chi Tây, kế môn tòng đệ tử bách hữu dư nhân đồng thời đắc đạo.
       Quảng Hóa hòa thượng Quảng Nam tỉnh, An Bình xã nhân, Đinh Sửu sinh tính Nguyễn, danh Hòa hựu gia tu bổ, chí Đinh Hợi niên thất thập hữu nhất kiến tháp ư viên chi đông kế.
       Vĩnh Gia hòa thượng Quảng Nam tỉnh, An hợp xã nhân, Canh Tí sinh, tính Đoàn danh Hiệu, tân tạo tiền đường, trùng tu chính điện, chế tác tam quan môn ngoại, khai đại giới đàn ư Duy Tân Tân Hợi, mông sắc tứ biển ngạch nhất diện chí Khải Định Mậu Ngọ niên thất thập hữu bát kiến tháp ư tự viên chi Tây kế.
       Phổ Minh Trụ trì: Quảng Nam tỉnh Gia Phước xã nhân, Đinh Mão sinh, tính Lê danh thể, ư Khải Định tứ niên tân lập nghĩa trũng, khất bằng quy táng chư hoang mộ chi cốt, Khải Định ngũ niên kinh tuần sắc vũ khất bằng kỳ đảo hạnh mông đắc, nhuận chú đại gia trì chung nhất khẩu, khứ niên trùng tu đông đường, quảng tăng phước thất thích phùng thịnh hội cộng mộc ân quang.
       Khải Định bát niên, chính nguyệt, nhị thập cửu nhật.
       Sắc tứ Phước Lâm tự Trụ trì Lê Văn Thể ký
       Phụng lục tả bản tự tri sự Lê Hoằng Thọ tự ký.
       Dịch nghĩa:
       Trụ trì chùa sắc tứ Phước Lâm Lê Văn Thể xã Thanh Hà, tổng Phú Triêm Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vâng kê khai.
      1. Đất cát trắng vườn chùa một mẫu: ghi chép trong địa bạ xứ Đồng Tràm, xã Thanh Hà. Trong vườn chùa có 3 cái giếng, 3 cái ao.
      2. Chính điện 1 tòa: gian giữa thờ Phật Thích Ca, bên trái thờ Văn Thù, bên phải thờ Phổ Hiền, hai bên lớp trên thờ La Hán, lớp dưới thờ Thập Điện, đến ở gian giữa thờ Tam Thế Phật cùng tượng Ngọc Hoàng, hậu điện thờ lịch đại tổ sư.
      3. Một tòa tiền đường: ở giữa thờ tượng thánh Quan Công, tiếp đó thờ bài vị Quốc gia Hoàng Đế, mặt tiền thờ Hộ Pháp cùng Thành Hoàng bản xứ, bên trái, bên phải thờ tượng Thiện Ác Thái Tử(1).
      4. Đông đường: ở giữa thờ Giám Trai cùng thờ tiền vãng tăng chúng, bên trái và bên phải thờ tiên linh bản đạo.
      5. Tây đường: 3 gian thờ tiên linh vô tự.
      6. Miếu Thiên Y: thờ tượng thánh Thiên Y, Ngũ Hành và Thổ Địa.
      7. Nhà trù (bếp): thờ Táo Quân.
      Xưa, tiền tiền triều là nước đại Minh có vị cao tăng họ Lương tên Giao theo hòa thượng Minh Hải từ phía đông đến, dựng ngôi chùa tranh ở đó tu hành sau đó (viên tịch) mộ táng tại phía Tây vườn chùa hiện còn mà đã thất truyền. Đến năm Kỷ Hợi (1779) triều Lê Cảnh Hưng (Nam Việt) kế tổ khai sơn là hòa thượng Ân Triêm người châu Phi Phú Tây, tỉnh Quảng Nam, sinh năm Nhâm Thìn, họ Lê tên là Hiển. Thuở nhỏ không ăn thịt cá chỉ thích chay tịnh, tính tình sáng suốt, ham đọc sách, đến năm lên 9 cha mẹ yêu mến có lòng muốn dựa vào Phật pháp, đưa lên chùa Chúc Thánh tham lễ tổ sư cho được thọ giáo học tập kinh nghĩa không điều gì là ngài không thông hiểu. May sao lúc trưởng thành vừa 25 tuổi, ngài lại tạo chùa Phước Lâm (chùa gạch, ngói), tu sửa tượng Phật, đúc chuông đồng lớn. Sau này, do chiến tranh(2) đem dấu đi nên chuông cùng với tượng phật thất lạc. Về sau, người trong chùa khai khẩn đất tìm lại được chuông gia trì cùng kỷ án Phật, sau lại tu sửa. Đến năm Kỷ Dậu 85 tuổi xây tháp ở phía Tây chùa truyền lại đời sau. Phật pháp tàng từ phía Tây đến chưa tìm được. Kế tiếp đệ tử môn đồ lập chùa khai sơn ở Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi.
        Hòa thượng Minh Giác người làng Ngọc Trì, phủ Tư Nghĩa, sinh năm Đinh Mão họ Võ tên Đức Nghiêm, trùng tu cung tam bảo, sau bị chiến tranh Tây Sơn, sư bỏ chùa quay về quê cũ. Lúc ấy, sư nhận lệnh đi lính giữ chức chỉ huy, về sau thái bình sư bỏ chức, tìm về chốn cũ chùa Phước Lâm xã Thanh Hà, tỉnh Quảng Nam, tại chợ phố Hội An ngài phát nguyện quét chợ hai mươi năm, nuôi dưỡng người nghèo, tắm rữa cho người thương tật. Tấm lòng đã mãn nguyện, ngài xây dựng chùa Di Đà ở Phong Niên (3), đã mất tích không còn rõ ở đâu nữa. Sau này bổn đạo mời sư quay về tổ tự Phước Lâm mở đại giới đàn, dạy bảo tăng đồ, tu sửa chùa thêm. Năm Nhâm Ngọ hội tề chư sơn, đúc đại đồng chung, tô phết tượng phật, đến năm Canh Dần 84 tuổi xây tháp phía Đông vườn chùa.
         Hòa thượng Quán Thông người thôn Thanh Liêm tỉnh Bình Định, sinh năm Mậu Ngọ, họ Nguyễn tên Định xây dựng mở rộng quy mô chùa, tu sửa hai tượng gỗ Thiện Ác thái tử, hai tượng này ở đầu nguồn bị mưa lớn trôi về vạn (4) Thanh Chiếm, dân vạn đem cúng hòa thượng thỉnh về sửa chữa và làm tượng Thập Bát La Hán cưỡi thú, tượng Thập Điện, làm thêm nhà Đông, nhà Tây và đã tu bổ mấy lần. Đến năm Qúy Mùi, 86 tuổi xây tháp ở phía Tây vườn chùa. Môn đồ đệ tử hơn 100 người cùng thời đắc đạo.
        Hòa thượng Quảng Hóa người xã An Bình tỉnh Quảng Nam, sinh năm Đinh Sửu, họ Nguyễn tên Hòa lại thêm tu bổ chùa. Đến năm Đinh Hợi, 71 tuổi xây tháp ở phía Đông chùa.
        Hòa thượng Vĩnh Gia, người xã An Hợp, tỉnh Quảng Nam, sinh năm Canh Tý, họ Đoàn tên là Hiệu, ngài làm mới tiền đường, trùng tu chính điện, xây tam quan mở đại giới đàn. Vào năm Tân Hợi đời vua Duy Tân được ban biển sắc tứ (5), Đến năm Mậu Ngọ đời Khải Định 78 tuổi xây tháp ở phía Tây chùa.
        Trụ trì Phổ Minh, người xã Gia Phước, tỉnh Quảng Nam, sinh năm Đinh Mão họ Lê tên Thể, vào đời Khải Định năm thứ 4, ngài lập nghĩa trũng xin phép quy tập những nấm mộ hoang về một chốn. Đời Khải Định cuối năm thứ 5, trời hạn xin cấp bằng để được cầu mưa, được toại nguyện và phát nguyện đúc 1 quả chuông. Năm ngoái trùng tu nhà đông, mở rộng nhà phước, sẽ gặp thời thịnh, tắm gội ơn mưa móc.
        Ngày 29 tháng Giêng năm Khải Định thứ 8.
        Lê Văn Thể trụ trì chùa sắc tứ Phước Lâm ký tên (có dấu).
        Vâng sao chép tri sự chùa Lê Hoằng Thọ ký tên.
        Một vài suy nghĩ qua nguồn tư liệu này:
        Những tư liệu Hán Nôm cổ là một bộ phận quan trọng phục vụ trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu, tu bổ… Qua văn bản này chúng ta có thể nhận thấy việc tu bổ, kiến tạo các công trình kiến trúc ở chùa Phước Lâm nói riêng và ở các di tích khác nói chung diễn ra liên tục qua các thời kỳ, tùy thuộc vào hoàn cảnh mà có mức độ tu bổ, kiến tạo lớn hay nhỏ khác nhau. Đây là những cứ liệu quan trọng giúp cho chúng ta có một cái nhìn tương đối đầy đủ về không gian, diện mạo của ngôi chùa trước đây.
        Không gian thờ tự của chùa Phước Lâm nói riêng và các chùa ở Hội An nói chung có một số điểm tương đồng. Cụ thể: các ngôi chùa không chỉ đơn thuần mang tín ngưỡng thờ cúng Phật giáo mà đó là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn với tín ngưỡng dân gian. Ngoài hệ thống thờ tự của Phật giáo: Tam Thế Phật, Phật Thích Ca, Bồ Tát, Phổ Hiền, Thập Điện, La Hán, Hộ Pháp… Còn thấy sự xuất hiện của Thiên Y miếu (6), đây là vị thần có nguồn gốc từ Champa được người Việt tiếp thu và mang ảnh hưởng của đạo Mẫu, thay thế cả Liễu Hạnh. Quan Công cũng được phối thờ trong không gian của chùa, đây là một vị phúc thần có nguồn gốc từ Trung Hoa được người Việt kế thừa và thờ cúng, không chỉ được thờ cúng ở biệt miếu hay phối thờ ở các chùa mà còn được người dân thờ trong nhà và đã được Triều đình phong kiến tặng sắc nhiều lần với nhiều mỹ tự khác nhau (7). Theo thiển ý của chúng tôi, cũng giống như Thiên Y A Na và Liễu Hạnh, Quan Thánh được người dân vùng Hội An thờ cúng nhiều hơn Đức Thánh Trần(8). Bổn Thổ Thành Hoàng là những vị có công lao khai khẩn làng xóm, phần lớn không rõ danh tính cụ thể mà chỉ mang ý nghĩa biểu trưng, là vị thần bảo vệ cho làng xóm và được thờ riêng ở các làng cũng được phối thờ trong chùa. Ngoài ra còn phối thờ: Ngọc Hoàng, Hoàng Đế, Ngũ Hành, Thổ Địa, Táo Quân.
Văn bản cũng cho chúng ta biết thêm nguồn gốc và niên đại của một số hiện vật trong chùa: Thiện Ác Thái tử, Thập Bát La Hán cưỡi thú, tượng Thập Điện và thời gian khởi dựng các tháp mộ, các công trình trong chùa. Thiết nghĩ, cần gia công nghiên cứu về các văn bản Hán Nôm hiện tồn ở chùa cũng như những tài liệu khác để có sự đối chiếu so sánh nhằm làm rõ một số vấn đề tồn nghi.
 
        * Chú thích:
(1) Hộ Pháp, dân địa phương quen gọi là ông Thiện và ông Ác.
(2) Chiến tranh Tây Sơn, những đồ đồng được trưng thu để đúc vũ khí.
(3) Phong Niên, nay thuộc phường Sơn Phong Hội An.
(4) Tổ chức dân cư của những người làm nghề chài lưới tại một khu vực nhất định gọi là “vạn”.
(5) Tấm hoành này hiện nay vẫn còn ở chính điện của chùa, đề 3 chữ lớn 福 林 寺 (Phước Lâm tự), lạc khoản: Duy Tân tứ niên cửu nguyệt nhị thập ngũ nhật phụng.
(6) Vị thần vốn có gốc tích từ Chăm là Thiên Y A Na. Vị thần này là một hóa thân của Uma trong thần thoại Ấn Độ. Khi truyền vào Champa, Uma trở thành Po Inư Nagar, một nữ thần phúc hậu bảo hộ cho vương quốc và thần dân. Người Việt tiếp thu tín ngưỡng thờ vị nữ thần này và thờ theo đạo Mẫu thay thế cả Liễu Hạnh công chúa, được đưa lên hàng chí tôn bằng cái tên rút gọn Y Na, rồi Y A Na. Các vua triều Nguyễn sắc phong danh hiệu khá dài: Hoằng Huệ Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông Mặc Tướng Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Thượng Đẳng thần, gọi tắt là Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi hay Bà Chúa Ngọc.
(7) Như: Phục Ma đại đế (伏 魔 大 帝), dực bảo trung hưng Quan Thánh Đế Quân (翊 保 中 興 關 聖 帝 君), Quan Thánh Đế Quân tôn thần (關 聖 帝 君 尊 神)…
(8) Ở Thành phố Huế người dân vẫn thờ cúng Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo) và có cả biệt miếu nằm trên đường Phan Châu Trinh.
 

 

Tác giả: Ngô Đức Chí

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây