Chiến tranh đã lùi xa, đất nước quê hương đang vang khúc hát dựng xây no ấm yên bình. Nhưng mỗi lần nói về bộ đội nữ “Xê 2” ngày trước (C2 - đại đội bộ đội địa phương Hội An trong kháng chiến chống Mỹ), đơn vị được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, những đồng đội, đồng chí của các chị không giấu được niềm thương nhớ. Các chú, các anh nguyên là cán bộ, chỉ huy bộ đội địa phương Hội An trong kháng chiến như Trần Văn Bừa, Huỳnh Phước Cư, Nguyễn Văn Trước, Nguyễn Tấn Dũng… cùng nhiều người khác trong Ban liên lạc khi nhắc lại chuyện xưa vẫn còn thấy đâu đây bóng hình các chị.
Người được các chú, các anh kể lại với niềm thán phục đặc biệt có chị Huỳnh Thị Ngọc Duyên - Chính trị viên phó Thị đội Hội An trong chống Mỹ. Chị là cán bộ nữ chiến đấu dũng cảm, chỉ huy 1 đại đội bộ đội và 3 trung đội du kích của các xã phía bắc kiên trì chốt giữ từng tấc đất, mảnh làng ròng rã suốt 15 ngày đêm trước sự càn phá ác liệt của kẻ địch. Và trong trận quyết chiến ấy, chị đã anh dũng hy sinh để lại cho đồng đội, đồng chí bao niềm tiếc thương vô hạn.
Trong số các cán bộ nữ của “Xê 2” ngày ấy, các chú các anh còn nhắc đến Đội phó quân giới - Phạm Thị Hồng. Với hành động gan dạ, một mình “vật lộn” với quả bom Mỹ nặng 500kg để lấy thuốc nổ làm mìn, thủ pháo, lựu đạn trang bị cho bộ đội ta đánh giặc, chị đã được Xưởng phim Giải phóng dựng phim và giới thiệu điển hình rộng rãi trên Mặt trận Giải phóng miền Nam lúc bấy giờ. “Cũng được làm phim hồi ấy còn có chiến công của nữ chiến sĩ trinh sát Hồ Thị Mai, chị đã bình tĩnh, mưu trí cải trang thành lính ngụy vào trong vùng địch tiêu diệt ác ôn ngay giữa ban ngày” - chú Nguyễn Văn Trước nhớ lại.
Là những chỉ huy trực tiếp, không biết bao lần vào sinh ra tử với các nữ chiến sĩ, chú Trần Văn Bừa - nguyên Thị đội trưởng, chú Huỳnh Phước Cư - nguyên Chính trị viên Thị đội vẫn còn nhớ từng khuôn mặt, dáng hình và những chiến công của bộ đội nữ “Xê 2” ngày ấy. Nghe các chú kể lại mà cứ ngỡ như chuyện vừa mới xảy ra hôm qua… Năm 1970, quân địch liên tục càn quét, đánh phá vùng giải phóng. Ở vùng đông Duy Xuyên, trong một cuộc càn như vậy, cô y tá kiêm nhiệm vụ nuôi quân Nguyễn Thị Nhẫn bị kẹt dưới công sự bí mật 5 ngày đêm. Chịu đói, chịu khát cho đến lúc phát hiện địch sơ hở chị đã tìm cách trốn khỏi hầm, về đơn vị an toàn. Hay như cô gái nuôi quân Nguyễn Thị Ba trong một lần đưa bộ đội từ Cẩm Thanh vượt sông qua Xuyên Thọ (Duy Xuyên) thì bị hải thuyền địch phục kích. Chị đã cùng bộ đội chiến đấu chống trả ngoan cường, bình tĩnh dùng xoong nồi có sẵn làm phao, nhanh chóng vượt vòng vây của giặc… Rồi chuyện nữ biệt động nội ô Nguyễn Thị Xý dùng “mỹ nhân kế” cùng đồng đội diệt ác ôn ngay giữa ban ngày; liên lạc viên Lê Thị Lên như con thoi giữa sở chỉ huy với các trận địa, sẵn sàng nhận nhiệm vụ và lên đường bất cứ lúc nào, không quản hiểm nguy; hay nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Lợi nhỏ nhắn nhưng quả cảm và đa năng, vừa làm y tá, nuôi quân vừa tham gia chiến đấu và có thể sử dụng thành thạo nhiều loại vũ khí…
Không giấu được niềm luyến tiếc, nhớ thương mỗi khi nhắc đến những đồng đội, đồng chí và cán bộ, chiến sĩ nữ “Xê 2” đã hy sinh, nhưng chú Bừa, chú Cư, chú Trước hay anh Dũng… trong Ban liên lạc Lực lượng vũ trang Hội An hiện nay dường như luôn dành nhiều tình cảm khi nhắc đến sự hy sinh của chị Trần Thị Khải - Tiểu đội trưởng súng cối của đại đội cùng người yêu của chị - anh Trần Trưng, Đại đội trưởng. Trước giờ xuất kích đánh vào nội ô thị xã đầu xuân Kỷ Dậu (năm 1969), cả hai xin phép đơn vị để được gặp nhau nói về “nguyện ước tương lai”. Trận đánh ấy, anh Trưng và chị Khải đã chỉ huy và cùng “Xê 2” chiến đấu, bẻ gãy từng đợt tấn công của địch, làm chủ Hội An suốt nhiều ngày đêm. Nhưng không may, cả hai đều bị thương nặng. Biết không còn chiến đấu được nữa, chị Khải đã trao khẩu súng cho người bạn của mình là chị Huỳnh Thị Lựu (nữ y tá, đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) với lời nhắn: “Hãy giữ gìn khẩu súng để trả thù cho mình nghe Lựu!”. Còn anh Trần Trưng cũng đã cắn răng chịu đựng nhờ đồng đội cắt đứt cánh tay bị thương để chỉ huy đơn vị tiếp tục chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng…
Còn rất nhiều tấm gương bộ đội nữ “Xê 2” Hội An đã hy sinh cho “cây độc lập nở hoa, vườn tự do kết trái” mà chưa một lần được hưởng niềm hạnh phúc của tình yêu đôi lứa. Có chị còn đó, nhưng đến hôm nay vẫn mang nỗi đau do di chứng chiến tranh, những vết thương nhức nhối dai dẳng của đạn bom, của những trận đòn thù và cả những bất hạnh không nói thành lời… Song họ vẫn luôn tự hào về một thời đã qua - thời của tuổi xuân nồng nàn tình yêu quê hương đất nước, biết đánh và thắng giặc trên tuyến đầu.
Tác giả: Đỗ Huấn
Nguồn tin: www.facebook.com/truyen.dinhba
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn