Một số vấn đề tồn tại của làng nghề trước bối cảnh hội nhập

Thứ ba - 10/09/2013 23:03
Từ cách đây 20 năm, Chính quyền thị xã Hội An (nay là thành phố Hội An) đã chú trọng đầu tư bảo tồn, phát huy lĩnh vực nghề, làng truyền thống gắn với du lịch bởi đây là một yếu tố cấu thành di sản văn hóa Hội An. Vào ngày 31/5/1993, Hội đồng Nhân dân thị xã Hội An đã ra Nghị quyết số 02/NQ-HĐ về phát triển du lịch và dịch vụ du lịch trên địa bàn thị xã, trong đó “… Chú trọng hoạt động du lịch đi kèm sản xuất hàng lưu niệm bằng các ngành nghề truyền thống vốn có như nghề mộc Kim Bồng, nghề gốm Thanh Hà…”.
        Sau 20 năm đầu tư bảo tồn phát huy nghề, làng nghề truyền thống, Hội An đã đạt được những thành tích đáng kể, cả về nâng cao lực lượng lao động, doanh thu và thu hút khách tham quan. Dưới đây là số liệu của 4 làng nghề truyền thống vào năm 2011(1):
 
Tên làng nghề Số lao động Doanh thu
Làng mộc Kim Bồng 134 lao động/27 hộ 9,365 tỷ đồng
Làng gốm Thanh Hà 67 lao động/ 23 hộ 1,209 tỷ đồng
Làng làm nhà tranh tre dừa Cẩm Thanh 222 lao động/30 hộ 6,757 tỷ đồng.
Làng rau Trà Quế 233 lao động/229 hộ ?
 
        Mặc dầu đạt được những thành tựu đáng kể nhưng trong quá trình bảo tồn và phát huy, những làng nghề của Hội An cũng đang gặp phải những khó khăn trong quá trình hội nhập hiện nay.
        - Trước tiên, nhìn ở tổng thể, ¾ các làng nghề ở Hội An nằm trong vùng nông thôn, tuy nhiên nông thôn Hội An lại đang chịu áp lực nhiều bởi quá trình đô thị hóa chung của Hội An.
Trong bài viết Thực trạng biến động dân cư và đô thị hóa ở Hội An, tác giả Nguyễn Chí Trung nêu một số vấn đề áp lực mà Hội An cần phải giải quyết là:
       +…Lao động trong độ tuổi qua đào tạo rất hạn chế không đáp ứng đủ nhu cầu.
       + Hai là, quá trình đô thị hóa ở Hội An… vừa có cơ hội phát triển nhanh về kinh tế, giao lưu văn hóa nhưng cũng đồng thời chịu sự tác động tiêu cực đến hai giá trị quan trọng là ý thức về tính cộng đồng và môi trường tự nhiên của con người.
       + Ba là quá trình đô thị hóa, phát triển ở Hội An… bộc lộ rõ đặc trưng cơ bản của quá trình đô thị hóa là quy mô dân số lớn, mật độ dân cư cao và sự khác biệt, sự không thuần nhất dân cư được tích tụ trong một không gian hẹp (2). Đồng thời với đô thị hóa, phát triển du lịch thì vùng nông thôn mà trong đó các làng nghề gặp phải việc thu hẹp không gian để phục vụ tăng dân số cơ học (khách du lịch đến lưu trú Hội An và người ngoài Hội An đến định cư lâu dài để làm việc…) là rất lớn.
        - Vấn đề lực lượng lao động cho các làng nghề trong bối cảnh hiện nay và trong tương lai cũng đang gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê của chúng tôi trong đợt kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể làng nghề năm 2013 có số liệu cụ thể sau đây:
 
Làng nghề Tổng số nghệ nhân Số nghệ nhân ở độ tuổi dưới 40 Tỷ lệ
Làng mộc Kim Bồng (nhóm mộc mỹ nghệ) 89 42 47%
Nghề tre dừa Cẩm Thanh 93 24 25,8%
Làng gốm Thanh Hà 43 4 9,3%
Làng rau Trà Quế 233 35 15%

        Nguồn: Tác giả tổng hợp số liệu do các nghệ nhân cung cấp trong các buổi tham vấn cộng đồng do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An thực hiện năm 2013.
        Theo kết quả này, các làng nghề đều có số nhân công dưới 40 tuổi ở mức thấp, chỉ chiếm dưới 50% tổng số nghệ nhân, cá biệt đối với làng rau Trà Quế chỉ có 15%. Điều này cho thấy áp lực về nhân lực kế truyền nghề nghiệp phục vụ cho việc bảo tồn lâu dài các làng nghề truyền thống là rất lớn. Nguyên nhân của điều này ban đầu có thể lý giải theo sự nắm bắt tâm tư của chúng tôi từ những nghệ nhân trẻ rằng: Công việc thủ công là một công việc nặng nhọc, tiêu tốn nhiều thời gian, cũng đòi hỏi phải có năng khiếu mới thành công. Trong khi đó, làm việc ở các ngành dịch vụ - du lịch, công ty sản xuất có thời gian cố định, lương tương đối ổn định, có chế độ bảo hiểm xã  hội…
        - Vấn đề thứ hai là năng lực mở rộng qui mô sản xuất: Các làng nghề Hội An hiện nay đang được sự hỗ trợ của chính sách khuyến công khuyến nông của Bộ Công thương, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới trong đề án tam nông của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chính sách hỗ trợ tu bổ di tích, phát triển du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…. Và những chính sách hỗ trợ của chính quyền tỉnh Quảng Nam, của thành phố Hội An. Điều đó tạo ra một thuận lợi lớn cho công tác gìn giữ làng nghề.
        Tuy nhiên, do các làng nghề có đối tượng quản lý khá phong phú nên cũng tạo ra một sự mâu thuẫn trong thực hiện công tác bảo tồn. Ví dụ trường hợp xây dựng Khu trình diễn làng mộc Kim Bồng, làng nghề làm nhà tranh tre dừa Cẩm Thanh được nhận vốn hỗ trợ từ chương trình Khuyến công khuyến nông của Bộ Công thương. Khu trình diễn này được xây dựng tập trung, qui tập khoảng vài hộ đến vài chục hộ vào một khu để trình diễn cho khách tham quan, bán sản phẩm cho khách, như vậy khách đến thăm các làng nghề này chỉ cần thăm quan khu trình diễn là được.
 

        Nhưng theo quan niệm của những người làm công tác bảo tồn văn hóa là không phù hợp vì “làng nghề là một thực thể vật chất và tinh thần được tồn tại cố định về mặt địa lý, ổn định về nghề nghiệp hay một nhóm các nghề có mối liên hệ mật thiết với nhau để làm ra một sản phẩm, có bề dày lịch sử và được tồn tại lưu truyền trong dân gian” (3). Nhưng nếu không thực hiện khu trình diễn này thì địa phương sẽ mất vốn đầu tư. Như vậy, bảo tồn làng nghề không chỉ tính tới nhóm những người có nghề tập trung lại làm nghề mà còn phải tính đến cả cảnh quan làng xã, những thiết chế văn hóa tín ngưỡng làng xã, nghề nghiệp thì mới đầy đủ. Vì thế cần có một chính sách nhất quán trong việc qui định tiêu chí công nhận, định hướng bảo tồn cho làng nghề sao cho có sự thống nhất ý kiến chung từ các Bộ, ngành có liên quan cũng như các cơ quan quản lý ở cấp cơ sở. Có như vậy thì việc bảo tồn các làng nghề mới  phát huy hiệu quả.
        Đối với vấn đề hội nhập: Những khó khăn lớn nhất của các nghệ nhân làng nghề ở Hội An đang gặp phải trong quá trình hội nhập là vấn đề tiêu thụ, vốn, nguyên liệu. Theo thống kê của Phan Văn Tú thì sản phẩm các làng nghề chủ yếu chỉ được tiêu thụ qua du khách (chiếm 56,9%), tư thương (37,9%), doanh nghiệp chỉ tiêu thụ 10% sản phẩm làng nghề. Các cơ sở sản xuất làng nghề chỉ đủ đáp ứng được 53% số nhu cầu vốn. Khó khăn về nguyên liệu sản xuất cũng là vấn đề lớn, có đến 57% cơ sở phải tự mua và 38% tự sản xuất nguyên liệu. Diện tích trung bình của mỗi cơ sở ở làng mộc Kim Bồng chỉ là 100m2, thấp nhất trong các làng nghề và mức biến thiên không lớn. Trong khi diện tích trung bình của mỗi cơ sở ở làng gốm Thanh Hà là 290m2 và biến thiên rất lớn giữa 1.000m2 (cơ sở có diện tích lớn nhất) và 10m2 (cơ sở có diện tích nhỏ nhất). Diện tích trung bình của mỗi cơ sở ở làng rau Trà Quế là 348m2 với diện tích lớn nhất là 800m2 và nhỏ nhất 35m2. Do diện tích sản xuất vừa và nhỏ nên nhu cầu mở rộng sản xuất của các cơ sở ở các làng nghề cũng rất lớn, ở Làng gốm Thanh Hà có đến 70% cơ sở có nhu cầu, ở làng mộc Kim Bồng là 81% (4).
         Những khó khăn về vốn, nguyên liệu, mặt bằng đã hạn chế năng lực mở rộng qui mô sản xuất của các nghệ nhân. Điều này đặt ra vấn đề bức thiết là cần có những động thái phát huy hiệu quả hơn nữa những cơ chế ưu đãi của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ các hộ sản xuất ở các làng nghề. Đồng thời cần có sự kêu gọi, tạo điều kiện liên kết, hỗ trợ của các doanh nghiệp lớn ở trong và ngoài nước về vốn, tiêu thụ, qua đó cũng góp phần bảo tồn hoạt động sản xuất của các làng nghề. Đặc biệt là cần có chính sách đầu tư dài hạn nguồn nguyên liệu (gỗ, cát, đất sét, tre…) để phục vụ cho các ngành nghề truyền thống. Thực thi điều này cần tính đến sự phối hợp với các địa phương lân cận như Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc… và kiến nghị về chính sách đối với các cấp trên.
         Hầu hết các sản phẩm của các làng nghề đều rất đặc thù, đồ gốm Thanh Hà nặng, dễ vỡ; đồ mộc Kim Bồng cũng nặng, khó vận chuyển; Rau Trà Quế tươi, xanh khó bảo quản trong quá trình vận chuyển, đồ tranh tre dừa nhẹ nhưng chiếm nhiều diện tích… Hơn nữa, ở các làng nghề vẫn chưa có sản phẩm vừa mang tính biểu tượng của làng nghề, của Hội An lại vừa gọn, nhẹ, ấn tượng. Cho đến nay, theo quan sát của chúng tôi, sự liên kết giữa các cơ sở thủ công ở các làng nghề với các cơ sở dịch vụ du lịch nhất là khách sạn, nhà hàng trong khâu tiêu thụ vẫn chưa có. Ví dụ như Khách sạn A đặt mua sản phẩm của làng nghề B để làm quà tặng cho du khách.
        Một vấn đề khác mà nghệ nhân các làng nghề gặp phải khó khăn trong vấn đề hội nhập đó là tri thức quản lý, kinh doanh. Hầu hết các thợ đều hoạt động dựa vào kinh nghiệm là chính hoặc tư vấn từ những người thân trong gia đình. Bản thân những chủ cơ sở còn chưa được đào tạo nhiều về năng lực quản lý, kinh doanh, tiếp thị. Các làng nghề là địa điểm tham quan du lịch nhưng tỷ lệ người có ngoại ngữ để giao tiếp với khách là không cao. Đây là một hạn chế lớn trong việc tiếp thị và quảng bá giá trị văn hóa của làng nghề, của sản phẩm.
        Vấn đề giá trị văn hóa phi vật thể của làng nghề bị mai một trước bối cảnh hội nhập cũng là vấn đề đáng quan tâm. Trước tiên là do sự hiện đại hóa của công nghệ sản xuất nên nhiều công cụ truyền thống bị giảm đi và mất hẳn trong đời sống ở các làng nghề đang diễn ra rất lớn. Ở làng gốm Thanh Hà người ta không còn dùng mai để làm đất mà thay vào đó là xẳng. Hoặc ở làng mộc Kim Bồng, người thợ không dùng cưa đợi, cưa líu, khoan dây để ra cây (cưa xẻ), khoan gỗ, thay vào đó là các máy cưa, máy khoan. Có ít nhất 32 sản phẩm của các làng nghề không còn được sản xuất do nhiều nguyên nhân (Số liệu tổng hợp từ các đợt tham vấn cộng đồng trong chương trình Kiểm kê Văn hóa Phi vật thể làng nghề Hội An năm 2013). Một số sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của các làng nghề cũng đã, đang bị mai một. Tục dựng nêu trong ngày Tết, hoạt động thuê các đoàn hát bội biểu diễn, đi thày trong những ngày lễ tế tổ ở làng nghề không còn được duy trì, lễ ra mắt tổ nghề ở làng gốm Thanh Hà cũng không còn được duy trì nữa… Những biến động này đã làm kéo theo sự mai một nguồn tri thức dân gian về kinh nghiệm sản xuất, tín ngưỡng văn hóa, ngôn ngữ của nghề. Đây là vấn đề mà các nhà nghiên cứu cần phải tích cực triển khai sưu tập, kiểm kê để phục vụ cho công tác lưu trữ, bảo tồn, phát huy.
        Gợi lên một số vấn đề khó khăn mà làng nghề truyền thống Hội An đang gặp phải để hi vọng những người lưu tâm về lĩnh vực này sẽ cùng góp thêm tiếng nói trong nghiên cứu, trong chỉ đạo, kiến nghị để góp phần giải quyết những vướng mắc, đem lại cho nghệ nhân một cuộc sống lao động bền vững hơn.
 
        * Tài liệu trích dẫn:
1. Phòng Kinh tế: Số liệu thống kê năm 2011.
2. Nguyễn Chí Trung (2012): Thực trạng biến động dân cư và đô thị hóa ở Hội An, Hoianheritage.net, cập nhật Thứ sáu - 13/07/2012 08:55).
3. Lê Thị Minh Lý (2003): Làng nghề và việc bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể Tạp chí Di sản văn hóa số 4 -2003).
4. Phan Văn Tú (2011): Các giải pháp để phát triển làng nghề ở Hội An, Quảng Nam - Luận văn Thạc sĩ Kinh tế (bảng tóm tắt), Đại học Đà Nẵng.

 

Tác giả: Trương Hoàng Vinh

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây