Cẩm Thanh là vùng ngoại ô của Hội An, được bao bọc bởi hệ thống sông ngòi, có rừng dừa nước Bảy Mẫu xanh tốt, tạo nên địa thế vô cùng hiểm trở. Hơn nữa Cẩm Thanh nằm ở một vị trí là “mắt xích” quan trọng trên con đường huyết mạch nối liền vùng tự do nam sông Thu Bồn với các vùng tạm bị chiếm ở phía bắc của tỉnh. Nắm được điều này, Mỹ-ngụy ra sức thực hiện âm mưu đánh chiếm Cẩm Thanh nhằm giành lấy thế chủ động trên chiến trường.
Ngay sau khi tiếp quản Cẩm Thanh, chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành những chính sách khủng bố hết sức dã man. Chúng ráo riết truy lùng cán bộ cách mạng. Hàng chục cán bộ ta đã bị địch thủ tiêu, hàng trăm đồng bào tham gia đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ bị bắt bớ, giam cầm và tra tấn dã man. Bà Phạm Thị Điền (ở thôn 3 xã Cẩm Thanh) kể: “Hồi đó, ngày nào cũng vào khoảng 5 giờ sáng là tụi hắn (lính ngụy - NV) đi lùng rồi. Chúng đi từ thôn ni sang thôn khác lùng sục khắp nơi, nhà ai có người từng tham gia cách mạng là bắt hết”. Nhiều cơ sở cách mạng do ta gầy dựng đã bị phá vỡ. Tuy nhiên, chính trong những ngày tháng đen tối ấy, nhân dân Cẩm Thanh vẫn giữ vững tấm lòng sắt son, thủy chung với cách mạng. Đồng bào xây dựng hàng loạt hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, tiếp tế lương thực, thuốc men và thông báo tình hình địch. Nhờ vậy, cơ quan bí mật của Phân ban Tỉnh ủy và Thị ủy Hội An ở Cẩm Thanh vẫn được bảo vệ an toàn.
Giữa vòng vây của quân thù, những người con “đất thép” Cẩm Thanh vẫn kiên cường đánh tan những đội quân hùng mạnh của địch, bảo vệ quê hương. Danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Nhà nước trao tặng là phần thưởng xứng đáng cho truyền thống kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm của quân và dân Cẩm Thanh. |
Đến nay, ông Đinh Hớn - nguyên cán bộ Thị ủy Hội An hoạt động ở Cẩm Thanh - vẫn không quên nghĩa tình của nhân dân Cẩm Thanh đối với những cán bộ cách mạng. Ông nói: “Ngày đó, cán bộ chúng tôi hoạt động ở Cẩm Thanh có thể bình an trước tai mắt của địch là nhờ sự che chở, giúp đỡ rất lớn của nhân dân”. Trong những năm 1962 - 1964, ta chủ trương đưa cán bộ về lại Cẩm Thanh để phục hồi cơ sở cách mạng. Nhiều đồng chí của ta được cài vào hoạt động trong hàng ngũ của địch. Cuối năm 1963, chi bộ Đảng được thành lập, các cơ sở quần chúng được phục hồi và móc nối ở hầu khắp các thôn, xóm, lực lượng du kích bí mật cũng được hình thành. Cuối năm 1964, tại các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn... có một số vùng được giải phóng. Nối tiếp tinh thần đó, đúng 0 giờ ngày 27.9.1964 Ban cán sự thị xã Hội An trực tiếp chỉ đạo quần chúng đứng dậy khởi nghĩa. Đoàn người hừng hực khí thế tiến về cơ quan hội đồng xã Cẩm Thanh. Được sự hỗ trợ của lính nội tuyến, quần chúng đã bắt gọn bọn ác ôn gồm 3 tên hội đồng xã, 7 liên gia trưởng cùng trung đội dân vệ. Ngay sau đó, trong cuộc mít tinh của nhân dân, Ủy ban tự quản và Mặt trận dân tộc giải phóng xã được thành lập. Cẩm Thanh trở thành xã đầu tiên của Hội An được giải phóng. “Sự kiện này có vai trò hết sức quan trọng, cổ vũ phong trào khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân trong toàn thị xã” - ông Đinh Hớn nhấn mạnh.
Thất bại ở Cẩm Thanh khiến địch trở nên vô cùng hung hãn. Chúng huy động lực lượng hùng hậu bao gồm quân viễn chinh Mỹ, quân Nam Triều Tiên, quân chủ lực ngụy, lính bảo an, dân vệ, hải thuyền cùng với vũ khí, thiết bị hiện đại tiến hành những chiến dịch “bình Thanh” với quy mô chưa từng có. Thiếu tá Huỳnh Phước Cư - nguyên Chính trị viên Thị đội Hội An nhớ lại: “Quy mô của những chiến dịch này là vô cùng lớn, song một lần nữa kẻ thù phải lùi bước trước ý chí ngoan cường của quân và dân Cẩm Thanh”. Theo lời ông Cư kể, ngày 13.6.1966, địch huy động 4 đại đội hỗn hợp Mỹ-ngụy với sự hỗ trợ của trực thăng, xe bọc thép mở trận càn ở Cẩm Thanh. Du kích xã đã anh dũng đánh bại trận càn của địch, mở đầu cho phong trào “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” của quân và dân Cẩm Thanh nói riêng, thị xã Hội An nói chung. Những chiến dịch “bình Thanh” của địch khiến làng xóm, ruộng vườn bị tàn phá, nhiều đồng bào vô tội bị giết hại nhưng nhân dân vẫn một lòng trung thành với cách mạng. Trong giai đoạn này, các phong trào đấu tranh chống càn, chống địch dồn dân, lập ấp của nhân dân diễn ra sôi nổi. Đến giai đoạn sau, cuộc đấu tranh trở nên khốc liệt bởi những chiến dịch “bình Thanh” của địch ngày càng trở nên quy mô và tàn ác hơn. Quân và dân Cẩm Thanh vẫn đoàn kết một lòng, vượt mọi gian khổ, quyết tâm đánh giặc cho đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng.
Tác giả: PHAN SƠN
Nguồn tin: www.facebook.com/truyen.dinhba
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn