So sánh lễ hội Gion ở Kyoto - Nhật Bản và lễ hội Long Chu ở Hội An - Việt Nam

Thứ năm - 12/09/2013 05:39
Trong quá khứ, từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII, thương cảng Hội An phát triển mạnh thu hút thương khách từ nhiều nơi trên thế giới đến giao lưu buôn bán, trở thành trung tâm trung chuyển mậu dịch quốc tế cho cả khu vực.
         Trong đó, nhiều thương nhân Hoa - Nhật đã được Chúa Nguyễn ưu ái cho lập phố, sống theo phong tục riêng, cử thị trưởng riêng cai quản điều hành công việc sinh cơ lập nghiệp cộng đồng dân cư của mình. Vì thế trong một thời gian dài, Hội An đã tồn tại hai phố: Phố Nhật và Phố Khách. Giáo sĩ Christoforo Bori đến Đà Nẵng năm 1618 rồi vào Hội An cư trú, đã cho biết: "Vì muốn tiện cho việc hội chợ, vua Cochinchine đã cho phép người Nhật Bản và Trung Quốc lựa chọn một nơi thích hợp để xây dựng một thành phố. Một của người Nhật, một của người Tàu". Qua những cứ liệu trên cho thấy, trong quá khứ Việt Nam và Nhật Bản đã diễn ra sự giao lưu, tiếp biến văn hóa. Vì vậy, lễ hội Gion ở Nhật Bản và lễ rước Long Chu có khả năng là có mối quan hệ ảnh hưởng lẫn nhau mà chúng ta sẽ thấy qua phần so sánh sau đây.
         Lễ hội Gion có lịch sử khoảng 1100 năm và được duy trì đều đặn, thể hiện nét văn hóa truyền thống và cả sự phồn thịnh của Kyoto. Vào năm 869, trên khắp đất nước dịch bệnh lây lan nguy cấp, Nhật Hoàng đã đến ngôi đền Yasaka để cầu cho bệnh dịch nguy hiểm được dập tắt và sự bình yên trở lại với dân lành. Vào thời điểm đó, Nhật Hoàng đã cho làm 66 cỗ xe trang trọng tượng trưng cho 66 tỉnh (đơn vị hành chính của Nhật lúc bấy giờ) để cùng tham gia vào lễ cầu nguyện. Nhưng sau đó trải qua nhiều biến cố lịch sử nên lễ hội không ít lần bị gián đoạn, cho đến tháng 6 năm 1500, lễ hội được tổ chức trở lại với đúng dáng vẻ rực rỡ, không khí tưng bừng của nó. Cũng từ đó việc trang trí các cỗ xe diễu hành trong lễ hội được giao cho nhân dân trong kinh đô thực hiện. Chính nhờ vậy mà mỗi cỗ xe (Hoko) cả về nội dung và hình thức đều rất phong phú, đặc biệt là từ thời Momoyama đến thời Edo khi mà hoạt động buôn bán ngoại thương phát đạt và các làng nghề dệt, thêu ở Kyoto phát triển phồn thịnh thì việc trang trí cho các cỗ xe Hoko vào mỗi dịp lễ hội Gion cũng là một cách người dân Kyoto thể hiện sự lớn mạnh về kinh tế, văn hóa của kinh đô.
         Lễ hội thường được tổ chức trong vòng một tháng, từ ngày 01/7 cho đến ngày 31/7, với rất nhiều sự kiện và các lễ nhỏ, bắt đầu bằng lễ hội Kippu-iri vào ngày đầu tiên và kết thúc bằng lễ hội Eki-jinja Natsukoshi vào ngày 31/7. Lớn nhất trong các lễ hội phải kể đến lễ Yoiyama vào ngày 16 và lễ hội Yamaboko Junko vào ngày 17. Trong lễ hội Yamaboko Junko, những chiếc xe rước lớn được trang hoàng rực rỡ được diễu hành qua các đường phố Kyoto. Có hai loại là kiệu rước Yama và xe rước Hoko. Hoko là loại xe lớn có bánh xe, chiều dài có thể đến 25m và nặng tới 12 tấn. riêng loại xe Hoko hai tầng, có người đứng trên tầng 2 cũng như trên nóc, được kéo bởi rất nhiều người. Kiệu rước Yama nhỏ hơn và được vác lên vai của những người tham gia. Các xe và kiệu rước được trang trí bằng các tấm thảm được các thương nhân du nhập vào và có lịch sử lâu đời. Mỗi xóm thường có một kiệu rước hoặc xe rước và các loại kiệu xe rước này được cất trong nhà kho của mỗi xóm sau khi lễ hội kết thúc và chúng được đem ra sử dụng vào năm sau.
 
         
         Lễ rước được xuất phát từ đền Yasaka, được biết như là Gion-san, nằm ở phía Đông của thành phố Kyoto. Đoàn rước khi chuyển hướng rẽ kiệu, người ta hô to ‘Yoi, yoi, yoi-ya-sa!’ trong tiếng nhạc truyền thống Nhật Bản được chơi bởi các nhạc công ngồi trên tầng hai của các xe rước Hoko. Tiếng hô và âm nhạc góp phần mang lại cái hồn cho lễ hội.
         Đối với lễ hội rước Long Chu ở Hội An, thời điểm ra đời của lễ hội Long Chu chưa được xác định, nhưng lễ hội Long Chu vẫn được cư dân Hội An ngày nay thường tổ chức vào những ngày đầu năm mới. Thời gian tổ chức trước đây không nhất thiết phải tổ chức định kỳ mà tuỳ thuộc vào tình hình an ninh trong khu phố, thôn xóm. Một khi khu phố bị mất an ninh như dịch bệnh hoành hành thì người ta nghĩ rằng khu xóm bị đất động, các vị thần quản nhiệm khu xóm ấy bị quở trách, cần phải cúng xóm và rước Long Chu trừ tà, trị quỷ, đem lại bình yên cho thôn xóm. Đồng thời, lễ rước Long Chu ở Hội An còn có ý nghĩa là xác định ranh giới của làng.
        Lễ hội được chuẩn bị trước cả tháng với nhiều lễ nhỏ như: Đầu tiên là “Lễ vô khoa” (tức lễ cúng Tổ Phù Thuỷ). Trong lễ cúng này, thầy Cả làm phép khai quang điểm nhãn, lấy mực và son vẽ 2 mắt cho Long Chu. Sau đó là “Lễ cáo thần” (Tức lễ Túc yết). Tiếp theo là “Lễ tế thần”. Chức sắc trong làng và các tộc trưởng cử ra một ban chánh tế và mời thầy phù thuỷ chủ trì. Họ quyên góp trong dân rồi xuất quỹ thuê thợ mã làm Long Chu. Long Chu là chiếc thuyền làm theo hình con rồng, đây là loại phương tiện sang trọng dành riêng cho các bậc vua chúa ngự lãm hoặc tuần du. Long Chu được làm bằng sườn tre, ngoài phết giấy phẩm xanh đỏ, giữa mình là thuyền, đầu đuôi hình rồng.
        Lễ cúng Long Chu được bắt đầu bằng nghi lễ cúng các vị Thổ thần tại nơi được chọn lập hương án, đặt bàn thờ, có thể nơi ấy là một góc phố hay đình làng. Khi tiến hành cúng lễ, đầu Long Chu được đặt quay đầu về phía hương án, trên có bày các lễ vật dâng cúng. Long Chu được rước khỏi cổng đình, đi qua các đường phố.
        Điểm tương đồng của cả hai lễ hội là đều có chung một ý nghĩa tống ôn, trừ tà. Lễ đều có diễu hành với đoàn rước kiệu với kèn, nhạc, sáo thổi. Mỗi kiệu rước đều là sản phẩm của một xóm. Đoàn rước cũng được làm lễ và xuất phát từ đền (đình) thờ và đi dọc các đường phố. Lễ cũng được chuẩn bị cả tháng với nhiều lễ nhỏ.
        Với sự giao lưu văn hóa như nêu ở trên, cùng với lịch sử ra đời lễ hội Gion khá sớm của Nhật Bản (năm 869) và điểm giống nhau của lễ hội như đã nêu, có thể lễ hội Gion ở Kyoto - Nhật Bản đã ảnh hưởng đến lễ hội rước Long Chu ở Hội An - Việt Nam vì năm 1500 lễ hội Gion ở Nhật Bản mới phát triển trở lại và đây cũng là thời kỳ các thương nhân Nhật Bản đến sinh sống và buôn bán ở Hội An. Đồng thời xét theo lễ hội truyền thống trong nước thì chỉ có ở Hội An mới có lễ hội Long Chu. Vậy, lễ hội Long Chu có thể có từ thời kỳ người Nhật đến Hội An sinh sống và mang văn hóa, lễ hội Gion đến Hội An chăng?
        Sự khác biệt trong lễ hội Long Chu so với lễ hội Gion phải chăng trong quá trình giao lưu văn hóa, vùng đất Hội An không chỉ một mình người Nhật đến giao lưu mà còn nhiều nước khác như Hoa, Bồ Đào Nha,… và một nền văn hóa Champa xa xưa còn tồn tại nên lễ hội Long Chu đã tiếp biến và hội tụ những yếu tố văn hóa khác nhau để tạo thành lễ rước Long Chu đặc sắc ở Hội An. Chính vì vậy mà ta thấy những điểm khác biệt trong lễ rước Long Chu ở Hội An so với lễ hội Gion ở Kyoto - Nhật Bản.
         Điểm khác biệt thứ nhất là lễ rước của lễ hội Gion là những chiếc kiệu Hoko hoặc Yama với trang trí những tấm thảm của các thương nhân xưa mang về, nói lên một hành trình ngoại thương của Nhật Bản trong quá khứ và thời kỳ nghề dệt thảm ở Kyoto phát triển. Trong khi đó, kiệu rước của lễ hội Long Chu là mô hình Long Chu với đầu rồng, mình thuyền được làm bằng tre và giấy. Vậy là từ những chiếc kiệu rước của lễ hội Gion, được chuyển hóa thành mô hình Long Chu đậm nét văn hóa Việt Nam với hình dáng con rồng biểu trưng cho sức mạnh, quyền uy và chiếc thuyền của miền sông nước với ý nghĩa tống tiễn những linh hồn hắc ám.
         Điểm khác biệt thứ hai là, cư dân Hội An có một quá trình tụ cư, hỗn cư, hợp cư nên có sự tiếp thu những văn hoá của các tộc người có quan hệ, giao lưu. Trong điều kiện phát triển đô thị - thương cảng trung chuyển mậu dịch quốc tế nên Long Chu có sự tích hợp và hoà đồng giữa Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian. Vì vậy trong văn tế cúng của thầy phù thủy xuất hiện bóng dáng của các môn bùa phép ếm đối thờ đá của người Chàm, có quan niệm đưa người quá cố qua bến Giác Hải của người Trung Quốc, có dấu vết lễ dâng quả đầu mùa cho tổ tiên của người Thái và sự tạ ơn thần của một số nước vùng Đông Nam Á. Các vị thần được nêu tên xuất xứ từ Trung Quốc, từ đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ - Việt Nam… nên chắc chắn là nghi lễ sẽ khác với lễ hội Gion. Trong khi đó, thì lễ hội Gion không có thầy phù thủy, mà chỉ có một đứa bé được hóa trang thành vị thần được rước đi trên kiệu và làm những động tác hóa giải.
          Điểm khác biệt thứ ba là, đoàn rước của lễ rước Long Chu còn có thêm đội múa rồng, múa thiên cẩu, có cờ, có phướn, đây là một hình thức rất quen thuộc của văn hóa Trung Hoa. Vậy, lễ hội rước Long Chu cũng tiếp thu yếu tố Trung Hoa. Còn đoàn rước của lễ hội Gion là đoàn người toàn là đàn ông trong thôn xóm tham gia diễu hành, kéo/khiêng kiệu, thổi kèn và chơi nhạc.
          Điểm khác biệt cuối cùng là sau khi kết thúc đoàn rước thì kiệu mô hình Long Chu được đem ra sông đốt nhằm hóa giải những điều xui xẻo, xấu xa. Với quan niệm của người Việt, những gì xui xẻo thì nên đốt đi. Trong khi đó, những kiệu rước của lễ hội Gion bên cạnh ý nghĩa tống ôn trừ tà, lễ hội còn có ý nghĩa nói lên một thời ngoại thương hưng thịnh, một giai đoạn phát triển của nghề dệt thảm ở Kyoto nên sau khi diễu hành các kiệu được cất vào kho và tiếp tục trình diễn vào những năm sau.
         Đây là một so sánh ảnh hưởng, với phương pháp so sánh thực chứng tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt, qua so sánh ta có thể đặt ra những vấn đề giao lưu và biến đổi văn hóa trong quá trình giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản. Lễ rước Gion hay Long Chu thực chất chỉ là một cuộc tấn công trừ khử tà ma, dịch bệnh theo ý nghĩa ban đầu nhưng quá trình giao lưu tiếp biến, người Hội An đã kết hợp với nhiều nền văn hóa khác, cùng với quan niệm, tín ngưỡng địa phương để tạo nên một lễ hội truyền thống ở Hội An mang nét đặc thù riêng mà mới đầu thoạt nhìn hoàn toàn không giống bất kỳ lễ hội nào khác. Nhân những ngày giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản năm 2013, những suy nghĩ bước đầu về lễ hội Gion và Long Chu góp phần mở ra những vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu trong mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa hai nước.

Tác giả: Đỗ Thị Ngọc Uyển

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây