Ngũ hành nằm trong hệ thống các Thiên thần ở Việt Nam, đồng thời cũng nằm trong hệ thống thờ Mẫu được thờ cúng khá phổ biến ở các tỉnh miền Trung. Ở Hội An, tục thờ các vị Ngũ hành cũng có một số đặc trưng so với các vùng khác, cụ thể:
Trong khi các địa phương khác miếu thờ Ngũ hành Nương nương phổ biến, được phối thờ với các vị thần khác, thông thường là Thiên Y A Na, như miếu Đại Điền núi Chúa ở Nha Trang, Cổ Lũy ở Quảng Ngãi, Khê Trung ở Đà Nẵng.v.v.. thì ở Hội An lại có rất nhiều miếu chỉ thờ riêng Ngũ hành và có ở hầu hết các làng, xã, thôn, ấp, xóm.
Việc thờ linh tượng Ngũ hành cũng không phổ biến ở những địa phương khác nhưng ở Hội An lại khá phổ biến, các linh tượng thường được đặt trong khung kính, màu sắc sử dụng cho y phục của các vị Ngũ hành là màu sắc của năm hành: kim là màu trắng, thủy là màu đen, hỏa là màu đỏ, mộc là màu xanh, thổ là màu vàng, tương tự với cờ ngũ hành.
Các di tích thờ Ngũ hành ở Hội An được phân bố dày đặc ở các khu vực gần sông, biển. Nếu so sánh về quy mô của di tích thì miếu Ngũ hành khiêm tốn hơn so với một số miếu khác như miếu Quan Thánh còn gọi là chùa Ông thờ Quan Vân Trường, một nhân vật lịch sử thời Tam Quốc hay Thiên Hậu cung thờ ngài Thiên Hậu, một Phúc Thần được tin là có quyền năng cứu giúp các hoạn nạn trên biển. Triều đình phòng kiến xưa đều có sắc phong cho từng vị ngũ hành nhưng dân gian thường chung là Ngũ Hành hay Ngũ hành thượng giới.
Theo quan niệm của người phương Đông, Ngũ hành liên quan đến mọi mặt trong đời sống con người, và tất cả các ngành nghề khác nhau từ nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp đến ngư nghiệp. Người dân thờ Ngũ hành để cầu mong được các Bà phù hộ, độ trì trong việc làm ăn, cầu sức khỏe, cầu may mắn tránh rủi ro, hoạn nạn. Hiện nay, tục thờ Ngũ hành là một trong những tín ngưỡng dân gian ở Hội An, góp phần làm phong phú nét đẹp văn hóa tín ngưỡng tại địa phương.