Về quan điểm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Nhưng trên thế giới vẫn tựu trung 2 quan điểm như sau: Bảo tồn nguyên vẹn và bảo tồn trên cơ sở kế thừa.
Quan điểm bảo tồn nguyên vẹn, theo Gregory J.Ashworth, thì được phát triển đầu tiên từ những năm 50 của thế kỷ XIX. Quan điểm bảo tồn nguyện vẹn này được khá nhiều học giả ủng hộ, đặc biệt các nhà bảo tồn, bảo tàng trong lĩnh vực di sản văn hóa. Những người theo quan điểm Bảo tồn nguyên vẹn cho rằng, những sản phẩm của quá khứ, nên được bảo vệ một cách nguyên vẹn, như nó vốn có, cố gắng phục hồi nguyên gốc các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cũng như cố gắng cách ly di sản khỏi môi trường xã hội đương đại. Họ cho rằng, mỗi di sản chứa đựng những giá trị văn hóa - xã hội nhất định mà không phải lúc nào thế hệ hiện tại có hiểu biết một cách cụ thể để có thể phát huy những giá trị ấy một cách thích hợp. Hơn nữa, những giá trị văn hóa ấy luôn biến đổi theo thời gian do những tác động của xã hội hiện tại và sẽ tạo nên những lớp văn hóa khác không trùng nghĩa với lớp văn hóa mà thế hệ trước chuyển giao cho thế hệ sau, vì thế, có thể làm cho các thế hệ sau nữa không thể truy nguyên được những giá trị di sản đang tồn tại. Chính vì như vậy, những người theo quan điểm này cho rằng, do chúng ta chưa có đủ thông tin, trình độ hiểu biết để có thể lý giải giá trị của các di sản văn hóa, chúng ta nên giữ nguyên trạng những di sản này để khi có điều kiện, các thế hệ tiếp nối có thể xử lý, giải thích và tìm cách kế thừa, phát huy di sản một cách tốt hơn.
Với quan điểm bảo tồn trên cơ sở kế thừa thì được các học giả nước ngoài hiện nay quan tâm nhiều hơn và là một xu thế khá phổ biến khi bàn đến di sản. Có thể kể đến như Alfrey, Putnam, Ashworth và P.J. Larkham xem di sản như một ngành công nghiệp và cần phải có cách thức quản lý di sản tương tự với cách thức quản lý của một ngành công nghiệp văn hóa với những logic quản lý đặc biệt, phù hợp với tính đặc thù của các di sản. Hoặc các nhà nghiên cứu Anh, Mỹ như Boniface, Fowler, Prentice,… thì cho rằng không thể không đề cập đến phát triển du lịch trong vấn đề bảo tồn và phát huy di sản. Cách tiếp cận của các nhà khoa học này sống động hơn, quan tâm di sản văn hóa để phát triển du lịch, để khẳng định tính đa dạng trong sáng tạo của con người. Còn các tác giả như Corner và Harvey cũng cho rằng việc quản lý di sản cần đặt dưới một cách tiếp cận toàn cầu hóa. Ngoài ra, các tác giả như Moore và Caulton cũng cho rằng cần quan tâm làm thế nào lưu giữ được các di sản văn hóa thông qua cách tiếp cận mới và phương tiện kỹ thuật mới. Nhìn chung, quan điểm lý thuyết này dựa trên cơ sở mỗi di sản cần phải được thực hiện nhiệm vụ lịch sử của mình ở một thời gian và không gian cụ thể. Khi di sản ấy tồn tại ở thời gian và không gian hiện tại, di sản ấy cần phát huy giá trị văn hóa - xã hội phù hợp với xã hội hiện nay và phải loại bỏ đi những gì không phù hợp với xã hội ấy.
Với quan điểm thứ nhất là đóng gói các sản phẩm văn hóa cần được bảo vệ trong môi trường khép kín để tránh mọi tác động bên ngoài làm phương hại đến chúng. Khuynh hướng này mang lại một số kết quả rất đáng quan tâm. Nhờ các hoạt động bảo tồn đó, trong nhiều năm qua, chúng ta đã lưu giữ được nhiều sắc thái văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, văn hóa nói chung trong đó có văn hóa phi vật thể luôn gắn bó với đời sống, con người, với môi trường xã hội. Do đó, nó luôn biến đổi để phù hợp với mọi thay đổi của cuộc sống. Bởi vậy, bảo tồn theo khuynh hướng này bộc lộ hạn chế là làm khô cứng các sản phẩm văn hóa.
Với quan điểm thứ hai là quan điểm thả nổi. Sản phẩm văn hóa nào có sức sống mãnh liệt, có giá trị, có nền tảng vững chắc do được chắt lọc, chưng cất, được thử thách qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử sẽ có nhiều cơ hội và lợi thế tự khẳng định mình nhiều hơn. Điều đó phụ thuộc vào các tiêu chí và hệ giá trị. Bởi vậy, khi chúng ta sử dụng hệ giá trị hôm nay làm thước đo sự thay đổi các sản phẩm văn hóa truyền thống, khuynh hướng thả nổi sẽ đẩy nhanh quá trình làm biến dạng các tiêu chí và chuẩn mực vốn đã được định hình từ lâu. Những sản phẩm văn hóa truyền thống tuy mang đậm nét đặc thù nhưng khi đặt trong hệ quy chiếu mới nếu không được điều chỉnh sẽ khó có cơ hội tồn tại lâu dài.
Rõ ràng là cả hai quan điểm trên đều xuất phát từ cách hiểu máy móc, siêu hình, thiếu cái nhìn biện chứng về khái niệm bảo tồn. Chỉ có thể hiểu một cách đầy đủ và đúng nghĩa khi đặt hoạt động bảo tồn trong mối quan hệ với phát huy. Ngoài việc lưu giữ để không mất đi các giá trị văn hóa, bảo tồn còn phải biết lựa chọn trong các hiện tượng đang có nguy cơ bị mất đi, những yếu tố, những khả năng tiềm ẩn để làm cho chúng tồn tại cùng với sự phát triển đi lên của cuộc sống. Mục đích sâu xa của bảo tồn là đưa di sản văn hóa vào cuộc sống để phát huy giá trị của chúng. Quan điểm trên cần phải được nhìn nhận một cách linh hoạt. Nói tóm lại là bảo tồn di sản văn hóa cần phải đi kèm với khai thác, phát huy giá trị của nó trong đời sống. Mặt khác, việc bảo tồn cần phải quan tâm đến những đặc điểm xã hội trong từng thời điểm cụ thể, tức là phải lựa chọn để bảo tồn những gì phù hợp với thời đại. Chỉ có như vậy, hoạt động bảo tồn mới có ý nghĩa và có tính khả thi mà không trở thành lực cản đối với sự phát triển của xã hội.
Trên cơ sở tiếp thu những quan điểm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản của các nước trên thế giới; qua thực tiễn bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Hội An, theo tôi một số quan điểm cụ thể về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Hội An được rút ra như sau:
Quan điểm về bảo tồn di sản văn hóa ở Hội An
- Bảo tồn di sản văn hóa là bảo tồn nguyên dạng giá trị gốc của di sản văn hóa: Một số quan điểm cho rằng, bảo tồn di sản văn hóa cần phải bảo tồn nguyên vẹn các yếu tố gốc của từng loại hình văn hóa bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Với những di sản “chết” như Cố đô Huế hoặc Thánh địa Mỹ Sơn thì quan điểm này phù hợp, bởi vì những di sản này không có cư dân sinh sống trong lòng di sản. Việc bảo tồn các di sản này là làm thế nào để gìn giữ tính nguyên gốc của di sản, không được tác động đến di sản với những yếu tố hiện đại, mà chỉ chống đỡ hoặc gia cố nếu xuống cấp khi nào thật sự cần thiết. Còn di sản văn hóa Hội An là di sản mà nơi con người đang sống trong từng di tích, trong lòng khu phố cổ và họ đang từng ngày, từng giờ tiếp nhận những lối sống mới, nhu cầu mới trong thời đại mới thì quan điểm bảo tồn của Hội An phải được hiểu như là những nỗ lực nhằm bảo tồn nguyên dạng giá trị gốc của di sản hay “gìn giữ sự tồn tại của di sản theo dạng thức vốn có của nó”. Bảo tồn nguyên dạng giá trị gốc có nghĩa là chỉ cố gắng giữ lại những yếu tố gốc khi có thể và có thể thay thế nó bằng những yếu tố mới khi cần thiết nhưng không đánh mất đi giá trị của nó, hài hòa giữa cũ và mới và đáp ứng được nhu cầu sống của người dân đương đại.
- Bảo tồn di sản văn hóa là phải gắn kết giữa bảo tồn văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể: Không ai có thể phủ nhận được sự phức tạp trong việc phân chia ranh giới giữa di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Giữa di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể luôn có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau, đôi lúc khó phân biệt một cách rạch ròi. Việc phân chia văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể chỉ mang ý nghĩa tương đối. Ví dụ, một ngôi nhà cổ ở Hội An là di sản văn hóa vật thể nhưng những chi tiết kiến trúc, kỹ năng sáng tạo, nghệ thuật trang trí, chạm khắc trong ngôi nhà và cả nếp sống của một gia đình sống trong ngôi nhà đó với những phong tục, lễ nghi, tín ngưỡng, giáo dục,… lại là di sản văn hóa phi vật thể. Chính quan điểm gắn kết giữa bảo tồn di sản văn hóa vật thể với bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể mà Hội An đã thành công trong quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.
- Bảo tồn di sản văn hóa gắn với công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục cộng đồng: Công tác bảo tồn di sản văn hóa không thể tách rời công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục cộng đồng. Nếu bảo tồn di sản văn hóa mà không có những công trình nghiên cứu đi trước làm cơ sở khoa học thì việc bảo tồn sẽ đi chệch hướng, dễ dàng đánh mất tính chân xác của di sản. Nếu bảo tồn di sản văn hóa mà không giáo dục cộng đồng để cộng đồng không nhận diện được giá trị của di sản thì chính cộng đồng sẽ là người đánh mất di sản. Vì vậy, hai vấn đề này đều gắn kết hữu cơ với nhau.
- Bảo tồn di sản văn hóa trước hết phải chú ý đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng: Bảo tồn di sản văn hóa phải gắn với sự nỗ lực chung của cả cộng đồng về mọi mặt bao gồm ý thức, tài lực, vật lực,… Từng chủ di tích phải biết bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích, không được phép thờ ơ, vô trách nhiệm hoặc ỷ lại, dựa dẫm vào nhà nước, tập thể thì công tác bảo vệ và gìn giữ di sản của cha ông để lại mới thành công. Nhưng để thực hiện được điều này thì công tác bảo tồn di sản văn hóa phải quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu bao gồm nhu cầu vật chất và tinh thần cho cộng đồng và cộng đồng phải được hưởng lợi từ di sản. Sự thành công hay thất bại trong công tác bảo tồn kể cả bảo tồn những di sản đơn lẻ hay quần thể di sản như Hội An đều liên quan đến vấn đề này. Đó là quan điểm bảo tồn di sản văn hóa đáp ứng nhu cầu vật chất của cộng đồng. Còn quan điểm bảo tồn di sản văn hóa đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng cũng quan trọng không kém, đặc biệt với khu “di sản sống” như Hội An. Những sinh hoạt văn hóa, phong tục, lễ nghi, tín ngưỡng của cộng đồng cũng phải được đầu tư, quan tâm và gắn kết thật sự với cộng đồng để cộng đồng cảm thụ được những giá trị văn hóa, sống cùng với những giá trị văn hóa đó. Từ đó họ thấy thêm yêu di sản của mình và ra sức chung tay bảo tồn di sản văn hóa.
Vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đã khó nhưng còn khó khăn hơn vạn lần nếu đó là một “di sản sống”, bởi nó gắn liền với cuộc sống hàng ngày của cộng đồng dân cư, của làng xã và có mối quan hệ qua lại giữa một bên là người chủ di sản, và một bên là các di sản và cơ quan quản lý. Phố cổ Hội An là một “di sản sống” và thực sự “sống” được khi kết hợp hài hòa lợi ích của cộng đồng dân cư vào vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Những thành quả của Hội An hôm nay là biết gắn liền giữa bảo tồn di sản và đáp ứng nhu cầu cho cộng đồng. Ở đâu có thể “sống” thực sự với danh hiệu di sản, ở đâu có sự đồng thuận cao giữa cộng đồng đối với các chính sách quản lý, bảo tồn di sản thì ở đó di sản mới tồn tại với thời gian.
Quan điểm về phát huy giá trị di sản văn hóa ở Hội An
Bảo tồn di sản văn hóa không chỉ là cất giữ cho khỏi mất tài sản, để giữ gìn bản sắc dân tộc một cách hình thức hoặc tự ca ngợi mình mà ý nghĩa hơn thế rất nhiều, bảo tồn là để phát triển, khai thác các giá trị văn hoá truyền thống là làm cho nó có thể sống lại, làm cho các giá trị đó tồn tại trong đời sống thực, năng động hoá các hình thức tồn tại của di sản văn hoá trên cơ sở thu hút sự quan tâm của các tầng lớp xã hội, nhờ đó mà các giá trị được vận hành, thâm nhập vào cuộc sống hiện tại. Và ngược lại, phát huy các giá trị di sản là để đưa giá trị văn hóa đến với cộng đồng, giúp cộng đồng phát triển kinh tế và đáp ứng cho công tác bảo tồn di sản văn hóa hoàn thiện hơn.
- Phát huy các giá trị di sản văn hóa phải biết kế thừa có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của đời trước để lại, làm cho các giá trị của di sản văn hóa thấm sâu, lan tỏa vào đời sống cộng đồng xã hội
Xét về bản chất, mỗi di tích hay mọi sinh hoạt nghệ thuật, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán, lối sống nếp sống, hoặc các tri thức dân gian về ngành nghề thủ công, y học, ẩm thực,... tất cả đều là những giá trị tồn tại dưới những dạng cái vật chất cụ thể ẩn chứa phía sau những hoạt động hoặc kết quả của các hoạt động tinh thần của con người trong mọi mối quan hệ với tự nhiên, với xã hội và với chính bản thân mình. Những giá trị ấy chính là cái “hồn”, một nơi thể hiện rõ nhất những thành tựu, trình độ và bản sắc văn hóa của một cộng đồng tại một không gian và ở một thời gian nhất định. Tích lũy trong quá khứ, qua trường kỳ lịch sử các giá trị đó có thể trở thành một bộ phận quan trọng hợp thành vốn di sản văn hóa quý báu của dân tộc và có thể cũng là của cả nhân loại. Vì vậy, phát huy các giá trị di sản văn hóa phải biết kế thừa có chọn lọc phần “hồn” ấy, sáng tạo thêm, làm cho nó đó thấm sâu, lan tỏa vào đời sống cộng đồng để cộng đồng nhận diện được giá trị, biết trân trọng những giá trị ấy và tránh có cái nhìn phiến diện. Từ đó mà khơi lòng tự hào để chung tay vào bảo tồn di sản văn hóa của địa phương, của dân tộc và của cả nhân loại.
Phát huy giá trị di sản văn hóa là để phát triển kinh tế, nhưng phát huy là phải biết kế thừa những tinh hoa của đời trước để lại. Những giá trị đó chính là sự đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn, nếu chúng phù hợp với thời đại mới thì cần được phát huy, đồng thời phải biết sáng tạo thêm những cái mới trên nền tảng những cái truyền thống để vừa làm giàu thêm bản sắc văn hóa, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cư dân đương đại đồng thời cũng là cơ hội để tạo ra thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng giúp phát triển kinh tế bền vững cho địa phương.
- Phát huy các giá trị di sản văn hóa phải biết mở rộng giao lưu văn hóa để làm giàu thêm bản sắc văn hóa và làm thăng hoa giá trị văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa
Từ xưa đến nay không có nền văn hóa nào tự thân phát triển bằng sự “đóng kín” mà muốn phát triển phải luôn được bồi đắp bởi nhiều nền văn hóa khác. Vì vậy, việc giao lưu, mở rộng văn hóa để làm giàu thêm bản sắc văn hóa, đồng thời làm thăng hoa và lan tỏa văn hóa của mình đến khắp nơi luôn là khuynh hướng của mọi cộng đồng, mọi dân tộc, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Tuy nhiên, giao lưu, tiếp nhận những luồng văn hóa khác là cần thiết nhưng tiếp nhận những cái gì và biến đổi như thế nào để không đánh mất đi giá trị văn hóa của địa phương là việc không đơn giản.
Trong truyền thống ở Hội An luôn có sự giao lưu, tiếp biến văn hóa được thể hiện rất rõ nét. Các nền văn hóa Nhật Bản, Trung Hoa, Champa, phương Tây đã từng hội tụ tại Hội An, nhưng chúng không áp đặt đến văn hóa truyền thống của người Việt, nó được biến đổi và hòa cùng vào văn hóa của người Việt, tạo thành một văn hóa đặc trưng riêng có cho Hội An. Như nhà văn Nguyên Ngọc thường nói: “Văn hóa Hội An nuốt các nền văn hóa khác”. Tuy nhiên, trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Hội An cần phải làm cho văn hoá Hội An thăng hoa hơn nữa trong nền văn hoá dân tộc và lan toả ra thế giới.
- Phát huy các giá trị di sản văn hóa nhằm mục tiêu phát triển du lịch bền vững, phục vụ tích cực cho công tác bảo tồn di sản văn hóa
Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể là tài sản vô giá của một địa phương, của một dân tộc. Chúng phản ánh sâu sắc nhất về đặc trưng văn hóa, về cội nguồn văn hóa của địa phương đó, dân tộc đó. Với những giá trị vô giá ấy mà di sản văn hóa trở thành một bộ phận đặc biệt trong cơ cấu “tài nguyên du lịch”. Việc phát huy các giá trị di sản văn hóa ấy sẽ thu hút mạnh mẽ khách du lịch trong và ngoài nước đến với di sản, giúp cho ngành du lịch phát triển bền vững, giúp cho nền kinh tế của địa phương ổn định. Và điều tất nhiên, để du lịch phát triển bền vững thì những giá trị văn hóa phải được nuôi dưỡng, bồi đắp, luôn được tỏa sáng thật sự. Và muốn làm được điều đó thì mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy luôn được gắn kết với nhau. Bảo tồn phải giữ gìn được giá trị của di sản và khai thác, phát huy phải đáp ứng lại việc bảo tồn theo một quy trình bảo tồn → phát huy → bảo tồn. Việc khai thác quá mức tài nguyên du lịch này sẽ dẫn đến cạn kiệt và đánh mất giá trị di sản và điều đó sẽ dẫn đến sự phát triển không bền vững. Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy luôn đặt ra trong tiến trình này.
Di sản văn hóa có vai trò to lớn đối với sự phát triển lành mạnh và bền vững của cuộc sống đương đại. Vì vậy bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là nền tảng, là nguồn động lực cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển của địa phương, của đất nước, là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người và của cả cộng đồng. Di sản văn hóa Hội An là một không gian văn hóa đặc sắc có sự kết tinh của các nền văn hóa khác nhau qua các giai đoạn. Những giá trị văn hóa đó đã từng được tỏa sáng trong quá khứ và càng tỏa sáng hơn kể từ khi được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Sự tỏa sáng các giá trị văn hóa của Hội An là nhờ quan điểm, đường lối, chính sách đúng đắn của nhà nước, sự quan tâm, trân trọng và gìn giữ di sản của cộng đồng địa phương trong việc thực hiện mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tuy còn nhiều quan điểm khác trong việc bảo tồn - phát huy giá trị di sản văn hóa, nhưng với sự thành công của Hội An trong lĩnh vực này thì một số quan điểm được rút ra như trên là những quan điểm cơ bản để giúp cho việc bảo tồn - phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa Hội An nói riêng thành công. Nó có thể sử dụng làm bài học cho các khu di sản mà có cộng đồng đang sinh sống như Hội An trong việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa♥
* Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Chí Bền (chủ biên, 2010), Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể ở Thăng Long - Hà Nội, Nxb Hà Nội.
- Võ Quang Trọng (chủ biên, 2010), Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội, Nxb Hà Nội.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền