Từ sau chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, Mỹ và tay sai bị thiệt hại lớn về quân số, tinh thần hoang mang khiến cho chiến lược Chiến tranh cục bộ lâm vào tình trạng khủng hoảng và phá sản. Ở Hội An, Mỹ và tay sai vẫn tìm mọi cách nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường. Tại Cẩm Kim, chúng tiến hành củng cố và xây dựng lại bộ máy chính quyền xã, thôn. Đồng thời, địch tổ chức nhiều cuộc càn quét bằng máy bay vào các địa bàn trong toàn xã nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng. Chúng còn dùng nhiều thủ đoạn để mua chuộc, dụ dỗ cán bộ, nhân dân, bắt bớ người già, trẻ em… Những cuộc càn quét, đánh phá của địch làm cho cách mạng Cẩm Kim gặp nhiều khó khăn, nhiều cơ sở cách mạng bị đánh phá, cô lập.
Tuy nhiên, được sự chỉ đạo kịp thời của Thị ủy Hội An, quân và dân Cẩm Kim tập trung củng cố lực lượng cách mạng, quyết tâm bám trụ, tiêu diệt địch. Một trong những thắng lợi bước đầu là trận đánh vào ngày 26/2/1968 tại cồn Trùm Phổi là địa điểm đồn trú tạm thời của Bộ chỉ huy địch. Nắm rõ tình hình và lực lượng địch ở đây, các du kích xã Cẩm Kim bí mật tiếp cận khu vực cồn Trùm Phổi, gài mìn và kích nổ đồng loạt, diệt toàn bộ Bộ chỉ huy địch gồm 22 tên, trong đó có 1 tên Tỉnh phó nội an, 3 trung úy, 2 thiếu úy. Chiến thắng này góp phần bẽ gãy cuộc càn quét quy mô của địch ở Cẩm Kim, giữ vững thế chủ động trên chiến trường và gây tiếng vang lớn đối với cách mạng Hội An và Quảng Nam.
Trên đà thắng lợi, vào đêm 4 rạng sáng 5/5/1968, du kích xã Cẩm Kim cùng với bộ đội thị xã tham gia chiến dịch X1 với cuộc tấn công đồng loạt vào 13 địa điểm trên địa bàn thị xã như: chùa Bà Mụ, miếu Ông Cọp, đồn Cẩm Phô, thôn 1 Cẩm Kim… tiêu diệt hơn 321 tên địch, trong đó gồm nhiều tên ác ôn, đầu sỏ như tỉnh phó, chi khu trưởng, chi khu phó Hiếu Nhơn.
Có thể nói, chiến thắng cồn Trùm Phổi đã góp phần bẽ gãy các cuộc càn quét của địch ở Cẩm Kim, khơi dậy tinh thần đấu tranh của quân và dân Hội An trên toàn địa bàn thị xã, góp phần to lớn vào những thắng lợi quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ - ngụy của nhân dân Hội An về sau.
* Tài liệu tham khảo:
- Ban chấp hành Đảng bộ thị xã Hội An (1996), Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An 1930 – 1975, tr. 294-295.
- Ban chấp hành Đảng bộ xã Cẩm Kim (2010), Lịch sử Đảng bộ xã Cẩm Kim 1930 – 1975, Nxb Đà Nẵng, tr. 143-144.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền