John Barrow với “Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà”

Chủ nhật - 15/12/2013 20:39
John Barrow sinh ngày 19/6/1764, mất ngày 23/11/1848, quê ở vùng Ulverston thuộc tỉnh Lancashire nước Anh, là con trai của một tiểu trại chủ. Sinh thời J.Barrow rất thích phiêu lưu mạo hiểm và ông đã từng đi đến nhiều nơi trên thế giới.
        Barrow là người đã lập ra Hội Địa lý Hoàng gia và tổ chức nhiều chuyến du hành đến Bắc Mỹ gần Bắc cực. Hiện nay tên của ông đã trở thành địa danh nhiều nơi ở đây như Mũi Barrow ở điểm cực bắc nước Mỹ và Eo Barrow ở Canada. Năm 1792, Barrow đến Trung Quốc với tư cách là quản gia của Macartney, người được cử làm đại sứ đầu tiên của Anh tại Trung Quốc. Năm 1794, sau khi từ Trung Quốc trở về, Barrow được cử làm thư ký riêng cho Macartney. Tiếp sau đó được bổ nhiệm làm thư ký thứ hai rồi thư ký thường trực của Bộ Hải quân Hoàng gia Anh. Năm 1835, Barrow được phong tòng nam tước.
        Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà năm 1792-1793 được Barrow khởi thảo trong hành trình đến Trung Quốc năm 1792-1793, được in vào năm 1806. Trong tập du ký này, bên cạnh việc mô tả một cách tỉ mỉ các vấn đề về địa lý, lịch sử của xứ Nam Hà, Barrow còn cung cấp nhiều thông tin thú vị về văn hóa, tín ngưỡng của xứ Nam Hà qua những gì nhận thấy trong lần lưu lại tại vịnh Đà Nẵng vào mùa xuân năm 1793. Trong đó, Barrow nhấn mạnh rằng “ngành kỹ  nghệ đặc biệt mà ngày nay có thể nói là người xứ Nam Hà nổi trội hơn cả là kỹ thuật đóng tàu biển của họ: chẳng thiếu loại kích cỡ nào cũng như có đủ các loại chất lượng gỗ dùng để đóng. Những du thuyền dùng mái chèo là những chiếc thuyền thật xinh đẹp.
       Địa danh Cù Lao Chàm và Hội An cũng được Barrow nhắc đến nhiều lần trong tập du ký này. Về Cù Lao Chàm, Barrow mô tả:“Một hòn đảo nhỏ có tên là Callao nằm cách phía nam vịnh Turon chừng 30 dặm […]. Hòn đảo này hoàn toàn kiểm soát lối ra vào của nhánh chính con sông mà Faifo – trước đây là nơi buôn bán chính của nền ngoại thương – nằm trên đó”
       Mô tả về cảng thị Hội An, đáng chú ý nhất là bức tranh vẽ cảnh thuyền bè buôn bán tấp nập trên sông Faifo vào cuối thế kỷ XVIII với các thuyền buôn lớn của nước ngoài và nhiều loại ghe thuyền địa phương. Trên bờ bắc của sông Faifo, bên cạnh ngôi nhà là vọng gác cao có hai người đang quan sát tàu thuyền trên sông. Xa xa về phía tây là xóm nhà nhỏ và những dãy núi trùng điệp. Hai bên bờ sông có những cây dừa cao vút. Bức tranh này cho biết rằng vào cuối thế kỷ XVIII, cảng thị Hội An vẫn còn giữ vai trò quan trọng trong con đường giao thương quốc tế.
       Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà năm 1792-1793 của tác giả John Barrow có một vị trí và ý nghĩa đặc biệt so với nhiều tập du ký, ký sự về xứ Nam Hà - Đàng Trong hay có một phần liên quan đến Đàng Trong của nhiều tác giả Đông, Tây vào thế kỷ XVI - XVIII. Tác phẩm đã cung cấp nhiều tư liệu quan trọng góp phần nhận diện bức tranh lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng đương thời của xứ Quảng nói chung, Hội An nói riêng.

Tác giả: Hồng Việt

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây