Từ bến đò này nhìn xuống Cẩm An rất gần. Vì thế, trong kháng chiến chống Pháp, Bến đò Bà Chân là một địa điểm giao liên và đây cũng là địa điểm liên lạc bằng tín hiệu của lực lượng vũ trang của ta từ xã Cẩm Thanh xuống Cẩm An trong những lúc lực lượng ta vượt sông chiến đấu. Du kích thường liên lạc với nhau bằng tín hiệu như “ở các bến sông Cẩm An có những hàng dừa gáo cao, cơ sở của ta thường dùng sào treo ngang qua giữa hai cây dừa để phơi chiếu, lưới v.v... Nếu dưới Cẩm An mà có địch canh tuần thì cơ sở của ta ở đó đem chiếu ra phơi ngang qua sào, nếu không có địch, thì đem chiếu vào”. Nhờ những tín hiệu này nhờ vậy mà lực lượng ta mỗi khi vượt sông xuống Cẩm An đều đảm bảo an toàn bí mật.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, do khu vực Bến đò bà Chân có vị trí chiến lược nên trở thành điểm đổ quân của liên đoàn 14 hải thuyền của địch mỗi khi tấn công càn quét vào vùng giải phóng Cẩm Thanh.
Từ năm 1969 - 1971, địch mở nhiều đợt càn quét với qui mô lớn vào Cẩm Thanh với lực lượng hùng hậu gồm bộ binh từ quận Hiếu Nhơn, hải thuyền từ Cẩm An, pháo tầm xa ở các đồn Vĩnh Điện và cả lực lượng không quân từ các sân bay nước mặn Đà Nẵng, Chu Lai. Thời gian này, bộ đội thị xã và du kích địa phương luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu chống trả những trận càn quét của địch. Lực lượng ta thường chia thành nhiều nhóm nhỏ chặn đánh địch từ xa. Lúc này, địa điểm trọng yếu bến đò Bà Chân được lực lượng du kích thường xuyên nghiên cứu quy luật tiến thủ của địch và tiến hành chặn đánh.
Đầu năm 1971, nguỵ quyền vẫn không làm chủ được xã Cẩm Thanh, nên sau những trận càn quét chúng thường thiết lập hệ thống đồn bót ở các đỉnh cao trọng yếu, nhằm vừa phòng thủ, vừa kiểm soát tình hình xung quanh. Bến đò Bà Chân với gò đất cao, đã trở thành một địa điểm để địch đóng chốt canh, phòng thủ tại đây. Đoán được ý đồ của địch, tháng 11 - 1971 lực lượng du kích xã Cẩm Thanh gồm các đồng chí: Hồ Thanh Nhất, Nguyễn Phi do đồng chí Chút làm xã đội trưởng chỉ huy đã đặt một quả bom tại một gò đất cao của khu vực bến đò này - nay là ngôi nhà của tổ chức EEC. Quả bom này là loại bom đặt hầm do ông Diệp Tui cải tiến từ quả bom quét của địch thả xuống không nổ.
Như dự tính của ta, khoảng 5 giờ sáng một ngày của tháng 11 - 1971, lúc trời vẫn còn mờ mờ, địch đã bí mật tổ chức cho hai chiếc hải thuyền từ Cẩm An lên cập bến đò này. Sau khi đổ quân lên bờ, chúng tập trung tiến lên gò đất cao hòng đóng chốt canh tại đây, tạo bàn đạp phối hợp cùng với lực lượng khác càn quét Cẩm Thanh. Khi địch tập trung lên gò đất này khá đông, lực lượng du kích của ta bí mật giật bom. Quả bom nổ vang trời làm tan xác hơn một trung đội địch. Số còn lại hốt hoảng bỏ chạy xuống hải thuyền rồi gấp rút rời bến. Lực lượng ta nhanh chóng vào thu dọn chiến lợi phẩm rồi rút lui an toàn. Một lát sau, địch đã gọi viện binh, máy bay của chúng đến oanh tạc rất dữ khu vực bến đò rồi hạ xuống thu gom xác quân của chúng đem về.
Ở trận thắng này, ta thu được của địch hai máy vô tuyến PRC25 và một số vũ khí khác. Chiến thắng này đã phá vỡ ý đồ của địch hòng đóng chốt canh tại đây, bên cạnh đó đã bẻ gãy kế hoạch càn quét lần này của địch vào xã Cẩm Thanh, gây cho địch nhiều tổn thất.
Bến đò bà Chân là một di tích ghi dấu chiến công tiêu biểu của quân dân Cẩm Thanh, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thể hiện sự thông minh sáng tạo trong cách đánh địch của những du kích đầu trần chân đất xã Cẩm Thanh, góp phần quan trọng cho ngày Hội An toàn thắng mùa xuân 1975.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền