Người phất cờ Đảng ở Hội An

Thứ năm - 12/09/2013 04:48
Năm 1930, để chia lửa với phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Tỉnh ủy Quảng Nam đã tổ chức thành công buổi diễn thuyết tại Hội An. Buổi diễn thuyết được ví như “con sóng nhỏ” báo hiệu những đợt “sóng ngầm” to lớn sắp đến, khiến giặc phải run sợ tập trung lực lượng ứng phó. Và người trực tiếp tạo nên “con sóng nhỏ” đó là Trần Kim Bảng, Chủ bút tờ Lưỡi Cày - Cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy Quảng Nam lúc bấy giờ.
          Sinh năm 1911 tại làng Nam Ô, huyện Hòa Vang (nay là quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng); năm 1927, Trần Kim Bảng ra Huế học và bắt đầu dấn thân vào con đường cách mạng đầy thử thách, gian khổ. Năm 1929, được đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ (sau này là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Thường vụ Khu ủy, Trưởng ban Tổ chức Khu ủy 5) giới thiệu, ông tích cực tham gia hoạt động trong Hội Học sinh đỏ ở trường Quốc học Huế. Năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được lệnh thoát ly gia đình.
“Cuộc đời ông Trần Kim Bảng là một tấm gương sáng của một nhà trí thức cấp tiến, nhiệt thành đấu tranh cho lợi ích dân tộc; một nhà giáo dục, một nhà văn, một chiến sĩ xã hội từ hơn nửa thế kỷ nay đã được công chúng mến mộ....”
(Giáo sư Hoàng Như Mai)
Sau một thời gian tham gia hoạt động xây dựng Chi bộ Đảng ở Đà Nẵng, ông được đưa vào Hội An, bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (do đồng chí Phan Văn Định làm Bí thư) và được phân công phụ trách tờ báo Lưỡi Cày - cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy Quảng Nam...             Ngày 4-8-1930, để chia lửa với nhân dân Nghệ Tĩnh, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định tổ chức buổi diễn thuyết tại Hội An (địa điểm gần chùa Quảng Triệu) và Trần Kim Bảng vinh dự được chọn là diễn giả...
           Đúng 12 giờ trưa 4-8-1930, khi bọn cảnh sát thay phiên gác, ông cải trang thành nông dân, đầu đội nón lá, tay cầm roi tiến đến địa điểm đã chọn. Lấy từ trong ngực áo lá cờ đỏ búa liềm tra vào cán roi, ông nhảy lên ghế đá và bắt đầu buổi diễn thuyết: “Thưa đồng bào! Tôi là chiến sĩ cách mạng, là cộng sản. Đồng bào hãy ủng hộ Đảng Cộng sản, đứng lên làm cách mạng, noi gương công - nông Nghệ Tĩnh, đánh đổ đế quốc Pháp và Nam triều phong kiến, đem lại cơm áo ấm no cho mọi người. Đông Dương độc lập hoàn toàn muôn năm!”... Từ khắp các ngả đường, nhân dân hối hả gọi nhau: “Cộng sản diễn thuyết!. Cộng sản diễn thuyết!. Tới coi cộng sản diễn thuyết bà con ơi!”. Quần chúng kéo đến mỗi lúc một đông. Bất ngờ, tên Hương Một - Lý hương xã Minh Hương đứng lẫn trong nhân dân nhảy bổ lên để bắt ông nhưng bị lực lượng tự vệ đã bố trí quật ngã... Diễn thuyết xong, ông rút vào nhà một cơ sở gần đó, thay quần trắng, áo dài lương, khăn đóng, mang kính trắng ngồi đọc báo như chưa có chuyện gì xảy ra. Tin về cuộc diễn thuyết chẳng mấy chốc lan đi khắp nơi. Ở ngoài phố, các đồng chí đảng viên nhân đó tuyên truyền cho quần chúng: Cộng sản diễn thuyết nói hay lắm! Ngược lại, tên Công sứ Hội An cay cú lồng lộn, lập tức ra thông cáo: “Cộng sản xuất hiện giữa ban ngày, dân chúng không giúp chính phủ bắt cộng sản. Từ nay về sau, ai còn làm ngơ sẽ bị trừng trị”...
Từ năm 1948 đến khi từ trần (6-4-1985), ông là tác giả của nhiều tác phẩm lịch sử, triết học và giáo dục có giá trị như các tác phẩm: Văn chương và xã hội (1948); Dân chủ và dân chủ (1949); Vấn đề nông dân Việt Nam (1949); Lịch sử thế giới (viết chung với học giả Nguyễn Hiến Lê) (1958); Giáo dục gia đình (1960); Giáo dục sinh lý trẻ em (1962)....
Tháng 10-1930, ông bị thực dân Pháp bắt và đày đi Lao Bảo. Năm 1935, ông ra tù và tiếp tục hoạt động tại Huế với bí danh Hải Vân. Ông cùng Hải Triều (tức Nguyễn Khoa Văn), Hải Khánh (tức Trần Huy Liệu) và Hải Trần (tức Nguyễn Văn Khai) lập nên nhóm Tư Hải. Với vốn kiến thức uyên thâm của mình, ông cùng các đồng chí Trần Huy Liệu, Nguyễn Khoa Văn tham gia “bút chiến” đẩy lùi khuynh hướng: tách văn hóa, văn nghệ khỏi cuộc đấu tranh của dân tộc. Từ năm 1940-1944, ông bị đày lên Nhà đày Buôn Mê Thuột (Đắc Lắc). Năm 1945 ra tù, ông vào miền Nam tham gia hoạt động trong các tổ chức yêu nước ở nội thành Sài Gòn, Mỹ Tho,... dù bị chính quyền thực dân quản lý gắt gao. Từ năm 1956, ông dạy môn lịch sử tại một số trường tư thục ở Sài Gòn và tham gia viết báo, viết sách. Với vốn kiến thức lịch sử được kiểm chứng qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, ông truyền đạt, giáo dục lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước cho các thế hệ học sinh. Ông khéo léo dẫn dắt suy nghĩ học sinh tới hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, chiến tranh tàn phá rồi đặt câu hỏi: Thanh niên phải làm gì để dân tộc trường tồn, để người Việt Nam có thể ngẩng cao đầu với bạn bè thế giới?... Qua đó, ông góp phần hình thành nền tảng lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước cho một bộ phận không nhỏ thanh niên Sài Gòn lúc bấy giờ. 
            Tháng 10-1969, trong một lần địch đánh bom vào cơ quan Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, ông bị thương và được đưa ra Bắc chữa trị. Sau ngày giải phóng, ông được đưa vào TP. Hồ Chí Minh, nhưng do di chứng của căn bệnh phổi, ông nghỉ công tác và chỉ chuyên tâm viết sách cho đến lúc từ trần - vào ngày 6-4-1985.

Tác giả: LÊ MINH CHIẾN

Nguồn tin: www.facebook.com/truyen.dinhba

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây