Thông tin bước đầu về kết quả khai quật khẩn cấp di tích Hậu Xá I

Thứ ba - 10/09/2013 23:58
Trong quá trình cải tạo đất vườn để chuẩn bị trồng quật, ông Phan Vinh đã phát hiện một số mộ chum bị chôn giấu trong lòng đất. Tiếp tục công việc, đến ngày 03/4/2013, ông Phan Vinh cùng những người làm công đã phát hiện thêm dãy 4 mộ chum nằm gần nhau và ông đã thông báo cho Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An để xem xét, xử lý. Nhận được thông tin, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An đã cử cán bộ chuyên môn đến khảo sát.
       Qua kiểm tra thực tế dấu vết những mộ chum được xuất lộ cũng như vị trí của nó trong tổng thể không gian di tích văn hoá Sa Huỳnh Hậu Xá I đã được xếp hạng cấp tỉnh vào năm 2008, đặc biệt để nhận diện rõ thêm những đặc điểm mộ chum Sa Huỳnh ở Hậu Xá I nên việc tiến hành khai quật khẩn cấp di tích là cần thiết. Công việc khai quật khẩn cấp di tích được Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An tiến hành từ ngày 03 - 06/4/2013. Kết quả cuộc khai quật bước đầu được ghi nhận như sau:
        * Về di tích: Hố khai quật khẩn cấp được mở tại vị trí xuất lộ dãy mộ chum với diện tích 12m2 ­­(3 x 4m), theo hướng Bắc Nam, một phần hố bao gồm vị trí bị đào trước đó. Góc Đông Bắc hố cách nhà chính nhà ông Phan Vinh 7,05m về hướng Tây Nam, góc Tây Bắc hố cách nhà chính nhà ông Phan Vinh 9,00m Tây Nam. Hố nằm cách khu vực khoanh vùng bảo vệ I di tích Hậu Xá I khoảng 50m về hướng Đông Bắc.
Mặt bằng hố khai quật khẩn cấp nghiêng theo hướng Đông -Tây (chênh lệch 15cm). Hố được triển khai đào theo từng lớp. Khi đào đến độ sâu 50cm, do không phát hiện thêm mộ chum nên nửa hố phía Nam (2 x 2m) tiếp tục đào sâu đến sinh thổ (sâu 85cm) theo phương pháp bình diện. Sinh thổ là đất cát màu vàng nhạt, hạt mịn. Nửa hố phía Bắc - nơi phân bố của 04 mộ chum được đào theo từng mộ chum để xem biên mộ và mối quan hệ giữa các mộ chum.
 

        Qua quá trình khai quật khẩn cấp, chúng tôi nhận thấy 04 mộ chum đã bị phá một phần trước đây, địa tầng trong lòng chum bị xáo trộn ở phần trên. Công tác cải tạo đất vườn hiện nay dẫn đến việc phát hiện dãy mộ chum cũng góp phần làm hư hỏng thêm các mộ chum và xáo trộn địa tầng trong lòng chum.
       Phần còn lại của 04 mộ chum nằm cách mặt đất hiện trạng từ 10 - 21cm. Trong 04 mộ chum xuất lộ, 03 chum mộ chỉ còn lại một phần thân chum và đáy chum, 01 chum còn lại còn tương đối nguyên vẹn hình dáng từ vai xuống đáy. 04 mộ chum theo thứ tự từ đông sang tây như sau:
      M1: Chỉ còn một phần thân và đáy. Tại mộ chum này phát hiện 02 nồi minh khí nằm úp vào đáy chum, 01 nồi nằm ở giữa đáy, 01 nồi nằm lệch về phía Bắc. Ngoài ra, tại M1 còn phát hiện 01 hạt chuỗi nhỏ màu đỏ thẫm. Phía dưới đáy mộ chum là đất cát màu vàng nhạt, hạt mịn. Một vài mảnh thân chum cũng được phát hiện trong đáy mộ chum.
      M2: Còn tương đối nguyên vẹn hình dáng từ vai xuống đáy. Bên trong chum, gần 2 phần phía trên bị xáo trộn nặng với sự xuất hiện của những mảnh gạch vỡ,... Những mảnh vỡ của nắp chum nằm rơi vãi bên trong lòng chum và gần vai bên ngoài chum. Bên trong chum, phần gần đáy xuất hiện một số đồ tùy táng gồm lưỡi thuổng sắt, nồi minh khí, hạt chuỗi màu đỏ thẫm,... Bên ngoài, sát đáy phía đông cũng có một vài mảnh đồ tùy táng bằng gốm. Phía dưới đáy mộ chum là đất cát màu vàng nhạt, hạt mịn.
      M3: Chỉ còn một phần thân và đáy. Tại mộ chum này phát hiện 01 nồi minh khí nằm ngửa trong đáy chum và mảnh của thân chum. Phía dưới đáy mộ chum là đất cát màu vàng nhạt, hạt mịn.
      M4. Chỉ còn một phần thân chum ở phía Đông Bắc và đáy chum. Trên đáy mộ chum này phát hiện một vài mảnh thân chum và đặc biệt phía Tây là cụm đồ tùy táng gồm 01 nồi minh khí, 01 bát (?) nằm đè lên lưỡi rựa (còn một phần) và 01 hiện vật sắt khác. Phía dưới đáy chum là đất cát màu vàng nhạt, hạt mịn.
      Trong 04 mộ chum, M1 và M3 nằm hơi lệch về phía Nam, độ sâu từ đáy chum lên đến mặt đất hiện trạng khá cạn, trong khi đó, M2 và M4 nằm hơi lệch về phía Bắc, là hai chum lớn, từ mặt đất hiện trạng đến đáy chum khá sâu. Do địa tầng bị phá vỡ nên không xác định rõ biên mộ giữa các mộ chum.
      * Về di vật: Di vật phát hiện trong hố khai quật gồm có chum mộ, nắp chum, đồ tùy táng bằng sắt, hạt chuỗi mã não và nồi minh khí,...
       - Chum mộ:
      + Chum mộ M1, M3 chỉ còn lại một phần và bị vỡ thành nhiều mảnh nên không xác định được chiều cao, đường kính, hình dáng chum. Chum M1 trang trí dập văn thừng mịn mặt ngoài, xương sẫm đen và pha nhiều cát lẫn bã thực vật, dày xương gốm 0,5cm. Chum M3 cũng trang trí dập văn thừng mịn mặt ngoài, xương đen và pha nhiều cát lẫn bã thực vật, dày xương gốm 0,5cm.
      + Chum mộ M4 chỉ còn một phần thân và đáy nhưng có thể xác định là chum hình trụ (không rõ có vai hay không), trang trí dập văn thừng ở mặt ngoài, xương xám đen, dày xương gốm từ 0,5 - 0,7cm.
      + Chum mộ M2 mất phần miệng, phần đáy bị vỡ thành nhiều mảnh, chỉ còn phần thân. Đây là chum hình trụ có vai, có gờ miệng, mặt ngoài trang trí dập văn thừng mịn càng về đáy càng dày, đường kính thân 48cm, xương màu sẫm đen nhiều cát và bã thực vật, dày xương từ 0,7 - 1,0cm.
      - Nắp chum: Bị vỡ thành nhiều mảnh (ghép lại được một phần vành miệng). Vành miệng loe, trang trí văn khắc vạch thành cụm hình tam giác đối đỉnh và tô màu thổ hoàng, đường kính miệng vành 50cm. Phần từ vành đến đỉnh cũng trang trí văn khắc vạch kết hợp với chấm mũi nhọn và tô thổ hoàng.
      - Bát/bát bồng (?): Bị vỡ thành nhiều mảnh, còn áo gốm, màu nâu sẫm, xương đen. Đường kính miệng 13,5cm, dày miệng 0,5cm, dày đáy 0,3cm.
      - Nồi minh khí:
      + Nồi minh khí ký hiệu 2013.HX1.M1.1: Miệng loe, cổ eo, thân gãy, đáy tròn. Phần miệng bị hư, áo gốm bị tróc gần hết, xương gốm thô và có màu đỏ hồng. Đường kính cổ 8,4cm, đường kính thân 9,1cm, cao 4,3cm, sâu lòng 3,5cm.
      + Nồi minh khí ký hiệu 2013.HX1.M1.2: Miệng loe rộng, cổ eo, bụng phình, đáy tròn. Phần miệng bị vỡ mất vài mảnh, xương gốm thô, áo gốm bị tróc vài nơi, xương nâu sẫm. Đường kính miệng 10,5cm, đường kính cổ 8,5cm, đường kính thân 9,7cm, cao nồi 6,2cm, rộng vành miệng 2,1cm.
      + Nồi minh khí ký hiệu 2013.HX1.M2: Bị vỡ thành nhiều mảnh, áo gốm tróc nhiều. Nồi miệng loe, cổ eo, bụng phình, đáy tròn, xương thô màu nâu sẫm. Nồi cao 6,5cm, rộng vành miệng 1,5cm, dày vành miệng 0,5cm, dày dáy 0,3cm.
      + Nồi minh khí ký hiệu 2013.HX1.M3: Bị vỡ thành nhiều mảnh, màu nâu sẫm. Nồi miệng loe, cổ eo, bụng phình, đáy tròn, xương thô. Đường kính miệng 9,7cm.
       + Nồi minh khí ký hiệu 2013.HX1.M4: Bị nứt từ miệng xuống đáy, một vài chỗ áo gốm bị tróc, xương dày, thô và nhiều cát. Nồi miệng loe, cổ eo, đáy tròn. Nồi cao 5,6cm, đường kính miệng 10cm, đường kính cổ 9,7cm, đường kính thân 10cm, rộng vành miệng 1,5cm, dày vành miệng 0,5cm.
       - Thuổng sắt: 01 thuổng sắt có ký hiệu 2013.HX1.M2. Còn nguyên hình dáng nhưng bị gỉ sắt nặng. Thuổng có lưỡi xoè cân, vai xuôi. Thuổng dài 18,5cm, phần tra cán dài 9cm có đường kính 3,5cm, lưỡi dài 9,5cm và rộng 10cm, dày mép lưỡi 0,3cm.
       - Rựa: Ký hiệu 2013.HX1.M4. Còn một phần, bị gỉ sắt nặng, dài 13,7cm, rộng 4,5cm.
       - Hạt chuỗi mã não: 02 hạt màu nâu sẫm, có lỗ nhỏ rộng 0,2cm.
         Một vài nhận xét, đề xuất:
        Căn cứ vào đặc điểm di tích và di vật, cho thấy những hiện vật phát hiện tại hố khai quật thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh giai đoạn cổ điển có niên đại khoảng 2000 năm cách ngày nay. Qua đây minh chứng rằng di tích văn hóa Sa Huỳnh Hậu Xá I có phạm vi khá rộng. Những mộ chum phân bố thành từng cụm xuất hiện trong hố khai quật tương tự như tại những hố khai quật trước đây ở Hậu Xá I, Hậu Xá II và An Bang, là một trong những đặc điểm cơ bản của di tích văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An nói riêng, Quảng Nam, miền Trung nói chung. Chắc chắn rằng chủ nhân của những mộ chum trong cùng một cụm từng có mối quan hệ gần gũi với nhau.
         Đặc điểm của những hiện vật được phát hiện, đặc biệt là hiện vật sắt và nồi minh khí có những điểm tương đồng với hiện vật sắt, nồi minh khí phát hiện di tích An Bang và Hậu Xá II.
        Hoa văn trang trí trên đồ gốm gồm văn thừng mịn dùng trang trí trên thân chum. Hoa văn khắc vạch kết hợp với chấm mũi nhọn và tô màu thổ hoàng chỉ xuất hiện trên nắp chum.
Việc những chum mộ bị phá chỉ còn một phần có lẽ xuất phát từ hoạt động canh tác trước đây tại khu vườn. Riêng địa tầng trong lòng chum bị xáo trộn có thể do bị đào trộm tìm cổ vật trong những năm trước.
        Để nhận diện rõ hơn về đặc điểm di tích và di vật ở khu di tích Hậu Xá I, đặc biệt là tại khu vực phía Bắc cũng như bổ sung thêm bộ sưu tập hiện vật tại di tích này, đồng thời tránh tình trạng hiện vật bị phá hỏng do quá trình cải tạo đất vườn, thiết nghĩ cần tiến hành mở rộng thêm diện tích khai quật tại đây.

Tác giả: Võ Hồng Việt

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây