Trong giai đoạn trị vì của mình, vua Minh Mạng đã 3 lần đến Hội An tuần du khảo sát tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội, chính trị, và được ghi lại trong các bộ quốc sử. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi giới thiệu một số thông tin về các phẩm vật đón vua Minh Mạng ngự giá đến Hội An trong các năm 1825, 1827, 1837.
Trong châu bản triều Nguyễn, vào lần ngự giá ngày 16 tháng 5 năm Minh Mạng thứ 6 (1825), tuần du và ban thưởng cho xã Minh Hương một số lạng bạc để ban ơn, đến miếu Quan Đế thưởng bạc: 300 lạng, miếu Thiên Hậu thưởng bạc: 100 lạng, để hai miếu chi dụng vào việc hương hoả.
Châu bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I
Qua tài liệu Hán Nôm sưu tầm tại xã Minh Hương, có nhiều tài liệu của các quan chức phiếu sức cho xã Minh Hương mua vật phẩm cúng tế, đón mừng, dựng đàn đón rước, đều là các phẩm vật đặc sản mang đậm dấu ấn của người Hội An như tương ớt, bánh đậu xanh, giấy tàu ngũ sắc,…
Trong văn bản trát sức gửi ngày 20 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 8 (1827), cung phụng đại giá nam tuần tại bổn doanh cần cung ứng các vật kiện, cùng sức cho xã trước mặt phố, các đường thông trong phố cũng như các bến đò, đều phải chỉnh lý lại cho thật sạch sẽ, trang nghiêm, cũng như không được làm dối trá, chiếu theo lệ mua sắm các vật cho đầy đủ, hạn đến ngày qui định thì đệ nạp tại doanh trấn, giá mua sẽ được thanh hồi y số mua cho dân chúng vậy.
Bên cạnh việc sửa sang lại các dãy phố, là các phẩm vật cúng nạp cũng được tuân theo hạn định, như: 土 龍 埕 五 件, 急 燒 貳 拾 件, 芳 泰北 茶壹 箱 计 拾 捌 斤, 豆 腐 鹹 拾 小 埕, 豆 鼓 漿 拾 五 小 埕, 豋 籠 肆 対, 金 祥 捌 対, 石 黄 壹 晏, 廣 蛛 弍 晏, 紅 丹 弍 . Phiên âm “Thổ long trình ngũ kiện, cấp thiêu nhị thập kiện, Phương Thái bắc trà nhất sương kê thập bát cân, đậu hủ hàm thập tiểu trình, đậu cổ tương thập ngũ tiểu trình, đăng lung tứ đối (do tạm sự thanh phát hồi dĩ hạ) kim tường bát đối, thạch huỳnh nhứt yến, huỳnh châu nhị yến, hồng sơn nhị cân”. Dịch nghĩa: 5 hủ thổ long, 20 chiếc cấp thiêu, trà tàu hiệu Phương Thái 1 thùng 18 cân, đậu hủ hàm 10 bình nhỏ, tương đậu nành 15 bình nhỏ, bốn cặp lồng đèn (mượn tạm sau rồi sẽ trả lại), 8 đôi kim tường, 1 yến thạch huỳnh (đá màu vàng), 2 yến quảng châu (đỏ), hồng đơn 2 cân.
Tài liệu Hán Nôm lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
Các vật phẩm sức cho các hương chức mua dùng cúng tại núi Tam Thai gồm: cước hương (脚 香), liệu hương (燎 香), giấy vàng bạc (金 銀 紙), giấy tiền (錢 紙), cùng giấy tàu ngũ sắc (五 色 艚 紙), dầu phụng (鳳 油), bạch lạp (白 镴), cùng 1000 bát chiết yêu (折 腰 碗 壹 千 口) là loại bát eo lại ở giữa, miệng loe, đáy nhỏ, 30 bát cô tô (姑 蘇 水 碗 叁 拾 口) là loại bát lớn hiện đang được sử dụng tại các địa phương.
Qua đề tài nghiên cứu “Vai trò của xã Minh Hương ở thương cảng Hội An thế kỷ XVII-XIX” (do Trần Văn An làm chủ nhiệm đề tài) có thống kê một số phẩm vật huy động xã Minh Hương đệ nạp để đón vua Minh Mạng đến Quảng Nam năm 1827(1)
Ngày tháng âm (Âm lịch) | Phẩm vật huy động | Ghi chú |
20-4-1827 | 5 hũ thổ long, 20 chiếc cấp thiêu(2),1 thùng (18 cân) chè Phương Thái, 10 bình chao, 15 bình tương đậu nành, 4 đôi lồng đèn, 8 đôi kim tường; 1 yến thạch hoàng; 2 yến khoáng chu; 2 cân hồng đơn | |
23-4-1827 | 1 cân a - dao, 4 lạng ô yên; 2 cân thủy phấn; 5 lạng ngân chu; 2 cân điện hoa(3) | Dùng để tu sửa các tôn lăng (4) |
27-4-1827 | 4 yến khoáng châu; 5 cân hồng đơn; 4 tiền ô yên | |
4-5-1827 | 10 lạng ngân châu | Nạp tại núi Tam Thai |
5-5-1827 | Cước hương(5), liệu hương (6), giấy vàng bạc, giấy tiền, giấy ngũ sắc, dầu phụng, bạch lạp | Để cúng ở núi Tam Thai |
27-5-1827 | 500 bánh đậu xanh thượng hạng | |
9-5-1827 | 28 lá cờ thêu | |
10-5-1827 | 1000 bát chiết yêu(7), 30 bát cô tô(8) | Dùng cúng ở núi Tam Thai |
10/5/1827 | 15 bình tương đậu nành, 5 bình chao | |
27/8/1827 | 5000 lá kim bạc, 8 lạng ngân châu | Dùng sơn phết các biển ngạch của dân được sắc thọ |
Tại Quảng Nam lúc bấy giờ, là nơi có nhiều sản vật quí hiếm, được thượng tiến lên vua, đều là những thổ sản vô cùng quí giá và đặc trưng, như: Nam Trân (trái bòn bon): từ nguồn Ô Da và nguồn Thu Bồn đều có, có lệ thượng tiến để dùng vào việc tế tự; Yến sào: sản ở đảo Đại Chiêm (Cù Lao Chàm) có yến hộ đi lấy, đồng niên phải nộp 80 lạng; Cá cảnh: vịnh ngư, sản ở vũng Trà Sơn, sắc trắng, làm mắm rất ngon; Xoài (Đại Nam Nhất thống chí - tập 2; quyển 7). Đặc biệt, đối với Hội An trong các vật dụng cúng tế, hay chuyến đại giá Nam tuần của các vua, vật phẩm đặc sản không thể thiếu, đó là bánh đậu xanh: đặc sản ở phố Hội An là ngon nhất, là một trong những món ăn thượng hạng, được phát huy đến tận bây giờ. Và cũng trong tài liệu xã Minh Hương có ghi “vào ngày 27 tháng 5, có hiệp cho các hương chức, dịch mục xã mua 500 gói bánh đậu xanh thượng hạng cúng tiến dâng cho vua đệ nạp tại doanh trấn”.
Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), dụ rằng: “thăm địa phương, xem phong hoá là việc làm của Nhà nước, Ngu, Thuấn đời thịnh còn có việc 5 năm 1 lần đi tuần, huống chi Quảng Nam là nơi gần kinh kỳ, đã 10 năm nay chưa từng đi tới, lòng dân trông ngóng đã lâu, năm ngoái định muốn đi tuần, lại vì mùa lụt hoãn lại. Nay tiết trời hoà thuận, năm lại được mùa, cử hành điển lễ to lớn, các vật liệu làm hành cung dọc đường, đã cho cấp trả, giá đắt cho dân, chắc cũng đã đều được nhờ ơn, nhưng nghĩ quan lại chưa biết thể theo ý, yêu sách ra ngoài việc, cho nên thực tốn nhiều mà giá trả cho thì ít, chưa khỏi phụ lòng mong của dân”. Lại được đối đãi thịnh tình, yêu quý lòng dân, xuất tự lòng thành, bèn “lập tức ngay trước mặt thưởng cho kỳ lão kim tiền, ngân tiền, vải lụa, tha thuế thân cho toàn hạt, để thoả lòng trông mong của dân ta” (Đại Nam thực lục – tập 5).
Qua những lần đón vua tuần hạnh đến đất Quảng Nam, chúng ta thấy được sự đón nhận, ưu đãi và trọng dụng của vua Minh Mạng đối với vùng đất Hội An. Cùng với vai trò phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, phát triển ngành nghề truyền thống, cộng đồng người làng Minh Hương đã tạo được tiếng nói riêng thông qua những hoạt động thương nghiệp, ngoại thương, các đường dây mậu dịch nối liền địa phương với các khu vực và quốc tế. Góp phần tạo nên sự độc đáo, đặc biệt của đô thị cổ Hội An như ngày nay.
* Chú thích
(1) Trong dịp tuần du năm 1825, Vua Minh Mạng đã ghé phố Hội An, thăm và tặng tiền sửa miếu Quan Công
(2) Không rõ là vật gì
(3) Thuốc dùng pha màu chàm để quét vôi
(4) Có lẽ là lăng Hiếu Chiêu hoàng hậu ở Chiêm Sơn
(5) Hương có chân, dùng để thắp
(6) Giác, bỏ vào lư để đốt
(7) Loại bát eo lại ở giữa, miệng loe, đáy nhỏ.
(8) Có thể bị gọi chệch thành bát tộ hoặc bát ô tộ, loại bát lớn hiện đang sử dụng rộng rãi tại địa phương.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền