Nhớ Tết những năm xưa

Thứ hai - 03/02/2020 02:18
Trước đây hơn hai thập kỷ, người Hội An mất nhiều thời gian để chuẩn bị đón Tết hơn bây giờ bởi vì tất cả những việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, chăm sóc mồ mả người đã khuất, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, phẩm vật thờ cúng tổ tiên… chủ yếu đều tự tay làm lấy. Không khí chuẩn bị mấy ngày trước Tết cấp tập, hối hả vô cùng vì có bao nhiêu là việc phải hoàn tất trước thời khắc giao thừa thiêng liêng. Từ trẻ con cho tới người lớn đều chung một cảm nhận là Tết đặc biệt vui nhất, đem lại nhiều háo hức hơn cả trong những ngày chuẩn bị này. Tết rộn rã thanh âm, ắp đầy màu sắc và sực nức mùi hương. Tết còn đặc biệt kỳ lạ với tuổi thơ khi bắt đầu cảm nhận được, dù chỉ là mơ hồ, những phút giây đầm ấm mà linh thiêng, sâu lắng của gia đình.
Hồi đó, ở Hội An còn nhiều nhà trồng cây mai trước ngõ, như là một thú vui, một ước nguyện sung mãn đầu năm. Đến khoảng giữa tháng Mười một âm lịch, người người, nhà nhà lại rục rịch trẩy lá cho cội mai nhà mình để cây dồn sức nuôi nụ to khỏe. Người đứng dưới đất, kẻ bắt thang leo đến những cành cao, nói cười rộn rã, nghe như trong gió thoảng hơi ấm của mùa xuân đang về rất gần. Gốc mai sừng sững, đường bệ là thế nhưng cũng tràn đầy tươi trẻ mỗi khi bung nở những đóa xuân khoe giữa đất trời. Nhà ai mai trổ đúng vào mồng một Tết, nụ búp chi chít trên cành thì càng có cớ để tin tưởng vào một năm mới sẽ đón nhiều phước lộc, an lành. Những ngày giáp Tết Nguyên Đán, nhà nào chẳng trồng được mai hoặc cây mai năm đó lỡ hẹn với đất trời thì cố nài những nhà quen thân để xin cưa lấy một cành, cắm vào lộc bình cho sang, cũng thêm phần rộn rã mấy ngày Tết. Giờ thì đất đai vườn tược cũng bị thu hẹp dần, không nhiều nhà còn cội mai trước ngõ nữa. Mai chậu, mai bon sai có lẽ tiện hơn, thanh lịch và phù hợp với không gian hơn.

Tết xưa với vị thơm ngọt nồng nàn tỏa lan từ những nồi mứt dừa, mứt quật đang độ keo lại trên bếp than; của các thức bánh in, bánh da, bánh thuẩn mẹ vừa cho ra lò. Lũ trẻ con cứ quanh quẩn bên cạnh mẹ và chị để được quan sát no mắt từng kiểu cách gọt tỉa trái cây, củ quả, nhào bột, thắng đường, sên mứt, đúc bánh…, được sai vặt và thích thú nhất vẫn là nhấm thử những miếng bánh, mẩu mứt còn đang nóng hôi hổi. Nhìn mẹ tỉ mẫn, chăm chút từng chi tiết nhỏ, từ việc chọn lựa nguyên liệu cho đến khi trổ tài nấu nướng, gia giảm gia vị, những đứa trẻ ngây thơ cảm nhận được một vẻ thành kính và biết ơn sâu sắc hướng đến ông bà, tổ tiên, cũng thấy mình hòa vào bầu không khí thiêng liêng ấy, lăng xăng bên cạnh mẹ mà quên cả mệt, quên cả chuyện chạy chơi với chúng bạn.

Tết đến từ ánh lửa bập bùng trong đêm thức canh nồi bánh tét, bánh chưng. Hơi ấm từ lò bánh phả vào người, xua đi chút rét mướt còn sót lại cuối mùa đông. Những ngày cuối năm, lũ trẻ háo hức đợi ngóng để được phụ người lớn trong nhà bày biện các thứ lá chuối, lạt giang, nếp, đậu; ngồi hóng đến lượt được bưng trên tay đòn bánh tét tròn vo, chắc nịch để buộc thêm lạt, cố canh sao cho dây lạt cách đều nhau, không được chặt quá hay lỏng quá. Vừa làm vừa hình dung đến chiếc bánh tét khi vớt ra khỏi nồi trông mướt đẹp thế nào, chúng lại càng hồi hộp, khoái chí vì mình cũng góp phần quan trọng lắm lắm trong cái không khí bận rộn của cả nhà. Thức canh nồi bánh chủ yếu là coi chừng cho lửa luôn đượm và để ý châm nước, giữ cho bánh luôn ngập trong nước, để nếp chín mướt mềm, xanh mịn màng tươi mới ngày đầu năm. Trẻ con được dịp thức thâu đêm, xúm tụm với người lớn bên nồi bánh sôi ùng ục, chuyện trò râm ran, hạnh phúc như những chú chim non trong tổ ấm. Cố thức cũng vì chờ đợi đến lúc được vớt chiếc bánh ú tý tẹo gói từ chút nếp đậu còn thừa lại, xem thử bánh năm nay có ngon không, vị có đậm đà không. Ai đã từng trải qua cảm giác sung sướng lúc được quây quần với gia đình bên nồi bánh tét, vừa hít hà, xuýt xoa thưởng thức trong làn khói thơm nồng mùi củi gỗ, mới cảm nhận tận hết sự ấm áp và diệu kỳ của một cái Tết đang gần kề.

Ngày cuối năm, vườn tược, sân ngõ nhà nào cũng được quét tướt, dọn dẹp tươm tất và trang hoàng lộng lẫy. Những hàng rào chè tàu dọc theo con đường đất mềm mại uốn quanh ngõ xóm cũng được cắt tỉa đều tăm tắp, tôn lên vẻ đẹp hài hòa với thiên nhiên trong không gian kiến trúc của người dân phố cổ. Mọi người được khoan khoái hít hà bầu không khí sạch trong, tinh khiết đến ngỡ ngàng, cảm nhận hơi đất thơm tho như đang trở mình đón chờ một mùa thu hoạch mới. Mùi thơm nồng cay cay sống mũi của khói hương trầm đêm giao thừa thiêng liêng và hình ảnh người cha đứng khấn vái thành kính trước bàn thờ tổ tiên như nhập vào tâm trí mỗi trẻ thơ, trở thành những ký ức không thể nào phai nhạt được. Dường như có mối dây giao hòa, kết nối giữa đất trời và lòng người, giữa xưa và nay, linh thiêng diệu vợi đến từng hơi thở cũng nhẹ nhàng đi, từng âm thanh nói cười cũng để ý kiêng dè. Ngay sau đó, trẻ con hồi hộp được ba mẹ mừng tuổi, người Hội An quen gọi là lì xì. Thời đó, bọn trẻ đón nhận món quà đầu năm đó với một niềm vui ngây thơ lắm, chỉ cần khưi phong bao đỏ thấy tờ tiền mừng tuổi mới tinh là đứa nào đứa nấy hí hửng vui mừng, rồi kéo nhau đi xem hội hát bài chòi, đến công viên xem vườn bách thú, xem trưng bày cây kiểng hoặc theo ông bà, cha mẹ kéo thành đoàn đi chúc tết hàng xóm, họ hàng. Không khí tưng bừng như thế, bảo sao Tết không vui, không đáng nhớ cho được.

Tết trong cảm nhận của trẻ con, chẳng phải lo toan vất vả gì, là niềm vui sum họp, được ăn ngon, mặc đẹp và đi chơi, thăm thú khắp nơi cùng gia đình, bè bạn. Nhưng điều đọng lại sâu sắc nhất là cảm nhận đầy ấn tượng của con trẻ trước những giá trị tinh thần mà mọi người cùng hướng đến và tình yêu thương gắn bó dành cho nhau giữa các thành viên trong gia đình mỗi lần Tết đến, xuân về. Vậy nên, ngoài những giá trị nhân văn, giá trị truyền thống tốt đẹp vốn có của cộng đồng và dân tộc, Tết còn mang giá trị vô cùng quan trọng là giáo dục và bảo lưu chính những truyền thống văn hóa tốt đẹp ấy.

Tác giả: Liễu Chi

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây