Cặp tượng voi ở đình Ông Voi

Thứ hai - 10/02/2020 20:10
Trong số các ngôi đình hiện còn ở Hội An, đình Ông Voi (đình làng Hội An) là thiết chế tín ngưỡng làng xã có giá trị đặc biệt về mặt kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, văn hóa và khoa học. Ngôi đình tọa lạc tại số 27 đường Lê Lợi, phường Minh An, thành phố Hội An hiện nay, trước đây thuộc địa phận làng Hội An/ Điển Hội (1). Đình thờ các vị: Thành Hoàng làng (vị thần này không rõ danh tính), bà Đại Càn (mỹ tự là “Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh nương”), Ngũ Hành tiên nương và bà Phiếm Ái, bà Bô Bô. Các vị thần này đều được các Hoàng đế nhà Nguyễn ban sắc tặng mỹ tự. Một số sắc phong này hiện đang được lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
Voi da dinh Ong Voi

Cặp tượng voi ở đình Ông Voi - Ảnh: Hoàng Phúc
 
Cho đến nay chúng tôi chưa thể xác định được niên đại khởi dựng, nhưng căn cứ vào cách thờ tự và các liễn đối, xà cò hiện còn tại di tích, có thể xác định đình Ông Voi là đình làng Hội An, một ngôi làng được thành lập vào khoảng thế kỷ XVII (2). Bài viết này dựa trên các tài liệu, hiện vật mà chúng tôi tiếp cận được nhằm khái quát những nét cơ bản về kiến trúc, tên gọi của ngôi đình. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đưa ra một số giả thiết, nghi vấn cần có câu trả lời xác đáng. Đây cũng là những khảo sát bước đầu với hy vọng sẽ có những nghiên cứu sâu hơn trong tương lai.

1. Vài nét về kiến trúc

Về tổng thể hiện trạng, phía trước có cổng vào (hiện còn 04 trụ biểu và một đoạn tường rào), sân trước, tượng cặp voi phía trước tiền đường và ngôi đình. Về bố cục kiến trúc, ngôi đình có mặt bằng kiểu chữ "Khẩu - 口” gồm có: tiền sảnh, chính đình bao bọc một khoảng sân trời ở chính giữa, nhà Đông và nhà Tây. Chính đình gồm có hai nếp nhà: tiền đình và hậu tẩm. Đặc biệt, hậu tẩm được xây dựng với kết cấu hai tầng. Đây là kiểu hậu tẩm duy nhất ở Hội An và hiếm gặp ở nơi khác, tạo cho đình Ông Voi mang nét độc đáo riêng về nghệ thuật kiến trúc.  

Theo mô tả về đình Ông Voi trong tư liệu Quảng Nam xã chí – Viện Viễn Đông Bác Cổ, 1941-1943 - Tài liệu lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, trước đây, khu vực phía trước nhà Đông có một ngôi miếu chia ra ba gian, trước miếu có hai con kỳ lân đá. Các hạng mục này hiện không còn dấu vết gì, thay vào vị trí đó là một khối lớp học hai tầng bằng bê tông cốt thép. Trong sân trước còn có hai trụ cờ, nay cũng không còn.

Cũng trong tư liệu đã dẫn nêu trên có mô tả như sau: “Trước mặt nhà tiền đàng có thờ một đôi voi đá bằng ciment” (3). Về tự khí ở trong đình: “Tại đình làng này có thờ một cặp độc bình rất xưa, bề cao độ 0m60. Một cái vẽ chữ Thọ, một cái vẽ sơn thủy; 04 bộ đồ ngũ sự bằng đồng (lư tròn), một bộ đồ tam sự bằng đồng (lư vuông), bề cao độ 0m50. Và một con voi bằng đồng cân nặng độ 1kg, một cái lư hương chạm một mặt, bề cao độ 1m20, bề dài độ 1m40, và bề dày độ 0m60. Tự khí theo thống kê trên hiện đã bị thất lạc.  

 2. Tượng voi và mối liên hệ với di tích

Tuong voi

Hình ảnh tượng voi ở đình Ông Voi - Ảnh: Hoàng Phúc
 
Theo cách gọi dân gian của người Hội An, đình Hội An được gọi là “đình Ông Voi”. Vậy, tại sao lại có danh xưng “đình ông Voi”? Có lẽ vì đặc trưng của đình có một cặp tượng voi chầu ở phía trước, cũng như có tượng voi thờ trong hậu tẩm, do đó gán luôn chi tiết khác biệt đó vào tên đình cho dễ nhớ, dễ phân biệt. Vậy, tại sao trong đình này lại có tượng voi ở sân, và cả tự khí tượng voi đồng được thờ ở chính đình, điều rất khác biệt, không tìm thấy ở các ngôi đình khác ở Hội An? Danh xưng này có từ bao giờ, cho đến nay chúng tôi chưa thấy có sử liệu nào ghi nhận.

Tượng hai con voi được đặt ở sân trước, cách tiền sảnh khoảng 4,0m, có vị trí và hình thức đối xứng qua trục giữa tiền sảnh. Tượng đắp bằng vữa vôi và xi măng (?) ở tư thế quỳ phục cả bốn chân, vòi hướng xuống đất, sơn màu xám (một phần chân và vòi bị chôn lấp dưới nền sân, có lẽ do nền sân hiện trạng cao hơn nền sân trước đây). Kích thước mỗi tượng voi: dài 1,5m, ngang 0,65m, cao 1,03m. Qua tạo hình phần bụng dưới, có vẻ như đây là hai con voi đực. Voi khoác lễ phục, phần đầu và thân trước mang dây đai, đỉnh đầu gắn bông hoa, cổ đeo một cái chuông (lục lạc) nhỏ. Trên lưng voi gắn bàn tọa (bành voi – chiến bành) hình oval, bên dưới là tấm đệm lót (thiết phó) bảo vệ lưng voi cũng có hình oval, dưới cùng là tấm vải rộng và dài (cơ phó – tượng nhục) để phủ trên lưng và che hai bên hông voi có đường diềm và hoa văn (hình tròn, tổ hợp hình tròn) trang trí. Dây đai phía sau (hậu thu) to bản hơn buộc vào gốc đuôi voi để giữ cho bành voi khỏi bị tuột về phía trước lúc xuống dốc, trang trí hoa văn hình tua dây. Qua tạo hình phục trang của voi, rất dễ thấy rằng con voi đã được thuần hóa. Voi bị sơn quét bằng vật liệu mới là sơn, có phần sặc sỡ (do di tích từng được sử dụng làm trường mẫu giáo nên quét màu sặc sỡ để tạo sự tươi vui, sinh động với các em nhỏ), không phải là màu gốc, do đó chúng tôi không đánh giá phần màu sắc.  

Có thể nói, voi đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Việt Nam. Voi là con vật tượng trưng cho sức mạnh và khôn ngoan. Người Kinh, Chăm, Khơme và các tộc người ở Tây Nguyên đều có nhiều huyền thoại, chuyện cổ và cả những sự kiện lịch sử liên quan đến loài voi. Voi được thuần hóa để lấy sức kéo, được các triều đại quân chủ sử dụng, thiết lập như một bộ phận trọng yếu của bộ binh với tên gọi là “tượng binh”, ... Voi cũng đóng vai trò quan trọng trong các tôn giáo, tín ngưỡng đang chi phối đời sống tinh thần của người dân.

Trong trang trí kiến trúc tại các di tích tín ngưỡng ở Hội An, bên cạnh những linh vật tưởng tượng (rồng, phượng, lân, long mã), những con vật có thật cũng được sử dụng rộng rãi như rùa, nai, cá, hạc, sóc… So với những con vật đó, voi xuất hiện với tần suất ít hơn nhiều, nếu có thì thường xuất hiện trong đồ án “Thái bình hữu tượng” (4). Ngoài ra, voi còn được sử dụng để tạo hình vật dụng trang trí nội thất như đôn đặt bình/chậu hoa...

Với tượng voi đồng thờ trong chính điện, cặp tượng voi ở sân trước đình Ông Voi liệu có liên quan đến đối tượng được thờ tự tại di tích?

Đình Ông Voi có thờ chủ thần là bà Đại Càn, ngoài ra trước đây còn có các thần phối tự: Thành Hoàng bổn cảnh, Ngũ Hành tiên nương, Thái Giám Bạch Mã, Thổ địa, bà Phường Chào, bà Bô Bô. Qua tìm hiểu, thần tích (5) của các vị này không có liên quan hay đề cập gì đến con voi cả. Các vị này cũng được thờ tự tại nhiều di tích tín ngưỡng khác ở Hội An nhưng tuyệt nhiên không thấy sử dụng hình tượng voi để thờ tự hay trang trí.

Theo hồ sơ di tích đình Ông Voi lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, tại di tích trước đây có thờ Phật, nay không còn. Cụ thể hơn là tượng thờ Quán Thế Âm Bồ tát bằng hợp chất được đặt trong khung kính ở tầng 2 của hậu tẩm (ảnh tư liệu). Ngai thờ ở tầng 2 đắp vẽ trực tiếp trên tường, thân ngai thờ có cặp câu đối: 慈 悲 觀自 在 / 清 静 見 如 來 (Từ bi quan tự tại – Thanh tịnh kiến Như Lai) liên quan đến Phật giáo đã khẳng định điều đó.  

Ngai tho dinh Ong Voi

Ngai thờ bên trong đình Ông Voi - Ảnh: Hồng Việt
 
Trong Phật giáo, voi là một biểu tượng của sức mạnh tâm thức, gắn với nhiều điển tích. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong những tiền kiếp của mình đã sinh làm voi. Ở kiếp sau cùng, từ cõi trời Đâu Suất, Ngài đã nhập vào thai tạng của mẹ mình trong hình thức một con voi trắng… Ở các ngôi chùa thuộc hệ phái Bắc tông, ta thường thấy hình tượng của Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi một con voi trắng có sáu ngà ở dạng tượng tròn hoặc phù điêu đắp nổi trang trí trên tường chính điện.

Tuy nhiên, trong Quảng Nam xã chí (tài liệu đã dẫn) lập năm 1941 -1943, khi mô tả về hệ thống thờ tự ở đình Ông Voi, trong số các đối tượng thờ được liệt kê thì không thấy nhắc đến việc thờ Phật. Vậy, Quán Thế Âm Bồ tát mới được phối thờ sau mốc thời gian 1943, kể cả cặp câu đối cũng mới được viết sau này? Nếu đúng như thế, hình tượng voi tại đình gắn với Phật giáo có thể loại trừ, vì tượng voi trong đình đã có từ trước khi có thờ Phật.

Một điều cần lưu ý là việc phối thờ Phật, Thần trong đình là điều rất hiếm gặp tại các ngôi đình ở Hội An, Quảng Nam nói riêng và khu vực miền Trung nói chung. “Tiền Phật hậu Thần” hay “tiền Phật hậu Thánh” là hình thức thờ tự có thể bắt gặp trong nhiều ngôi chùa ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Phía sau nơi thờ Phật (chính điện, tòa Tam bảo) có một nếp nhà riêng để thờ Thần, Thánh (6), nằm trên cùng một trục dọc với tòa Tam bảo trên mặt bằng tổng thể. Trong các ngôi đình làng ở khu vực Bắc Bộ thì không thấy có kết hợp thờ Thần – Phật mà chỉ có ở chùa. Nếu việc thờ Phật có tại đình Ông Voi đã từ lâu nhưng vô tình “bị” quên nhắc đến trong Quảng Nam xã chí, thì liệu việc thờ Phật có liên quan đến nguồn gốc cư dân của những người ở xã Hội An, là những người tạo lập ngôi đình?

Về nguồn gốc cư dân, căn cứ vào gia phả các tộc họ ở Hội An và nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, nguồn gốc cư dân Hội An chủ yếu đến từ vùng Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh (7). Như vậy, khả năng những người xã Hội An có nguồn gốc Bắc Bộ mang theo hình thức thờ tự này áp dụng vào đình Ông Voi rất khó xảy ra, nếu có chăng nữa thì ta sẽ thấy ở một loại hình di tích khác, là một ngôi chùa (8) chứ không phải đình.

Đã từ lâu, voi không phải là con vật quá xa lạ với người Hội An. Khu vực phía Tây Quảng Nam là vùng rừng núi, ngày xưa ắt hẳn có nhiều chim thú quý hiếm, trong đó có voi. Trước đây, voi cũng có thể là một mặt hàng được mua bán, trao đổi ở thương cảng Hội An. Theo tư liệu, đầu thế kỷ XVIII, voi đã từng được vận chuyển đến Nhật bằng thuyền buôn: “Dưới đời chúa Nguyễn Phúc Chú, ở Nam Hà, hai con voi được chở theo thuyền buôn của Trịnh Đại Uy người Hoa từ Hội An đến Nagasaki ngày 7 tháng 6 năm 1728. Người nhận hai con voi là Yoshimune, tướng quân thứ 8 của dòng họ Tokugawa” (9). Thời điểm này gần với thời gian tạo lập đình? Voi là con vật dành được sự quan tâm, ngưỡng mộ đặc biệt của người dân lúc đó, đủ để đưa hình tượng nó vào đình để trang trí, thờ tự?

Vùng đất Hội An trước đây từng thuộc vương quốc Champa, sau này người Việt tiếp quản. Theo nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Chí Trung: “… đầu thế kỷ XV, toàn bộ vùng đất Hội An hiện nay cùng phủ Thăng Hoa đều thuộc về nhà nước Đại Việt. Tuy nhiên, đây là một mảnh đất tranh chấp, quyền quản lý về mặt nhà nước, khi thì thuộc Minh, Đại Việt, khi thuộc Chàm. Người Việt chung sống với người Chàm chắc hẳn phải khôn khéo, dũng mãnh và tế nhị để có được cuộc sống ổn định làm ăn. Do đó, chưa thể có được các làng xã người Việt công khai ra đời, có chăng mới chỉ đặt nền móng cơ sở cho dịp tốt sau này được hình thành” (10). Như vậy, có thể nói rằng đã có sự cộng cư từ rất sớm của cư dân Việt – Chăm và đương nhiên có sự ảnh hưởng văn hóa qua lại. Điều này thể hiện qua những tác phẩm điêu khắc độc đáo trên đá ở xung quanh hoặc gần các dấu vết kiến trúc của các di tích Chăm, được cư dân Việt đem thờ trong các miếu, lăng với ý nghĩa một vị thần khác theo người Việt. Trong số đó có bức tượng voi đặt trong hốc cây đa, thờ trước đình Xuân Mỹ (Thanh Hà), chạm nổi trong tư thế đứng, chất liệu sa thạch nâu, niên đại khoảng thế kỷ VIII - IX.

Voi là hình tượng khá phổ biến trong văn hóa Chăm, được khắc tạc (11) theo những câu chuyện của thần thoại Ấn Độ, mang ý nghĩa tôn giáo với nhiều loại hình như tượng, phù điêu, đất nung trang trí, có tạo hình phong phú, sinh động với nhiều tư thế khác nhau. Bên cạnh đó, người Chăm còn coi voi là bạn hoặc ân nhân của con người.

Liên quan đến đối tượng được thờ tự tại đình Ông Voi là bà Phiếm Ái (Phường Chào) và bà Bô Bô (Thu Bồn), có nhận định cho rằng hai bà là nữ thần Chăm được Việt hóa ở mức độ cao, tức cả hai bà đều có gốc văn hóa Chăm. Vậy, đình Ông Voi là một trong số ít di tích có niên đại sớm còn tồn tại ở Hội An, thờ một số vị thần phối tự có nguồn gốc văn hóa Chăm nhưng đã được Việt hóa. Liệu hình tượng voi xuất hiện tại di tích cũng như vậy, là một sản phẩm của sự giao lưu, tiếp biến văn hóa Việt - Chăm? Tuy nhiên, cần nhìn nhận một thực tế là tạo hình voi ở đình theo hướng tả thực, mang yếu tố văn hóa Việt, không tìm thấy chi tiết thể hiện nét văn hóa Chăm. Hơn nữa, vật liệu tạo hình voi là vữa vôi và xi măng, chứng tỏ tượng voi có niên đại khoảng trên dưới 100 năm.

3. Tạm kết

Theo quan điểm cá nhân chúng tôi cho rằng, hiện vật tượng voi tại đình Ông Voi có thể là sản phẩm của sự giao lưu, tiếp biến văn hóa Việt – Chăm, có sự gắn kết với đối tượng được thờ tự tại di tích là bà Bô Bô và bà Phiếm Ái. Di tích đã qua vài lần tu bổ (1907 và 1935), tượng voi trước đây có thể có tạo hình khác, bị hư hỏng và được làm lại trong những lần tu bổ đó nên có sự thay đổi về chất liệu và tạo hình. Hoặc tượng voi đồng thờ trong đình mang giá trị tinh thần đặc biệt, sau này, khi tu bổ, người ta làm thêm tượng voi phía trước cho thêm phần tôn nghiêm, trang trọng?

Cho đến nay, vẫn chưa có bài nghiên cứu có kiến giải thỏa đáng cho việc sử dụng hình tượng voi (tượng, tự khí) tại di tích đình Ông Voi, một điều rất hiếm gặp tại các di tích tín ngưỡng ở Hội An, Quảng Nam và cả khu vực miền Trung. Trên đây là khảo sát ban đầu của chúng tôi với hy vọng sẽ có đóng góp, kiến giải mới đối với vấn đề đã được nêu ra.
 
* Tài liệu trích dẫn: 

(1) Làng Điển Hội đệ nhứt phường hồi trước gọi là Hội An xã. Thay đổi tên hiệu làng này là theo chỉ dụ ngày 20 tháng 7 năm Bảo Đại thứ 11 (năm 1936) là vì miền này nhiều làng tên hiệu trùng nhau, việc quan có khó khăn nên mới đổi lại Điển Hội xã.

(2) Tại chùa Tam Thai tọa lạc trong khu danh thắng Ngũ Hành Sơn (Non Nước) thuộc quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng còn lưu lại tấm bia cổ “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật” ghi lại danh sách người cúng tiền tu bổ nơi thờ Quan Âm, có nhiều người với địa danh làng xã cổ ở Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung, trong đó có nhắc đến Hội An xã như một đơn vị hành chính. Bia được lập năm Canh Thìn (1640).
 
(3) Mô tả trong tư liệu có sự mâu thuẫn về vật liệu sử dụng để tạo hình voi. Thực chất hiện vật này đắp bằng vữa, không phải là đá.

(4) “Thái bình hữu tượng” là đồ án vẽ một con voi trắng cõng một chiếc bình cổ, lấy chữ “bình” ngụ ý “Thái bình”, cũng có khi vẽ đấy là một chiếc bình cổ rất quý để hàm nghĩa giàu có.

(5) Trong Quảng Nam xã chí có ghi chép về thần tích của các vị được thờ trong đình như sau:

Thờ vị Đại Càn, theo truyền khẩu của các cụ kỳ lão trong làng thì bà này nguyên ở bên Tàu, đời vua Tống Nhơn Tôn (?), bà nầy không biết phạm phép gì mà bị vua cho thả trôi biển với hai người con gái. Về sau lại có một ông hòa thượng chết theo với ba người nầy. Sau xác 4 người nầy dạt vào cửa biển Nhựt Lệ ở Quảng Bình. Đến đời Gia Long phục quốc, hiển lên giúp đức vua dẹp loạn Tây Sơn nên có tặng … (theo lời các cụ nầy thì các cụ có xem sự tích trong Nam Việt sử ký nhưng sách vở nầy bị tiêu hủy bởi binh lửa hồi trước).

Vị Thái Giám Bạch Mã và Thổ địa về thần tích không hiểu rõ vì lẽ gì mà làng nầy thờ phụng. Về vị Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, thờ các vị ấy mục đích để cầu sự bình yên trong làng. 

Về thần tích của ba bà: bà Bạch Thố, bà Phiếm Ái, bà Bô Bô như sau: Bà Bạch Thố, theo lời truyền khẩu của các kỳ lão thì là một vị sao, nhưng không rõ thần tích. Bà Phiếm Ái, hồi trước ở làng Phiếm Ái, phủ Đại Lộc, tên là Nguyễn Thị Lộc. Hồi mới đẻ ra thì bà nầy xương mềm lắm. Đến năm 11 tuổi, bà nầy không sợ ai hết, chỉ sợ một người cô ruột (là bà người hầu của đức vua Thành Thái). Hằng ngày bà Nguyễn Thị Lộc cứ đốt nhà làng xóm để chơi, trong năm ấy bà chết, sau hiển linh, dân không dám gọi tên tục mới đặt tên làng cho bà gọi là bà Phiếm Ái.

Bà Bô Bô thì ở Thu Bồn, nhưng không được rõ thần tích của vị nầy. Dân ở miền nầy, thường thường xẩy ra chuyện cháy nhà luôn luôn. Sau có nhập xác đồng lên xưng tên là ba bà ấy. Bởi cớ nầy nên toàn dân trong hạt đều lập miếu thờ, để các bà khỏi quấy rối cái nạn đốt nhà.

Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tư liệu khác, bà Phiếm Ái có tên là Nguyễn Thị Của (không phải là Nguyễn Thị Lộc như thần tích nêu trên), sinh ngày 25-2 năm Cảnh Thịnh bát niên (1800) tại làng Phường Chào (thuộc châu Phiếm Ái), nay thuộc thôn Mỹ Phiếm, xã Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam.
 
(6) “Thần” được thờ đều là những "nhân thần", những con người được coi là có thực, nhờ học tập, tu luyện mà có tài thần thông biến hóa, có những khả năng của một vị thần. “Thánh” thường là những nhân vật lịch sử nhưng được thần thánh hóa.
 
(7) Theo NNC. Nguyễn Chí Trung (2019), Cư dân Faifo Hội An trong lịch sử, NXB Đà Nẵng, trang 81: “Về nguồn gốc chủ yếu là dân cư Đại Việt, một số ít ở đồng bằng Bắc bộ, còn đại bộ phận ở Bắc Trung bộ - cụ thể là Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh. Trong đó có một số đã di chuyển vào Thuận Hóa hoặc một số nơi khác ở Quảng Nam, sau đó lại tiếp tục di chuyển đến Hội An”.
 
(8) Ở một số ngôi chùa cổ ở Hội An, bên cạnh Phật, Bồ Tát hiện có phối thờ Thần, Thánh trong chính điện hoặc xây một ngôi miếu nhỏ phía trước (như thờ Quan Thánh Đế quân), tuy nhiên không thấy việc xây riêng một nếp nhà sau chính điện để thờ Thần, Thánh giống các ngôi chùa ở Bắc Bộ.

(9) Nguồn: http://vietsciences.free.fr/timhieu/tramhoa/tokugawayoshimune-voi-vn.htm   
 
(10) Nguyễn Chí Trung, sđd, trang 64.
 
(11) Voi được tạo hình theo kiểu tả thực rất sinh động hoặc cách điệu, cổ có ngấn, đầu voi thường đội mũ miện, mình đeo nhiều đồ trang sức. Ngoài ra, trong điêu khắc Chăm còn có sự tạo hình kết hợp giữa đầu voi, mình sư tử, là loài thú lưỡng hợp có sức mạnh vô song, kết hợp sức mạnh của sư tử (hóa thân của thần Vishnu) và voi của thần Indra. Trong Ấn Độ giáo có vị phúc thần Ganesha đầu voi mình người, ban nhiều điều tốt lành nên rất được tôn sùng.

* Tài liệu tham khảo:

1. Viện Viễn Đông Bác Cổ (1941 – 1943), Quảng Nam xã chí - Tài liệu lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm.

2. Trần Văn An (1992), Lý lịch di tích Đình Ông Voi - Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm QLBT DSVH Hội An.

3. Nguyễn Chí Trung (2019), Cư dân Faifo Hội An trong lịch sử, NXB Đà Nẵng.

4. Website: http://www.votran-daiviet.org/VN-TUONG-THUAT-Chien-Tuong-Thiet-Bi-Chien-Banh.
 
 

Tác giả: Trần Thanh Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây