Cảm tưởng khi đọc Tùy bút Cửa Đại của Nguyễn Tuân

Chủ nhật - 01/03/2020 21:07
Có thể nói, nhà văn Nguyễn Tuân là một “định nghĩa” về người nghệ sĩ. Đối với ông, văn chương trước hết phải là văn chương, nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật, và đã là nghệ thuật thì phải có phong cách độc đáo.

Nhưng tài phải đi đôi với tâm. Ấy là “thiên lương” trong sạch, là lòng yêu nước thiết tha, là nhân cách cứng cỏi trước uy quyền phi nghĩa và đồng tiền phàm tục. Là một nhà văn biết quý trọng thật sự nghề nghiệp của mình, cho nên  với ông, nghệ thuật là một hình thái lao động nghiêm túc, thậm chí “khổ hạnh” và ông đã lấy chính cuộc đời cầm bút hơn nửa thế kỷ của mình để chứng minh cho quan niệm ấy. Người đọc mến Nguyễn Tuân về tài, nhưng còn trọng ông về nhân cách ấy nữa.

Như một lữ khách, Nguyễn Tuân chỉ muốn sống với cái đẹp, cái vui tươi, nhẹ nhõm, tự ví mình như một con cò, đất có lành thì đậu lâu, không lành thì lại cất cánh bay đi. Và trong một lần trên đường phiêu lãng, chàng thanh niên Nguyễn Tuân đã bất chợt phải lòng “cô gái” Faifo để rồi tạo nên một tuyệt tác: tùy bút Cửa Đại. Tiếng sóng của cửa bể đã làm lay chuyển những ngọn sóng của lòng người nghệ sĩ lỡ nghe nó vỗ. Đêm đầu tiên ở Phố (ông gọi Hội An như thế) là một đêm mà cái bỡ ngỡ mà ông tưởng với một kẻ phiêu bạt giang hồ như mình sẽ không còn nữa, vậy mà nó vẫn cứ ùa vào, bình dị mà rộn ràng, đáng yêu như chính cảnh vật và con người nơi đây: “Cái bỡ ngỡ của tôi đêm ấy là sự ngạc nhiên của tấm lòng đã hồ mỏi trước một nguồn sống mới”. Một mình ra ngắm trăng trên sông Hội An, đập vào mắt ông một quang cảnh: “Trên mặt sông, thực là một cái rừng cột thuyền buồm, mành ghe chi chít dây lèo buồm dây thừng. Bấy nhiêu nét đen sắc đều nhấp nhô lay động theo mực nước thủy triều đang lên rất mạnh. Ánh trăng bị dầm tan trong lòng con sông mà nước ngọt đang bị bể ngoài pha rót vào bao nhiêu là muối mặn chát”. Cái hương vị lạ lùng ấy ẩn hiện, ám ảnh và đeo đuổi ông trong suốt thời gian ở Phố, dịu dàng và man mác:“Dưới bóng lờ mờ, những chiếc thuyền con rao bán chè đậu ván và mì cu-ly lượn lên lượn xuống như vào một ngày hội hoa thuyền. Tôi muốn mách những người có tâm bệnh, mỗi tiết hè, tới đây mà dưỡng nhàn hay nhàn sầu trên mặt sông này. Ta sẽ cảm thấy những cảm tưởng nhẹ nhàng”.

Và ông quyết định dậy từ tinh mơ để thấy được cảnh nhộn nhịp của cuộc sống ở bến nước, rồi đổ bộ vào phố để đến tận nơi, nhìn tận mắt những thói quen sinh hoạt ban mai nơi đây: chỗ này nguời thì gỡ các tấm cửa lùa để bày hàng hóa, đàng kia hai ba kẻ khiêng lợn quay đi bán giữa phố chùa Cầu, phía xa xa người đàn bà hút thuốc lá Cẩm Lệ bán “ngầu mạc nạm trong một chiếc xoong to…”, và còn bao tiếng rao bán hàng rong mang đậm những thổ âm riêng khiến cho lòng thiếu niên lãng tử Nguyễn Tuân “cảm động hơn hết  mọi cái gì ”. Vẫn biết rằng nếu ở chơi lâu thì thứ tiếng hoạt động này sẽ trở nên tầm thường và lại còn khó chịu nữa, nhưng giờ phút ấy những âm thanh đó tạc sâu vào thính giác ông, trở thành những nốt nhạc trong trẻo nhất, rộn ràng nhất.

Cửa Đại, chính chữ là Đại Chiếm hải khẩu, được xem là một trong mười hai cửa lớn nơi xứ sở. Nhưng quang cảnh sầm uất chỉ còn là hoài niệm, giờ chỉ có “mấy túp lều tranh nép mình dưới ngọn phi lao. Sóng bể ì ầm, gió cây bãi ào ào ”. Ấy vậy mà Nguyễn Tuân lại cảm thấy yêu mến và quyến luyến với cảnh, chứ không hề ham chuộng “cái lộng lẫy của những bờ biển đã duy tân như Đồ Sơn, Sầm Sơn có những biệt thự xanh đỏ tím vàng”. Ở đây chỉ có cát vàng, cây xanh, sóng bạc đầu. Cảnh tự nhiên chưa bị nền văn minh cơ khí, hiện đại chèn lấn. Trong những trang viết đó, Phố và Cửa Đại là những nàng tố nữ bước ra từ bức tranh cổ dân gian không thể nào quên (mà Nguyễn Tuân lại là người hoài cổ), đôi khi thoáng qua trong khoảnh khắc thật mơ hồ, đôi khi lại đi vào cõi mộng đầy huyền sắc một vẻ đẹp quyến rũ, hoang sơ, e ấp của cô con gái nhà lành. Lành đến nỗi ông phải thốt lên một cách ngạc nhiên, trìu mến: “Sao cảnh ở đây hiền lành thế”!

Rất nhạy cảm trước cái đẹp của cuộc sống, nhưng Nguyễn Tuân càng nhạy cảm hơn với vẻ đẹp tâm hồn. Tin ở cái vốn tình cảm, cái kho cảm giác linh tinh nhưng sắc sảo, tài hoa của mình tích lũy được trên đường giang hồ xê dịch, Nguyễn Tuân đã nhận ra cái “thiên lương” trong bản chất của người dân nơi đây:“Con nhà chài ở đây chưa biết đánh lừa người ta mỗi khi bán mớ tôm, mớ cá.. ”. Chính ông đã khẳng định tính cách chủ quán (một người đàn ông lớn tuổi rất vui tính, tên Điểu) – như đại diện cho người bản xứ – khi tình cờ gặp gỡ: “Cái tính hồn nhiên của cụ Điểu thật đã hòa hợp với cái tự nhiên nơi bãi bể này”, để rồi rút ra kết luận: “Ngồi trầm ngâm đem so sánh những bãi bể nghỉ mát ở các tỉnh rải rác một vùng duyên hải…, thì tôi càng nhận thấy Cửa Đại là một đất thừa lương rất lương thiện”.

Cảnh và người như thế đã khiến ông ở lại liền 56 ngày, một điều rất hiếm với tính cách ưa xê dịch của Nguyễn Tuân. Là nhà văn đã viết rất tuyệt vời về ẩm thực và cũng là một nhà ẩm thực sành sỏi nên khi ăn cơm với cá trảnh, ông nhận xét mùi vị “thơm như cá sông Hương”. Và khi ở Cửa Đại, ông ăn cá luộc thay cơm mấy ngày liền mà không biết chán, vì cá ở đây có vị thơm ngon một cách kỳ lạ, với một thời gian biểu không đổi: Ngày thì chốc chốc lại nhảy ùm xuống bể ngâm mình, sau lại tắm nắng. Đêm nằm ngắm sao trời, hóng gió biển và bù khú chuyện nhân thế với những người bạn mới quen. Nhìn cái lồng lộng của trời thẳm và lắng nghe tiếng sóng dội vào hồn mà lòng lâng lâng nỗi sung sướng nhẹ nhõm.

Cứ thế, cảnh mến người, người mến cảnh nên khi đến lúc chia tay mà dường như: “Sóng vỗ chiều nay nghe như có chen những tiếng rì rầu”,  “sóng đổ ào đuổi theo người đi”.  Vì thế: “chưa rời khỏi cái quán được máy trăm thước mà tôi đã thấy nhớ Cửa Đại tưởng chừng như có thể quay xe trở lại được”. Bởi một lẽ người nơi đây hiền lành lắm, sống không phiền ai mà cũng không muốn ai quấy mình. Theo ông, họ như những củ hoài sơn trong một thang thuốc bắc, nếu không làm giảm được bệnh thì cũng chưa bao giờ làm tăng bệnh lên, nhưng nó lại là thứ cần dùng để trợ sức cho những vị thuốc công phạt khác. Ông thầm ao ước: “hạnh phúc ở đời, phải là thứ phần thưởng chế tạo ra để riêng tặng những người đơn giản như thế, hồ đền bù lại cho người ta về những chỗ thiệt thòi khác”.

Đọc lại Nguyễn Tuân với Cửa Đại viết cách đây mấy chục năm mà khâm phục. Cửa Đại hoang sơ ngày ấy được Nguyễn Tuân ví như thiên đường so với các bãi biển phía Bắc đã bị ô nhiễm. Với ông, thái độ đối với thiên nhiên đã thành vấn đề đạo đức, thành thước đo trình độ văn hóa của con người. Nguyễn Tuân nhấn mạnh khi đứng trước bát ngát sóng gió Cửa Đại: “Hít gió ở đây là một cứu cánh chứ không phải là một phương tiện trá hình của đám trưởng giả”. Bằng sự tinh nhạy của giác quan, tinh tế của tâm hồn, tùy bút này có phẩm chất riêng vượt cao hơn các giá trị thông tin, sự kiện đơn giản; không chỉ là tri thức lịch sử, cụ thể sinh động, thấy được cảnh sinh hoạt cần lao vất vả của ngư dân ngày trước, cảnh người dân nghèo buôn bán trên bến, thấy được cái thầm kín mà gợi cảm của Phố, cái dung dị đầy sức thanh xuân của con người mà còn có một cái gì đó như là linh hồn của sông núi, của quê hương, của ông bà tiên tổ. Chọn tùy bút – thể loại mà tự do là phép tắc quan trọng nhất và dường như là duy nhất – để viết về Cửa Đại là ông muốn cho phép mình được tự do phơi bày những cảm xúc, bao tâm sự về tình đời, lẽ sống. Ông muốn hòa vào cái bát ngát bể khơi trong một cơn say tình…

Sau này, năm 1944 – đêm trước những biến cố dữ dội của lịch sử dân tộc, Nguyễn Tuân lại đến với Hội An. Trong đêm lẻ bạn ở Cửa Đại, biển động, tiếng sóng dồn dập như một thứ rượu mạnh có công dụng xáo trộn những cảm tưởng, những kỷ niệm tưởng đã được yên nghỉ ở đáy lòng, ông viết tùy bút“Võng ngô đồng”. Đây là một trong những tác phẩm sau cùng của Nguyễn Tuân trước cách mạng tháng Tám. Trong giai đoạn này, ông cũng cảm thấy“Thiếu quê hương” (tên một tùy bút nổi tiếng của Nguyễn Tuân) nên luôn khẳng định mình có một “tấm lòng An Nam hoàn toàn”. Chính vì lẽ đó, Nguyễn Tuân đã nhiệt tâm chào đón cách mạng và tích cực tham gia kháng chiến, ông đã dùng ngòi bút của mình ca ngợi nền độc lập, tự do của dân tộc.

Nguyễn Tuân đã xa chúng ta 32 năm, xa hơn nữa là những gì ông đã tâm sự, gửi gắm, yêu thương qua tùy bút Cửa Đại. Nhưng lại gần gũi, thân quen biết bao với những tình cảm chân thành lắng đọng trong từng trang viết. Dường như vẫn còn nghe vang vọng tiếng vỗ của những con sóng bạc đầu vào ven bờ hát khúc thương nhớ, hoài mong và tiếng cười sảng khoái của những người dân cần lao, vất vả nhưng luôn yêu đời, mến khách. Phố bây chừ có thể khác xưa, vì quy luật của sự phát triển là thế. Nhưng tình người thì còn mãi. Đó chính là cội nguồn, là bản sắc, là chiều sâu của mảnh đất và con người Hội An một thuở, đó cũng chính là chiều sâu của những tầng nghĩa văn hóa.

Chú thích:

Những dòng trích (in nghiêng, trong ngoặt kép) được rút ra từ tùy bút “Cửa Đại”, trong tuyển tập Nguyễn Tuân, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội 1981, (tập 1), trang 160-170.

Tác giả: Nguyễn Hoài Quảng

Nguồn tin: vanhoaquangnamonline.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây