Những tiền đề và điều kiện để tổ chức Đảng Cộng sản ra đời sớm ở Hội An

Thứ hai - 30/03/2020 03:05
1. Từ cuối thế kỷ XIX, do nhiều yếu tố bất lợi, “cảng thị thuyền buồm” Hội An suy thoái, nhường vị thế trung tâm thương mại quốc tế cho “cảng thị cơ khí” Đà Nẵng. Tuy nhiên, Hội An vẫn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Quảng Nam.
Di tich Cay Thong Mot

Di tích lịch sử Cây Thông Một

Dưới thời Pháp thuộc, Đà Nẵng là đất “nhượng địa”, còn Quảng Nam trở thành đất “bảo hộ”, bên cạnh chính quyền Nam triều còn có chính quyền bảo hộ của thực dân Pháp cai trị, mà đứng đầu là công sứ Pháp kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng tỉnh Quảng Nam, đóng tòa sứ tại Hội An. Người đứng đầu chính quyền Nam triều ở Quảng Nam là Tổng đốc đóng hành dinh tại La Qua chỉ là bù nhìn cho chính quyền “bảo hộ” của công sứ Pháp. Các cơ quan đầu não của bộ máy chính quyền “bảo hộ” cũng đóng tại Hội An như: sở mật thám, sở thương chánh, sở đạc điền, đồn lính khố xanh, đồn cảnh sát, nhà lao... đặt dưới quyền điều khiển của Công sứ Pháp. Khu phố Tây mọc lên khang trang ở Hội An trong thời kỳ này là kết qủa của chính sách thống trị và khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Quảng Nam.

Tuy không phải là một trung tâm kinh tế tầm cỡ nhưng ở Hội An đầu thế kỷ XX đã xuất hiện nhiều chi nhánh các công ty, xí nghiệp của tư sản Pháp như: rượu SICA, điện SIPEA, xăng dầu SHELL, ươm tơ FIARA, chế biến chè DE ROBERT. Tư sản người Hoa tuy không lớn nhưng đã hình thành 30 hiệu buôn bán và sản xuất các mặt hàng thủ công. Một số người Việt bản xứ có qui mô làm ăn lớn như chủ buôn ghe bầu, các xưởng trại đóng ghe, thầu xây dựng, dệt vải, sản xuất gạch ngói, làm đồ gỗ... Địa chủ ở Hội An phần đông là địa chủ quan lại, địa chủ kiêm công chức và địa chủ kiêm tư sản, vì đất đai ở Hội An ít nên hầu hết đều bao chiếm bao tá, lập điền sản ở Điện Bàn, Duy Xuyên, bóc lột bằng các hình thức phát canh thu tô, cho vay nặng lãi. Thời kỳ này lực lượng công nhân ở Hội An đã có mặt đông đảo trong các cơ sở cầu đường, xây dựng nhà cửa, làm đường xe lửa, các nhà máy, xí nghiệp, các xưởng sản xuất đỗ gỗ, đóng thùng, làm giấy vàng bạc, chế biến chè cau, phu bốc vác... Tầng lớp tiểu tư sản cũng xuất hiện khá đông, hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau, đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội ở Hội An lúc bấy giờ. Nông dân và ngư dân chủ yếu làm thuê cho các địa chủ, các chủ thuyền buôn, thuyên đánh cá, cuộc sống đầy tối tăm khổ cực.
Thiếp gặp chàng tại đường xe lửa
Chàng gặp thiếp tại cửa ông Rô-be

Mấy lời chàng dặn thiếp nghe
Thức khuya dậy sớm làm chè mười hai xu...
 
Như vậy, chính sách cai trị của chính quyền thực dân phong kiến đã làm phân hóa xã hội, dẫn đến những mâu thuẫn không thể điều hòa. Với đặc điểm là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, Hội An là nơi nhạy cảm với những luồng gió tư tưởng chính trị.

2. Cùng với những nét đặc sắc về lịch sử - văn hóa, mảnh đất và con người Hội An còn giàu truyền thống yêu quê hương đất nước, tinh thần chiến đấu dũng cảm chống ngoại xâm và khí phách cương trực trong đấu tranh chống áp bức, bất công.

Hội An đã sản sinh ra người anh hùng Nguyễn Duy Hiệu - sẵn sàng từ bỏ chức quan dạy hoàng tử chốn kinh thành, về quê tham gia dựng cờ Nghĩa Hội Quảng Nam, sau trở thành Hội chủ, lãnh đạo phong trào Cần Vương và đứng đầu chính quyền “Tân tỉnh” ở Quảng Nam, bao phen làm cho quân giặc kinh hồn bạc vía trong những năm 1885-1887.

Tiếp đến đầu thế kỷ XX, ở Quảng Nam tiếp tục dấy lên các cuộc vận động cách mạng sôi nổi và Hội An trở thành cửa ngõ và trung tâm của các trào lưu yêu nước mới. Năm 1904, Phan Bội Châu đã đến Hội An tìm gặp Châu Thượng Văn để liên lạc với các yếu nhân khác xúc tiến thành lập Duy Tân Hội, mục đích là “đánh giặc phục thù”, mà “thủ đoạn là bạo động”, nhằm “khôi phục nước Việt Nam, lập ra một chính phủ độc lập”. Ngôi nhà của Châu Thượng Văn gần chợ phố cổ Hội An trở thành cơ sở quan trọng của Duy Tân Hội, tổ chức các cuộc họp kín, bí mật đón tiếp, gặp gỡ các nhà yêu nước trong Nam ngoài Bắc, cũng là nơi giao dịch thư từ, sách báo trong và ngoài nước.

Cùng thời gian này ở Quảng Nam khởi phát phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp chủ xướng với khẩu hiệu: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, kịch liệt lên án bọn vua quan phong kiến tham lam, công khai vận động cải cách văn hóa - xã hội, hô hào mở mang trường dạy chữ quốc ngữ, phát triển công thương. Phong trào cắt tóc ngắn, dùng vải nội, mặc đồ âu, bài trừ mê tín dị đoan bùng nổ. Hội buôn “Quảng Nam hiệp thương công ty” ra đời ở Hội An nhằm tập hợp những người yêu nước.

Các phong trào Nghĩa hội Quảng Nam, Duy Tân, Đông Du, kháng thuế, khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân... tuy thất bại nhưng tư tưởng yêu nước, quyết chống ngoại xâm giành độc lập tự do vẫn bất diệt, đã “thâm căn cố đế” trong tiềm thức và ý chí của con người Hội An. Chính vì thế Hội An vẫn là một tâm điểm gặp gỡ của các nhân sĩ, trí thức yêu nước trong Nam ngoài Bắc đến tổ chức các lần diễn thuyết, luận đàm thế sự.

3. Tiếp nối truyền thống yêu nước, lại chịu sự tác động mạnh của các trào lưu cách mạng trên thế giới và ảnh hưởng của những cuộc vận động dân tộc dân chủ trong nước đang phát triển ngày càng sôi động, nên ngay từ những thập niên đầu thế kỷ XX, những thanh niên tiên tiến của Hội An đã sớm tiếp xúc với nhiều luồng gió tư tưởng tiến bộ mới.

Những năm 1920-1925, một số thanh niên ở nội ô cùng nhau hô hào vận động cải lương hủ tục, cảm hóa các tên “trùm”, chống cường hào, tổ chức tuyển lựa và tìm cách đưa thanh niên người Hoa sang học Trường quân sự Hoàng Phố (Quảng Châu - Trung Quốc). Từ năm 1926, các hoạt động càng sôi nổi, tập hợp nhiều thanh niên, học sinh, tiểu tư sản, trí thức cùng đọc và lưu truyền nhiều loại sách báo, các học thuyết, các trào lưu tiến bộ, tổ chức biểu diễn ảo thuật để lấy tiền ủng hộ báo “Việt Nam hồn” (trong đó có bài viết của Nguyễn Ái Quốc bằng ba thứ tiếng Việt Nam, Trung Quốc và Pháp), tham gia các phong trào đòi trả tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu và tổ chức Lễ truy điệu danh nhân chí sĩ Phan Châu Trinh... Ảnh huởng của các trào lưu yêu nước làm cho bầu nhiệt huyết tuổi thanh xuân càng thôi thúc, cuối năm 1926, một số thanh niên Hội An vào Nam Bộ để tìm tổ chức cách mạng nhưng không bắt mối được, mấy lần định sang Pháp cũng bất thành nên quay về lại Hội An.

Giữa năm 1927, Phan Thêm - một thanh niên ưu tú của Hội An - bắt được mối gia nhập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên của Quảng Trị. Về lại Hội An, tháng 10/1927, tại chính căn nhà của gia đình mình - hiệu bán sách cũ Đức An, 83 đường Rue du pont Japonnais (đường Cầu Nhật Bản - nay là 129 Trần Phú), Phan Thêm triệu tập những đồng chí của mình và chủ trì thành lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên thị xã Hội An, trực thuộc Tỉnh bộ Quảng Trị. Kể từ đây, phong trào yêu nước và cách mạng ở Hội An đã đoạn tuyệt với các trào lưu cải lương, bước vào quỹ đạo do ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc soi đường.

Trong những năm 1927 - 1929, tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên của Hội An không ngừng lớn mạnh, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng cưua nước của Nguyễn Ái Quốc vào phong trào cách mạng của địa phương. Những cán bộ, hội viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên qua hoạt động đã được rèn luyện và thử thách, được nâng cao cả về lý luận cũng như kinh nghiệm thực tiễn, trở thành những chiến sĩ cộng sản tiên phong, những hạt giống đỏ đầu tiên của Hội An.

4. Quá trình vận động cách mạng ở Hội An càng diễn ra sôi động bởi sự “tiếp lửa” từ tổ chức cách mạng cấp trên. Tháng 4/1928, Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tỉnh Quảng Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất hai tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên thành phố Đà Nẵng và thị xã Hội An.

Đây cũng là thời điểm lực lượng cách mạng Hội An được tăng cường đáng kể, đặc biệt là những phái viên của xứ ủy Trung kỳ, tỉnh ủy Quảng Nam (của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên trước đó và Đông Dương cộng sản Đảng sau này). Trong đó, nhiều yếu nhân được cấp trên điều động biệt phái về Hội An hoạt động, trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt, như Trần Văn Tăng, Phan Văn Định, Trần Đệ Qủa, Trần Kim Bảng...

Đó là những tiền đề và điều kiện chín muồi để dẫn đến một sự kiện trọng đại: Ngày 28/3/1930, tại Hội An, Tỉnh ủy lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam được thành lập do đồng chí Phan Văn Định - lúc này trong vai tài xế cho công sứ Pháp tại Hội An - làm bí thư. Tỉnh ủy lâm thời ra thông cáo nêu rõ: “... Ban Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành lập, để hướng đạo Công - Nông - Binh và những người lao khổ bị áp bức tranh đấu thực hiện chính cương của Đảng...” và đề ra khẩu hiệu “Công - Nông - Binh liên hợp đánh đổ đế quốc Pháp và phong kiến Nam triều!”. Tháng 4/1930, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Hội An, do đồng chí Hà Mùi làm bí thư. Chi bộ Hội An được Tỉnh ủy giao tổ chức một cơ quan bí mật tại Xóm Da ấp Xuân Lâm - Cẩm Phô để làm nơi liên lạc, nơi ở cho cán bộ lãnh đạo và in các tài liệu, truyền đơn.

5. Khi tổ chức Đảng ra đời cũng là lúc chính quyền thực dân Pháp tăng cường khủng bố, tăng thêm lính khố xanh, cảnh sát, lập các xích hậu (điếm canh). Tuy vậy, nhờ có quan hệ gắn bó với quần chúng nên đến giữa năm 1930, chi bộ Đảng Hội An đã lãnh đạo phong trào cách mạng có những bước phát triển nhanh, hình thành nên các tổ chức công hội đỏ, phụ nữ giải phóng, cứu tế đỏ, đoàn học sinh, đội tự vệ đỏ; tổ chức đợt treo cờ đỏ búa liềm và rải truyền đơn khắp thành phố và một số vùng ngoại ô, kêu gọi quần chúng hưởng ứng Ngày Quốc tế lao động; tổ chức cuộc mít tinh giữa ban ngày trong nội ô hô hào đánh đổ chính quyền thực dân phong kiến, ủng hộ và chia lửa với Xô viết Nghệ Tĩnh.

Giữa lúc phong trào cách mạng đang phát triển mạnh thì thực dân Pháp mở cuộc khủng bố, bắt bớ cán bộ và cơ sở quần chúng cách mạng trong toàn tỉnh. Nhưng càng đánh phá kẻ thù càng lo sợ trước những ảnh hưởng và uy tín của Đảng. Chúng không thể ngờ được rằng tổ chức Đảng Cộng sản ra đời và cơ quan lãnh đạo Tỉnh ủy lại nằm ngay trong địa bàn nội ô Hội An - nơi đầu não của chính quyền thực dân, mà người lãnh đạo cao nhất - Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Định lại chính là người lái xe cho Công sứ Pháp.

Vừa mới ra đời, chỉ trong một thời gian ngắn, con đường cách mạng của Đảng đã soi sáng thức tỉnh nhân dân ta, bén rễ sâu bền trong quần chúng. Chính vì vậy, mặc dù hầu hết những đảng viên đầu tiên của Hội An bị địch bắt và kết án tù đày, nhưng hạt giống mà những chiến sĩ cộng sản tiên phong gieo trồng năm 1930 đã nảy mầm, đâm chồi nảy lộc và đơm hoa kết trái trên quê hương Hội An anh hùng.

Tác giả: Nguyễn Văn Lanh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây