Một số thông tin về dịch bệnh ở Hội An, Quảng Nam trong lịch sử qua tư liệu Châu bản triều Nguyễn và Đại Nam thực lục

Thứ ba - 21/04/2020 20:52
Dịch bệnh là một trong những đại hoạ của cộng đồng, quốc gia. Do vậy, trước đây việc phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh luôn được triều đình phong kiến quan tâm. Dưới triều Nguyễn, nhiều chủ trương, chính sách trong phòng, chống dịch bệnh được thực hiện. Đối với Hội An, Quảng Nam, trong Châu bản triều Nguyễn và Đại Nam thực lục có một số nội dung đề cập đến dịch bệnh và phòng, chống dịch. Dưới đây xin được giới thiệu những thông tin cụ thể.
Trong các văn bản Châu bản triều Nguyễn sưu tầm được liên quan đến Quảng Nam[1], có 2 văn bản liên quan đến dịch bệnh như sau:

- Tổng đốc Nam Ngãi tư trình Cơ Mật viện ngày 12 tháng 2 Thành Thái năm thứ 11 năm (1899) về các y quan tiêm chủng đậu mùa tại Hội An và các huyện Duy Xuyên, Hòa Vang

Thái tử Thiếu bảo Hiệp biện Đại học sĩ, sung Cơ Mật viện Đại thần Khâm sai, Tổng đốc Nam Ngãi họ Nguyễn. Vì việc trình bày, 4 giờ chiều, căn cứ phủ Điện Bàn trực thuộc bẩm trình: Ngày 10, được lệnh các quan y tiêm chủng bệnh đậu mùa buổi chiều tại phố Hội An. Nay sức cho các địa phương có bệnh trên, cùng trẻ em tập trung đến phố tiêm chủng. Các y quan chữa bệnh đậu mùa vào giờ Dậu. Cứ tùy y quan thông báo việc làm. Ngày đến, tức 5 giờ ngày 11, y quan sẽ tập trung tại phủ tiêm chủng đậu mùa, 8 giờ sẽ từ biệt để đến huyện Duy Xuyên.

Gởi giấy đến phủ ấy lệnh sức sớm cho các tổng, làng trực thuộc dẫn trẻ em đến với số đông để chủng đậu. Cho đến 12 giờ, cũng không thấy các y quan chữa trị cho trẻ em, nên trẻ bị đói. Đến 2 giờ chiều, mới thấy các y quan đến phủ, viên chức sức lần nữa các tổng, các làng dẫn các trẻ em đến tiêm chủng. Các y quan chủng đến hơn 40 trẻ đã đến, bèn sức tập binh, đến bên ngoài phủ 20 người trở xuống tùy theo tình hình xin xem xét.

Ngày mồng một tháng này, tiếp tư văn của Công sứ, nay ông thầy thuốc Tây đi tiêm chủng đậu tại huyện Hòa Vang, sức cho phủ huyện hễ thấy ông đến thì bố trí tiếp đón…Các nha nội, các hạt bên dưới, cứ mỗi 3, 4 xã thôn hợp thành một nhóm. Ngày nào nghe các y quan đến tức lo đón tiếp. Những nha sở trực thuộc và các tổng, các làng dẫn những em bé chưa tiêm chủng đậu, đến tiêm chủng cho xong.

Lại dẫn các nơi khác tập trung tiêm chủng đậu. Nhân 5 giờ ngày 11 tiêm chủng đậu mùa tại phố Hội An… Lệnh cho các nha khẩn sức các tổng làng bên cạnh chiếu y theo dẫn trẻ em đến tiêm chủng đậu. Căn cứ cai nha bẩm trình, các làng trong ngày đó (ngày 11) các y quan tập trung tại phố để tiêm chủng đậu tại nha sở. Không biết sự thể như thế nào, nếu thiếu sự hoàn chỉnh thì không thể được. Nếu các viên phủ không tuân giờ khắc huy động dân hoặc thất lễ với y quan, có trở ngại gì thì trình quý Công sứ để tỉnh nghiên cứu giải quyết. Nơi phủ đường trước hết là lo cho dân. Nay tuân hành khẩn, các viên chức phân chia công việc thi hành theo nhu cầu của Tòa sứ và của tỉnh chúng tôi… Đề nghị quý tòa xem xét và cử sứ viên bàn bạc phúc đáp. Vậy tư trình, kính mong xem xét.

- Viện Cơ Mật tâu trình ngày 4 tháng 6 Thành Thái năm thứ 19 (1907) về việc nhân dân một số xã thôn ở Quảng Nam bị bệnh sốt rét và bệnh dịch cảm nên đã bàn bạc với quan Khâm sứ thông báo cho các y quan tại Hội An cấp thuốc Ký Ninh và tìm cách trừ dịch bệnh

Viện Cơ Mật, các thần tâu[2]: Ngày 16 tháng trước tiếp tư văn của Tổng đốc Nam Ngãi, thần Vương Duy Trinh trình bày. Địa hạt này gió mưa thuận hòa, nông vụ trong mùa trồng cấy, tựu trung tại huyện Quế Sơn bẩm trình nhân dân tại hạt này bị chứng sốt rét tái phát, Nha huyện đã cấp thuốc Ký Ninh chữa trị nhưng khó thuyên giảm.

Phủ Thăng Bình bẩm trình, nhân dân nhiều xã thôn tại tổng Phú Mỹ bị nhiễm bệnh cảm. Hiện tại đang lan rộng. Chứng bệnh này, lúc đầu phát nhiệt, đầu não đau đớn, bất tỉnh nhân sự, khoảng 5, 6 ngày thì chết. Nếu khỏi chết phải chữa trị tới 2, 3 ngày thì có thể ngồi dậy được. Các nơi khác, nhân dân vất vả trong việc thu hoạch như thường lệ.

Căn cứ trình báo trên, thần (tại Viện Cơ Mật) bàn bạc với ngài Khâm sứ Lê Viết thẩm xét sự việc. Trình xin ngài đại thần (Khâm sứ) thông báo riêng cho các quan thầy thuốc tại Hội An cấp thuốc Ký ninh để cứu bệnh nhân và tìm phương cách trừ chứng bệnh này. Nhân đây, thần viện báo riêng tỉnh này được biết. Nhanh chóng dám trình bày đầy đủ các công việc.

Theo sách Đại Nam thực lục[3] cho biết một số thông tin về dịch bệnh và chính sách phòng chống dịch bệnh của triều Nguyễn như sau:

Năm Canh Thìn - 1820 (Minh Mệnh năm thứ 1): Tháng 8, dinh thần Quảng Nam lấy cớ rằng trong cõi nhiều người bị bệnh dịch chết, tâu xin từ 9 tuổi trở xuống thì bớt lệ tiền tuất. Vua quở trách rằng: “Hết thảy trên đất nước đều là dân ta, khắp trong bốn biển đều là của ta, trẫm thấy trăm họ bị bệnh dịch, lo thương không xiết, há lấy cớ phải cấp nhiều tiền mà lại bàn giảm bớt đi ?”

Năm Quý Mão - 1843 (Thiệu Trị năm thứ 3): Tháng 2, Bình Định và Quảng Ngãi có bệnh dịch. Các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Phú Yên và Thừa Thiên cũng lần lượt bị truyền nhiễm. Vua sai quan các địa phương hết lòng thành kính cầu cúng. Những người bị bệnh thì phát thuốc, những người bị chết thì cấp tiền. Trước đây, vua xem tập tâu của các địa phương, liền sai bộ Hộ làm phiếu dụ, chạy ngựa phát đi. Tham tri Doãn Uẩn, và Thị lang Nguyễn Trạch làm phiếu dâng trình, đến đem lui ra. Vua nói: “Cứu tai nạn cho dân gấp hơn lửa cháy, quan bộ Lại trễ nải khinh thường như thế, chức giữ bộ coi việc dân, có thể làm thế được sao ?”. Doãn Uẩn sợ hãi, xin chịu tội. Vua truyền Chỉ trách phạt.

Năm Giáp Thìn - 1844 (Thiệu Trị năm thứ 4): Tháng 10, hoãn việc gọi lính, thu thuế cho các xã dân bị chết dịch. Trước đây, các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên,... bệnh dịch phát ra, những người bị chết đã được cấp tiền tuất và miễn thuế. Lại dụ sai các địa phương phải xét nghiệm các xã thôn có chứng lệ khí, nơi nào bị hại nặng chia ra từng hạng, làm thành danh sách. Các tỉnh lần lượt làm tập tâu lên. Vua giao xuống cho bộ Hộ bàn. Bộ cho rằng đợt ấy [các nơi] bị tai hại nặng nhẹ không giống nhau, xin nghĩ chia ra từng hạng, chước lượng cứu giúp.

Năm Đinh Mùi - 1907 (Thành Thái năm thứ 19): Tháng 4, quan tỉnh Quảng Nam báo về tình hình bệnh tật, trong dân gian nhiều người phát bệnh thương hàn, về sau sinh ra sốt rét, hoặc bệnh nặng hoặc chết, ở Quế Sơn, Thăng Bình là nặng nhất, Điện Bàn, Duy Châu, Tam Kỳ, Hòa Vang đỡ hơn. Vua chuẩn trích tiền mua thuốc (Ký ninh) chia cấp cho.

Qua những thông tin trên cho thấy, các vua nhà Nguyễn đã có những chính sách và biện pháp kịp thời để phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, qua đó góp phần ổn định tình hình xã hội và tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với chính quyền.

Tài liệu trích dẫn
 
[1] Bản gốc lưu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I – Hà Nội, dịch nghĩa: Tống Quốc Hưng.
 
[2] Gồm Trương Như Cương, Lê Trinh, Huỳnh Côn, Phạm Xứng, Tôn Thất Hân, Nguyễn Hữu Bài, Đào Thái Hanh.
 
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch) (2007), Đại Nam thực lục, 10 tập, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

Tác giả: Phước Tịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây