Hình tượng hoa quả trên bình phong đình ở Hội An

Thứ ba - 09/06/2020 21:08
Hạng mục bình phong tại các di tích đình làng/ấp ở Hội An hiện nay còn khá nhiều. Các bình phong này được trang trí khá đa dạng thông qua việc sử dụng hình tượng các hệ đề tài về vũ trụ - thiên nhiên - sự vật, đề tài đồ vật, hoa văn - minh văn, động vật, thực vật.
 
Qua khảo sát, thống kê, trên địa bàn thành phố Hội An hiện nay có 24 ngôi đình (16 ngôi đình làng và 8 ngôi đình ấp), trong đó có 19 ngôi đình có hạng mục bình phong (12 ngôi đình làng, 7 ngôi đình ấp). Các đồ án, mô típ trang trí đề tài thực vật trên bình phong đình ở Hội An khá đa dạng, trong đó trường hợp trang trí đơn lập thường tập trung ở các chủ thể như: Hoa đào, hoa cúc, hoa sen, dây lá. Việc kết hợp giữa các loài cây, loài hoa tạo thành mô típ trang trí như: Đồ án “tứ quý” (mai, lan, cúc, trúc), đồ án “đông đào tây lựu” (quả đào, quả lựu); đồ án “đông bình tây quả” (bình hoa, mâm quả); đồ án mâm quả (mâm đựng các loại trái cây).

Hoa đào nở vào mùa xuân, do đó loài hoa này thường được chọn làm biểu thị cho mùa xuân (so sánh với hoa mai trong bộ tứ quý mai - lan - cúc - trúc) và tượng trưng cho sắc đẹp của nữ nhân[1]. Hình tượng hoa đào thường được cách điệu thành 4 cánh, cấu tạo đầu cánh hoa có dạng tròn như cánh hoa mai. Hình tượng hoa đào thường được sử dụng trang trí trên viền mặt trước bình phong thông qua hình thức khảm sành sứ (đình An Mỹ, đình Sơn Phong).

Hoa cúc là một trong những loài hoa được nhiều nơi trên thế giới ưa chuộng, đặc biệt là ở các nước phương Đông. Tại Nhật Bản, hoa cúc là biểu tượng cho hoàng gia, tháng 9 được xem là tháng của hoa cúc tại đất nước này. Tại Trung Quốc, hoa cúc được xem là một trong “tứ quân tử” bởi phẩm chất trong sạch, thanh cao của nó. Tại Việt Nam, từ thời phong kiến, các quý tộc cho đến hoàng gia đều ưa chuộng hoa cúc thông qua việc vừa thưởng trà, ngắm cúc, ngâm thơ. Từ vẻ đẹp về màu sắc, cho đến đặc tính cao quý mà hoa cúc được dùng làm hoa văn trang trí phổ biến trên các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, dân dụng... Việc trang trí đơn lập hình tượng hoa cúc trên bình phong các ngôi đình ở Hội An chỉ có 01 trường hợp: Tại vị trí đầu trụ mặt ngoài bình phong đình làng Thanh Hà, được tạo hình theo phương thức đắp nổi bằng chất liệu vữa; hình tượng hoa cúc được tạo hình cách điệu theo dạng nhụy lớn có những chấm tròn, hai tầng cánh hoa xếp chồng lên nhau, đầu cánh cong tròn, mỗi tầng có 8 cánh, hoa được trang trí đi liền với cành và lá.

Hoa sen là loài hoa được nhiều nước trên thế giới tôn thờ từ rất sớm, như người Ấn Độ xem hoa sen là biểu tượng quyền năng sáng tạo của thiên nhiên (lửa và nước), đối với người Ai Cập họ xem hoa sen là biểu tượng của các vị thần Osiris và Horus[2]. Tại Việt Nam, hoa sen là một loài hoa rất phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt có sức ảnh hưởng lớn trong đạo Phật. Hoa sen được ví như một loài hoa thanh cao, thoát khỏi mọi ham muốn dục vọng để đạt được chánh giác. Do đó, họa tiết hoa sen được trang trí khắp các chùa, miếu, mộ, đồ tế tự để nhắc nhở con người về lối sống trong sạch, thanh bạch. Trong nghệ thuật tạo hình, hoa sen được xem là biểu tượng của đức hạnh mặc dù sinh trưởng trong bùn nhơ nhưng không hề bị vấy bẩn[3]. Ở Hội An, đề tài hoa sen chủ yếu được trang trí trên đỉnh trụ bình phong theo dạng khối, bằng chất liệu vữa, quét vôi màu đỏ như đình Thanh Nhứt, đình An Mỹ, đình Thanh Hà, đình ấp Xuân Lâm.

Có một dạng đồ án trang trí thuộc hệ đề tài thực vật nhưng không thuộc một loài nào cụ thể, đó là đồ án “dây lá. Đồ án này mang dáng ước lệ dạng tua cuốn “Dây lá được nghệ nhân tạo tác khá bay bổng, biểu thị cho sự kế tiếp, trường tồn.“Dây lá thường được sử dụng đơn lập hoặc kết hợp với các đồ án khác chuyển thể thành:Dây lá hóa long,“dây lá hóa phụng,“dây lá hóa phúc[4]. Đề tài “dây lá ít được sử dụng trang trí trên bình phong đình ở Hội An, chỉ có hai trường hợp trang trí đồ án này theo dạng đơn lập tại đình Thanh Tây và đình Thanh Nhứt.

Ngoài các đồ án trang trí đơn lập còn có đồ án dạng kết hợp tạo thành mô típ trang trí độc đáo, như: Đồ án “tứ quý”,“đông đào tây lựu”, đồ án mâm quả, đồ án “đông bình tây quả”.

Đồ án “tứ quý”(mai, lan, cúc, trúc) mang hình tượng cây cối, là biểu tượng của bốn mùa: Mùa xuân (mai, đào), mùa hạ (lan, sen), mùa thu (cúc, liễu), mùa đông (tùng, trúc). Trong đó, hoa mai tượng trưng cho mùa xuân. Hoa mai có 5 cánh tượng trưng cho ngũ phúc (5 vị thần may mắn)[5]. Hoa lan tượng trưng cho mùa hạ; hoa lan biểu tượng cho hình ảnh dịu dàng, trang nhã; đồng thời do hoa lan thường kết thành chuỗi nên còn mang ý nghĩa con cháu đông đúc, xum vầy[6]. Hoa cúc tượng trưng cho mùa thu. Cây trúc biểu tượng cho mùa đông, trong lĩnh vực tạo hình, hình ảnh cây trúc tượng trưng cho người quân tử, ngay thẳng[7]. Trong các bình phong đình ở Hội An, bình phong đình An Mỹ được trang trí đồ án “tứ quý” (mai, lan, cúc, trúc) ở mặt trước theo hình thức đắp nổi.

Đồ án “đông đào tây lựu” thường được bố trí ở hai bên đồ án chính bình phong cả mặt trước và mặt sau theo hình thức đắp nổi hoặc đắp nổi kết hợp khảm sành sứ như tại đình ấp Xuân Lâm và đình Thanh Hà. Đặc điểm nổi bật nhất về mặt biểu tượng của quả đào là biểu thị sự trường thọ, bất tử; hình tượng quả đào thường đứng đơn lập, hoặc trang trí trong mâm quả, hay trang trí đăng đối với quả lựu. Cây lựu còn có tên gọi là thạch lựu, có nguồn gốc từ Cabul. Quả lựu có đặc điểm nổi bật về màu sắc hoa rực rỡ, đặc biệt hình dạng quả lựu với miệng loe có cánh ở đầu trái, khi chín đầu trái mở ra trông như nụ cười vui tươi để lộ chi chít hạt. Quả lựu nằm trong nhóm trái cây có nhiều hạt như: cam, bưởi, bầu, bí, dưa hấu... có ý nghĩa phồn thực nhằm chỉ ước vọng con cháu đầy đàn, đông đúc (lựu khai bách tử) nhưng vẫn theo hàng lối trật tự, theo một quy chuẩn nhất định[8]. Ngoài mô típ trang trí đăng đối giữa hình tượng đào và lựu còn hình thức thể hiện đơn lẻ, như tại bình phong đình Sơn Phong, đình An Mỹ, đình Thanh Nhứt, đình ấp Xuân Lâm.

Đồ án mâm quả được bố trí ở vị trí quần bàn bệ thờ bình phong theo hình thức đắp nổi: Đình ấp Xuân Lâm, đình Thanh Nhứt. Đồ án mâm quả thường được tạo hình theo hai dạng. Dạng thứ nhất là đồ án mâm bát quả, bao gồm 8 loại trái cây như: Đào, lựu, mận, lê, phật thủ, nho, bầu bí. Dạng thứ hai là đồ án mâm ngũ quả, gồm có 5 loại quả và có màu sắc khác nhau, trong đó màu xanh của nải chuối chưa chín (tượng trưng cho phương Đông), màu đỏ của hồng (tượng trưng cho phương Nam), màu vàng của bưởi (tượng trưng cho trung phương), quả màu nhạt (tượng trưng cho phương Tây), quả màu sẫm (tượng trưng cho phương Bắc)[9]. Theo nguyên tắc cổ xưa về bố trí thờ tự trên trục chính của bàn thờ được sắp xếp theo “đông bình tây quả”, tức là phía bên trái bàn thờ (từ trong nhìn ra) đặt một lọ độc bình, phía bên phải đặt một chiếc mâm đựng quả (ngũ quả hoặc bát quả)[10]. Đồ án “đông bình tây quả” không phổ biến trong việc trang trí trên bình phong đình ở Hội An, có 2 trường hợp trang trí đồ án này là đình Tiền hiền Kim Bồng và đình Xuân Mỹ.

Bình phong không chỉ mang ý nghĩa quan trọng về mặt phong thủy mà còn chứa đựng giá trị nghệ thuật trang trí, thông qua đó thể hiện được tài nghệ của nghệ nhân ở Hội An, đồng thời chuyển tải những thông điệp, ý nghĩa về các vấn đề liên quan đến cuộc sống con người trong thế giới nhân sinh. Bình phong là một trong những hạng mục quan trọng trong một công trình kiến trúc, các đồ án trang trí trên bình phong như một bức tranh hài hòa, tạo nên điểm nhấn độc đáo trong kiến trúc đình làng/ấp ở Hội An, trong đó các đồ án thuộc hệ đề tài thực vật đóng một vai trò không nhỏ. 
 
 * Tài liệu trích dẫn:
 
[1] Nguyễn Hữu Thông (2001), Mỹ thuật Huế - nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí, Phân viện nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật tại thành phố Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.70-71.
 
[2] Nguyễn Du Chi (2003), Hoa văn Việt Nam từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội – Viện Mỹ thuật, tr.212.
 
[3] Nguyễn Hữu Thông, Sđd, tr.78-79.
 
[4] Kim Lê (2012), Những đề tài hoa văn thường được trang trí trên gốm Lái Thiêu và ý nghĩa của chúng, Hội Khoa học Lịch sử Bình Dương, website: http://www.sugia.vn/home/index.
 
[5] Nguyễn Hữu Thông, Sđd, tr.75.
 
[6] Nguyễn Hữu Thông, Sđd, tr.72.
 
[7] Nguyễn Hữu Thông, Sđd, tr.80-81.
 
[8] Nguyễn Hữu Thông, Sđd, tr.74-75.
 
[9] Trần Lâm Biền, (2003), Đồ thờ trong di tích của người Việt, Nxb Văn hóa Thông tin Hà Nội, tr.100.
 
[10] Trần Lâm Biền, Sđd, tr.98-99.

* Phụ lục ảnh: 
 
binh phong dinh an my

Bình phong đình An Mỹ

binh phong dinh thanh ha (m t trong)

Bình phong đình Thanh Hà

binh phong dinh son phong

Bình phong đình Sơn Phong

Tác giả: Trần Phương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây