Trong quá trình sưu tầm tư liệu bổ sung hồ sơ di sản văn hóa phi vật nghề may truyền thống, đã phát hiện được một bài thơ cổ liên quan đến nghề may có tên chữ Hán là Dạ túc Hội An phùng chức phường, tạm dịch tiêu đề là Đêm ghé Hội An gặp phường nghề dệt. Bài thơ được sáng tác trong một lần đi đến Hội An bởi Khiếu Năng Tĩnh là Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Khoa thi năm Canh Thìn (1880). Ông từng trải qua các chức quan Hàn lâm viện Thị giảng Học sĩ, Đốc học Hà Nội, Tế tửu Quốc Tử Giám... Khiếu Năng Tĩnh sinh năm 1848 mất năm 1915, người quê thôn Trực Mỹ, xã Yên Cường, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Như vậy, bài thơ kể trên được sáng tác vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Bài được in trong tập Tuyển thơ Tế tửu Quốc Tử Giám Khiếu Năng Tĩnh, Nxb Hội Nhà văn, 2010.
Tuy nhiên, cho đến nay, tư liệu của bài thơ này chưa được đề cập đến trong các tài liệu nghiên cứu về nghề truyền thống, lịch sử văn hóa Hội An. Nay xin giới thiệu nguyên văn phiên âm, dịch nghĩa của bài thơ trong tập thơ vừa kể trên, góp thêm tư liệu hồi cố luận giải thêm về hoạt động nghề may trước năm 1945 ở Hội An.
Phiên âm:
Dạ túc Hội An phùng chức phường
Nhất bách niên dư vị cửu niên,
Phùng phường tự tổ Bắc phương thiên.
Tang điền tàm nghệ phi vô dụng,
Thực bão y ôn phạ hữu tiền.
Thiên cổ kiệm cung tu bất chuế,
Chung thân giai vọng thử nhi an.
Thu Bồn thuỷ lạo nghi đương thức,
Bần bạc đồng ngôn ngưỡng hạo thiên.
Dịch nghĩa:
Đêm ghé Hội An gặp phường nghề dệt
Hơn một trăm năm cũng chưa lâu
Phường may thờ vị tổ quê ở mạn Bắc dời vào
Trồng dâu nuôi tằm không phải là vô dụng
Có cơm no áo ấm lại có tiền tiêu
Từ ngàn xưa nếu tiết kiệm cũng không phải là thừa
Suốt đời nhờ thế mà ở ăn yên ổn
Sông Thu Bồn nếu có nước lụt nên hay rằng
Người nghèo túng đều nói nhờ sự yêu ghét của trời
Đây là một tư liệu xưa góp phần khẳng định lịch sử lâu đời của nghề may địa phương mà lâu nay chúng ta chưa có được những văn tự cổ chính thức đề cập đến. Như lời tác giả đề trong thơ “Hơn 100 năm cũng chưa lâu” về lịch sử của nghề cộng với thời gian từ lúc sinh thời của tác giả đến ngày nay thì nghề may ở Hội An ra đời ít nhất là 200 - 250 năm. Thời điểm này cũng tương ứng với thời kỳ thương cảng Hội An còn thịnh vượng với nhiều lớp cư dân là quan chức, thương nhân, nông dân, thợ thủ công, học sinh,... và đến từ nhiều nơi cùng nhu cầu trang phục đa dạng. Tác giả tuy chưa xác định rõ danh tính, địa điểm cụ thể nhưng cũng đã đề cập rằng Tổ của nghề may đến từ đất Bắc. Phải chăng tư liệu này góp phần làm rõ thêm nguồn gốc của bà tổ nghề may là Nguyễn Thị Sen mà trước đây đã có một số tài liệu báo chí, nghiên cứu Hội An đề cập đến.
Đồng thời tác giả cũng ca ngợi giá trị của nghề may và cả hoạt động trồng dâu nuôi tằm, dệt vải ở Hội An là “Trồng dâu nuôi tằm không phải là vô dụng/ Có cơm no áo ấm lại có tiền tiêu”. Điều này cũng phù hợp với thông tin khảo sát gần đây tại làng Kim Bồng, nay là xã Cẩm Kim về nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt vải. Vào đầu thế kỷ XX, ở Kim Bồng, các địa điểm là bãi Gò Mồ, bãi Bà Mau dọc sông Thu Bồn là những ruộng dâu ngập tràn màu xanh. Đây là nguồn nguyên liệu để nhiều nhà làm nghề trông dâu, nuôi tằm ở Phước Thắng – Kim Bồng phát triển trong nhiều năm. Từ đó, các nghề liên quan liên quan là dệt vải, nhuộm vải cũng đã trở nên nhộn nhịp, góp phần hỗ trợ nghề may ở Hội An và các nơi lân cận phát triển trong một thời gian dài.
Một điều nữa là qua tiêu đề của bài thơ là Đêm ghé Hội An gặp phường nghề dệt, cũng cho thấy nghề may ở Hội An vào cuối thế kỷ XIX đã là một phường nghề đông đúc với nhiều hộ, nhiều nhà làm việc. Qua một số tư liệu hồi cố, nhận thấy quy mô của nghề may Hội An tiếp tục được phát triển đến trước năm 1945 với sự ra đời của nghiệp đoàn, Hội thợ may. Lực lượng thợ may ở Hội An cũng khá đa dạng, gồm cả những người may ở chợ, may tại tiệm, may tại nhà, may đồ Ta, may đồ Tây, may đồ Tàu... Ở phố Hội An trước năm 1945 cũng đã có người mở xưởng dệt vải lớn như xưởng của ông Cửu Giỏi. Về ươm tơ có hãng ươm tơ De Robert của Pháp tại Hội An.
Cung cấp thêm một thông tin mới về lịch sử nghề may truyền thống nhằm củng cố thêm giá trị lịch sử văn hóa của nghề may và trồng dâu nuôi tằm dệt vải nói chung ở Hội An đã có một thời phát triển mạnh mẽ, qua đó góp thêm tư liệu nghiên cứu về văn hóa nghề, làng nghề truyền thống ở Hội An.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền