Câu đố trong ngữ văn dân gian ở Hội An

Thứ ba - 01/09/2020 03:57
Câu đố là một thể loại văn học dân gian mà chức năng chủ yếu là phản ánh đặc điểm của sự vật hiện tượng bằng phương pháp giấu tên và nghệ thuật chuyển hóa gây nhiễu (chuyển vật nọ thành vật kia), được nhân dân dùng trong sinh hoạt tập thể để thử tài suy đoán, kiểm tra sự hiểu biết và vui chơi giải trí [1]. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng: nếu vè thiên về “sự”, ca dao nặng về “tình”, tục ngữ nghiêng về “lý”, thì câu đố nhằm vào “trí”. Bởi câu đố thử thách sự thông minh, nhạy bén của những người tham gia. [2]
Năm 2019, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã tiến hành đợt điều tra, khảo sát, sưu tầm các đơn vị ngữ văn dân gian trên toàn địa bàn Thành phố. Kết quả đã sưu tầm được khoảng 3241 đơn vị ngữ văn dân gian, các thể loại chủ yếu là: Ca dao - dân ca, tục ngữ - thành ngữ, câu đố, vè, truyện kể. Trong đó, câu đố chiếm số lượng khiêm tốn, 12 đơn vị. Tổng hợp các câu đố từ đợt sưu tầm này và các đợt sưu tầm trước đây và từ trong các ấn phẩm cho thấy tính phong phú, đa dạng thể loại câu đố lưu truyền ở Hội An.

Trong quá trình sưu tầm, hầu hết câu đố do người dân lao động, tầng lớp nông dân cung cấp. Những câu đố của họ gắn liền với đời sống, sự vật, cảnh quan, môi trường, vật dụng trong đời sống hằng ngày. Phản ánh tâm tư tình cảm, thể hiện nhu cầu được vui chơi, giải trí của tầng lớp nhân dân lao động. Câu đố là một dạng sáng tác phản ánh các sự vật và hiện tượng của thế giới xung quanh. Sự liên tưởng trong câu đố thường mang yếu tố bất ngờ, dí dỏm và chứa đựng nhiều màu sắc khác nhau. 
         
Cư dân ở Hội An xưa trong quá trình lao động sản xuất ngoài việc kiến tại hò khoan, nhân ngãi, các thể loại ca dao, tục ngữ, vè, câu đố cũng chiếm một số lượng tương đối lớn. Trong đó câu đố ngoài yếu tố so tài trí tuệ còn mang yếu tố giải trí trong quá trình lao động sản xuất mệt nhọc. Trong quá trình tổng hợp tư liệu sưu tầm, dễ nhận thấy một điều là các câu đố ở đây được đặt ra trên nền những câu ca dao khá nhiều, ngoài ra còn có đặt theo câu đối đáp, điều này có thể làm cho câu đố có vần có điệu hơn, dễ thuộc và dễ ghi nhớ. Chứng tỏ một điều óc sáng tạo, sự quan sát tinh tế và cách vận dụng linh hoạt các thể loại văn học dân gian trong câu đố của người dân xưa là phong phú và đa dạng:

* Câu đố trên nền câu ca dao

- Về đòn bánh tét:  

   Mình tròn mà đóng khố xanh

   Trồng đậu, trồng hành lại thả heo vô[1]

- Về cục than:

   Viên gì chưa dùng thì đen
   Dùng rồi thì đỏ, khi bỏ thì nâu?[2]

- Về cái cối xây:

   Lù lù mà đứng góc nhà

   Hễ ai đụng đến thì òa khóc lên[3]

- Về cây cầu:

   Hai đầu mà chẳng có đuôi

   Nhiều chân mà lại đứng hoài chẳng đi[4]

*Câu đố trên nền câu đối đáp

Nữ hỏi (hiện nay)

   Trăm thứ dầu, dầu chi không ai thắp?

   Trăm thứ bắp, bắp chi chẳng ai rang?

   Trăm thứ than, than chi không ai quạt?

   Trăm thứ bạc, bạc chi bán chẳng ai mua?

   Trai nam nhi anh đối đặng, gái bốn mùa xin theo

Nam đáp (hiện nay):

   Trăm thứ dầu, dầu xoa không ai thắp

   Trăm thứ bắp, bắp chuối chẳng ai rang

   Trăm thứ than, than thân không ai quạt

   Trăm thứ bạc, bạc tình bán chẳng ai mua

   Trai nam nhi anh đối đặng, gái bốn mùa tính sao?[5]

Hay câu:

   Tình cờ tôi hỏi tình cờ

   Ông gì ăn học cậy nhờ theo trăng

   Ông gì đội lốt đi săn

   Tầm hươu kiếm sữa nuôi bằng mẫu thân

   Ông gì chết đứng giữa sân

   Bà nàng Kiều đứng dỗ 3, 4 lần cũng siêu

   Ông gì ăn bữa trăm niêu

   Tự ân tự ái giữa triều thác oan

   Khoan khoan vội vã để tui hỏi hãy trả lời

   Ông gì biết đặng lòng trời

   Ông gì cỡi ngựa ra chơi chiến trường

   Ông gì cùm núi cứu ông gì bị vây

   Thánh xưa ăn học không thầy

   Ông gì xuống biển bỏ thây quỷ mình

   Bỏ rồi lại hóa rồng xanh

   Trai nam nhi đối đặng

   Gái lành em trao duyên.[6]

Phần lớn các câu đố sưu tầm ở Hội An thường xoay quanh các sự vật, hiện tượng liên quan đến đời sống hằng ngày của con người. Gắn với quá trình lao động sản xuất nông nghiệp, những loại cây, quả gần gũi người nông dân Hội An như:
Nói về cây lúa, cây bắp hay củ khoai lang dân gian có câu:

   Trồng cây mà chẳng dám trèo

   Đến khi già chín vác cù quèo mà quơ (Cây lúa)[7]
   ***

   Sừng sững mà đứng giữa trời

   Chồng con không có, chịu lời chửa hoang (Cây bắp)[8]
   ***

   Mẹ tôi cực khổ gian nan

   Dẫn tôi xuống làng mà đẻ tôi ra

   Tôi có mẹ, chẳng có cha

   Mẹ tôi ốm yếu đẻ ra tôi mập ù (Củ khoai lang)[9]

Những loài động vật cũng được nhắc đến trong các câu đố như con rùa, con gà trống, con ong, con rắn, con muỗi,... được người dân lao động miêu tả qua sự quan sát tinh tế từ các hoạt động của con vật để đưa ra các câu đố mẹo. Người trả lời phải suy nghĩ, liên tưởng mới có thể đoán định.

   Xây thành đắp lũy trên non

   Hái hoa nuốt nhụy, nuôi con tháng ngày (Con ong)[10]
   ***

   Chân đạp miền thanh địa

   Đầu đội mũ bình thiên

   Mình thì bận áo mã tiên

   Ban ngày đôi ba vợ

   Tối nằm riêng kêu trời (Con gà trống)[11]

Ngoài nông nghiệp, người dân Hội An còn làm nghề khai thác thủy hải sản. Nghề này phổ biến ở các địa phương như Cẩm Thanh, Cẩm An, Cửa Đại, Cẩm Nam, Cẩm Kim, Tân Hiệp. Những người làm nghề biển cũng có đời sống văn hóa văn nghệ dân gian rất phong phú và đa đạng, nhiều nghệ sĩ hát kiến tại, hò khoan, bả tạo, tuồng, bội cũng xuất thân từ nghề biển. Có lẽ biển cả nuôi dưỡng tâm hồn, đi sâu vào trong đời sống của người dân địa phương. Liên quan đến sóng, thủy triều dân gian có câu đố:

   Có ông mà chẳng có bà

   Có cửa không nhà sinh đặng hai con

   Tháng ngày nặng nợ nước non
         
   Khi lên khi xuống mỏi mòn tấm thân[12]

Câu một đố về sóng cho thấy “sóng” được nhận diện là “Ông sóng” chứ không phải “Bà sóng”. Câu hai nói về cửa biển chỉ có “cửa biển” không có “nhà” và hai con nước cho thấy thủy triều lên xuống mỗi ngày.

Một số loài cá biển cũng đi vào các câu đố dân gian:

   Bằng cái lưỡi dao mà chao dưới nước (Cá lưỡi trâu)[13]
   ***

   Ai kêu ai hú bên sông

   Mẹ kêu mặc mẹ, có chồng phải theo (Cá bạc má)

   Đặc biệt, trong cùng một sự vật, sự việc, hiện tượng lại được nêu thành nhiều câu đố khác nhau:

   Như cùng nói về cây chuối thì có:

   Thân em như gái không cha

   Mình mẹ đứng giữa con ra tứ bề [14]
   ***

   Mình tròn cao lớn trơn tru (Cây chuối)

   Nói về mụt măng (búp măng) có các câu:

   Dưới âm phủ đội mũ đi lên (Búp măng)
   ***

   Chỉ trời rạch đất tung bút ngọc

   Lướt gió phong sương cởi áo vàng (Búp măng)[15]

Hay nói về cây ớt thì có:

   Cây cong queo, quả còng quèo

   Cây khó trèo quả khó ăn (Cây ớt)[16]
   ***

   Cây sum suê nở hoa quế trắng

   Dầm mưa dãi nắng cho đẹp mặt chàng

   Xót ruột xát gan, hai hàng lụy đổ (Cây ớt)[17]

Đặc biệt, người dân ở đây đã đặt ra những câu đố hết sức bóng bẩy, mang tính trí tuệ ẩn dụ cao từ các vật bình thường. Dạng câu đố này đòi hỏi người giải phải suy đoán nhanh cộng thêm sự thông minh và phải có tri thức mới mong giải nhanh được. Mượn hình thượng người mẹ để đặt làm câu đố như câu đố về củ khoai lang nêu ở trên. Hay mượn nỗi buồn của người vợ để nói về một  đồ vật:

   Da non mà bọc lấy gân

   Đêm năm canh tiêu hao một mình thiếp

   Ngẫm sự đời nước mắt nhỏ ra.(Cây nến)[18]

Người dân Hội An xưa còn có những câu đố rất phong phú mang hơi hướng “tục”. Dấu ấn này thể hiện sự tiếu lâm, hài hước. Sự liên tưởng ấy thường xoay quanh các vấn đề sinh lý, khiến trong câu đố có yếu tố “tục”. Xu hướng này có một nguồn gốc từ câu chuyện, sự việc mang tính hài hước tiếu lâm trong xã hội, tuy nhiên không mang nội dung phản ánh xã hội mà thường chỉ có tác dụng gây cười. Lối đố “tục” này làm cho câu đố hấp dẫn hơn, mang nét tinh nghịch, bất ngờ nhưng lời giải thích hết sức thanh tao.

Mời uống trà:

   Mở miệng mời anh

   Hai tay bợ đít[19]

Mẹ cho con bú:

   Người nhỏ nằm người lớn ngồi

   Đút vào sướng lắm em ơi

   Rút ra đánh choáng, miệng cười toét loe[20]

Ổ khóa:

   Đút vào rồi lại đút ra

   Vắng cửa vắng nhà thì lại đút vô[21]

Có thể thấy rằng câu đố được sưu tầm ở Hội An không đa dạng phong phú như những nơi khác, nhưng xét về tổng thể các câu đố đã phản ánh chân thực cuộc sống bình dân, giản dị của người dân Hội An xưa. Câu đố còn phản ánh rõ nét các sự vật, hiện tượng liên quan chính đến hai nghề nông và ngư nghiệp chiếm phần lớn trong hoạt động kinh tế của người Hội An lúc bấy giờ. Trước đây, sau những ngày lao động mệt nhọc, những lúc nghỉ tay hay lúc nông nhàn người dân thường dùng lời ca tiếng hát, câu hò… làm thú giải trí và cũng để bày tỏ lòng mình. Tính giải trí còn thể hiện qua việc tự đặt hay mượn các câu đố để thử tài nhau. Phần thưởng của các trò chơi ấy là những tiếng cười, hay những hình phạt được người chơi đặt ra từ trước. Vì vậy, câu đố chiếm một phần quan trọng trong đời sống văn hóa dân gian của cư dân Hội An, góp phần làm phong phú văn hóa tinh thần, thỏa mãn nhu cầu tri thức của con người.

* Tài liệu trích dẫn:

[1] https://vanvietnam.wordpress.com/giai-tri/cau-do/.

[2] Đặng Hoàng Thám, Câu đố trong văn hóa dân gian, Báo Cần thơ, năm 2019. 

[3] Câu đố bánh tét - Đỗ Thị Hồng Hạnh, địa chỉ 8AC73 Lý Thường Kiệt - Hội An cung cấp. Người sưu tầm: Nguyễn Thị Mẫn Vy.

[4] Câu đố cục than - Đỗ Thị Hồng Hạnh, địa chỉ 8AC73 Lý Thường Kiệt - Hội An cung cấp. Người sưu tầm: Nguyễn Thị Mẫn Vy.

[5] Câu đố cối xây - Ông Đôi ở Đồng Nà - Cẩm Hà - Hội An cung cấp. Người sưu tầm: Sinh viên Đại học Quy Nhơn.

[6] Câu đố cây cầu - Nguyễn Thị Dư ở Bến Trễ - Cẩm Hà - Hội An cung cấp. Người sưu tầm: Sinh viên Đại học Quy Nhơn.

[7] Câu đố theo lối đối đáp - Nguyễn Văn Ba ở Tân Thịnh - Cẩm An cung cấp. Người sưu tầm: Trần Thị Lệ Xuân.

[8] Câu đố theo lối đối đáp - Nguyễn Văn Ba ở Tân Thịnh - Cẩm An cung cấp. Người sưu tầm: Trần Thị Lệ Xuân.

[9] Câu đố cây lúa - Hồ Thị Chín ở Đồng Nà - Cẩm Hà cung cấp. Người sưu tầm: Sinh viên Đại học Quy Nhơn.

[10] Câu đố cây bắp - Huỳnh Thị Lý ở Trảng Kèo - Cẩm Hà cung cấp. Người sưu tầm: Sinh viên Đại học Quy Nhơn.

[11] Câu đố củ khoai lang - Ông Đôi ở Đồng Nà - Cẩm Hà cung cấp. Người sưu tầm: Sinh viên Đại học Quy Nhơn.

[12] Câu đố con ong - Hồ Thị Chín ở Đồng Nà - Cẩm Hà cung cấp. Người sưu tầm: Sinh viên Đại học Quy Nhơn.

[13] Câu đố con gà trống - Ông Đôi ở Đồng Nà - Cẩm Hà cung cấp. Người sưu tầm: Sinh viên Đại học Quy Nhơn.

[14] Trích sách “Biển đảo trong văn hóa văn nghệ dân gian Hội An” - tác giả Trần Văn An, năm 2014, tr 41. 

[15] Trích sách “Biển đảo trong văn hóa văn nghệ dân gian Hội An” – tác giả Trần Văn An, năm 2014, tr 41. 

[16] Câu đố cây chuối - Nguyễn Thị Thanh ở Đồng Nà - Cẩm Hà cung cấp. Người sưu tầm: Sinh viên Đại học Quy Nhơn.

[17] Câu đố cây tre - Lê Thị Liệu ở An Tân - Cẩm An cung cấp. Người sưu tầm: Sinh viên Đại học Quy Nhơn.

[18] Câu đố cây ớt - Trần Thị Hay ở An Tân - Cẩm An cung cấp. Người sưu tầm: Sinh viên Đại học Quy Nhơn.

[19] Câu đố cây ớt - Ông Hội ở Đồng Nà - Cẩm Hà cung cấp. Người sưu tầm: Sinh viên Đại học Quy Nhơn.

[20] Câu đố cây nến - Nguyễn Thị Ngọc Diệp ở Phong Hòa - Sơn Phong cung cấp. Người sưu tầm: Nguyễn Thị Khánh Vân.

[21] Câu đố mời uống trà - Hoàng Duy Hưng ở Trường Lệ - Cẩm Châu cung cấp. Người sưu tầm: Nguyễn Thị Mẫn Vy.

[22] Câu đố mẹ cho con bú - Ông Đôi ở  Đồng Nà - Cẩm Hà. Người sưu tầm: Sinh viên đại học Quy Nhơn.

[23] Câu đố ổ khóa - Huỳnh Thị Húy ở Đồng Nà - Cẩm Hà. Người sưu tầm: Sinh viên đại học Quy Nhơn
 

Tác giả: Ngọc Hương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây