Công tác bảo tồn di sản văn hóa Khu phố cổ Hội An trong thời gian qua

Thứ ba - 22/09/2020 21:08
Kiến trúc phố cổ Hội An, sự tổng hòa của các loại hình kiến trúc đã tạo nên diện mạo một đô thị đặc thù đậm nét cổ xưa. Chỉ với diện tích chưa đầy 0,6 km2, nhưng khu phố cổ là nơi phân bố của trên ngàn di tích có niên đại hàng trăm năm. Hầu hết di tích kiến trúc khu phố cổ được xây dựng với kết cấu chịu lực chính bằng gỗ, tường gạch, mái lợp ngói cong đất nung truyền thống. Trải qua hàng trăm năm, do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết khắc nghiệt (mưa bão, lũ lụt), các di tích đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, công tác tu bổ di tích là cấp thiết nhằm chống xuống cấp di tích, bảo tồn nguyên vẹn giá trị của khu phố cổ, đồng thời đảm bảo nhu cầu ở, sinh hoạt của người dân sống trong di tích.
Hiện nay, nhu cầu tu bổ, sửa chữa, gia cố thường xuyên các di tích của người dân là rất lớn. Việc tu bổ đòi hỏi nguồn kinh phí bên cạnh yêu cầu cao về mặt kỹ thuật, vật liệu tu bổ đã tạo ra không ít khó khăn cho người dân trong việc giữ gìn giá trị vốn có của từng di tích.

Công tác bảo tồn luôn được coi trọng, tu bổ di tích với mục tiêu bảo tồn tối đa các yếu tố gốc, giữ gìn nguyên vẹn giá trị của từng di tích sau tu bổ, nhưng phải đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hiện nay của người dân sống trong di tích đó. Khác với các khu di sản ở các nơi tại Việt Nam, di sản khu phố cổ thuộc một đơn vị hành chính cấp phường, một khu di sản sống mà trong đó, các hoạt động của người dân vẫn đang  diễn ra, nhu cầu ở, phát triển kinh doanh du lịch vẫn là những nhu cầu thường nhật của người dân phố cổ. Bởi vậy, công tác bảo tồn vẫn là một trong những thách thức đối với chính quyền Hội An hiện nay.

Trong những năm qua, với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, các tổ chức trong và ngoài nước, sự quan tâm, nỗ lực của chính quyền, nhân nhân Hội An, nhiều di tích có giá trị đã được cứu nguy trước nguy cơ xuống cấp, bảo tồn được nguyên vẹn được giá trị phố cổ, tạo mục tiêu, động lực để phát triển kinh tế du lịch của địa phương.

Để có được những thành quả như vậy, công tác quản lý, bảo tồn giá trị di sản luôn được Thành phố quan tâm, Thành phố đã có nhiều chính sách, giải pháp trong công tác bảo tồn, đồng thời có kế hoạch phát huy giá trị khu phố cổ một cách bền vững.

+ Về công tác quản lý: Do đặc thù khu phố cổ Hội An thuộc một đơn vị hành chính, một khu phố mà người dân đã và đang sinh sống, kinh doanh mua bán, là một khu di sản, tham quan du lịch của du khách trong và ngoài nước, do đó, không như những khu di sản khác, công tác quản lý phố cổ Hội An phải được tổ chức trên nhiều lĩnh vực; từ công tác quản lý xã hội, trật tự địa phương của một đơn vị hành chính cấp phường, đến công tác quản lý đô thị, kinh doanh của một khu du lịch, công tác quản lý, bảo tồn của một khu di sản. Vì lẽ đó, với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền Hội An, sự phối hợp đồng bộ của các ngành, công tác quản lý khu phố cổ đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giá trị của khu di sản được phát huy, kinh tế của người dân Hội An nói chung, khu phố cổ nói riêng trong những năm qua được cải thiện đáng kể.

Song song với các cơ chế chính sách quản lý phù hợp, chính quyền Hội An cũng đề cao công tác vận động tuyên truyền. Để người dân - những chủ nhân của di tích cùng với nhà nước giữ gìn di sản của tiền nhân, trong những năm qua, các cơ quan quản lý đã không ngừng tuyên truyền, vận động người dân tham gia giữ gìn di sản. Tùy từng lĩnh vực quản lý, các cơ quan chuyên môn đã tham mưu cho Thành phố tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người dân và cả du khách về giá trị di sản để qua đó, người dân hiểu biết hơn về giá trị khu phố cổ và góp sức giữ gìn. Công tác tuyên truyền trong học đường thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa của học sinh cũng được các trường học quan tâm. Đội ngũ Cộng tác viên bảo tồn di sản được thành lập tháng 6/2011 bao gồm các khối  trưởng, tổ trưởng dân phố trong khu di sản với sự điều hành trực tiếp của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa là một tổ chức đặc thù mà thông qua những cộng tác viên này, công tác quản lý, tuyên truyền vận động người dân bảo tồn di sản cũng được hiệu quả hơn, sâu sát hơn.

+ Về chính sách hỗ trợ trong công tác bảo tồn: Để tạo điều kiện cho người dân trong việc tu bổ các di tích, Hội An đã chủ trương chỉ đạo các ngành chuyên môn tổ chức khảo sát tình trạng các di tích, điều tra điều kiện, nhu cầu sửa chữa của các chủ di tích và có kế hoạch lập dự án tổng thể bảo tồn nhằm tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương, Tỉnh, hỗ trợ tối đa về mặt kinh phí cho các chủ di tích khi có nhu cầu sửa chữa. Tỉ lệ kinh phí hỗ trợ tùy thuộc vào giá trị, vị trí tọa lạc của di tích (kiệt hẻm hay mặt tiền đường chính) mà mức tỉ lệ hỗ trợ từ 40% - 75%. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ thường xuyên trong việc tu bổ hệ mái ngói âm dương của di tích cũng được Thành phố quan tâm. Hằng năm, hàng trăm di tích trong Khu phố cổ có nhu cầu tu bổ, trong đó hạng mục sửa chữa hệ mái ngói âm dương truyền thống chiếm một tỉ lệ kinh phí khá lớn trong tổng chi phí tu bổ một di tích. Chính vì vậy, việc hỗ trợ thường xuyên kịp thời về mặt kinh phí của chính quyền Hội An đã giúp cho người dân có được nguồn kinh phí đảm bảo để phục hồi lại hệ mái ngói truyền thống, hạn chế việc tự ý thay đổi chủng loại vật liệu hệ mái của di tích bằng các vật liệu hiện đại, góp phần bảo tồn nguyên vẹn giá trị di tích, đồng thời giữ gìn nguyên vẹn tổng thể cảnh quan khu phố cổ.

Vật liệu truyền thống trong tu bổ di tích cũng được chính quyền Hội An hết sức chú trọng. Các làng nghề truyền thống như mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà… được chính quyền quan tâm gìn giữ, tạo điều kiện phát huy. Các làng nghề truyền thống được giữ gìn không chỉ nhằm mục tiêu phát  triển dịch vụ du lịch cộng đồng mà còn là cơ sở sản xuất, nguồn cung cấp vật liệu truyền thống để phục vụ cho công tác tu bổ di tích tại địa phương.

+ Về công tác triển khai tu bổ: Với nguồn kinh phí thu được từ vé tham quan phố cổ, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, Tỉnh và các nguồn tài trợ khác, hằng năm, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hội An đã giao cho Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An triển khai tu bổ hàng chục di tích có giá trị. Công tác tu bổ được thực hiện một cách khoa học từ những công đoạn nghiên cứu chuẩn bị đầu tư cũng như trong suốt quá trình tu bổ với sự tham gia của nhiều ngành, nhiều chuyên gia trên các lĩnh vực kiến trúc, khảo cổ, lịch sử, đồng thời có sự tham gia của đại diện cộng đồng địa phương. Do vậy, di tích sau tu bổ không những đảm bảo về tính chân xác mà còn mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội.

Đối với di tích chưa có điều kiện kinh phí tu bổ hoặc xuống cấp  nhẹ, qua công tác khảo sát, điều tra, Trung tâm đã lập danh sách để có kế hoạch nhằm chủ động trong công tác quản lý, cụ thể là công tác phòng chống lụt bão, công tác chống đỡ nhằm hạn chế nguy cơ tiếp tục xuống cấp cho di tích. Công tác phòng chống bão lụt thời gian qua đã mang lại những hiệu quả thiết thực, hơn 60 di tích xuống cấp được kiểm tra, chống đỡ hằng năm đã đứng vững qua những đợt bão tại khu vực Hội An, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của người dân sống trong di tích.

Những thành quả đã đạt được trong thời gian qua trong công tác bảo tồn giá trị khu phố cổ Hội An là một sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền, của người dân Hội An trong công tác bảo tồn di sản. Kể từ khi được công nhận là di tích Quốc gia năm 1985, được công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1999 và được công nhận là di tích cấp Quốc gia đặc biệt năm 2009, công tác bảo tồn giá trị khu di sản luôn được chú trọng, mục tiêu bảo tồn Di sản Phố cổ, di sản của tiền nhân là trách nhiệm của cả xã hội, của chính quyền và nhân dân Hội An, là động lực phát triển du lịch bền vững, phát triển kinh tế của địa phương.
 
 

Tác giả: Võ Đăng Phong

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây