Tín ngưỡng thờ cúng cá Ông từ góc nhìn sinh thái, biểu trưng văn hóa, ý nghĩa nhân văn và bảo tồn

Chủ nhật - 18/10/2020 22:30
Cá Voi, trong dân gian vùng ven biển Việt Nam từ Bắc Trung bộ đến Nam bộ hầu hết đều quen gọi là cá Ông [1], ở đây với sự thể hiện lòng thành kính, tri ân, thân thuộc. Tín ngưỡng thờ cúng cá Voi (cá Ông) cũng là nét văn hóa đặc trưng của cư dân sinh sống gắn với biển, ở ven biển, một dạng thức thờ vật linh, vị thần hộ mạng, từ chỗ được nhân cách hóa đã được “thần thánh hóa” rồi “linh thiêng hóa” thành tín ngưỡng với nhiều hình thức, nghi thức, cách thức, lễ hội độc đáo. Hơn nữa, cá Voi với những đặc tính sinh thái của nó, không chỉ ngư dân ven biển Việt Nam tín ngưỡng mà được nhiều cộng đồng dân cư trên thế giới tín ngưỡng, với nhiều ý nghĩa biểu trưng văn hóa độc đáo từ ngàn xưa. Ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng cá Voi còn mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cần được bảo tồn cho mục tiêu phát triển kinh tế văn hóa bền vững.
​​​​​​​
Le cung cau ngu
 
Lễ cầu ngư, một bộ phận di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc trong tín ngưỡng thờ cúng cá Ông ở Hội An
 
Từ góc nhìn sinh thái: Cá Voi có tên tiếng anh là Whale và tên gọi khoa học của chúng là Cetacea. Hiện nay trên trái đất, người ta đã tìm thấy khoảng 90 loài cá Voi với kích thước và môi trường sống khác nhau, chúng được xếp vào dòng động vật có vú, nhưng do sống trong môi trường nước nên vẫn được gọi là cá. Theo nghiên cứu của các nhà cổ sinh - động vật học thì cá Voi là sự tiến hóa từ những loài động vật ăn thịt, có vú và sống ở trên cạn. Chúng đã bị tuyệt chủng từ khoảng 48 triệu năm về trước. Sau những lần biến đổi về địa chất chúng dần tiến hóa và chuyển xuống sống ở bên trong môi trường nước cách đây khoảng 5 - 10 triệu năm và chia thành 2 loại chính là cá Voi tấm sừng (Mysticeti - gồm cá Voi Xanh, cá Voi lưng gù, cá Voi lưng xám, cá Voi đầu cong...) và cá Voi có răng (Odontoceti - dòng này bao gồm cá nhà táng, cá Voi trắng và các loài cá heo). Đặc điểm chung của loài cá này là có thân hình tròn, phần đầu không linh hoạt, hai bên hông có phần vây được gọi là chân chèo, vây và đuôi rất lớn, cá Voi không có vành tai. Đầu của cá Voi tương đối phẳng và hộp sọ khá nhỏ, với chiếc mõm có cấu tạo thuôn dài. Phần cấu tạo não của cá Voi có tế bào thần kinh trục chính gần giống với của con người. Đôi mắt của cá Voi khá bé so với cơ thể của nó được đặt 2 bên của hộp sọ cùng phần mõm nhọn, khiến cho thị giác của chúng được tốt hơn, đặc biệt chúng có thể quan sát rất rõ những chuyển động từ 2 phía. Tuy nhiên thị giác của cá Voi tương đối kém so với các loài cá khác nhưng bù lại thính giác của chúng lại vô cùng tốt. Do sống ở dưới nước nên phần tai ngoài của cá Voi đã bi tiêu biến và chỉ còn lại một lỗ nhỏ, bù lại phần tai trong lại phát triển vô cùng nhạy bén. Chúng có thể giúp cá Voi nghe, cảm nhận từ những tần số âm thanh vô cùng nhỏ dù ở cách xa hàng chục dặm, và định vị được vị trí, khoảng cách, đồng thời còn sử dụng để liên lạc bầy đàn của chúng, với những đặc điểm này giúp cá Voi có thể săn mồi dễ dàng và chính xác. Cá Voi có kích thước cơ thể tương đối lớn, mà không phụ thuộc vào giống nòi của chúng. Có loài khi trưởng thành cân nặng chỉ khoảng 76kg, nhưng cũng có loài nặng đến 200 tấn, chiều dài cơ thể của chúng cũng dao động từ 1,7 đến 21m. Tuổi thọ của cá Voi tương đối cao, dao động trong khoảng 30 - 70 tuổi (cá Voi xanh có thể từ 80 - 110 tuổi). Khi cá thể cá Voi chết trong tự nhiên trên cạn, cơ thể của chúng sẽ phình to ra và có thể phát nổ. Là loài động vật có vú nên cá Voi cũng có hệ hô hấp giống như các loài động vật ở trên cạn. Nó lấy oxi bằng cách bơi lên gần mặt nước để nhả khí cacbonic và hít khí oxi trong không khí. Khi chúng nhảy xuống nước, phần mũi của chúng sẽ khép lại chỉ đến khi chúng nổi lên lấy oxi phần lỗ mũi này mới được mở ra và phun nước lên. Đây là đặc điểm cơ bản để phân biệt cá Voi với các loài cá khác. Về thức ăn, cá Voi có răng có thể ăn các loại cá lớn, mực và các loại động vật trên biển. Cá Voi tấm sừng hàm, ăn những loài động vật nhỏ như cá trích, cá mòi, cá vược và các loại động vật nhỏ dưới dáy biển như tôm, cua, nhuyễn thể - sinh vật phù du. Trung bình mỗi con cá Voi có thể tiêu thụ hơn 200kg thức ăn.  Cá Voi là một loài cá có hình thức sinh sản tương đối đặc biệt, cá cái từ 5 - 15 tuổi là có thể sinh sản. Quá trình cá đực và cá cái bắt đầu giao phối được thực hiện trong suốt mùa đông và mang thai kéo dài 10 - 12 tháng. Chúng đẻ con và nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong khoảng 6 tháng tuổi thì mới cai sữa.

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng, cá Voi là một loại cá lớn, thông minh, phản xạ nhanh, nhạy bén, giàu tình cảm và khả năng phán đoán, hành động của chúng đều rất cao và chính xác. Chúng có thể cảm nhận được cảm xúc của con người để cùng chia sẻ. Chúng có thể phân biệt đâu là con mồi chúng tấn công, đâu là con người không nên tấn công, vì vậy chúng không làm hại con người và tàu thuyền trên biển. Cũng chính vì vậy, cá Voi được con người nuôi, huấn luyện chúng thực hiện theo sự hướng dẫn của con người. Thậm chí có con bắt chước được giọng nói rất tốt.

Ý nghĩa - Biểu trưng văn hóa: Tìm hiểu tri thức dân gian về biển cho biết con người qua trải nghiệm, kiểm nghiệm thực tiễn đã biết đến những đặc tính của cá Voi nói chung từ rất sớm và đã đặt nó với nhiều ý nghĩa biểu trưng, tín ngưỡng đặc biệt. Ý nghĩa biểu trưng của cá voi phát xuất, vừa từ “Cửa Miệng của bóng tối”, vừa từ con cá. Ở Ấn Độ, thần Vishnu đã hóa thân thành cá dẫn hướng con tàu cứu sinh trong trận hồng thủy. Trong huyền thoại về nhà tiên tri Jonas, bản thân cá Voi là con tàu cứu sinh ấy; Jonas lọt vào bụng cá Voi, tức là bước vào một thời kỳ tối tăm quá độ giữa hai trạng thái hoặc hai phương thức tồn tại (Guénon). Jonas ở trong bụng cá Voi, đó là cái chết thụ pháp, Jonas ra khỏi bụng cá, đấy là sự phục sinh, sự ra đời lần thứ hai. Như truyền thuyết đạo Hồi đã cho thấy rất rõ chữ NUN, chữ cái thứ hai mươi chín trong bảng chữ cái Arập, cũng có nghĩa là cá, đặc biệt cá Voi. Trong học thuyết Kabbale, ý niệm về sự ra đời lần thứ hai, theo nghĩa tinh thần, gắn bó với chữ Nun này. Bản thân hình dạng của chữ cái này tượng trưng con tàu cứu sinh bồng bềnh trên mặt nước. Cá Voi cũng xuất hiện trong kinh Coran với ngụ ngôn về việc Moise mang theo mình một con cá đi du hành. Moise đã tìm đến được chỗ hợp lưu hai biển. Ở nơi hai biển giao hòa, ở điểm thống nhất những mâu thuẫn, con cá thoát khỏi tay Moise và trở về với môi trường của mình, để tái sinh cho cuộc sống mới. Theo truyền thuyết đạo Hồi: Trái đất khi mới được tạo ra, thì nổi lềnh bềnh trên nước. Thượng Đế đã phái một thiên thần xuống vác nó lên vai. Để thiên thần có chỗ đặt chân, Thượng Đế tạo ra một hòn núi đá xanh, đặt trên lưng và sừng một con bò đực có bốn mươi ngàn đầu và chân thì lại đặt trên một cá Voi khổng lồ. Con cá Voi này vĩ đại đến nỗi nếu tập hợp tất cả nước biển vào một lỗ mũi của nó, thì tất cả cũng chỉ như một hạt cải đen trên đất hoang mạc. Như vậy (theo truyền thuyết của đạo Hồi), trái đất nằm trên vai thiên thần, thiên thần đứng trên hòn núi đá, hòn núi đá đặt trên con bò đực, bò đực đứng trên cá Voi, cá Voi nằm trên nước, nước trên không khí và không khí trên bóng tối, và toàn bộ cấu trúc ấy phụ thuộc vào những cử động của cá Voi. Những cuộc động đất là do mỗi khi cá Voi bị quỷ thần cám dỗ đã cựa mình làm hất tung những thứ nó khiêng vác. Thượng Đế đã chế ngự bằng cách cử ngay tức khắc một con vật nhỏ chui qua lỗ mũi cá Voi, lọt vào tận óc của nó. Con cá khổng lồ rên xiết, van xin. Thượng Đế bảo con vật nhỏ đó đi ra, nhưng vẫn luôn túc trực ở bên cạnh đe dọa xâm nhập lại mỗi khi cá voi cử động. Cá Voi cũng đóng vai trò con vật dẫn hồn trong các nền văn hóa của thổ dân bờ biển Tây Canada, đặc biệt những mặt nạ nổi tiếng, có nhiều ngăn và di động, thể hiện mặt người ở bên trong một con cá Voi hay một con quái vật nào khác có cái miệng há ra, ngậm vào, hoặc Huyền thoại vùng Nam đảo - Á Châu về thần dạt vào từ biển tồn tại ở Nhật Bản...[2]. Ở Việt Nam, từ các truyền thuyết, tư liệu lịch sử có thể khẳng định tín ngưỡng thờ cá Voi cũng được hình thành rất sớm. Về truyền thuyết, từ thời cư dân Chàm, tín ngưỡng về thờ cá Voi đã gắn với câu chuyện liên quan đến vị thần Pô Riak có tên là Cha-Aih-va thường biến thành cá Voi để cứu nạn trên biển. Hay theo truyền thuyết của cư dân Việt ven biển miền Trung - cá Voi (Ông) vốn là hóa thân của những mảnh áo cà sa của Phật Bà Quan Âm quăng xuống biển để cứu vớt những sinh linh bị chìm đắm, cứu nạn những người trên biển. Nhưng phổ biến nhất là từ cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, đặc biệt sử gia triều Nguyễn khi viết về quãng đời bôn ba của vua Gia Long nhắc đến câu chuyện ông được cá Voi cứu sống trong một lần thuyền sắp bị đắm. Vì thế từ khi lên ngôi, vua Gia Long đến các vua triều Nguyễn sau này đều phong cá Voi/Ông tước hiệu/danh thần. Lúc ông Sanh - ở biển, là thần hộ mạng, được suy tôn là “Đông Hải Ngọc Lân thần”; lúc ông Tử (chết), đã hóa thân, được thờ phụng suy tôn là“Nam Hải Ngọc Lân thần”, đồng thời truyền dụ các làng chài lập lăng, dựng miếu thờ phụng. Khi cá Ông lụy (cá Voi chết) dạt vào bờ còn cấp tiền - “tuất” cho dân địa phương lo tang ma chu đáo, gồm các bước như người. Người đầu tiên gặp cá Ông chết, nghĩa là được Ông tín nhiệm, thì sẽ vinh hưởng làm trưởng nam, bịt khăn đỏ, để tang 100 ngày. Ngoài ra, còn cấp hương đèn; vải đỏ; cấp cho đất để chôn; có lăng để thờ. Hầu hết các làng - vạn ở vùng ven biển miền Trung - Việt Nam đều có lăng - miếu để thờ cá Ông gắn với nhiều lễ hội, sinh hoạt văn hóa dân gian, tập tục phong phú.

Điểm qua một số nơi, đạo phái trên thế giới và Việt Nam có thể nói, cá Voi cũng như một số con vật khác như cá sấu, voi, rùa,... là biểu tượng vật đỡ thế giới, là thành viên của vũ trụ với nhiều truyền thuyết, ý nghĩa biểu trưng văn hóa, thực hành nghi lễ, tín ngưỡng độc đáo.

Ý nghĩa nhân văn: Có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng cá Voi - loài cá voi tấm sừng ở Việt Nam (đúng hơn là ở miền Trung và Nam Bộ) là sản phẩm của quá trình thiêng hóa từ phương thức sinh tồn của cư dân ven biển và tư tưởng theo tinh thần Nho giáo - “thuận thiên” của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam - triều Nguyễn. Có thể, tri thức dân gian và kể cả tầng lớp vua quan triều đình xưa kia cũng chỉ dựa vào biểu hiện thực tiễn về tính năng, đặc điểm của cá Voi (loài cá voi tấm sừng), qua trải nghiệm, được kiểm nghiệm của bao thế hệ mà đã thiêng hóa - thần thánh hóa loài cá này, với khả năng hộ mạng và chỉ dẫn nhiều cá cho ngư dân. Thực tế ngày nay, kiến thức khoa học cho biết: cá Voi là động vật có vú, nuôi con bằng sữa, thở bằng phổi, thân hình giống con cá. Vì thở bằng phổi nên cá Voi thường trồi lên mặt biển để hít thở. Thời gian sống trên tầng nước động của cá Voi tới gần 70%. Ngoài những đặc tính đã nói ở trên, cá Voi có những đặc tính bản năng khá riêng biệt, đáng lưu ý đó là: Một, để tránh sóng khi biển động, cá Voi thường tìm những vật nổi trên mặt biển để dựa/nép vào rồi cùng với vật đó bơi vào bờ, nơi ít sóng gió; Hai, cá Voi tuy lớn xác nhưng lại chuyên ăn những sinh vật nhỏ trôi nổi gần bờ, mà phải ăn nhiều mới no, do đó nơi nào cá Voi xuất hiện nơi ấy ắt nhiều cá. Ba, cá Voi có hệ thần kinh, hệ hô hấp và thính giác đặc biệt khác hẳn với tất cả các loài cá trên biển. Ngay cả việc tổ chức mai táng cho cá Ông, khi Ông lụy/chết trôi dạt vào bờ ngoài ý nghĩa rất lớn về tín ngưỡng, tính nhân văn, còn liên quan đến việc xử lý môi trường, nếu không được đặt ra, giải quyết tích cực thì với trọng lượng, khối lượng to lớn của một con cá Ông, thâm chí có khả năng phát nổ, sau 3 ngày bị phân hủy sẽ là vấn nạn lớn về môi trường ở đây. Như vậy, là một loại cá “khổng lồ” trên biển, nhưng lại hiền hòa, không làm hại người, cùng với nhiều đặc tính bản năng riêng biệt, cá Voi vừa là người bạn thân thiết, gắn bó với ngư dân trên biển; đồng thời vừa là ân nhân, thần hộ mệnh, che chở cho ngư dân lúc ra khơi, cứu giúp họ khi gặp nguy nan trên biển và mang đến cho họ mùa cá bội thu. Chính vì thế, tín ngưỡng cá Ông thể hiện tính nhân văn sâu sắc, sự tôn kính, quý trọng, với truyền thống đạo hiếu “ăn quả nhớ người trồng cây”, thể hiện sự tri ân, khát vọng cuộc sống ấm no, thanh bình của cư dân ven biển, hơn nữa đó là cách sống hài hòa với môi trường thiên nhiên, biết đoàn kết chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ các sinh vật biển một cách tự nhiên, tự nguyện và hết sức đồng thuận trong cộng đồng, thể hiện thái độ nhân văn với môi trường thiên nhiên của ngư dân biển Việt Nam. Qua đó, làm cho cuộc sống của ngư dân thêm phần tự tin khi ra khơi bám biển, phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.

Về góc độ bảo tồn - thay lời kết:  Trong thời đại ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ nhiều bí ẩn đã được giải mã, nhiều phương tiện kỹ thuật đã được hiện đại hóa, số hóa... tất cả đã có tác động mạnh mẽ đến mọi hoạt động đi lại, khai thác, đánh bắt trên biển, cả về nhận thức của ngư dân, nên cần phải nhận thấy rằng các yếu tố cơ bản cấu thành niềm tin, tín ngưỡng, “thần thiêng hóa” ban đầu của ngư dân đã giảm bớt, thậm chí không còn. Mặt khác không gian thực hành nghi lễ tín ngưỡng như làng quê/làng chài ven biển, di tích lăng/miếu... đã bị phá vỡ hoặc không còn bởi tốc độ đô thị hóa, bởi các cơ sở hoạt động dịch vụ, du lịch ven biển. Nhưng chính những yếu tố giá trị văn hóa, nhân văn và môi trường đã đặt ra cho thế hệ chúng ta hôm nay nhiệm vụ khẩn thiết cần phải bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể về biển nói chung, về tín ngưỡng thờ cúng cá Ông nói riêng. Trước hết cần tập trung“tư liệu hóa” bằng nhiều phương thức (ghi chép, nghe, nhìn) gắn với công nghệ số, thông qua nghiên cứu chuyên sâu, đầy đủ về tín ngưỡng và thực hành tín ngưỡng cá Ông của cư dân ven biển, đồng thời tiến hành kiểm kê, nhận diện, công nhận di tích (giá trị vật thể, phi vật thể) để có cơ sở khoa học, cở sở pháp lý bảo tồn di tích lâu dài theo luật Di sản văn hóa Việt Nam; Cần khẩn trương có quy hoạch chi tiết, tổng thể nhằm bảo vệ, phát huy những giá trị văn hóa vật thể/ phi vật thể của di tích và không gian tín ngưỡng thờ cúng cá Voi, gắn với đời sống và hoạt động văn hóa, kinh tế truyền thống của cư dân ven biển - hành nghề trên biển, với ý nghĩa như “bảo tàng sống - bảo tàng nhân học - sinh thái”; Chủ động tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thúc về ý nghĩa nhân văn, giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng cư dân nhất là đối với lớp trẻ, chú ý phương thức qua chương trình“giáo dục di sản học đường/trong trường học”; Trong mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững, cần chú ý ưu tiên, kết hợp hài hòa giữa nhu cầu cuộc sống hiện đại của người dân, vừa thân thiện với môi trường, gắn mục tiêu bảo tồn với phát triển kinh tế văn hóa - du lịch đem lại lợi ích cho cộng đồng.
 
 * Tài liệu trích dẫn:

[1] Trên thực tế, tùy vào kích thước, đặc điểm khác nhau của cá Ông mà cư dân ven biển Hội An - Quảng Nam có những cách gọi khác nhau: cá Ông (cá voi lớn), cá Cậu (cá Voi nhỏ), cá Cô (cá Voi cái), ông Chuông (đầu tròn), ông Hố (đầu giống cá hố), Ông Bẻo (giống cá bẻo), Ông Kiềm (giống cá kiềm), ông Bành (mình tròn), ông Dựng (mình dài), ông Khơi (ở ngoài khơi), ông Lộng (ở gần bờ)...
 
[2] Dẫn theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới (2002), Nxb Đà Nẵng, tr.121-122.

Tác giả: Nguyễn Chí Trung

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây