Miếu Hy Hòa ở phường Minh An

Thứ tư - 09/12/2020 04:19
Miếu là loại hình chiếm số lượng đáng kể trong hệ thống công trình kiến trúc tín ngưỡng ở Hội An với nhiều quy mô, hình thức và đối tượng thờ tự khác nhau. Trong số đó, miếu thờ Ngũ Hành chiếm đa số, hầu như địa phương nào cũng xây miếu thờ Ngũ Hành. Trong khu vực I Khu phố cổ Hội An có 05 ngôi miếu thờ Ngũ Hành, đó là miếu Ngũ Hành tại số 56 Nguyễn Thị Minh Khai, 129b Phan Châu Trinh và khu vực phía sau Chùa Cầu (thuộc phường Cẩm Phô), miếu Ngũ Hành thượng tại số 124 Nguyễn Thái Học và miếu Hy Hòa tại số 06 đường Nguyễn Thái Học (thuộc phường Minh An).
Mieu Hy Hoa

Miếu Hy Hòa tọa lạc tại số 06 đường Nguyễn Thái Học (thuộc phường Minh An).

Trước đây, một số Hoa thương khi đến Hội An làm ăn, “không muốn hồi hương về mẫu quốc, hoặc hoàn cảnh làm ăn không thể về được nên họ tự nguyện ly hương để làm người bản địa, nên đồng tình xin được thành lập một xã riêng biệt người Việt gốc Hoa mà họ cũng không quên gốc nên xin xã hiệu là Minh Hương ... Họ lập thành các lân (xóm nhỏ dưới đơn vị hành chính xã) không chỉ ở Hội An mà rải khắp nơi trong tỉnh”[1]. Khi quy tụ về Hội An lập nghiệp, trong một lân có nhiều hộ dân sống gần nhau, cùng làm một hoặc vài nghề, dịch vụ chuyên biệt. Nhóm người này được gọi là cùng một phổ. Các phổ này đều lập ra các miếu thờ riêng của phổ mình với thần chủ khác nhau.

Miếu Hy Hòa còn có tên gọi khác là miếu Ngũ Hành, do người dân phổ Hy Hòa của xã Minh Hương xây dựng vào khoảng thế kỷ XIX[2] để thờ Ngũ Hành tiên nương, đồng thời làm trụ sở phổ Hy Hòa[3]. “Người dân phổ này chuyên làm lịch và hàng mã[4]. Một thời gian sau, do không còn ai chăm nom hương khói cũng như không có điều kiện tu bổ, bảo quản nên phổ cúng lại cho Minh Hương xã quản lý. Do nhiều yếu tố tác động và trải qua thời gian dài sử dụng, ngôi miếu đã xuống cấp nghiêm trọng, sụp đổ toàn bộ phần trước, chỉ còn lại cổng vào và khu vực thờ tự (phần hậu tẩm). Sau ngôi miếu còn có sân trong và nhà sau với khung gỗ trính chồng trụ đội được chạm trổ rất đẹp, đây là chi tiết kiến trúc nguyên gốc hiếm hoi còn lại của di tích. Từ nguồn vốn tài trợ của Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ, vào tháng 3/2005, di tích đã được phục dựng theo hình thức kiến trúc cũ. Nếp nhà sau được tu bổ vào năm 2019, lợp lại bằng ngói âm dương. Sau lần tu bổ này, hình thức kiến trúc ngôi miếu giữ ổn định cho đến ngày nay.  

Miếu Hy Hòa có mặt tiền xoay hướng Nam (hướng ra sông Hoài), tổng thể di tích gồm có cổng ngõ, sân trước, ngôi miếu, sân trong và nhà sau. Tương tự như ở các công trình tín ngưỡng khác, để tạo sự tôn kính, uy nghiêm, toàn bộ các khối công trình được bố cục đăng đối.

Cổng vào có ba lối theo kiểu thức tam quan, có 4 trụ biểu chia thành ba lối đi. Phía trên nối liền bốn trụ biểu là xà cách điệu làm trán cổng, bên trên không có mái che. Cổng được trang trí bằng thủ pháp tô trát vữa, cẩn mảnh chén, đĩa sứ rất đẹp. Phía trên lối vào chính giữa đắp nổi hình cuốn thư, cẩn ba chữ: 五 行 門 (Ngũ Hành môn)[5], hai bên cuốn thư trang trí chùm nho. Trên đỉnh đắp cẩn hình dơi, tư thế đầu chúi xuống, cánh dang rộng ra hai bên, liên kết với hai đầu trụ biểu. Phía trên lối vào bên trái trang trí hình quả phật thủ và hai chữ: 東 成 (Đông thành); lối vào bên phải trang trí hình quả đào và hai chữ: 西 就 (Tây tựu); trên đỉnh đắp cẩn hình hai con dơi cách điệu (cánh đan vào nhau) và hoa văn gãy khúc. Ngoài ra, trên thân trụ biểu còn có các câu đối, cụ thể:

+ Hai trụ biểu chính giữa: 勝 景 楼 臺 千 古 秀 \ 太 平 水 月 萬 年 春 (Thắng cảnh lâu đài thiên cổ tú\ Thái bình thủy nguyệt vạn niên xuân).

+ Hai trụ biểu hai bên: 神 人 所 舍 依 南 北 \ 仙 女 攸 居 冠 古 今 (Thần nhân sở xá y Nam Bắc\ Tiên nữ du cư quan cổ kim).
Qua khoảng sân trước khá rộng là đến ngôi miếu. Miếu có kiểu thức nhà 3 gian, diện tích khá lớn nhưng chỉ có một nếp mái, kết cấu: hệ khung gỗ chịu lực, nền lát gạch đất nung (ở tiền đình), mái lợp ngói âm dương. Nhìn chung, hệ khung gỗ có hình thức đơn giản, ít chi tiết chạm khắc. Bờ nóc chia ô hộc đắp cẩn các vật trong bát bửu, hoa dây, bên trên trang trí đồ án “lưỡng long tranh châu”.

Tường mặt tiền miếu xây trụ gạch tạo ba lối vào hình vòm. Hai bên có vách gỗ gắn cố định, hình thức trang trí giống nhau, ở giữa là bộ cửa hai cánh thượng song hạ bản được sơn phết nhiều màu sắc sặc sỡ, đẹp mắt với 4 màu chủ đạo: đỏ, trắng, vàng và xanh ngọc. Ở mặt trước thân hai trụ chính giữa có cặp câu đối: 顯 赫 英 灵 真 神 女 \ 昭 彰 德 化 是 仙 娘 (Hiển hách anh linh chân thần nữ\ Chiêu chương đức hóa thị tiên nương).

Nội thất ngôi miếu được chia thành hai không gian chức năng chính là tiền đình và hậu tẩm. Hai bên có bộ cửa hai cánh thượng song hạ bản được chạm trổ rất đẹp, mở ra hành lang để đi ra khu vực sau miếu. Hậu tẩm nằm gọn ở phía sau gian giữa. Trước hậu tẩm có lắp bộ cửa gỗ 4 cánh theo kiểu thượng song hạ bản, là bộ cửa nguyên gốc. Trên cửa có chạm nổi hình thú vật và hoa văn mây lá: một bức chạm hình hai con hạc và mây hoa, một bức chạm hình con nghê cưỡi trên lưng là hộp bút của “Bát bửu”, một bức chạm hình rồng uốn lượn trong mây, một bức chạm hình hổ và cây.

Về thờ tự: hậu tẩm có một bàn thờ chính và hai bàn thờ hai bên tạo hình chữ U. Bàn thờ chính có quần bàn sơn đỏ, kẻ chữ: 禄 (Lộc) màu vàng. Trên bàn thờ có khám thờ gỗ được sơn son, chạm trổ nhiều đồ án cát tường. Mặt khám thờ sơn màu trắng, chính giữa có vòng tròn lớn, xung quanh là mây ngũ sắc[6]. Trán khám thờ có các chữ: 萬 古 英 靈 (Vạn cổ anh linh). Cặp câu đối hai bên thân khám thờ có nội dung: 巍 峩 棟 宇 今 而 始 \ 赫 濯 聲 靈 古 以 來 (Nguy nga đống vũ kim nhi thủy\ Hách trạc thanh linh cổ dĩ lai). Trên bệ khám thờ đặt hàng tượng 5 bà Ngũ Hành, phía sau là tượng bà Thiên Y A Na với kích thước lớn hơn và có các bài vị sau ở hai bên. Được biết, các bức tượng và bài vị là hiện vật gốc của di tích còn lưu giữ được. Nội dung các bài vị như sau:

金 徳 仙 娘 聖 女 神 位 - Kim đức Tiên nương Thánh nữ thần vị

木 徳 仙 娘 聖 女 神 位 - Mộc đức Tiên nương Thánh nữ thần vị

水 徳 仙 娘 聖 女 神 位 - Thủy đức Tiên nương Thánh nữ thần vị

火 徳 仙 娘 聖 女 神 位 - Hỏa đức Tiên nương Thánh nữ thần vị

土 徳 仙 娘 聖 女 神 位 - Thổ đức Tiên nương Thánh nữ thần vị

Và bài vị: 明 天 依 阿 娜 主 玉 聖 女 神 位 (Minh Thiên Y A Na chúa Ngọc Thánh nữ thần vị).

Bên cạnh các bài vị trên còn phối thờ thêm hai bài vị:

奉 為 亡 祖 姑 穎 川 郡 陳 氏 之 神 位 (Phụng vị vong tổ cô Dĩnh Xuyên quận Trần thị chi thần vị).

奉 為 亡 祖 姑 蔡 氏 紅 娘令女 神 位 (Phụng vị vong tổ cô Thái Thị Hồng Nương lệnh nữ thần vị).

Bàn thờ hai bên có hình thức giống nhau, quần bàn sơn đỏ, kẻ chữ: 壽 (Thọ) màu vàng. Bàn thờ bên trái thờ Bà Chúa tiên, bàn thờ bên phải thờ âm linh, chiến sĩ trận vong.

Không gian nội thất miếu còn được tô điểm bằng các hoành phi, liễn đối.

+ Bức hoành ở phía trước tại hàng cột nhất tiền: 祥 雲 五 色 (Tường vân ngũ sắc).

+ Bức hoành treo phía trên tường ngăn hậu tẩm: 萬 古 英 靈 (Vạn cổ anh linh).

+ Câu đối ở hàng cột nhất tiền: 德 大 安 民 千 古 盛 \ 功 高 護 國 萬 年 長 (Đức đại an dân thiên cổ thịnh\ Công cao hộ quốc vạn niên trường).

+ Câu đối ở hàng cột nhất hậu: 五 色 雲 祥 緣 聖 座 \ 千 秋 恩 霧 覆 民 靈 (Ngũ sắc vân tường duyên thánh tọa\ Thiên thu ân vụ phúc dân linh).

Giữa ngôi miếu và nhà sau là sân trong lát đá thanh. Góc phải sân có giếng nước cổ đã có từ lâu đời. Giếng tròn, được cấu tạo theo kiểu rất đặc biệt, gồm nhiều lớp gạch chồng lên nhau, mỗi lớp gạch được tạo thành từ ba viên gạch đất nung dày, hình cung tròn cỡ lớn, liên kết bằng vữa. Kiểu giếng này rất khác biệt so với các giếng cổ khác ở Hội An. Phần miệng giếng xây gạch thẻ mới được làm lại trong lần tu bổ năm 2019.

Nhà sau có kiểu thức nhà 3 gian, kết cấu: tường bao xây gạch, hệ khung gỗ chịu lực, nền lát gạch đất nung, mái lợp ngói âm dương kiểu bình ngõa. Bờ chảy giật cấp, uốn cong nhẹ, không có con giống trang trí. Cột tiết diện hình chữ nhật, chân cột có đá tán. Hệ vì kèo kiểu trính chồng trụ đội, đặc biệt các thanh trính ở lòng nhất được chạm trổ đường nét mềm mại, tinh xảo. Mặt tiền và bên trong nhà không có vách ngăn, không trang trí hoành phi liễn đối.

Về sinh hoạt tín ngưỡng, tại miếu có 2 ngày lễ tế chính trong năm, đó là ngày 21/2 âm lịch (cúng mặn) và ngày 14/7 âm lịch (cúng chay). Các ngày lễ tết, mồng một, rằm hàng tháng, các bàn thờ đều được chăm nom hương khói rất trang nghiêm. Ngoài ra, do miếu nằm khu vực trung tâm phố cổ, gần sát chợ Hội An nên có nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm di tích này. Các hộ tiểu thương ở chợ hằng ngày cũng thường ghé thắp hương, khấn vái, cầu bình an và mua may bán đắt. 

Miếu Hy Hòa là một trong những công trình tín ngưỡng thờ Ngũ Hành được xây dựng từ lâu đời, trải qua thời gian dài cùng những biến động lịch sử, ngôi miếu đã bị hư hại nhưng đến nay đã được tu bổ, bảo lưu các giá trị vật thể, phi vật thể liên quan đến đời sống tín ngưỡng của người dân địa phương, góp phần làm đa dạng các loại hình kiến trúc trong Khu phố cổ.
 
* Tài liệu trích dẫn và chú thích:
 
[1] Trung tâm QLBT DSVH (2017), Di cảo Châu Ái Nguyễn Bội Liên, Nxb Đà Nẵng, trang 53.
 
[2] Hiện chúng tôi chưa thu thập được tư liệu giúp xác định niên đại xây dựng ngôi miếu. Niên đại nêu trên dẫn theo công văn số 44/… ngày 10/8/1991 của Ban QLDT Hội An phúc đáp về việc chủ sở hữu di tích số 06 Nguyễn Thái Học.  
 
[3] Theo tư liệu Quảng Nam – Minh Hương Tam bảo vụ lập năm 1972.
 
[4] Theo https://soncuongde.blogspot.com/search?q=miếu+hy+hòa
 
[5] Ký tự chữ Hán, phiên âm do Lê Thị Lưu – Chuyên viên Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản thực hiện.  
 
[6] Trước đó, các ván gỗ mặt khám thờ bị mục nát, chỉ có một màu xám đen. Sau khi ngôi miếu được tu bổ, khám thờ được tô vẽ lại đồ án theo nội dung bức hoành được treo ở phía trước: “Sắc ngũ vân tường”.

Tác giả: Trần Thanh Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây