250 năm Phong trào Tây Sơn (1771 - 2021) nhìn từ Hội An

Thứ ba - 26/01/2021 22:07
Phong trào Tây Sơn và những sự kiện lịch sử liên quan đến phong trào này đã truyền nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho giới sử học và những người quan tâm đến lịch sử nước nhà. Mặc dầu chỉ tồn tại trong vòng 30 năm (1771 - 1801) nhưng do tính chất đặc biệt, khác thường của cuộc nổi dậy, do sự khan hiếm của các nguồn sử liệu liên quan cũng như do những cách tiếp cận khác nhau về phương pháp và quan điểm chính trị đã làm tốn biết bao giấy mực của giới chuyên môn trong nước và quốc tế. Tuy vậy cho đến nay các lời giải đáp về những khía cạnh khác nhau liên quan đến phong trào Tây Sơn vẫn chưa làm thỏa mãn sự mong muốn của đông đảo công chúng.
      Nổi dậy ở quê hương Tây Sơn, Bình Định nhưng vùng thủ phủ Quảng Nam ở Thăng Điện với phố cảng Hội An lại là địa bàn chiến lược, trọng yếu, quyết định tương quan lực lượng trong cán cân quân sự và chính trị giữa nhà Tây Sơn với chúa Nguyễn, chúa Trịnh. Nhiều trận đánh quan trọng đã diễn ra ở Cẩm Sa, Câu Đê, Bến Ván, phố Hội An, cửa Đại Chiêm và dường như bên nào nắm được yết hầu Quảng Nam sẽ là bên làm chủ và khống chế cả Nam Hà, Đàng Trong. Quảng Nam, Hội An cũng là nơi thực thi, triển khai nhiều chính sách mới của nhà Tây Sơn từ Thái Đức cho đến Quang Trung, Cảnh Thịnh. Do vậy tìm hiểu về phong trào Tây Sơn ở Hội An, Quảng Nam sẽ góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lịch sử chung của phong trào này mà do nhiều nguyên nhân cho đến nay vẫn còn bỏ ngõ.
      Mối quan tâm trước tiên là phong trào Tây Sơn lan đến Hội An và các vùng xung quanh Thăng Hoa, Điện Bàn vào thời điểm nào kể từ năm nổi dậy 1771. Lịch sử ghi nhận rằng: “Tháng 6, năm Cảnh Hưng 34 (1773), Nguyễn Nhạc ở Tây Sơn giữ thành Quy Nhơn làm loạn, tự xưng Tây Sơn vương. Quân Thuận Hóa nghe tiếng đã chạy tan. Từ đèo Hải Vân trở về Nam đều bị Nguyễn Nhạc chiếm cứ[1]. Theo tư liệu này thì vào giữa năm 1773 quân Tây Sơn đã có mặt ở xứ Quảng Nam, trong đó có Hội An. Đặc biệt trong cuộc tiến đánh Đàng Trong năm 1774 của quân Trịnh do Hoàng Ngũ Phúc cầm đầu, tư liệu cho biết vào tháng tư năm Cảnh Hưng 36 (1775): “thủ lĩnh Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc đóng quân ở phố Hội An, nghe quân Bắc đến, lập tức cùng Tập Đình hầu đem hết quân đến sông Cẩm Lệ chống giữ[2]. Như vậy, ngay trong giai đoạn tranh chấp giữa các thế lực phong kiến Trịnh, Nguyễn và lực lượng nổi dậy Tây Sơn thì Hội An từng là nơi đóng quân của lực lượng nổi dậy.
      Quân Tây Sơn sau đó đã thua lớn ở trận Cẩm Sa và quân Trịnh của Hoàng Ngũ Phúc đã tiến vào Hội An, Quảng Nam ngày 22 tháng 4 năm Cảnh Hưng 36 (1775)[3]. Bằng chứng của sự kiện này may mắn vẫn được lưu giữ tại Quan Công miếu (chùa Ông). Đó là các bài tán, thơ của Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Lệnh Tân, Uông Sĩ Dư những quan lại cao cấp của Đàng Ngoài viết về Quan Công miếu khi hành quân vào Hội An đã được khắc vào biển gỗ treo trước chánh điện miếu, nay vẫn còn.
      Tuy là một địa bàn quan trọng nhưng ngoài một số ngôi mộ của các nhân vật có liên quan đến nhà Tây Sơn cho đến nay các di tích, dấu tích vật thể khác vẫn chưa được phát hiện tại Hội An và có lẽ chúng đã bị xóa sổ hoàn toàn bởi kẻ chiến thắng. Trong các ngôi mộ này đáng kể có mộ Đô Ty Tả Trị hầu Trần Công Trị nằm trong khu mộ thứ phi và các tướng Tây Sơn tại Rừng Rẫy, Cẩm Thanh và mộ Đại Đô đốc vệ Thị Lân đạo Hữu Bật tặng phong là Đặc tiến Phụ quốc Thượng Tướng quân Phó Thống lãnh Nguyễn Đức Lễ ở Cẩm Hà[4]. Đây là những võ quan cấp cao, trong đó nhân vật đầu được xác định bởi chức Đô Ty của triều Tây Sơn và những truyền khẩu về một thứ phi của Quang Trung ở Thanh Châu (Cẩm Thanh); nhân vật sau được xác định bởi chức vụ, phiên hiệu quân đội gắn với nhà Tây Sơn.
 
quan trung
  Khu mộ Thứ phi vua Quang Trung - Cẩm Thanh   Ảnh: Phòng Tư liệu - Thông tin Di sản
 
         Khi các di tích vật thể liên quan đến phong trào Tây Sơn còn lại rất hiếm hoi thì may mắn là một loại tư liệu minh chứng cho sự tác động của phong trào này ở Hội An, Quảng Nam vẫn được bảo lưu ít nhiều trong dân gian. Đó là các loại giấy tờ kê khai đất đai, dân số, các loại văn bản hành chính, các tờ trình bẩm thời Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh. Trong tình hình khan hiếm sử liệu chính thống về nhà Tây Sơn thì loại tư liệu này trở nên quý giá và cần thiết để qua đó có thể phác thảo phần nào quy mô, ảnh hưởng của phong trào Tây Sơn ở Hội An nói riêng, xứ Quảng nói chung. Minh chứng cho sự có mặt của phong trào Tây Sơn cũng như các chính sách mà nhà Tây Sơn đã thực hiện ở Hội An, Quảng Nam có thể dẫn ra trước hết là các bản kê khai đất đai của các làng xã Minh Hương, Hội An, Cẩm Phô,… có niên hiệu Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh. Đáng chú ý là các bản có niên hiệu Thái Đức 11, 12 (1788, 1789) còn được giữ khá nhiều trong hồ sơ đất đai của các gia đình, dòng họ. Một điều lạ là các văn bản này không đóng dấu của triều đình Trung ương hoặc dinh trấn Quảng Nam mà chỉ có dấu Phụ Chính (輔 政). Có thể đây là dấu của Nguyễn Huệ khi được phong làm Phụ Chính theo tư liệu: “Tháng 2 năm Bính Thân (1776) “Nhạc cho làm cung điện, lấy chỗ này (Chà Bàn) làm kinh đô rồi đúc ấn vàng xưng là Tây Sơn vương. Nhạc lại phong cho Lữ làm Thiếu Phó, Huệ là Phụ Chính, cắt đặt chức quyền và ban thưởng các tướng tá[5].
          Về tác động của phong trào Tây Sơn đối với phố Hội An, qua các giấy tờ lưu giữ của xã Minh Hương sơ bộ chúng tôi thống kê được 30 văn bản thời Tây Sơn. Chúng bao gồm các tờ Chỉ, Truyền, Ký, Thư của các quan chức Tây Sơn (12 văn bản) và các tờ Thân của xã Minh Hương trình bẩm chính quyền Tây Sơn (18 văn bản)[6]. Niên đại của các văn bản này từ 1776 đến 1890. Đây là các văn bản gốc có đóng dấu của chính quyền và có các lời phê ở các tờ Thân. Văn bản sớm nhất đề ngày 6 tháng 6 năm Cảnh Hưng 37 (1776) là tờ Thân của hương chức xã Minh Hương xin miễn thu đồ thờ tự ở các chùa miếu. Tờ Thân có lời phê: “Các đạo không được thu đồ thờ tự ở các chùa miếu” và dấu của quan Tây Sơn Công bộ trấn thủ dinh Quảng Nam và quan Khâm sai Nguyễn hầu hành sự. Văn bản này cho thấy sự có mặt khá sớm của bộ máy chính quyền Tây Sơn ở Quảng Nam nói chung, Hội An nói riêng. Trong 30 văn bản này, ngoài các nội dung về sai phái công vụ, đôn đốc tu bộ, cho miễn sưu dịch, thuế má theo lệ cũ,… còn có 4 văn bản điều chỉnh các hoạt động ngoại thương ở phố Hội An như cấm bán gạo cao giá, khai báo thương khách,… trong đó có một chỉ cấm các quan lại nội phủ, các ông, các bà, các quý cha không được nhận quà cáp của thương thuyền tại các bến cảng ở Quảng Nghĩa, Thăng Điện; 3 văn bản của quan Công bộ Đốc lý chiến tàu Tây Sơn về huy động thợ đóng tàu chiến và đề nghị miễn phu phen cho những thợ làm sưu dịch tàu chiến trở về, 1 văn bản truyền thành tâm cầu mưa chống hạn của Trấn thủ và Tuần phủ Quảng Nam lời lẽ rất tha thiết, trách nhiệm. Qua các văn bản này ta thấy Tây Sơn đã có những chính sách tích cực nhằm duy trì các hoạt động ở phố Hội An, ổn định đời sống của nhân dân địa phương chứ không “tàn phá Hội An thành bình địa” như một số tư liệu ghi chép.
          Về sự tham gia của các cá nhân tại Hội An, tư liệu gia phả, bia mộ, truyền khẩu và một số văn bản cho biết có nhiều người địa phương tham gia và giữ những chức vụ quan trọng của bộ máy chính quyền Tây Sơn. Gia phả tộc Trần (Thanh Châu); tộc Nguyễn (Cẩm Hà); tộc Nguyễn (Trường Lệ); tộc Thái, Lý (Minh Hương) đã ghi lại tên họ, chức vụ của một số cá nhân tộc mình tham gia chính quyền Tây Sơn. Trong bản kê khai dân đinh của xã Minh Hương năm Thái Đức 11 (1788) cho biết xã có 5 vị quan làm việc cho Tây Sơn gồm: 1/ Thuộc nội Công bộ Đốc lý chiến tàu Mỹ Thiện hầu Lý Mỹ; 2/ Thuộc nội Cai bộ Tri tàu vụ Lộc Tiến hầu Hứa Hiến Thụy; 3/ Thuộc nội Cai cơ Thuần Miên hầu Trương Thuần Đức; 4/ Thuộc nội Khâm sai Cai đội Tri Lễ hầu Thái Tri Lễ; 5/ Thuộc nội Cai phủ tàu Tại Đức bá Trương Kỉnh Tại[7]. Rất tiếc những bản khai tương tự của các làng xã khác ở Hội An đã không còn để có thể hình dung về sự tham gia hưởng ứng của người dân địa phương đối với phong trào Tây Sơn.
          Đã 250 năm trôi qua kể từ ngày Tây Sơn nổi dậy (1771 - 2021) nhưng như đã nói, nhiều vấn đề liên quan đến sự kiện lịch sử này cũng như quá trình tồn tại của nhà Tây Sơn cho đến nay vẫn chưa được làm rõ. Trong sự thiếu hụt các nguồn sử liệu chính thống thì một hướng nghiên cứu là cần tập trung sưu tầm, tìm hiểu các tư liệu Tây Sơn còn sót lại đâu đó ở các xóm thôn, làng xã, liên kết các tư liệu này lại để kết hợp với các tư liệu đã có nhằm dựng lại một bức tranh tương đối chân xác về phong trào Tây Sơn.
 

[1] Đại Việt sử ký tục biên; Ngô Thế Long, Nguyễn Kim Hưng dịch, NXB Hồng Bàng, 2012, tr.349.
[2], 3 Đại việt sử ký tục biên, sđd, tr.384, 385.
 
[4] Bia mộ này bị lấp giấu sau một tấm bia mới làm. Bia cũ bên trong bị vỡ nhiều mảnh ở phần trán, lòng bia ghi: “(Mất một số chữ)… Bật đạo Thị Lân vệ Đại Đô đốc tặng phong Đặc tiến Phụ quốc Thượng Tướng quân Phó Thống lãnh Nguyễn quý công mộ”.
[5] Việt sử tân biên; Phạm Văn Sơn, Sài Gòn xb 1959, Tr.337.
[6] Các văn bản này hiện lưu giữ tại Trung tâm QLBT DSVH Hội An.
[7] Các văn bản này hiện lưu giữ tại Trung tâm QLBT DSVH Hội An.

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây