Vùng đất Quảng Nam qua một số ấn triện

Thứ ba - 23/02/2021 22:33
Một dấu ấn lịch sử quan trọng trong hành trình mở cõi về phương Nam của nhà nước Đại Việt là sự kiện vua Lê Thánh Tông thành lập đạo thừa tuyên Quảng Nam vào năm 1471, đạo thừa tuyên thứ 13 của nước ta. Từ đó đến nay đã trải qua chặng đường đúng 550 năm (1471 - 2021).
Năm trăm năm mươi năm với biết bao biến cố, đổi thay diễn ra trên mảnh đất Quảng Nam. Đạo thừa tuyên Quảng Nam ban đầu vào đến Phú Yên và về sau có nhiều thay đổi về địa giới và tên gọi đơn vị hành chính. Sự thay đổi này được Quốc sử quán triều Nguyễn khái quát khá kỹ trong Đại Nam nhất thống chí, bản Tự Đức: “Năm Hồng Đức thứ 1 (1470) Lê Thánh Tông thân đi đánh thắng Chiêm Thành, mở rộng đất đai đến núi Đá Bia, đặt thừa tuyên Quảng Nam (1471), đặt 3 ty để cai trị, lãnh 3 phủ, 9 huyện (phủ Thăng Hoa lãnh 3 huyện Lê Giang, Hy Giang, Hà Đông; phủ Tư Nghĩa lãnh 3 huyện là Nghĩa Giang, Bình Sơn, Mộ Hoa; phủ Hoài Nhân lãnh 3 huyện là Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn). Bản triều Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế năm Nhâm Dần thứ 45 Lê Hoàng Định năm thứ 3 (1602) đặt dinh Quảng Nam, đặt trấn thủ, cai bạ và ký lục, ba phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhân vẫn lệ thuộc vào dinh này; 3 năm sau lại đem huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong thuộc Thuận Hóa thăng làm phủ lãnh 5 huyện (Tân Phúc, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, Phú Châu) đổi lệ vào dinh Quảng Nam. Cuộc binh biến năm Giáp Ngọ ngụy Tây trộm chiếm đất này gần 30 năm. Thế tổ Cao hoàng đế ta năm Tân Dậu thứ 22 (1801) đánh lấy lại đất cũ, mới lấy đất 2 phủ Thăng Hoa và Điện Bàn đặt làm dinh Quảng Nam, đặt lưu thủ, cai bạ và ký lục để cai trị, năm Gia Long thứ 5 định làm trực lệ Quảng Nam định lệ vào kinh sư, năm Minh Mạng thứ 8 (1827) đổi làm trấn bỏ 2 chữ “trực lệ”, đặt các chức trấn thủ, hiệp trấn, tham hiệp; năm thứ 13 (1832) chia đặt địa hạt các tỉnh, gọi là tỉnh Quảng Nam, thống hạt tỉnh Quảng Ngãi, đặt chức Nam Ngãi tuần phủ, lại đặt 2 ti Bố chánh sứ và Án sát sứ tỉnh Quảng Nam, năm thứ 15 (1834) gọi là tỉnh Nam Trực, năm thứ 17 đặt thêm huyện Quế Sơn cho lệ vào phủ Thăng Bình, năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) bỏ chức Nam Ngãi tuần phủ đặt chức Nam Ngãi tổng đốc, năm Tự Đức thứ 5 (1852) bỏ tri huyện Quế Sơn do phủ Thăng Bình kiêm nhiếp. Tỉnh vẫn lãnh 2 phủ, 6 huyện (phủ Điện Bàn gồm 3 huyện Diên Phước, Hòa Vang, Duy Xuyên; phủ Thăng Bình gồm 3 huyện Lễ Dương, Hà Đông, Quế Sơn)[1]. Như vậy, vào thời Tự Đức địa giới tỉnh Quảng Nam có phạm vi tương tự hiện nay, trong đó Cửa Hàn, Đà Nẵng thuộc huyện Hòa Vang. Năm 1962 chính quyền Sài Gòn cắt đất từ phía Nam sông Rù Rì trở vào đặt thêm tỉnh Quảng Tín. Sau năm 1975, chính quyền Cách mạng lập tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng bao gồm Quảng Nam, Quảng Tín, Đà Nẵng. Đến năm 1997 tách Quảng Nam ra khỏi Đà Nẵng lập thành một tỉnh riêng cho đến nay.
Về địa thế, Quảng Nam là vùng đất yết hầu của Thuận Quảng, là địa bàn chiến lược về địa - chính trị - quân sự ở miền Trung và Đàng Trong. Trong các cuộc chiến tranh nội bộ thời phong kiến, lực lượng nào lấy được Quảng Nam sẽ làm chủ tình thế ở Đàng Trong, Nam Hà. Vị trí chiến lược này được Quốc sử quán triều Nguyễn mô tả: “Địa hạt tỉnh, phía Đông có biển bao vòng, phía Tây có núi che chở, phía Nam liền tỉnh Quảng Ngãi, rừng Trì Bình giới hạn cõi bờ, phía Bắc hướng về kinh đô, cửa Hải Vân chẹn chỗ xung yếu; núi cao có núi Tào (hòn Tàu), núi Ấn, núi Chủ (núi Chúa), núi Ngũ Hành, sông lớn thì có sông Chợ Củi (Sài Thị), sông Cẩm Lệ và sông Bến Ván (Bản Tân); ải sông hiểm trở, lao đảo xây quanh, đồng nội rộng bằng, dân cư đông đúc. Đặt hiểm thì phía Tây Nam có các bảo Bảo Định và An Sơn khống chế giặc Man mà dẹp yên biên cảnh; phía Đông Bắc có các thành An Hải và Điện Hải ngăn cản giặc Tây mà giữ vững mặt biển. Cửa biển Đại Chiêm thuyền bè sum họp, chợ phố Hội An hàng hóa nhóm đầy thực là nơi đô hội mà là một tỉnh lớn trong khu Nam Trực vậy[2].
Về sự giàu có của Quảng Nam, trước đó vào thế kỷ 18, học giả Lê Qúy Đôn đã viết một câu rất ấn tượng trong Phủ biên tạp lục: “Thuận Hóa không có nhiều của cải, điều lấy ở Quảng Nam vì xứ Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ…[3]. Và như chúng ta đã biết, vào thời hoàng kim khi Quảng Nam mở cửa tích cực giao lưu, hội nhập với bên ngoài vào các thế kỷ 17 - 18 nơi đây còn được gọi với tên là Quảng Nam quốc, nước Quảng Nam.
Quá trình sưu tầm tư liệu Hán Nôm chúng tôi đã tìm thấy một số tư liệu về dấu ấn triện Quảng Nam qua các triều đại phong kiến từ thời Lê đến thời Nguyễn. Đây là nguồn tư liệu có giá trị để tìm hiểu về vùng đất và danh xưng Quảng Nam qua các thời kỳ.
1. Thời Lê
Tư liệu ấn triện về Quảng Nam thời Lê còn lại rất hiếm hoi để có thể tìm hiểu những vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy chính quyền lúc bấy giờ tại vùng đất mới. Rất may mắn là vào năm 1988 tại thôn Phú Bình, xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Nghĩa Bình (nay thuộc Quảng Ngãi) đã tìm thấy một dấu ấn bằng đồng về thừa tuyên Quảng Nam. Năm đúc ấn là Hồng Đức thứ 2 (1471). Mặt ấn khắc 12 chữ triện xếp thành 3 hàng từ phải qua trái: Quảng Nam đẳng xứ Tán trị thừa tuyên sứ ty chi ấn. Đây là dấu ấn sớm nhất của cơ quan quản lý thừa tuyên Quảng Nam thời Lê sơ được đúc cùng thời điểm thành lập thừa tuyên này. Tư liệu cho biết thời Lê sơ “Bộ máy chính quyền mỗi đạo thừa tuyên gồm 3 ty: Đô tổng binh sứ ty (Phụ trách quân sự), Thừa tuyên ty (Phụ trách việc dân sự), Hiến sát ty (Phụ trách các việc thanh tra, giám sát)[4]. Đây có thể là con dấu thừa tuyên ty Quảng Nam thời Hồng Đức.
 
hinh an 1
Ấn Quảng Nam đẳng xứ Tán trị thừa tuyên sứ ty chi ấn
(Nguồn: Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh cung cấp)
 
2. Thời các chúa Nguyễn
2.1. Dấu ấn triện của trấn thủ Quảng Nam thời các chúa Nguyễn được biết cho đến nay là của Nguyễn Phúc Nguyên, trấn thủ Quảng Nam từ năm 1601 đến năm 1613, dấu ấn này được đóng trên các bức thư ngoại giao gửi chính quyền, nhà buôn Nhật Bản trong các năm 1601, 1603, 1605, 1610, 1611… hiện được lưu giữ ở một số bảo tàng Nhật Bản[5]. Trong các bức thư này, Nguyễn Phúc Nguyên xưng là Đại đô thống Thuỵ quốc công hoặc Thuỵ công và đóng dấu đỏ. Dấu ấn này hình vuông, lòng khắc 6 chữ triện xếp thành 3 hàng từ phải sang trái: Trấn thủ tướng quân chi ấn. Ở con dấu này không có 2 chữ Quảng Nam như các con dấu cùng loại sau này. Cũng cần nói thêm là cho đến nay vẫn chưa phát hiện văn bản nào có đóng dấu Trấn thủ này ở trong nước.
3
Ấn Trấn thủ Tướng quân chi ấn
của Nguyễn Phúc Nguyên
 
2.2. Trong một văn bản của xã Minh Hương năm Cảnh Hưng 22 (1761) có đóng 1 dấu vuông lòng khắc 6 chữ triện, xếp thành 3 hàng từ phải sang trái: Khâm sai Quảng Nam cai bộ. Theo hệ thống quan chức đầu đời các chúa Nguyễn, Cai bộ/Cai bạ là 1 trong 3 chức đứng đầu các dinh trấn gồm Trấn thủ, Cai bộ, Ký lục. Cơ cấu, phiên chế, chức trách liên quan để 3 chức quan này được Lê Quý Đôn ghi trong Phủ biên tạp lục như sau: “… Đến như dinh Chiêm ở Quảng Nam thì có quan đóng giữ gọi là dinh Quảng Nam,ở xã Cần Hào, huyện Duy Xuyên, sở thuộc có ty xá sai, câu kê 3 người, cai hợp 7 người, thủ hợp 10 người, lại  viên 40 người, giữ việc từ tụng văn án, do 1 viên ký lục đứng đầu, lại có ty Tướng Thần lại, số người cũng thế, giữ việc cấp lính các xã, cấp các vi tử làm ngụ lộc thu phát tiền sai dư và thóc tô ruộng, do một viên cai bạ đứng đầu[6]. Đây là con dấu của quan Khâm sai Cai bộ Quảng Nam. Nội dung dấu ấn này còn cho biết đây là quan Cai bộ nhưng là Khâm sai thay mặt chúa Nguyễn để xử lý công việc ở Quảng Nam.
 
2
Ấn Khâm sai Quảng Nam cai bộ
 
2.3. Cũng năm Cảnh Hưng 22 (1761) trong một văn bản khác của xã Minh Hương, cuối dòng phê của quan sở tại có đóng dấu vuông, lòng khắc 8 chữ triện, xếp thành 4 hàng từ phải qua trái: Quảng Nam Ký lục nội viện chi chương. Đây là ấn chương của quan Ký lục Quảng Nam. Nội dung dấu ấn cũng cho biết Quảng Nam lúc bấy giờ trực thuộc nội viện (…).
 
1
Ấn Quảng Nam Ký lục nội viện chi chương
 
2.4. Một văn bản năm Cảnh Hưng 25 (1764), cuối dòng phê của quan sở tại đóng dấu vuông, lòng khắc 8 chữ triện xếp thành 4 hàng từ phải sang trái: Quảng Nam Cai bộ nội viện chi chương. Kích thước, cách bố trí nội dung dấu ấn này giống dấu trên, chỉ khác về chức vụ. Đây là dấu ấn của quan Cai bộ Quảng Nam. So sánh con dấu của 2 vị Cai bộ Quảng Nam năm 1761 và 1764 ta thấy có thể đây là dấu ấn của hai người khác nhau, người đầu làm Cai bộ nhưng là Khâm sai của triều đình, còn người sau không phải là Khâm sai.
 
4
Ấn Quảng Nam Cai bộ nội viện chi chương
 
3. Thời Tây Sơn
3.1. Trong một tờ truyền năm Cảnh Hưng 39 (1778) của quan Khâm sai Tham mưu, quan Tiện nghi Phó chiến, quan Tiện nghi Câu kê dinh Quảng Nam có đóng 2 dấu, trong đó 1 dấu vuông lớn, lòng khắc chín chữ triện xếp thành 3 hàng từ phải sang trái: Quảng Nam Khâm sai Tham mưu Trương (?) tín ký. Đây là dấu tín ký quan Khâm sai Tham mưu Quảng Nam của chính quyền Tây Sơn.
 
5
Ấn Quảng Nam Khâm sai Tham mưu Trương tín ký
 
3.2. Một văn bản khác năm Cảnh Hưng 39 (1778) cuối dòng phê đóng dấu vuông, lòng khắc 16 chữ triện xếp thành 3 hàng từ phải qua trái: Tây Sơn Công bộ Trấn thủ Quảng Nam dinh ? ? quan Nguyễn tông hành sự. Đây là dấu hành sự của Trấn thủ Quảng Nam thời Tây Sơn.
 
6

Ấn Tây Sơn Công bộ Trấn thủ Quảng Nam dinh ? ?
Nguyễn tông hành sự
3.3. Trong bản kê khai dân đinh của thôn An Sơn, tổng An Khang Trung, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa năm Quang Trung 5 (1792), cuối bản khai có đóng dấu đỏ lớn, hình vuông, lòng khắc 7 chữ triện từ phải qua trái: Khâm sai Quảng Nam xứ đại duyệt. Đây là dấu của quan Khâm sai phụng mệnh Quang Trung duyệt xét dân số ở các địa phương thuộc xứ Quảng[7] (từ Hải Vân vào đến Bình Định, Phú Yên).
 
7
Ấn Khâm sai Quảng Nam xứ đại duyệt
 
4. Thời Nguyễn
4.1. Một văn bản năm Cảnh Hưng 62 (1801), cuối dòng phê có dấu vuông, lòng khắc 5 chữ triện, xếp 3 hàng từ phải qua trái: Quảng Nam dinh Cai bộ . Đây là dấu quan Cai bộ Quảng Nam của chính quyền Nguyễn Ánh. Dấu ấn cho biết tuy chưa lên ngôi nhưng Nguyễn Ánh đã xếp đặt bộ máy chính quyền ở Quảng Nam.
 
8
Ấn Quảng Nam dinh Cai bộ
 
4.2. Một văn bản năm Gia Long 2 (1803), cuối dòng niên đại đóng dấu vuông, lòng khắc 5 chữ triện, xếp thành 3 hàng từ phải qua trái: Quảng Nam dinh lưu thủ. Đây là dấu quan Lưu thủ Quảng Nam, một chức quan tương tự Trấn thủ các đời trước.
 
9
Ấn Quảng Nam dinh lưu thủ
 
4.3. Một văn bản năm Minh Mạng 9 (1828), cuối dòng niên hiệu đóng dấu vuông, lòng khắc 4 chức triện lớn, xếp thành 2 hàng từ phải sang trái: Quảng Nam trấn ấn. Đây là dấu ấn của trấn Quảng Nam cho biết lúc này vua Minh Mạng đã đổi các dinh thành trấn.
 
10
Ấn Quảng Nam trấn ấn
 
Từ đời Minh Mạng trở về sau, tên gọi đơn vị hành chính và các chức quan liên quan đến Quảng Nam tiếp tục thay đổi từ việc đổi trấn thành tỉnh, chuyển các chức Trấn thủ, Cai bạ, Ký lục thành Tổng đốc, Án sát, Bố chính và có lúc Tổng đốc Quảng Nam kiêm lãnh cả Quảng Ngãi thành Nam Ngãi Tổng đốc… Những dấu ấn triện này xuất hiện ở các văn bản hành chính hiện còn khá nhiều trong dân gian.
 
 

[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa, 1997, tập 2, tr.332 – 333.
 
[2] Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tr.337.
[3] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học Xã hội, 1977, tr.337.
[4] Theo https://vi.wikipedia.org/
[5] Xem The Great Story of Vietnam; Kyushu National Museum; Kyushu Broadcasting C.; Ltd and The Nishi Nippon ShimbunCo. Ltd, xb, 2013.
[6] Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.145.
[7] Tư liệu này đang trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây