Chi bộ Hà Mùi - Chi bộ Đảng đầu tiên ở Hội An

Chủ nhật - 21/03/2021 21:24
Ngày 28/3/1930, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập tại địa điểm Cây Thông Một, xã Cẩm Hà (nay là khối phố Hòa Thanh, phường Tân An, thành phố Hội An). Sau khi thành lập, Tỉnh ủy Quảng Nam đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức huấn luyện và vận động quần chúng tham gia các phong trào đấu tranh để lựa chọn những người ưu tú kết nạp vào Đảng, xây dựng, củng cố các tổ chức của Đảng. Đây là điều kiện góp phần để Chi bộ Đảng của Hội An sớm được thành lập.
cay thong 1
Di tích Cây Thông Một   Ảnh : Phòng Tư Liệu - Thông Tin Di Sản

Từ những hạt giống cách mạng đầu tiên
Sau khi tiếp thu Đường Cách mệnh, ở Quảng Nam - Đà Nẵng các chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (Hội VNCMTN) lần lượt ra đời. Tháng 9/1927, chi bộ Hội VNCMTN ở Đà Nẵng được thành lập do Đỗ Quang làm Bí thư. Cũng thời gian này, ở Đà Nẵng còn có một tổ Hội VNCMTN phát triển trong số cốt cán của Hội ái hữu lái xe miền Trung. Tại Hội An, tháng 10/1927, Chi bộ Hội VNCMTN ở Hội An được thành lập, do đồng chí Phan Thêm (Cao Hồng Lãnh) làm Bí thư.
Sau khi thành lập, Chi bộ Hội VNCMTN Hội An đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhiều thanh niên ở Hội An hiểu, biết về tôn chỉ, mục đích của Hội. Từ đó, Hội đã thu hút nhiều thanh niên tham gia. Chi bộ sinh hoạt đều đặn, mỗi tháng họp hai kỳ, một kỳ thảo luận về công tác, một kỳ báo cáo nghiên cứu các tài liệu như: Điều lệ thanh niên, Cách mạng tháng Mười Nga, đấu tranh giai cấp, Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường Kách mệnh rồi những vấn đề thời sự xảy ra trong nước và trên thế giới. Nhờ các tài liệu cách mạng đó, trình độ hiểu biết của hội viên ngày càng được nâng cao. Để mở rộng quan hệ với quần chúng và đẩy nhanh phong trào cách mạng đi lên, Chi bộ đã chú ý đẩy mạnh phong trào thanh niên bằng việc thành lập đội bóng đá lấy tên là “Ô rô” (tiếng Pháp là Aurore có nghĩa là Rạng đông) thu hút nhiều thanh niên, học sinh, công nhân và những người lao động thủ công tham gia. Qua hoạt động, đội bóng “Ô rô” đã gây được phong trào sôi nổi, rộng rãi ở nội thành và các xã lân cận. Cùng với đó, chi hội cũng thành lập một gánh hát cải lương mang tên “Ô rô”, gồm một số thanh niên, học sinh tiến bộ, tự sáng tác những vở cải lương, hát tuồng nhằm tuyên truyền tinh thần yêu nước. Tiền thu được trong các đêm biểu diễn được dùng chi tiêu cho đội bóng và làm quỹ từ thiện. Chi bộ cũng đã có kế hoạch phát triển tài chính, tạo điều kiện cho các hội viên hoạt động có hiệu quả như tổ chức hiệu sách Vạn Sanh, chủ yếu bán sách vở và đồ dùng học sinh để gây quỹ cho chi bộ và đó còn là nơi in ấn tài liệu, truyền đơn.
Những hoạt động của Chi bộ Hội VNCMTN Hội An đã gây ảnh hưởng tốt, thu hút nhiều thanh niên tham gia hoạt động như Trần Cần, Trần Thi Dư, Huỳnh Lắm, Hà Mùi, Nguyễn Vỹ, Nguyễn Thái... đến đầu năm 1928 có thêm đồng chí Phan Văn Định (đồng chí Phan Văn Định sau này là Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Quảng Nam từ tháng 3 đến tháng 8-1930) hội viên Hội VNCMTN ở Đà Nẵng chuyển về tham gia sinh hoạt. Đầu năm 1929, đồng chí Phan Thêm được Kỳ bộ Hội VNCMTN Trung Kỳ cử đi dự khóa học chính trị do Tổng bộ tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc), đồng chí Trần Văn Tăng được cử làm Bí thư Chi hội. Địa bàn hoạt động không chỉ bó hẹp ở Hội An mà còn vươn tới các phủ Duy Xuyên, Điện Bàn.
Đến Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, không lâu sau, ngày 28/3/1930, tại địa điểm Cây Thông Một, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam chính thức ra đời. Sau khi ra đời, cơ quan Tỉnh ủy đứng chân tại Hội An, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức huấn luyện và vận động quần chúng tham gia các phong trào đấu tranh để lựa chọn những người ưu tú kết nạp vào Đảng, xây dựng, củng cố các tổ chức của Đảng.
Để đẩy mạnh phát triển phong trào cách mạng, Tỉnh ủy mở các lớp huấn luyện ngắn ngày cho quần chúng cảm tình Đảng vào ban đêm tại các địa điểm như bãi cát Xóm mới hay Trường Lệ. Mỗi lớp có từ 5-7 người, các đồng chí Tỉnh ủy viên là những người trực tiếp giảng dạy. Nội dung học tập gồm có: Lịch sử loài người, chủ nghĩa cộng sản, công tác Đảng… Sau lớp học đầu tiên, một số đồng chí đã được kết nạp vào Đảng.
Trên cơ sở đó, tháng 4/1930, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Hội An, gồm 04 đồng chí: Hà Mùi, Nguyễn Vỹ, Huỳnh Lắm và Trần Thị Dư, do đồng chí Hà Mùi làm Bí thư (bí danh Chi bộ Hà Mùi). Chi bộ Hội An được thành lập có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong phong trào cách mạng của nhân dân Hội An theo con đường cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Như vậy, so với các địa phương khác trong tỉnh, Hội An là nơi có chi bộ đảng ra đời sớm nhất.
Sau khi thành lập, Chi bộ được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ tìm một nơi bí mật để Tỉnh ủy làm nơi liên lạc, nơi ở cho cán bộ và in các tài liệu, truyền đơn. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Chi bộ đã tìm và mua ngôi nhà tranh của gia đình ông Nguyễn Gừng - tại xóm Da, ấp Xuân Lâm, Cẩm Phô. Đồng chí Trần Thị Dư được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ liên lạc với phân xứ ủy Trung kỳ ở Đà Nẵng để nhận các mẫu in và phân phát tài liệu, truyền đơn cho các đầu mối cơ sở Đảng ở các phủ huyện trong tỉnh. Đồng thời, Tỉnh ủy chỉ đạo Chi bộ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, thành lập các tổ chức quần chúng của Đảng. Đến giữa năm 1930, ở Hội An đã hình thành các tổ chức: công hội đỏ, phụ nữ giải phóng, cứu tế đỏ... Tổng số quần chúng trong tổ chức có khoảng 40 người. Đặc biệt, chi bộ Hội An có chủ trương tập võ cho các đồng chí đảng viên và quần chúng có cảm tình với Đảng tại bãi cát Trường Lệ để chuẩn bị đối phó với địch trong các cuộc mitting, biểu tình tổ chức theo chủ trương của Tỉnh ủy.
Những ngày đầu thành lập, Tỉnh ủy đã đề ra nhiều chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo phát triển phong trào cách mạng tỉnh nhà. Ngày 1/5/1930, theo kế hoạch của Tỉnh ủy Quảng Nam, chi bộ Hội An đã tổ chức treo cờ Đảng và rải truyền đơn khắp các ngả đường. Việc rải truyền đơn nhân ngày 1/5 đã gây tiếng vang lớn, uy tín của Đảng được lan truyền trong quần chúng. Thực dân Pháp ở Hội An hết sức hoang mang, lo sợ; trong khi đó quần chúng bàn tán nhau về tài “xuất quỷ nhập thần của cộng sản”. Tháng 8/1930 để chia lửa với nhân dân Nghệ - Tĩnh, Tỉnh ủy Quảng Nam chủ trương tổ chức một cuộc diễn thuyết công khai tại ngã ba nhà thờ Tin lành (Hội An), nhưng không thực hiện được. Tỉnh ủy lại quyết định tổ chức một cuộc diễn thuyết tại một địa điểm gần chùa Quảng Triệu (Hội An), nơi gần phố xá, gần bến sông, dễ tập hợp quần chúng. Chi bộ Hội An có trách nhiệm bố trí bảo vệ an ninh trật tự trong cuộc mitting và bảo đảm an toàn cho diễn giả. Đồng chí Trần Kim Bảng được chọn làm diễn giả và phân công 40 đảng viên và quần chúng bảo vệ cuộc diễn thuyết. Đúng 12 giờ trưa ngày 4/8/1930, giữa lúc bọn cảnh sát đổi phiên gác, đồng chí Trần Kim Bảng giả trang như một nông dân tiến đến mục tiêu, nhảy lên một chiếc ghế đá đặt tại đó tay phất cờ, miệng thổi còi hô hào quần chúng tham dự buổi diễn thuyết. Do chuẩn bị trước, quần chúng kéo đến rất đông. Đồng chí Trần Kim Bảng dõng dạc kêu gọi mọi người đứng lên làm cách mạng đánh đổ thực dân, phong kiến và ủng hộ cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh.
Cuộc mitting diễn thuyết ở chùa Quảng Triệu đã gây một tiếng vang lớn. Tin cộng sản hô hào đánh Tây, đánh đổ bọn phong kiến Nam triều lan truyền rất nhanh chóng. Bọn cảnh sát, cảnh binh của địch ráo riết lục soát khắp nơi vẫn không tìm ra manh mối. Tỉnh ủy Quảng Nam đã thông báo tin này ra khắp toàn tỉnh để động viên tinh thần quần chúng dũng cảm đứng lên đấu tranh với kẻ thù. Giữa tháng 10/1930, cơ quan Tỉnh ủy và chi bộ Hội An tập trung in tài liệu, truyền đơn và đặt kế hoạch chuẩn bị sôi nổi để kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga.
Cuối tháng 10/1930, địch phát hiện ra cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam, chúng cho lính bao vây cơ quan Tỉnh ủy ở xóm Da, các đồng chí trong Tỉnh ủy và Chi bộ Hội An đều bị bắt, phong trào cách mạng trong toàn tỉnh bị tổn thất nặng nề.
Tuy số lượng đảng viên ít, lại hoạt động ngay tại trung tâm đầu não của địch, song chi bộ Hội An đã góp phần bảo vệ Cơ quan Tỉnh ủy đứng chân lãnh đạo phong trào cách mạng ở Hội An và trong toàn tỉnh. Mặc dù, thực dân Pháp và tay sai liên tiếp khủng bố, hầu hết cán bộ, đảng viên của chi bộ bị bắt, giam cầm, nhưng những “hạt giống đỏ” mà chi bộ Hội An đã gieo mầm trong các tổ chức quần chúng vẫn tiếp tục đâm chồi, nảy lộc trên quê hương Hội An giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.
 

Tác giả: Lê Năng Đông & Nguyễn Thị Thủy

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây