Mộ tổ tộc Trần Trung ở Cẩm Phô

Thứ hai - 15/03/2021 22:54
Tộc Trần Trung là một trong bốn tộc, cùng với tộc Nguyễn, Lê, Huỳnh đã có công khai phá đất đai, lập nên làng Cẩm Phô xưa, một trong những làng xã được thành lập khá sớm ở Hội An trong lịch sử. “… Tác giả Dương Văn An trong “Ô Châu cận lục” viết vào năm 1553 – thế kỷ XVI đã cho chúng ta biết được tên của hai làng – xã trên mảnh đất Hội An ngày nay có vai trò, vị trí quan trọng và cùng với quy mô của nó đã được nhà nước phong kiến lúc bấy giờ công nhận là làng Hoài Phô và Cẩm Phô. Hẳn là quá trình di dân, lập làng ở đây đã được diễn ra từ lâu rồi” .
IMG 5864
Mộ tổ tộc Trần Trung ở Cẩm Phô       Ảnh: Hoàng Phúc
 
Theo gia phổ phái I tộc Trần Trung và các nguồn tư liệu khác của nhà thờ tộc Trần Trung (hiện đang lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An), thủy tổ của gia tộc là ông Trần Trung Lộc, sinh ra và lớn lên tại Thanh Hóa (khoảng giữa thế kỷ XVII, không rõ năm sinh). Ông được học hành, tham gia binh nghiệp, từng được phong Phó đề đốc lãnh tước Thiêm Lộc hầu, thụy là Thận Cần[1], cùng với thủy tổ các tộc Nguyễn, Lê, Huỳnh đến định cư tại vùng đất này theo phong trào “Nam tiến” của nhà nước phong kiến Đại Việt vào lập nghiệp tại Quảng Nam khoảng cuối thế kỷ XVII. Khi đến Cồn Giữa xứ có sông ngòi nước chảy trường lưu thẳng ra biển cả, trên bờ cây cối xanh tốt (khu vực này thuộc làng Cẩm Phô xưa, thuộc địa phận phường Cẩm Nam ngày nay), các cụ quyết định trụ lại và an cư lập nghiệp[2].    
Trong tư liệu Quảng Nam xã chí do Viện Viễn Đông bác cổ thực hiện năm 1943 – 1944, khi điều tra về “Làng và phường Cẩm Phô” có viết như sau: “Về Tiền hiền thì tộc Trần Trung còn giữ được nhiều giấy mực. Do gia phổ của họ này đời Gia Long đứng khai châu bộ thì ông Trần Trung Lành đứng, mà ông này là cháu 4 đời của ông Trần Trung Lộc. Ông Lộc là Thái thủy của họ Trần Trung có bia tự, có bài vị tại nhà thờ, mộ rất nguy nga.  
Theo tục truyền và gia phổ đối và xét với các họ khác trong làng này thì không ai là còn di chỉ gì nữa. Tuy giấy mực chưa phải là giấy đứng khai trưng lập xã hiệu làng này nhưng có bằng sắc chắc chắn là người có công với nước nhà đến ông cháu bảy đời được đứng châu bộ đối với lời khai Tiền hiền của các họ khác là đồng thời với ông Lành, thế đủ biết là ông Thiêm Lộc Hầu (Trần Trung Lộc) có di tích rõ hơn cả.
Nếu cả làng Cẩm Phô không ai tìm ra giấy má gì nữa thì Tiền hiền làng này không phải là Trần Trung, thì là ai?[3].
Qua đó có thể nhận thấy vai trò, vị trí quan trọng của ông Trần Trung Lộc nói riêng và tộc Trần Trung nói chung trong lịch sử hình thành và phát triển làng Cẩm Phô xưa. Tộc Trần Trung còn có nhiều vị có công tích với xã hội qua các triều đại như: ông Trần Trung Lành có công kiến lập bộ công điền công thổ đầu tiên của xã Cẩm Phô; ông Trần Trung Hóa là người đầu tiên của xã thi đỗ tú tài; ông Trần Trung Tri từng giữ chức chánh tổng tổng Phú Triêm, tham gia phong trào nghĩa hội và trở thành nhân vật quan trọng trong nghĩa quân của cụ Nguyễn Duy Hiệu trên địa bàn Hội An[4]; … Trải qua hàng trăm năm, đến nay tộc Trần Trung không ngừng phát triển lớn mạnh, con cháu định cư ở nhiều nơi trong nước và cả nước ngoài. Các tiền nhân tộc Trần Trung đã tạo dựng ngôi nhà thờ tộc hiện tọa lạc tại khối Xuyên Trung, phường Cẩm Nam, có niên đại trên 100 năm.
Mộ ông Trần Trung Lộc hiện tọa lạc tại khối Xuân Lâm (nằm phía sau nhà số 609 đường Hai Bà Trưng), phường Cẩm Phô, thành phố Hội An. Trên bia mộ có ghi: “Khảo Phó đề lãnh Thiêm Lộc hầu thụy Thận Cần Trần công mộ”. Bia mộ do hiếu nam Trần Trung Lễ lập. Niên đại tạo lập bia mộ là Kỷ Hợi (tạm đoán là năm 1719 vì cụ Trần Trung cụ Trần Trung Lộc sinh vào khoảng giữa thế kỷ XVII). Như vậy, ngôi mộ này đã được tạo dựng cách ngày nay khoảng trên 300 năm.   
Qua thông tin từ một số vị cao niên[5] tộc Trần Trung và tư liệu lưu trữ của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, được biết ngôi mộ trước đây tọa lạc trên một triền đất cao cạnh bàu rau muống, không có dân cư sinh sống. Khi có đường giao thông (đường Hai Bà Trưng ngày nay), người dân các nơi mới bắt đầu ngụ cư tại khu vực này và dựng nhà ở chắn phía trước ngôi mộ. Ngôi mộ trước đây có hình thức, quy mô tương tự như hiện nay nhưng không có đỉnh hương và tường rào bao quanh. Nền mộ láng vữa vôi, chung quanh là nền đất, cỏ dại mọc nhiều. Các hạng mục này được tôn tạo trong lần tu bổ ngôi mộ vào năm 2000. Trong lần tu bổ này, gia tộc cũng tôn tạo kiểu thức bình phong hậu, làm lại bia đá[6], láng lại nền mộ và nền khuôn viên bằng vữa xi măng. Hình thức kiến trúc ngôi mộ được giữ ổn định cho đến ngày nay.
Phía trước ngôi mộ tổ còn có hai ngôi mộ khác của người trong tộc Trần Trung được di dời từ nơi khác về (không rõ năm di dời), nấm mộ hình hộp chữ nhật, nhà bia có mái che, hình thức đơn giản. Trong khu vực này, cạnh ngôi mộ tổ tộc Trần Trung còn có một số ngôi mộ của các tộc khác. Các ngôi mộ này được tạo lập vào khoảng nửa sau thế kỷ XX.               
Ngôi mộ tổ có mặt tiền xoay hướng Tây Nam. Phía trước và các bên đều giáp giới nhà dân. Tổng thể ngôi mộ gồm có: bình phong tiền, quynh (huynh), nhà bia, nấm mộ, bình phong hậu, tường rào bao quanh khuôn viên. Các hạng mục được xây đăng đối.
- Bình phong tiền: xây bằng gạch gồm bốn trụ vuông và một vòng tròn lớn ở chính giữa. Bên trên vòng tròn đắp hình dơi ngậm quả đào, bên dưới đắp hình hoa, lá (không rõ chi tiết đồ án). Chỉ mặt trước bình phong được đắp nổi tạo đồ án trang trí, mặt sau để phẳng. Bình phong trước đây bị hư hại, mất một số chi tiết, đã được tô trát lại bằng vữa xi măng.
- Qua bình phong tiền là đến khoảng sân rộng, nền láng xi măng. Đặt gần kề bình phong là đỉnh hương đúc bằng xi măng, đặt trên bục xi măng tạo kiểu chân quỳ. Mặt trước đắp nổi hình đầu rồng, mặt sau đắp 3 chữ: 福 禄 寿 (Phúc Lộc Thọ), hai bên đắp hình quả phật thủ.
Hai bên sân có hai nấm mộ hình chữ nhật, là mộ của người trong tộc Trần Trung. Tiếp nối khoảng sân này là khoảng sân đệm láng xi măng trước khi bước vào khu vực mộ tổ. Phía trước có lối vào rộng, hai bên có trụ gạch, lan can thấp bằng lục bình xi măng. Tuy nhiên hạng mục này đã bị hư hỏng hoàn toàn, chỉ còn dấu vết hai trụ gạch.
- Nhà bia + bia mộ:
Nhà bia xây gạch thẻ, phía trước có trụ tròn (đôi), phía sau có tường gạch giúp cố định tấm bia và đỡ mái che. Mái xây gạch, tạo dốc, đắp vữa giả ngói âm dương, gồm hai lớp mái, không có con giống trang trí ở bờ nóc, bờ chảy. Bia mộ làm bằng sa thạch màu xám, kích thước: 37cm x 70cm, không có diềm bia, trán bia mà chỉ có gờ chỉ nhỏ ở khung viền. Nội dung văn bia[7]:
+ Nguyên văn chữ Hán:
大 越
己 亥 孟 夏 吉 旦 立
考 副 提 領 添 禄 候 謚 慎 勤 陳 公 墓
孝 南 忠 禮 勤 石
+ Phiên âm:
Đại Việt
Kỷ Hợi mạnh hạ cát đán lập
Khảo Phó đề lãnh Thiêm Lộc hầu thụy Thận Cần Trần công mộ
Hiếu nam Trung Lễ cẩn thạch.
- Nấm mộ: hình yên ngựa, xây bằng vữa vôi. Bao quanh chân nấm có lớp vữa xi măng mỏng. Nền mộ láng xi măng, cốt nền ngang bằng với nền khu vực xung quanh mộ và cao hơn nền sân trước.
- Tay ngai và quynh bao quanh nấm mộ, nhà bia, tạo thành khu vực khép kín. Tay ngai từ tường nhà bia vươn rộng ra hai bên về phía trước mộ tạo hình vòng cung, mặt trước đắp gờ chỉ các đường gãy khúc để trang trí. Điểm cuối tay ngai là trụ gạch đầu trụ hình chóp tứ giác. Quynh bao quanh nấm mộ và nối vào tay ngai hai bên tạo hình bầu dục, xây bằng gạch, gồm hai lớp gờ xây liền nhau.
- Bình phong hậu: nằm về phía cuối khuôn viên, chính giữa là mảng tường gạch, bên trên kiểu cổ lầu và có mái che. Cổ lầu đắp cẩn trang trí 3 chữ: 庚 辰 年 (Canh Thìn niên – tức năm 2000, là năm trùng tu ngôi mộ). Giữa mảng tường có gắn tấm bia bằng cẩm thạch[8].
Hai bên có hai mảng lớn, đắp cẩn hai chữ rất to: 陳 忠 (Trần Trung). Kế tiếp là mảng tường rào xây gạch, đầu tường đắp trang trí “lưỡng long chầu nhật”, hiện một số chi tiết đã bị hư hỏng.
          Cùng với nhà thờ tộc Trần Trung (tọa lạc tại phường Cẩm Nam), ngôi mộ tổ tộc Trần Trung đang được con cháu trong tộc chung tay giữ gìn, bảo quản. Di tích mộ tổ tộc Trần Trung là một công trình tín ngưỡng của tộc họ, thể hiện sự tôn kính của con cháu với ông bà đã khuất, giúp con cháu đời sau tưởng nhớ về nguồn cội của mình. Bên cạnh đó, di tích còn góp phần chứng tỏ vai trò, vị thế quan trọng của tộc Trần Trung trong lịch sử hình thành và phát triển làng Cẩm Phô xưa, góp phần làm phong phú, đa dạng các loại hình di tích kiến trúc ở Hội An.  
* Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Chí Trung (2019), Cư dân Faifo Hội An trong lịch sử, Nxb Đà Nẵng.
2. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An (2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí, Nxb Đà Nẵng.
3. Hồ sơ di tích Nhà thờ tộc Trần Trung – Tài liệu lưu trữ của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An.
 
[1] Tên thụy của ông Trần Trung Lộc được ghi trên bia mộ là “Thận Cần”, trong khi đó tên thụy của ông trên văn bia ở bình phong hậu cũng như ở bình phong nhà thờ tộc Trần Trung, các nguồn tư liệu khác của gia tộc lại ghi là “Cần Thận”. Đây có lẽ là sự nhầm lẫn, sai sót trong việc ghi chép của gia tộc về sau này. Trong báo cáo này, tôi giữ nguyên tên thụy của ông được ghi trong mỗi văn bia cho dù nó có chút nhầm lẫn.
[2] Thông tin được trích lược từ Tiểu sử cụ Thái thủy tổ tộc Trần Trung, tư liệu của tộc Trần Trung lập năm Đinh Sửu (1997).
[3] Trung tâm QLBT DSVH Hội An (2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí, Nxb Đà Nẵng, trang 199.
[4] Thông tin được trích lược từ Tiểu sử cụ Thái thủy tổ tộc Trần Trung, tư liệu đã dẫn.
[5] Ông Trần Trung Dũng (70 tuổi) – Trưởng tộc Trần Trung và ông Trần Trung Thám (66 tuổi) hiện đang trông coi nhà thờ.
[6] Ở mặt sau bình phong tại nhà thờ tộc Trần Trung, phường Cẩm Nam hiện có gắn tấm bia kích thước: 100cm x 165cm. Theo lời kể của vị đại diện gia tộc thì tấm bia này được dời từ ngôi mộ tổ về nhà thờ (không rõ mốc thời gian) nhằm để vào các dịp cúng tế, con cháu trong tộc đọc, biết nguồn gốc của gia tộc. Không rõ chất liệu lập bia, có thể xây bằng gạch, bề mặt tráng một lớp vữa vôi láng mịn và bền chắc. Căn cứ niên đại lập bia (Kỷ Dậu), địa danh quận Hiếu Nhơn, xã Cẩm Phô và chất liệu bia, đoán định bia được lập vào năm 1969. Bia tại bình phong hậu của ngôi mộ hiện nay là bia sao chép lại nguyên văn nội dung từ tấm bia này.
[7] Ký tự, phiên âm chữ Hán do Lê Thị Lưu – Chuyên viên Phòng Tư liệu & Thông tin Di sản thực hiện.
[8] Nội dung văn bia như sau:
+ Nguyên văn chữ Hán:
廣 南 省 好 仁 郡 錦 鋪 社 陳 忠 陳 文 族 本 族
窃 文 風 雲 感 兆 何 者 非 天 江 漢 朝 尊 緿 歸 于 海 河 思 源 古 人 所 興 思 也 我 族 以 東 阿 世 裔 頴 水 清 流
潮 我 太 始 祖 副 提 督 領 添 禄 候 謚 勤 慎 公 清 花 發 跡 地 南 迁 孝 男 陳 忠 礼 世 濟 其 美
黎 朝 顯 尊 皇 帝 景 興 年 間 階 錦 鋪 先 賢 黃 黎 阮 控 長 江 而 立 界 垂 朱 簿 以 銘 名 貽 我 後 人 愿 功 懋 矣 迨 于 今 幾 二 百 年 傳 十 四 世 鄉 賢 科 官 代 有 其 人 非 憑 籍 典 則 而 能 是 乎
若 是 前 哲 栽 培 述 功 德 漳 漳 石 碑 鑒 不 待 贊 揚 為 違 也 若 不 茉 修 恐 垂 後 於 是 族 内 会 齐 同 所 欲 見 義 當 為 不 惜 重 貲 褰 善 事 以 次 己 酉 年 十 一 月 十 四 日 冬 至 修 補 工 竣 成 一 公 墓 之 輪 奠 歌 聚 於 斯 萃  
百 世 之 精 神 憑 依 有 所 三 槐 蔭 下 德 植 王 庭 王 樹 階 前 祥 生 謝 砌 橫 嶺 之 源 渊 自 北 一 帶 猶 存 錦 江 之 天 地 長 春 千 秋 如 在 是 刘 銘 于 石 永 垂 將 來 庶 幾 有 界 作 興 為 根 其 之 後 日
越 南
次 己 酉 年 十 一 月 十 四 日 冬 至 恭 錄
翰 林 院 待 詔 庚 子 科 秀 才 潘 納 齋 奉 撰
本 族 仝 拜 立
+ Phiên âm: 
Quảng Nam tỉnh, Hiếu Nhơn quận, Cẩm Phô xã, Trần Trung, Trần Văn tộc bản tộc.
Thiết văn: Phong vân cảm triệu hà giả phi thiên, giang Hán triều tôn tổng quy vu hải, ẩm hà tư nguyên cổ nhân sở hưng tư dã. Ngã tộc dĩ Đông A thế duệ dĩnh thủy thanh lưu triều ngã Thái thủy tổ Phó đề đốc lãnh Thiêm Lộc hầu thụy Cần Thận công, Thanh Hoa phát tích trạch địa nam thiên, hiếu nam Trần Trung Lễ thế tế kỳ mỹ. Lê triều Hiển Tôn hoàng đế Cảnh Hưng niên gian giai Cẩm Phô tiên hiền Hoàng, Lê, Nguyễn khống Trường Giang nhi lập giới, thừa châu bạ, dĩ minh danh di ngã hậu nhân, nguyện công mậu hỹ đãi vu kim cơ nhị bách niên truyền thập tứ thế hương hiền, khoa quan đại hữu kỳ nhân phi bằng tịch điển tắc nhi năng thị hồ.
Nhược thị tiền triết tài bồi kế thuật công đức chương chương thạch bi giám bất đãi tán dương vi dã, nhược bất mạt trùng tu khủng nan thùy hậu.
Ư thị tộc nội hội tề đồng sở dục kiến nghĩa đương vi bất tích trùng ti khiên thiện cử sự dĩ tuế thứ Kỷ Dậu niên thập nhất nguyệt thập tứ nhật đông chí tu bổ công thuân thành, nhất công mộ chi luân điện ca tụ ư tư tụy bách thế chi tinh thần bằng y hữu sở tam hòe ấm hạ đức thực vương đình vương thụ giai tiền tường sinh tạ thế hoành lĩnh chi nguyên uyên tự bắc nhất đới do tồn Cẩm giang chi thiên địa trường xuân thiên thu như tại thị khắc lạc vu hậu vĩnh thùy tương lai thứ cơ hữu giới tác hưng vi căn kỳ chi hậu nhật.
Việt Nam tuế thứ Kỷ Dậu niên thập nhất nguyệt thập tứ nhật đông chí cung lục.
Hàn Lâm Viện đãi chiếu Canh Tý khoa Tú tài Phan Nạp Trai phụng soạn.
Bản tộc đồng bái lập.
+ Dịch nghĩa (Trích từ “Lý lịch di tích Nhà thờ tộc Trần Trung” do Nguyễn Cường – Chuyên viên P. Quản lý Di sản lập năm 2014):
Tộc Trần Trung, tộc Trần Văn ở xã Cẩm Phô, quận Hiếu Nhơn tỉnh Quảng Nam. Từng nghe: mây mưa từ trời, nước Giang Hán triều tôn đều chảy ra biển, uống nước sông nhớ nguồn, điều đó người xưa đã nghĩ đến. Tộc ta từ thời Đông A (nhà Trần), đến đời Thái thủy tổ ta là Phó đề đốc lãnh tướng Thiêm Lộc hầu, thụy là Cần Thận, ông phát tích là người Thanh Hóa, di cư đến phương Nam, đến đời con là Trần Trung Lễ thì được tốt đẹp, vào năm Cảnh Hưng triều Lê Hiển Tôn hoàng đế cùng với tiền hiền Cẩm Phô là Hoàng, Lê, Nguyễn, theo Trường giang mà lập giới hạn làm địa bạ, để tên tuổi đến đời sau, đến nay đã được vài trăm năm truyền 14 đời, khoa hoạn trong làng cũng có người đỗ đạt làm cao, suy cho cùng đó không phải là từ cái gốc mà ra sao? Như vậy, người trước vun trồng, kẻ sau nối tiếp công đức rộng lớn, không đợi khắc vào bia đá mà tán dương, nếu không trùng tu sợ về sau quên mất.
Do đó, trong tộc hội họp, mong muốn làm điều nghĩa, lấy ngày 14 tháng 11 năm Ất Dậu trùng tu mộ để còn lại đến trăm đời.
Việt Nam ngày 14 tháng 11 năm Kỷ Dậu ghi lại.
Hàn Lâm Viện đãi chiếu, tú tài Phan Nạp Trai khoa Canh Tý soạn, bản tộc cùng lạy lập.

Tác giả: Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây