Mộ tổ tộc Huỳnh Đắc, phường Cẩm Phô

Thứ tư - 03/02/2021 20:56
Khu vực Lâm Sa, Tu Lễ phường Cẩm Phô có nhiều di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị cao về văn hóa, lịch sử, kiến trúc như chùa Viên Giác, Văn chỉ Cẩm Phô, nhà thờ phái nhì tộc Trần Thanh… và một số ngôi mộ cổ như mộ ông Binh bộ Tham tri Trần Ngọc Giao và mộ tổ tộc Huỳnh (Huỳnh Đắc). Ngôi mộ tổ tộc Huỳnh hiện tọa lạc tại số 56/79 đường Hùng Vương, khối Tu Lễ, bao quanh mộ là khu vườn của người dân. Ngôi mộ không có lối vào riêng, muốn tiếp cận ngôi mộ phải đi vào nhà của hộ dân này. Trước đây, trong khuôn viên này, cạnh ngôi mộ tổ tộc Huỳnh còn có một ngôi mộ cổ khác có mặt bằng hình móng ngựa, là mộ của ông họ Trần , hiện đã được di dời đi nơi khác.
huynh dac
Mộ tổ tộc Huỳnh Đắc, Ảnh: Hoàng Phúc
Tộc Huỳnh là một trong bốn tộc, cùng với tộc Nguyễn, Lê, Trần đã có công khai phá đất đai, lập nên làng Cẩm Phô xưa, một trong những làng xã được thành lập khá sớm ở Hội An trong lịch sử. Theo tư liệu Quảng Nam xã chí do Viện Viễn Đông bác cổ thực hiện năm 1943 - 1944, khi viết về làng và phường Cẩm Phô có đoạn: “Về Tiền hiền, làng này lập đã lâu đời lắm rồi nhưng không rõ giấy mực của nhà nào, tộc nào đứng ra khai cơ lập làng này trước tiên. Chỉ còn một ít tờ giấy chứng cứ của những người hương chức các tộc: Huỳnh Đắc, Huỳnh Viết, Nguyễn Viết, Nguyễn Hữu, Lê Chí, Trần Trung, Trần Đắc, Lê Viết, Nguyễn Phước, Trần Thanh, Trương Văn, Phạm Hữu, Ngô Văn, Huỳnh Văn xin việc quan từ đời Cảnh Hưng thứ 30[1] ngày mồng 5 tháng 3. Giấy này làng Cẩm Phô giữ, để tại công quy đình”; “Giấy gây dựng lại chợ Cẩm Phô trước đình bây giờ sau khi giặc Tây Sơn hủy phá ngày 20 tháng 9 nhuận Gia Long 6 (?). (Giấy má này ông Trùm Đào, Huỳnh Đắc Thạnh ký)[2]. Điều đó chứng tỏ tộc Huỳnh Đắc đã chọn làng Cẩm Phô làm chốn an cư lập nghiệp từ rất sớm.  

Qua thời gian, tộc Huỳnh Đắc đã phát triển thành 4 phái, con cháu làm ăn sinh sống ở nhiều nơi nhưng tập trung nhiều nhất ở khu vực Hội An. Các tiền nhân tộc Huỳnh Đắc đã tạo dựng ngôi nhà thờ tộc hiện tọa lạc tại số 46 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Cẩm Phô, có niên đại hơn 100 năm. Do nhiều biến động, các văn tự, tộc phổ bị thất lạc nhiều. Đến nay, gia phả tộc Huỳnh Đắc[3] chỉ còn lưu lại rõ tên, tuổi của 09 đời gần nhất. Theo gia phả, ông tổ Huỳnh Đắc Lợi và bà Nguyễn Thị Nở (tính là đời thứ I) sinh hạ các ông (đời thứ II) là: Huỳnh Đắc Thọ (tổ phái I), Huỳnh Đắc (?) (tổ phái II) và Huỳnh Đắc Khánh (tổ phái III). Sau này có thêm phái IV được tách ra từ phái III. Ông Huỳnh Đắc Thọ có các con trai (đời thứ III) là: Huỳnh Đắc Nhẫn, Huỳnh Đắc Trí, Huỳnh Đắc An, Huỳnh Đắc Tín, trong đó các ông Nhẫn, An, Tín mất từ nhỏ.
huynh dac 1
Mộ tổ tộc Huỳnh Đắc, Ảnh: Hoàng Phúc

Ngôi mộ tổ tộc Huỳnh Đắc có mặt tiền xoay hướng Đông Nam, được xây bằng gạch, đá phiến (sa thạch), tô trát bằng vữa vôi. Dù đã xuống cấp ở nhiều hạng mục nhưng tổng thể công trình vẫn còn khá hoàn chỉnh, quy mô ngôi mộ bề thế, đặc biệt phần bia đá vẫn còn rất rõ nét với chữ khắc chìm và hoa văn trang trí rất đẹp, giàu tính thẩm mỹ. Tổng thể ngôi mộ gồm có: bình phong tiền, tường bao + trụ cổng, quynh (huynh), bao bia + bia mộ, nấm mộ, bình phong hậu, diện tích khoảng 59,76m2. Các hạng mục được xây đăng đối.
- Bình phong tiền: xây bằng gạch thẻ, tô trát bằng vữa vôi nhưng đã bị hư hại, chỉ còn đoạn tường xây gạch dài 2,4m, rộng 0,6m, cao khoảng 0,4m. Qua khảo sát, phần dưới bình phong được tô trát vữa tạo kiểu dáng chân quỳ (dấu vết hiện trạng).
- Qua bình phong tiền là đến khoảng sân rộng trước mộ với tường xây, các trụ xây bằng đá phiến kết hợp gạch thẻ bao bọc xung quanh dày 0,5m. Phía trước có hai trụ cổng tạo lối vào, thân trụ đắp gờ nổi trang trí, đầu trụ thuôn dần tạo hình chóp, tuy nhiên phần trang trí đầu trụ này đã bị bong tróc, hư hại phần lớn. Phần tường bao ở hai bên được tạo hình bình phong, khung viền tô trát vữa vôi tạo hình cuốn thư với kiểu dáng đơn giản; mặt bình phong không trang trí (hoặc trước đây có tô vẽ trang trí, nay bị bong mờ hoàn toàn). Chỉ có các trụ và mặt trong bình phong được tô trát vữa vôi, các mặt ngoài đều được để trần, không tô.
- Quynh bao quanh nấm mộ, kết hợp với bình phong hậu tạo chu vi hình chữ nhật, vát chéo ở 4 góc. Quynh dày 0,56m xây bằng đá phiến, mặt trong và mặt trên được tô trát vữa vôi, đắp gờ chỉ, mặt ngoài không tô. Phía trước bia mộ có hai trụ vuông tạo lối vào, thân trụ đắp vữa tạo gờ chỉ trang trí, đầu trụ gắn hoa sen. Mặt trước thân trụ có dấu vết đắp vẽ các chữ Hán nhưng hiện đã bị bong tróc, không đọc được.
- Bao bia + bia mộ:
Bao bia xây gạch thẻ, tiết diện hình chữ nhật, phía trước tạo hốc lõm để gắn bia. Mặt trên bao bia được vát cong nhẹ, xuôi về phía sau. Mặt trước đắp gờ chỉ, tạo ô hộc gắn mảnh sành sứ, phần trán bao bia đắp nổi đồ án lưỡng long triều dương. Hiện các chi tiết trang trí đã bị bong tróc gần hết. Phía trước bao bia có bệ đá tạo hình chân quỳ.
Bia mộ làm bằng cẩm thạch, kích thước: 0,56m x 0,97m được chạm trổ rất đẹp, các họa tiết trang trí diềm bia chạm nổi (dương văn); kiểu chữ: khải thư, khắc chìm (âm văn). Diềm bia có hình cuốn thư, đoạn trên, dưới chạm hồi văn hình thoi và đường gấp khúc hình chữ S, đoạn giữa trang trí bằng các loại hoa, lá (cúc, sen, mẫu đơn). Diềm trên trang trí hồi văn gấp khúc. Diềm dưới chạm gờ chỉ tạo ô hộc và trang trí 3 loại quả: lựu, đào, phật thủ. Các chi tiết trang trí độc đáo này (cùng với kiến trúc ngôi mộ) phản ánh một số nét đặc trưng về mỹ thuật thời Nguyễn (muộn) ở Hội An. Nội dung văn bia[4]:
+ Nguyên văn chữ Hán:
奠 磐
歲 次 丙 申 孟 夏 月 拾 三 日 申 時
顯 考 錦 江 鄉 望 黃 仁 慈 之 墓
男 得 智 得 儒 得 忍 得 安
女 氏 齡 氏 美
仝 謹 造
+ Phiên âm:
Điện Bàn
Tuế thứ Bính Thân mạnh hạ nguyệt thập tam nhật thân thời
Hiển khảo Cẩm Giang hương vọng Huỳnh Nhân Từ chi mộ
Nam Đắc Trí, Đắc Nhu, Đắc Nhẫn, Đắc An
Nữ Thị Linh, Thị Mỹ
Đồng cẩn tạo.

Qua thông tin lạc khoản trên bia mộ, đối chiếu với gia phả tộc Huỳnh Đắc, chúng tôi thấy rằng tên những người lập bia (Đắc Trí, Đắc Nhẫn, Đắc An) hầu hết là những người thuộc đời thứ III, phái I tộc Huỳnh Đắc. Hiện chưa rõ ông Đắc Nhu (có tên trong văn bia) thuộc phái nào, đời thứ mấy (không tìm thấy tên ông này trong gia phả tộc Huỳnh Đắc). Niên đại tạo lập bia mộ là năm Bính Thân (tương ứng các năm 1836, 1896 và 1956). Qua kiểu thức hoa văn trang trí trên bia mộ, thư phong, chúng tôi đoán định bia được lập thời nhà Nguyễn, khoảng cuối thế kỷ XIX, nên có lẽ là năm 1896. Như vậy, ngôi mộ này đã được tạo dựng cách ngày nay khoảng 125 năm. Căn cứ các cứ liệu trên, chúng tôi tạm đoán người được an táng dưới mộ có thể là ông Huỳnh Đắc Thọ (tổ phái I), do các con đồng cẩn tạo (trên văn bia đề tên những người con của ông Thọ, kể cả những người không may mất sớm). Và có thể có sự nhầm lẫn về tên gọi trong gia phả là Huỳnh Đắc Nhu thay cho Huỳnh Đắc Tín.
- Nấm mộ: thấp, xây bằng gạch thẻ có dạng hình hộp chữ nhật được vát cong nhẹ ở mặt trên. Phần nền liên kết nấm mộ và nhà bia xây cao hơn so với cốt nền mộ.
- Bình phong hậu: xây bằng đá phiến, tô trát vữa vôi (mặt trong). Hiện bình phong bị bong tróc gần như toàn bộ lớp vữa trát. Góc giao giữa quynh và bình phong hậu trang trí khối xây bằng gạch thẻ tạo hình hoa văn gấp khúc chữ S, cách điệu hình rồng với đường nét mềm mại, đẹp mắt. Bệ xây đặt nồi hương tạo dáng hình chân quỳ.

Di tích mộ tổ tộc Huỳnh là một công trình tín ngưỡng của tộc họ, thể hiện sự tôn kính với ông bà đã khuất, giúp con cháu đời sau tưởng nhớ về nguồn cội của mình. Di tích góp phần chứng tỏ vai trò, vị thế quan trọng của tộc Huỳnh Đắc trong lịch sử hình thành và phát triển làng Cẩm Phô xưa, góp phần làm phong phú, đa dạng các loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật ở Hội An. Bên cạnh đó, ngôi mộ tổ tộc Huỳnh còn là nguồn cung cấp thông tin cần thiết cho những nhà nghiên cứu văn hóa tìm hiểu về tập quán tang ma – tống táng của người dân làng Cẩm Phô xưa nói riêng và cư dân Hội An nói chung.
 
[1] Tức khoảng năm 1769.
[2] Trung tâm QLBT DSVH Hội An (2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí, Nxb Đà Nẵng, trang 199 - 200.
[3] Gia phả tộc Huỳnh Đắc – Tư liệu do ông Huỳnh Đắc Tam (đời thứ 7), phụ trách phái I tộc Huỳnh Đắc cung cấp.
[4] Ký tự chữ Hán, phiên âm do Lê Thị Lưu – Chuyên viên P. Lưu trữ & Thông tin Di sản thực hiện.

Tác giả: Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây