Hội An – Cù Lao Chàm trên tuyến thương mại biển Đông thời Đường

Thứ hai - 11/01/2021 02:16
Thời Đường, con đường tơ lụa trên bộ đi qua vùng Trung Á đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển và hưng thịnh của đế chế Đại Đường. Cùng với đó, con đường tơ lụa trên biển kết nối các thương cảng vùng nam Trung Hoa như Quảng Châu, Phúc Kiến với các thương cảng vùng Đông Nam Á, Nam Á và Tây Á ngày càng trở nên quan trọng.
BM CUA DAI Thai Tuan Kiet
Bình minh biển Cửa Đại, Ảnh: Thái Tuấn Kiệt
 
Đặc biệt sau khi tuyến đường tơ lụa trên bộ bị đe dọa và từng bước suy thoái, cùng với đó là sự trỗi dậy của mạng lưới các thương nhân Hồi giáo/Arab đã khiến cho con đường tơ lụa trên biển trở thành tuyến đường giao thương và giao lưu văn hóa chính giữa Trung Hoa với thế giới bên ngoài. Các thương nhân và nhà du hành của cả Trung Hoa và Arab đã ghi chép lại nhiều thông tin quan trọng về các hoạt động sôi nổi đã từng diễn ra trên tuyến đường tơ lụa trên biển này. Với vị trí quan trọng, là bến cuối cùng trước khi các thương thuyền cập bến các cảng vùng Nam Trung Hoa, Hội An và các thương cảng của Champa nắm vai trò quan trọng trong hệ thống thương mại biển Đông thời Đường.

Với sự mở rộng của mạng lưới thương nhân Hồi giáo/Arab trên khắp các vùng biển Á châu, các cư dân cổ Champa đã sớm nhận thấy cơ hội và đã tích cực dự nhập vào mạng lưới giao thương biển khu vực. Các thương cảng của Champa, đặc biệt là các thương cảng ở vùng cửa sông Thu Bồn được ghi nhận bởi cả các thương nhân Trung Hoa và Hồi giáo như là những điểm đến quan trọng trong hành trình thương mại của họ.

Tư liệu Arab sớm nhất về Champa có thể kể tới al-masalik wa’l-mamalik của Ibn Khurdadhibih và Akbar al-Sin wa’l-Hind, cả hai được viết vào khoảng năm 850[1]. Tư liệu thứ nhất mô tả hành trình 3 ngày từ Cambodia (Qmar) tới Champa (Sanf), trước khi dong buồm tới Long Biên (Luqin) ở châu thổ sông Hồng. Thương cảng Champa được sử dụng trong hành trình này có thể là Nha Trang[2]. Tài liệu thứ hai mô tả hành trình 10 ngày từ Kadrang (có thể cũng là Cambodia) tới Sanf, nơi họ lấy nước ngọt. Sau đó họ đi qua Sundur Fulat (đảo Hải Nam) để tới “Gates of China” [Trung Môn?] ở Quảng Châu. Hải trình thứ hai này có thể là đã dừng chân ở Quảng Nam nơi mà đã tìm được nhiều mảnh gốm sứ Islam thế kỷ 9-10 ở Cù Lao Chàm. Cả hai tài liệu đều mô tả sản phẩm chính của Champa là Sanfi (gỗ lô hội/aloes wood), những thứ được tác giả Arab là Ya’qubi vào cuối thế kỷ 9 coi như là loại tốt nhất của gỗ đàn hương, loại có mùi hương đậm nhất và lâu nhất[3].

Những ghi chép cụ thể về tuyến đường biển từ Quảng Châu của Trung Hoa đến các địa điểm của Champa có thể thấy trong Tân Đường Thư. Tân Đường Thư cho biết: “Từ Quảng Châu theo đường biển đi về hướng đông nam hai trăm dặm đến Đồn Môn sơn, cho buồm thuận gió đi theo hướng tây, hai ngày thì đến hòn Cửu Châu [Cửu Châu thạch]. Lại theo hướng nam đi hai ngày đến hòn Tượng [Tượng thạch], lại theo hướng tây nam đi ba ngày thì đến núi Chiêm Bất Lao, núi này ở giữa biển, cách nước Hoàn Vương hai trăm dặm về phía đông…[4]. Cửu Châu Thạch được xác định bởi Pelliot tại phía đông bắc bờ biển đảo Hải Nam, với Tượng Thạch được xác định là tại hòn đảo Tinhosa ở phía nam (Pelliot: 216). Núi Chiêm Bất Lao ở phía đông của Hoàn Vương, không nghi ngờ gì là đảo Cù Lao Chàm ở vùng cửa sông Thu Bồn, và xác định chính xác vị trí của Hoàn Vương như gợi ý ở trên.

Charles Wheeler trong nghiên cứu của mình đã chỉ ra rằng sự phát triển của giao thông biển Á Châu đã tác động sâu sắc tới kinh tế chính trị của các chính thể biển, đặc biệt là đối với Lâm Ấp/Champa[5]. Từ đây, Cù Lao Chàm đã nổi lên như một điểm đến quan trọng của thương mại quốc tế. Tại Cù Lao Chàm hay bờ biển của Lâm Ấp, tàu thuyền có thể dừng chân để tiếp nước sạch, các thương nhân có thể lên bờ thực hiện các trao đổi hàng hóa với cư dân địa phương hay với các thương nhân khác. Từ Cù Lao Chàm và Hội An, các thương thuyền có thể giong buồm đi tới Giao Châu như lộ trình trước đây, hoặc giờ đây có thể đi thẳng tới đảo Hải Nam và từ đó tới Quảng Châu nhờ vào sự phát triển của kỹ thuật hàng hải. Tàu thuyền từ Quảng Châu đi đến vùng Nam Dương giờ đây không cần phải đi men theo bờ biển và vì thế có thể không cần đi qua vùng Giao Châu mà đi thẳng tới Cù Lao Chàm sau khi vượt qua đảo Hải Nam[6]. Sự phát triển của các kỹ thuật hàng hải đã dẫn đến sự thay đổi của các tuyến hải trình (cùng với những thay đổi về nhu cầu của các thị trường lớn, số phận các đế chế lớn, và sự phát triển nội tại của nhiều chính thể ven biển…) đã dẫn tới sự thay đổi vận mệnh của nhiều chính thể ở vùng Đông Nam Á, trong đó đặc biệt là sự suy tàn của Phù Nam và sự trỗi dậy của Lâm Ấp/Champa vào khoảng thế kỷ 6-7. Từ thời điểm này, trong mạng lưới giao thương Á châu xuất hiện những nhân tố mới mà quan trọng nhất là sự phát triển của mạng lưới thương nhân Hồi giáo trải khắp các vùng bờ biển Ấn Độ Dương, và Tây Thái Bình Dương. Cù Lao Chàm và Champa nhanh chóng trở thành một điểm dừng chân quan trọng của các đoàn thương thuyền Arab từ thế kỷ thứ 9.

Sự thiếu vắng của các nguồn tư liệu thư tịch là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc không có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử Hội An thời Champa được công bố. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành khảo cổ học và những kết quả nghiên cứu gần đây của khảo cổ học khu vực Hội An và miền Trung đã góp phần quan trọng vào việc phục dựng lại lịch sử cổ xưa của một trung tâm kinh tế và giao lưu văn hóa quan trọng thời Champa. Ngoài những kết quả nghiên cứu khảo cổ học ở khu vực phố cổ Hội An ngày nay, thì những kết quả nghiên cứu khảo cổ học biển ở Cù Lao Chàm và vùng biển lân cận với hàng ngàn hiện vật gốm sứ thương mại có ý nghĩa quan trọng cho nhận thức của chúng ta về lịch sử Hội An - Cù Lao Chàm thời vương quốc Champa. Các hiện vật gốm sứ Islam đã được tìm thấy tại nhiều địa điểm khảo cổ học như Cù Lao Chàm, Hội An. Bên cạnh đó, các cuộc khai quật tại cụm đảo Cù Lao Chàm với rất nhiều hiện vật có nguồn gốc Tây Á cho thấy rằng đã có một mối liên hệ tương đối thường xuyên và lâu dài giữa cư dân Champa và thương nhân Arab tại vùng biển Hội An.

Địa điểm Trảng Sỏi thuộc phường Thanh Hà (còn có tên gọi khác là Rọc Gốm) qua các cuộc khảo sát và khai quật đã giúp phát lộ các hiện vật thuộc giai đoạn văn hóa Champa (tượng Garuda phong cách Khương Mỹ thế kỷ IX), đồ gốm Islam và gốm Trung Hoa từ các lò Việt Châu (thế kỷ 9)[7]. Địa điểm Hậu Xá I, thuộc phường Thanh Hà qua các cuộc khai quật lần lượt trong năm 1993 và 1994 đã cho thấy tại địa điểm này có hai tầng văn hóa rõ nét, trong đó tầng văn hóa thứ nhất thuộc văn hóa Champa và tầng văn hóa thứ hai thuộc văn hóa Sa Huỳnh. Theo Giáo sư Kikuchi thì với sự xuất hiện của các hiện vật bao gồm đồ đất nung tinh xảo của Champa, đồ gốm sứ Trung Quốc thời Đường, Tống và đồ gốm Islam đã đưa đến nhận định về khoảng niên đại từ thế kỷ 3-4 đến thế kỷ 10-11[8]. Dựa trên tư liệu khảo cổ học, Giáo sư Kikuchi phán đoán vị trí của Lâm Ấp phố đề cập trong Thủy Kinh Chú tọa lạc tại Bàu Đá và Cẩm Hà (nay là phường Thanh Hà)[9]. Địa điểm khảo cổ học Bãi Làng - Cù Lao Chàm đã phát hiện được rất nhiều hiện vật gốm sứ Trung Hoa từ các lò Trường Sa, Việt Châu, Quảng Đông và các hiện vật gốm sứ, thủy tinh có nguồn gốc Tây Á[10].

Những năm gần đây trên vùng biển Quảng Nam - Quảng Ngãi nói riêng và vùng biển Đông của Việt Nam nói chung đã phát hiện (chủ yếu bởi các ngư dân) nhiều dấu vết tàu đắm cổ cùng với các hiện vật gốm sứ thương mại có giá trị làm minh chứng cho sự sầm uất của tuyến đường tơ lụa trên biển kết nối Trung Hoa với Đông Nam Á, Nam Á và Tây Á qua biển Đông. Trên vùng biển Quảng Nam - Quảng Ngãi, ba con tàu đắm được phát hiện và khai quật trong thời gian gần đây là tàu đắm Cù Lao Chàm (ngoài khơi Hội An), tàu đắm Châu Tân 1 và tàu đắm Bình Châu (đều ở ven biển Bình Châu, tỉnh Quảng Ngãi). Ngoài ra, các cuộc khảo sát của các nhà nghiên cứu còn cho biết rằng có nhiều tàu đắm còn nằm dưới vùng biển này chờ các nhà khảo cổ khai quật và nghiên cứu.
                 
(Trích từ bài viết Hội An trong mạng lưới hải thương quốc tế thời kỳ
vương quốc Champa của tác giả Đỗ Trường Giang – Hoàng Anh Tuấn)
 

[1] Tibbetts,G.R., 1979. A Study of the Arabic Texts containing material on Southeast Asia, Royal Asiatic Society, Oriental Translation Fund, New Series Volume XLIV, leiden and London: E.J.Brill. :25-9
[2] William Southworth, “Coastal States of Champa”, p.228
[3] William Southworth, “Coastal States of Champa”, p.228
[4] Tân Đường thư, quyển 43 hạ, Chí 33 hạ, Địa lý 7 hạ. Bản THTC cuốn 4, tr.1153, dẫn theo Phạm Hoàng Quân, “Những ghi chép liên quan đến biển Đông Việt Nam trong chính sử Trung Quốc”
[6] Charles Wheeler. Cross-cultural trade and trans-regional networks in the port of Hoi An. p.121
[7] Seiichi Kikuchi. Nghiên cứu Đô thị cổ Hội An từ quan điểm Khảo cổ học Lịch sử, NXB Thế Giới, 2010, p.73
[8] Seiichi Kikuchi. Nghiên cứu Đô thị cổ Hội An từ quan điểm Khảo cổ học Lịch sử, NXB Thế Giới, 2010, p.72
[9] Seiichi Kikuchi. Nghiên cứu Đô thị cổ Hội An, p.81
[10] Lâm Mỹ Dung và Hoàng Anh Tuấn, “Địa điểm Bãi Làng qua tư liệu và kết quả nghiên cứu khảo cổ học”. Tạp chí Khảo cổ học, 2001, 4

Tác giả: Đỗ Trường Giang - Hoàng Anh Tuấn

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây